Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Đại hội Đảng Báo chí Cách Mạng Việt Nam
Tư tưởng Hồ Chí Minh Đại hội Đảng Báo chí Cách Mạng Việt Nam
Phòng chống dịch heo tai xanh: Cần hơn 63 tỷ đồng
Thứ năm: 06:01 ngày 16/09/2010

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Dịch bệnh đã có dấu hiệu thuyên giảm ở nhiều địa phương trong tỉnh. Tính đến ngày 13.9, Tây Ninh có 28/95 xã, phường, thị trấn không phát sinh thêm heo bệnh.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thảo (giữa) chủ trì cuộc họp.

(BTNO) - Tính đến ngày 13.9, toàn tỉnh có 59.271 con heo bệnh, số heo chết và tiêu huỷ là 27.405 con (chiếm tỷ lệ 11,67% tổng đàn heo của tỉnh). Đây là thông tin do ông Nguyễn Văn Mấy- Chi cục Trưởng Chi cục Thú y Tây Ninh cho biết chiều 16.9 tại cuộc họp Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm tỉnh nhằm đánh giá công tác phòng, chống dịch bệnh heo tai xanh trong thời gian qua do Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thảo chủ trì.

Theo ông Mấy, trong những ngày qua, dịch bệnh đã có dấu hiệu thuyên giảm ở nhiều địa phương trong tỉnh. Tính đến ngày 13.9, Tây Ninh có 28/95 xã, phường, thị trấn không phát sinh thêm heo bệnh (Châu Thành 3 xã, Tân Biên 3 xã, Gò Dầu 2 xã, Hoà Thành 2, Tân Châu 4, Bến Cầu 7, Dương Minh Châu 3, Thị xã 3, Trảng Bàng 1 xã).

Theo báo cáo của BCĐ tỉnh, từ khi phát hiện dịch bệnh (ngày 7.8.2010) đến nay UBND các huyện, Thị xã đã khẩn trương thực hiện các biện pháp ngăn chặn, xử lý ổ dịch như: chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn thành lập đội xung kích phòng, chống dịch (gồm dân quân tự vệ, thanh niên, cán bộ thú y) để tiêu huỷ gia súc bệnh, vệ sinh tiêu độc khử trùng, giám sát người ra vào ổ dịch, trực gác tại các chốt kiểm dịch động vật; UBND các xã chỉ đạo trưởng ấp, trưởng ban thú y xã trực tiếp kiểm tra, nắm chắc ngay số lượng heo hiện có, số heo bệnh, heo chết ở địa phương để kịp thời tiêu huỷ, giám sát chặt dịch bệnh; UBND các huyện, Thị xã đã thành lập đội liên ngành tăng cường kiểm soát trên các trục đường giao thông, kiểm tra phương tiện vận chuyển động vật, các lò giết mổ, nơi bán thịt heo; UBND các xã, phường, thị trấn đã triển khai các biện pháp xử lý ổ dịch như khoanh vùng dịch; cấm vận chuyển heo bệnh, sản phẩm chưa qua chế biến có nguồn gốc từ heo; lập chốt kiểm dịch động vật tạm thời, đặt biển báo nơi có dịch tai xanh và hạn chế người không liên quan ra vào vùng dịch; kiểm tra các cơ sở chăn nuôi trong vùng dịch, vùng bị dịch uy hiếp; lập danh sách thống kê các hộ chăn nuôi, các trại heo để giám sát; kịp thời tiêu huỷ heo bệnh nặng, heo chết; trạm Thú y các huyện, Thị xã phối hợp với UBND các xã, phường, thị trấn thực hiện vệ sinh tiêu độc sát trùng cơ sở chăn nuôi trên địa bàn; đối với hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, phun thuốc sát trùng miễn phí từ 1 đến 2 tuần/lần; cán bộ thú y hướng dẫn các trại nuôi tập trung tự phun theo định kỳ; kiểm tra chặt chẽ gia súc nhập từ ngoài vào tỉnh.

Tuy nhiên, BCĐ tỉnh đánh giá, vẫn còn một số UBND xã còn lơ là đến công tác chống dịch, khoán trắng công việc cho trạm thú y thực hiện; chưa thực hiện kiện toàn BCĐ phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm cấp xã. Các xã có quyết định thành lập BCĐ nhiều nhưng người trực tiếp tham gia chống dịch thì rất ít dẫn đến tình trạng chỉ tiêu huỷ heo bệnh, chết là chính không có hướng dẫn thực hiện các biện pháp chống dịch khác. Tình trạng dịch bệnh phát sinh rộng nên việc xử lý rất khó khăn, mất nhiều thời gian để khống chế dịch. Dịch bệnh ở một số xã tại huyện Tân Biên, Châu Thành vẫn đang diễn biến phức tạp, chưa có dấu hiệu suy giảm.

Lãnh đạo huyện Tân Biên phát biểu tại cuộc họp

BCĐ tỉnh yêu cầu, trong thời gian tới, các địa phương phối hợp với các ngành, các cấp tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền; hướng dẫn người dân áp dụng các biện pháp an toàn sinh học trong chăn nuôi như tích cực chăm sóc vật nuôi, giữ vệ sinh chuồng trại, thường xuyên tiêu độc sát trùng; tạm thời ngừng tăng đàn, giảm mật độ đàn heo cho đến khi UBND tỉnh công bố hết dịch bệnh heo tai xanh trong tỉnh; triển khai nhanh công tác tiêm phòng đợt 2 năm 2010, rà soát tiêm phòng bổ sung các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm như dịch tả, phó thương hàn, tụ huyết trùng trên đàn heo; tăng cường kiểm soát hoạt động vận chuyển heo trên các địa bàn nông thôn, các cơ sở giết mổ, nơi bán thịt heo; kiên quyết tiêu huỷ không hỗ trợ đối với heo, sản phẩm từ heo bị bệnh, heo chết, heo vận chuyển ra ngoài từ vùng dịch, heo không rõ nguồn gốc, không có giấy kiểm dịch.

Tại cuộc họp, nhiều đại biểu có ý kiến đề nghị BCĐ tỉnh cấp kinh phí để các địa phương hỗ trợ người nuôi heo bị thiệt hại do dịch bệnh tai xanh gây ra; chủ động đề ra các giải pháp tích cực, khả thi để hỗ trợ người dân sau khi hết dịch bệnh, tạo điều kiện cho người dân tái chăn nuôi, phát triển trở lại đàn heo, ổn định cuộc sống.

BCĐ cũng đã lấy ý kiến các thành viên, các ngành chức năng, UBND các huyện, Thị xã đóng góp Dự thảo tờ trình xin cấp kinh phí phòng, chống dịch heo tai xanh. Theo tờ trình này, BCĐ đề nghị tỉnh chi ngân sách trên 63,1 tỷ đồng cấp cho hoạt động phòng, chống dịch bệnh heo tai xanh, hỗ trợ người chăn nuôi theo mức đã công bố (25.000 đồng/kg heo hơi).

Đ. Hoàng Thái

 

 

Từ khóa:
Tin cùng chuyên mục