Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Phòng, chống dịch ở khu công nghiệp: Không chủ quan
Thứ sáu: 00:38 ngày 16/07/2021

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Ban Quản lý Khu kinh tế kịp thời triển khai các văn bản của UBND tỉnh, các sở, ngành liên quan về công tác phòng, chống dịch cho các doanh nghiệp; tiếp nhận thông tin và kịp thời phản hồi, hướng dẫn doanh nghiệp khi có những vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện…

Nhân viên Công ty cổ phần dệt may đầu tư thương mại Thành Công (KCN Trảng Bàng) rửa tay sát khuẩn trước khi vào nhà máy (Ảnh minh hoạ).

Tổng số lao động làm việc tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế cửa khẩu trên địa bàn tỉnh có khoảng 130.500 người và 3.155 lao động nước ngoài. Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, công tác phòng, chống dịch ở các khu công nghiệp (KCN) là vô cùng quan trọng.

Ban Quản lý Khu kinh tế kịp thời triển khai các văn bản của UBND tỉnh, các sở, ngành liên quan về công tác phòng, chống dịch cho các doanh nghiệp; tiếp nhận thông tin và kịp thời phản hồi, hướng dẫn doanh nghiệp khi có những vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện, như: việc tổ chức khai báo y tế đối với doanh nghiệp có đông công nhân, khai báo qua mã QR, đánh giá nguy cơ dịch bệnh bằng phần mềm, giãn cách trong nhà ăn…

Chủ động phòng, chống dịch

KCN Thành Thành Công (thị xã Trảng Bàng) hiện có 49 doanh nghiệp hoạt động với tổng số 20.221 lao động, trong đó: lao động từ các huyện thuộc tỉnh Tây Ninh là 6.449 người; riêng thị xã Trảng Bàng 5.874 người, Long An 5.400 người, Củ Chi (TP. Hồ Chí Minh) 250 người; lao động từ các tỉnh khác 1.758 người; lao động người nước ngoài 490 người.

Thời gian qua, KCN tăng cường tuyên truyền cho người lao động việc các biện pháp phòng, chống dịch; liên lạc thường xuyên với các doanh nghiệp trong KCN nhằm giải đáp, hướng dẫn thực hiện công tác phòng, chống dịch; trang bị đầy đủ trang thiết bị, nhu yếu phẩm, sẵn sàng tiếp nhận các trường hợp cách ly nếu có yêu cầu.

Công ty TNHH YOUNG IL Việt Nam (KCN Thành Thành Công) có tổng số 1.149 lao động, trong đó, lao động cư ngụ tại Tây Ninh là 725 người, chiếm 63% (lao động thường trú tại Tây Ninh là 360 người); tỉnh Long An có 366 người, chiếm 31%; khu vực Củ Chi, TP. Hồ Chí Minh có 55 người.

Hiện tại, công ty hoạt động một ca hành chính và một vài bộ phận làm ca đêm. Ðể bảo đảm khoảng cách an toàn, công ty chia ra 2 khung giờ làm việc: từ 6 giờ 30 phút - 15 giờ 30 phút có khoảng 220 người; từ 7 giờ 30 - 16 giờ 30 phút có khoảng 800 người; ca đêm từ 19 giờ 30 - 4 giờ 30 phút có 130 người.

Ðại diện công ty cho biết, đơn vị duy trì việc cấp khẩu trang y tế cho toàn bộ người lao động từ tháng 2.2020 đến nay. Mỗi ngày, khi vào ca, ra ca, công ty sắp xếp đội ngũ bảo vệ nội bộ xịt khử khuẩn, đo thân nhiệt cho toàn bộ nhân viên, người lao động và khách hàng đến liên hệ.

Từ tháng 6.2021, công ty phát kính chống giọt bắn cho tất cả nhân viên, người lao động và yêu cầu mang suốt trong quá trình làm việc cho đến khi ra về. Bên cạnh đó, thường xuyên tuyên truyền, nhắc nhở nhân viên, người lao động đề cao ý thức phòng, chống dịch bệnh thông qua các bảng thông báo, qua kênh liên lạc bằng Zalo với các thành viên của trung đội tự vệ, với các tổ trưởng để nhắc nhở người lao động tại khu vực làm việc. Thực hiện việc khai báo y tế thường xuyên cho toàn bộ nhân viên, người lao động, khách hàng đến công ty qua tờ khai y tế và Bluezone.

