BAOTAYNINH.VN trên Google News

Phòng chống dịch cúm A/H1N1: Có làm mới biết

Cập nhật ngày: 17/10/2009 - 06:06

Chưa khi nào ngành Y tế Tây Ninh phải đối mặt với những khó khăn, vất vả trong công tác phòng chống bệnh tật như hiện nay. Sự lây lan nhanh chóng của dịch cúm A/H1N1 trong vòng hai tháng qua đã gần như vắt hết sức cán bộ nhân viên y tế. Nhân lực thiếu, một cán bộ gần như kiêm nhiệm rất nhiều việc. Dịch bùng nổ ở nơi nào, nhân viên y tế ở địa phương đó hầu như bỏ cả việc nhà để ăn, ngủ cùng dịch cúm. Những gì chúng tôi ghi nhận được tại hai ổ dịch cúm A/H1N1 ở hai huyện Tân Châu và Châu Thành trong vòng hai tuần qua vẫn không đủ để phản ánh sự vất vả mà những cán bộ y tế phải gánh vác khi dịch bệnh hoành hành…

Những tình huống điên đầu

Chiều tối 21.9, Trường THPT Tân Đông điện báo có nhiều học sinh đang sốt cao, nghi ngờ mắc cúm. Dù đã hết giờ làm việc, lại không  phải ca trực nhưng khi được tin báo, bác sĩ Hà Thị Xuân Thuỷ- PGĐ Trung tâm Y tế Tân Châu đã kịp thời có mặt tại trường để chỉ đạo và hướng dẫn cán bộ y tế làm công tác khám sàng lọc và lấy mẫu xét nghiệm. Các trường hợp nghi ngờ mắc cúm đều được chuyển về Phòng khám đa khoa khu vực Tân Đông để theo dõi điều trị. Đến lúc này, công tác thu dung học sinh nghi nhiễm cúm mới thật sự khó khăn.

Sau khi bệnh nhân đã ổn định tại các khu vực cách ly, các nhân viên y tế lại phải đối mặt với cả núi hồ sơ bệnh án.

Giờ học đã tan, học sinh phần lớn túa ra về, không thể kiểm soát nổi. Có những em có triệu chứng sốt,  nhưng vẫn lẻn vào đám bạn để về nhà. Vất vả ổn định tình hình, kêu gọi khản cả tiếng, cuối cùng các chị mới thu dung được gần 40 trường hợp. Trong 40 trường hợp này đã có 4 em có kết quả dương tính với cúm A/H1N1, vì vậy những em có biểu hiện nghi ngờ mắc cúm cần được cách ly điều trị triệu chứng. Nhưng “mệt nhất là cách ly học trò em ạ. Đủ thứ trò phá phách, đùa giỡn của tuổi mới lớn được đem ra, mấy chị cũng chào thua, không rầy la gì được…”, một cán bộ y tế tại phòng khám than thở.

Lời nhận xét của chị chắc cũng không có gì quá đáng khi chúng tôi trực tiếp đến thăm khu vực cách ly. Thời điểm đó đã có  43 em học sinh đang được cách ly. Khu vực cách ly có giăng dây đỏ, có biển cảnh báo nguy hiểm. Do không đủ giường nằm nên các em phải ngủ tạm trên ghế bố. Ban ngày nhắc ghế bố ra sân nằm, chờ bạn bè đi ngang “í ới” một tiếng là các em sáp lại hàng rào “tám” chuyện với bạn. Khẩu trang thì khi mang khi không, hoặc có mang nhưng lại để… dưới cằm. Cơm đem vào có em chê không ngon, không ăn. Nhân viên y tế vừa khám bệnh, vừa… năn nỉ, dỗ dành,  kể cả rầy la đối với các cô cậu quá ư ngang ngạnh.

Sau THPT Tân Đông, lại tới học sinh Trường tiểu học Nguyễn Viết Xuân mắc cúm. Hai trường hợp dương tính, 34 trường hợp nghi ngờ. Và trong vòng chưa đầy tuần lễ, số ca mắc tăng nhanh đáng kể. Sau khám sàng lọc, 62 trường hợp được yêu cầu nhập viện. Phụ huynh nhốn nháo ở sân trường. Có người thừa lúc nhân viên y tế không để ý đã dẫn con… trốn. Có người chất vấn, con họ bình thường, có bệnh tật gì đâu mà đem đi “nhốt”? Ban đầu, nghe người nhà phản ứng với thái độ hung hăng như thế, nhiều nhân viên y tế phát hoảng. Có khi đã đưa được bé lên xe, gia đình bé sấn tới giành con lại. Những hành động thiếu hiểu biết như thế không phải là hiếm. Nên ngoài công tác chuyên môn, các y bác sĩ còn phải chịu khó giải thích, có khi phải khản cổ họng đến vài ba tiếng đồng hồ mới “đả thông tư tưởng” cho các bậc phụ huynh.

Sau Tân Châu, các trường học ở Châu Thành cũng bùng phát cúm A/H1N1. Bác sĩ Lê Văn Ngoi- Trung tâm Y tế Châu Thành cho biết: Kỷ niệm làm anh nhớ nhất chính là việc một phụ huynh sấn tới chỗ anh đang khám bệnh để… bắt đền, vì con bà “bị đưa đi bệnh viện”. Bà nói, con của bà là “con vàng con ngọc”, ở nhà ăn cơm còn phải đút cho ăn, vào bệnh viện thì lấy ai mà lo cho cháu. “Nó có bề gì là chú biết tui”! Bà mẹ ra về, phán một câu như thế sau khi các bác sĩ cương quyết chuyển bệnh nhân về Trung tâm Y tế để theo dõi và điều trị.  

