Pháp luật   Tư vấn pháp luật

BAOTAYNINH.VN trên Google News

Phòng, chống tác hại của thuốc lá

Cập nhật ngày: 07/06/2021 - 00:39

BTN - Hỏi: Xin Quý báo cho biết, tình hình sử dụng thuốc lá hiện nay ở Việt Nam và tác hại của việc sử dụng thuốc lá như thế nào? Việc sử dụng thuốc lá điện tử có hại hay không? Việt Nam đã có các quy định pháp luật gì để phòng, chống tác hại của thuốc lá? Người có hành vi vi phạm về phòng, chống tác hại của thuốc lá thì bị xử lý như thế nào?

Ðáp:

Theo Tổ chức Y tế thế giới, thuốc lá là nguyên nhân chính gây ra các ca tử vong trên toàn thế giới và nó cũng là nguyên nhân hàng đầu gây ra các bệnh về phổi trên thế giới hiện nay, điển hình là ung thư phổi và bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính.

Ở Việt Nam, các bệnh liên quan đến thuốc lá là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu, khoảng 40.000 ca tử vong mỗi năm, tức là hơn 100 người chết vì thuốc lá mỗi ngày. Nếu không có can thiệp khẩn cấp, ước tính số tử vong do các bệnh liên quan đến thuốc lá mỗi năm sẽ tăng lên thành 70.000 người vào năm 2030.

Hiện nay, nhiều người tin rằng thuốc lá điện tử là sản phẩm thay thế an toàn cho thuốc lá truyền thống, nhưng việc sử dụng thuốc lá điện tử đang là mối nguy hiểm lớn đối với sức khoẻ cộng đồng. Bởi vì, thuốc lá điện tử có thể gây tổn thương phổi. Thuốc lá điện tử có chứa nicotine, đây là một chất gây nghiện tương tự như heroin và cocaine, càng sử dụng nhiều thì não và cơ thể của chúng ta sẽ càng quen với việc có nicotine, từ đó, càng khó bỏ thuốc lá điện tử. Bên cạnh đó, việc tiếp xúc lâu ngày với khói thuốc lá điện tử có thể ảnh hưởng đến sự phát triển não bộ ở lứa tuổi thanh thiếu niên, thậm chí gây tổn thương bào thai, tăng nguy cơ đẻ non, hội chứng đột tử ở trẻ…

Trong những năm qua, công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá ở nước ta đã mang lại nhiều kết quả tích cực, nhất là sau khi nước ta phê chuẩn thực hiện Công ước Khung về kiểm soát thuốc lá của Tổ chức Y tế thế giới cũng như hoàn thiện các quy định pháp luật về phòng, chống tác hại của thuốc lá. Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá năm 2012, được sửa đổi, bổ sung năm 2018 quy định về trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, địa phương trong phòng, chống tác hại của thuốc lá; quyền và nghĩa vụ của công dân trong phòng, chống tác hại của thuốc lá; các hành vi bị nghiêm cấm… Theo đó, cơ quan, tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống tác hại của thuốc lá thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật; cá nhân vi phạm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.

Bỏ thuốc lá đã trở thành một phong trào rộng rãi trên thế giới, dù là nước phát triển hay nước đang phát triển cũng đều quan tâm tới vấn đề này. Ðể thúc đẩy phong trào bỏ thuốc lá, thế giới đã chọn ngày 31.5 hằng năm làm “Ngày thế giới không hút thuốc lá” với mục đích cảnh báo những nguy cơ sức khoẻ liên quan đến sử dụng thuốc lá và ủng hộ các chính sách hiệu quả để giảm sử dụng thuốc lá.

Ðể góp phần phòng, chống tác hại của thuốc lá, nhất là hưởng ứng Ngày Thế giới không hút thuốc lá 31.5 và Tuần lễ Quốc gia không thuốc lá năm 2021 (từ ngày 25 đến ngày 31.5.2021), người dân cần nâng cao ý thức, trách nhiệm của bản thân, mỗi người hãy từ bỏ thuốc lá để bảo vệ sức khoẻ của chính mình, của gia đình mình và những người xung quanh. Ðồng thời, tích cực tuyên truyền về tác hại của thuốc lá nhằm góp phần loại bỏ thói quen hút thuốc trong nhân dân, tiến tới một xã hội khoẻ mạnh với một môi trường sống trong lành không khói thuốc lá.

LG. Anh Tuyết