Diện tích nhà ăn của công ty khoảng 1.000m2, quy mô 450 người. Công ty chia các giờ ăn: 10 giờ, 10 giờ 15 phút, 10 giờ 30 phút, 10 giờ 45 phút, 11 giờ, 11 giờ 30 phút; mỗi giờ ăn dưới 200 người, chỉ ngồi một hướng, khoảng cách 2 người trên 1,5m, có vách ngăn bằng mica từng chỗ ngồi.

Hằng ngày, công ty cho phun khử khuẩn các nhà vệ sinh, nhà ăn, nhà xe công nhân viên, phòng bảo vệ; mỗi tuần 2 lần, phun khử khuẩn toàn bộ nhà máy, nhà kho và khuôn viên công ty. Ngoài ra, công ty có khu vực cách ly tạm thời đối với trường hợp nghi ngờ dịch tễ, tách biệt với các khu vực nhà xưởng khác.

Ðại diện Công ty TNHH RITAR POWER Việt Nam cho biết, công ty đã thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh, thành phần gồm đại diện lãnh đạo công ty, nhân viên y tế, công đoàn cơ sở và tất cả các trưởng phòng, ban; thành lập 33 tổ an toàn Covid-19, một trong những nhiệm vụ của tổ trưởng là hằng ngày phải đánh giá an toàn Covid-19 trong khu vực làm việc của mình, điền thông tin vào phiếu đánh giá an toàn Covid-19 và nộp cho bộ phận nhân sự để lưu hồ sơ.

Công ty còn xây dựng một số tình huống và phương án xử lý khi phát hiện người lao động làm việc trong công ty nhiễm hoặc nghi nhiễm Covid-19; xây dựng chính sách cho người lao động trong thời gian cách ly theo yêu cầu của ngành Y tế, như trả lương cho người lao động bị cách ly theo mức lương cơ bản được ghi trong hợp đồng lao động.

Bên cạnh đó, công ty đo thân nhiệt cho tất cả nhân viên, người lao động, yêu cầu cài đặt ứng dụng Bluezone, khai báo y tế hằng ngày và quét mã QR trước khi vào xưởng làm việc; yêu cầu công nhân tuân thủ thông điệp 5K của Bộ Y tế; hằng ngày, khử khuẩn toàn bộ nhà máy bằng hoá chất Cloramine B. Ðối với nhà ăn, công ty bố trí cho công nhân ăn giữa ca lệch giờ, mỗi ca không quá 300 người; lắp đặt vách ngăn trên các bàn ăn; thường xuyên vệ sinh, khử khuẩn khu vực nhà ăn.

Linh hoạt trong thực hiện các giải pháp, bảo đảm nguyên tắc chống dịch

Trên địa bàn tỉnh hiện có 6 KCN với tổng diện tích khoảng 4.000 ha, trong đó, KCN Phước Ðông (huyện Gò Dầu) là 2.200 ha, số lao động đang làm việc tại KCN này trên 50.000 người. Theo đại diện Công ty cổ phần đầu tư Sài Gòn - VRG, bên cạnh việc thực hiện nghiêm những chủ trương, kế hoạch của tỉnh, huyện về công tác phòng, chống dịch, KCN Phước Ðông còn thành lập một tổ y tế cộng đồng; lập kênh thông tin giữa lãnh đạo KCN với lãnh đạo, bộ phận nhân sự, sản xuất của các công ty để chủ động sàng lọc từ xa.