Bác sĩ Võ Thị Ngọc Trinh- Trưởng Khoa nhiễm- Trung tâm Y tế Châu Thành thở dài khi nghe hỏi thăm về tình hình cách ly học sinh ở đây. Chị bảo: “nhất quỷ nhì ma, thứ ba học trò”, nhưng ma quỷ phá thế nào chị không biết, chứ còn học trò phá phách thì chị đã chứng kiến rồi. Trên 100 học sinh các trường cấp I, cấp II của huyện nhập viện điều trị với đủ lứa tuổi. Đứa thì nhõng nhẽo đòi có mẹ đi cùng, đứa thì ăn cơm với trứng gà chứ không ăn thịt, có đứa không ăn cơm mà chỉ ăn thức ăn v.v… “Tụi chị thành bảo mẫu hết rồi em ạ!”- bác sĩ Trinh nói vui.

Bên trong khu cách ly, các cô cậu học trò nghịch phá không chịu nổi. Có đứa bẻ cong cả thanh sắt trên giường bệnh, hoặc bẻ gãy cả thanh giường rồi chia phe múa kiếm. Tiếng chạy giỡn, la hét ồn ào… Lúc chúng tôi tiếp cận khu cách ly, anh bảo vệ Trung tâm Y tế đang phải xách búa vào để phá cửa phòng, vì có một nhóm học sinh chơi giỡn thế nào mà làm hỏng cả ổ khoá, không mở được.

Rất cần sự cảm thông

Lúc bệnh nhân tạm ổn, cũng chính là lúc các cán bộ y tế phải đối đầu với cả chồng hồ sơ bệnh án lên đến vài trăm cái. Ban ngày vừa khám bệnh vừa ghi chép. Có lúc không kịp, các chị phải thức đến 3 giờ sáng để làm hồ sơ. Chị Nguyễn Thị Vân, Trưởng phòng khám đa khoa khu vực Tân Đông tâm sự: hầu hết nhân viên y tế của phòng khám đều là nữ, nhưng vẫn phải túc trực 24/24 ở phòng khám khi dịch cúm xảy ra. Hết ca trực cũng chẳng có ai về nhà, vì bệnh nhân quá đông, một vài người không thể quản lý nổi. “Đi chống dịch riết mà con nhỏ ở nhà quên mất mặt mẹ nó đấy, em có tin không?”- chị Nguyễn Thị Thoa, nữ hộ sinh của Phòng khám nói. Con chị Thoa mới được 6 tháng tuổi. Công việc quá tải đã khiến chị không thể rời bỏ vị trí của mình, đành đem con nhờ chị gái chăm sóc hộ. Gần một tuần lễ, đêm nào công việc tạm ổn cũng đã gần 12 giờ đêm. Khi đó, chị Thoa và một vài chị ở phòng khám mới tranh thủ chạy về nhà. Con của chị Thoa được mẹ bế thì khóc ngất lên, không chịu!

“Con không nhìn mặt, còn chồng là… xém giận luôn đó”- một nhân viên y tế góp lời. Chị bảo, mấy ngày đầu, chồng chị đã mặt nặng mày nhẹ, vì công việc nhà đổ hết cho anh, đã vậy mà đến khuya lơ khuya lắc chị mới về. “Được cái, ổng cũng nghe người ta nói bệnh dịch tùm lum, ở phòng khám không đủ chỗ phải dời qua cả trường học khám bệnh, nên sau đó ổng hổng còn trách tui nữa”- chị cười tươi rói.

Bác sĩ Nguyễn Thị Vân cũng chung tâm trạng. Con chị cũng chỉ mới tròn 13 tháng tuổi. Gửi mẫu giáo không được vì chưa đến tuổi, bỏ ở nhà cũng không xong, chị đành gửi cháu ở nhà trẻ tư nhân. Có hôm, đến giờ rước cháu mà chị vẫn còn loay hoay với công việc. Đến lúc nhớ ra, chạy đến nhà trẻ, thấy con ngồi thui thủi một mình mà xót cả ruột. “Vất vả, khó khăn gì thì cũng là nhiệm vụ của nhân viên y tế chúng tôi khi xảy ra dịch bệnh. Nhưng nếu xã hội có được sự thông cảm và hỗ trợ chúng tôi trong công tác phòng chống bệnh thì đáng quý biết bao”- bác sĩ Vân chia sẻ.

Có thể nói, trong công tác phòng chống dịch cúm hiện nay, nhân viên y tế là người chịu áp lực rất nặng nề. Đảm bảo thu dung đúng, đầy đủ, không bỏ sót người bệnh, đồng thời còn phải điều trị thật tốt, giảm thiểu những biến chứng có thể xảy ra cho bệnh nhân. Ngoài công tác chuyên môn, họ còn chịu nhiều áp lực do sự thiếu thông cảm từ phía người dân như: chống đối, không chịu nhập viện điều trị khi có bệnh, đòi hỏi phục vụ quá mức… Ít người hiểu được trong những ngày xảy ra dịch, nhân viên y tế ăn tối lúc 12 giờ đêm và đi ngủ khi đã qua ngày mới. Tất cả chỉ vì trách nhiệm và lương tâm của người thầy thuốc!

YÊN KHUÊ