Ngoài số lượng lớn lao động, KCN Phước Ðông còn có lưu lượng xe vận tải hàng hoá mỗi ngày rất đông, ngày cao điểm, lượng xe ra vào KCN trên 600 xe, ngày thấp khoảng 380 xe. Do đó, KCN yêu cầu tài xế hạn chế xuống xe đến mức thấp nhất khi vào KCN, trừ trường hợp kỹ thuật, còn lại phải niêm phong cabin. Ðại diện KCN cho biết, trong quá trình thực hiện các giải pháp, KCN sẽ cố gắng linh hoạt để giải quyết các tình huống, nhưng trên nguyên tắc bảo đảm an toàn phòng, chống dịch.

Ðối với lao động ngoài tỉnh, KCN Phước Ðông có khoảng 2.400 người, trong đó, tỉnh Long An có 650.000 người. Hiện KCN có 3 phương án để người lao động lựa chọn: thứ nhất, ở lại ký túc xá, công ty sẽ lo ăn uống, ngủ nghỉ; thứ hai, đi về trong ngày, 3 ngày lấy mẫu một lần, chi phí khoảng 328.000 đồng, các công ty sẽ chi trả; thứ ba, nếu người lao động không đi làm thì xin nghỉ không lương.

Công ty TNHH Gain Lucky Việt Nam, một doanh nghiệp trong KCN Phước Ðông có khoảng 17.000 nhân viên Việt Nam và 560 nhân viên nước ngoài. Từ khi phát sinh dịch Covid-19, công ty luôn chấp hành những quy định chống dịch của Chính phủ, thực hiện biện pháp khử trùng, yêu cầu công nhân đeo khẩu trang.

Trong tình hình dịch nghiêm trọng, công ty sẽ cấp phát đồ bảo hộ lao động, khẩu trang chống dịch cho công nhân, tuân thủ đầy đủ các quy định 5K, khử khuẩn, ngoài ra, cử thêm nhiều tổ giám sát an toàn phòng, chống dịch trong nhà máy.

Hằng ngày, công ty đều đo thân nhiệt cho nhân viên, nếu phát hiện nhân viên có thân nhiệt cao, sốt sẽ yêu cầu nhân viên về để kiểm tra y tế, khai báo y tế. Ðại diện công ty này cho biết đã bố trí khu cách ly tạm thời có sức chứa từ 4.000 - 5.000 công nhân, trong trường hợp số lượng người cách ly tăng, có thể tăng sức chứa lên 6.000 người.

Theo Công ty Hailide Việt Nam (KCN Phước Ðông), doanh nghiệp có tổng số 685 công nhân, trong đó có 652 công nhân Việt Nam và 33 lao động nước ngoài. Từ tháng 1.2021, công ty tổ chức đo thân nhiệt, bắt buộc toàn bộ nhân viên công ty đeo khẩu trang khi vào nơi làm việc.

Từ tháng 5, công ty tăng cường thêm các biện pháp khai báo sức khoẻ trên ứng dụng Bluezone cho tất cả công nhân trước khi vào nhà xưởng. Bên cạnh đó, công ty còn tìm hiểu nơi ở, tạm trú của công nhân để phục vụ công tác điều tra; nếu có khu vực nguy hiểm, khu vực có ca F1, dựa vào những địa chỉ đó để cho công nhân cách ly tại nhà.

Từ ngày 28.6, công ty thực hiện phương án quản lý khép kín, nơi ở là tại toà nhà văn phòng, nơi làm việc tại xưởng kéo sợi của công ty. Hiện có khoảng 400 nhân viên ở và làm việc tại đây. Cụ thể: công ty chia làm 2 khu vực vòng trong và vòng ngoài.

Vòng trong bao gồm toà nhà văn phòng và xưởng kéo sợi, giữa hai khu vực được chắn bằng hàng rào B40 để phân chia ranh giới. Nhân viên vòng trong và vòng ngoài sẽ không có bất kỳ sự tiếp xúc nào. Những nhân viên làm việc ở khu vực vòng ngoài chủ yếu hỗ trợ vận chuyển hàng hoá đến khu vực trung gian.

Trước khi cho nhân viên bước vào vòng khép kín, công ty test nhanh tất cả nhân viên, kết quả âm tính mới được vào trong. Ngày 8.7 vừa qua, công ty đã test nhanh lần thứ hai cho 219 người, ngày 9.7 tiếp tục test nhanh cho 180 người.

Về điều kiện sinh hoạt, công nhân có thể sắp xếp ở trong phòng họp, phòng giải trí, phòng ngủ của chuyên gia. Mỗi người có một bộ đồ dùng sinh hoạt cá nhân gồm lều, chiếu, tấm cách nhiệt, bàn chải đánh răng, móc quần áo, khăn tắm, xà bông tắm, xà bông giặt.

Mỗi nhân viên được trợ cấp 100.000 đồng mỗi ngày. Theo đại diện doanh nghiệp, chi phí thực hiện đến nay của phương án này khoảng 1 tỷ đồng, dự toán mỗi tháng chi phí từ 2 - 2,5 tỷ đồng. Tuy nhiên, công ty băn khoăn, việc thực hiện phương án này trong thời gian lâu dài sẽ gây ảnh hưởng tâm sinh lý của người lao động, do đó, phía doanh nghiệp mong tỉnh có phương án, chính sách để hỗ trợ.

Các doanh nghiệp đề xuất thực hiện test nhanh cho tất cả người lao động đang làm việc, nhưng do nguồn kit test rất hạn chế, khó tìm nên cần sự hỗ trợ của cơ quan Nhà nước. Doanh nghiệp đề nghị đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine phòng Covid-19 cho người lao động. Ngoài ra, doanh nghiệp đề nghị tỉnh có chỉ đạo cụ thể về hành lang pháp lý cho công ty hoạt động sản xuất kinh doanh tại chỗ.

Không chủ quan

Vừa qua, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Võ Ðức Trong cùng lãnh đạo các sở, ban ngành liên quan đã làm việc với các KCN về công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh đánh giá cao việc các KCN, doanh nghiệp trong KCN đã triển khai và thực hiện một cách nghiêm túc, trách nhiệm công tác phòng, chống dịch.

Tình hình dịch bệnh diễn biến ngày càng phức tạp, các doanh nghiệp phải quan tâm thực hiện tốt các biện pháp phòng dịch; Ban Quản lý Khu kinh tế, công ty hạ tầng phối hợp với địa phương thường xuyên kiểm tra, giám sát việc thực hiện của các doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn mình.

Ðối với kiến nghị của doanh nghiệp về vấn đề sản xuất khép kín, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Võ Ðức Trong cho rằng: đây là yêu cầu rất quan trọng để ổn định sản xuất, có các tiêu chí mà các ngành chức năng phải nghiên cứu như: phải có phương án ăn, ở, nghỉ ngơi, bảo đảm phòng cháy chữa cháy, an ninh trật tự; phải xem quy mô của công ty, điều kiện cơ sở vật chất, đặc biệt là nhà xưởng có đáp ứng các tiêu chí, bảo đảm an toàn cho công nhân trong thời gian cách ly; công nhân phải có xét nghiệm âm tính; chủ lao động phải thoả thuận với công nhân về việc thực hiện các biện pháp phòng dịch; đây là mô hình mà các ngành chức năng cần phải nghiên cứu vì đã có doanh nghiệp thực hiện thí điểm, đề nghị Ban Quản lý Khu kinh tế tham mưu, đưa ra các tiêu chí, có kiến nghị để tỉnh cho chủ trương.

Về vấn đề test nhanh xác nhận cho công nhân, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Võ Ðức Trong chỉ đạo ngành Y tế nghiên cứu và có giải pháp hỗ trợ cho doanh nghiệp, cơ sở y tế tư nhân chưa hình thành kịp thì cần đơn vị công lập hỗ trợ, đặc biệt là các trung tâm y tế huyện- thậm chí là trạm y tế xã.

Ðể giải quyết vấn đề này, ông Nguyễn Văn Cường- Phó Giám đốc phụ trách Sở Y tế cho biết, ngành Y tế sẽ cho lực lượng y tế nhà nước, cụ thể là nhân viên trạm y tế xã vào KCN hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện test và xác nhận kết quả cho công nhân.

Trúc Ly - Tấn Hưng

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục