Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực từ gốc
Thứ sáu: 01:04 ngày 14/01/2022

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (PCTN,TC) trên địa bàn tỉnh được các cấp uỷ, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng ngừa.

Hệ thống camera công nghệ AI (trí tuệ nhân tạo) giúp nhận diện vi phạm giao thông và góp phần phòng ngừa tiêu cực trong việc xử lý vi phạm giao thông. (Ảnh chụp tại Trung tâm Giám sát, điều hành KT-XH tập trung tỉnh)

 “Không chỉ đấu tranh phòng, chống tham nhũng trong lĩnh vực kinh tế mà quan trọng hơn phải chống tiêu cực trong cả lĩnh vực tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống. Hai cái này có liên quan đến nhau, sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống thì mới dẫn đến tham nhũng, đây mới là cái gốc, cái cơ bản cần phải chống” (trích phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực).

Tập trung xử lý những vụ án tham nhũng dư luận quan tâm

Công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (PCTN,TC) trên địa bàn tỉnh được các cấp uỷ, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng ngừa. Phát hiện, xử lý nghiêm các vụ việc, vụ án tham nhũng xảy ra trên địa bàn, nhất là các sai phạm liên quan đến công tác phòng, chống dịch Covid-19 được dư luận xã hội quan tâm.

Vừa qua, khi cả hệ thống chính trị đang tập trung cho công tác phòng, chống dịch, một số cán bộ đảng viên, công chức, viên chức lại lợi dụng chức trách, nhiệm vụ để trục lợi hoặc buông lỏng quản lý gây thất thoát tài sản của Nhà nước.

Điển hình như vụ án tham ô tài sản xảy ra tại UBND xã Tân Bình, huyện Tân Biên liên quan đến việc chiếm đoạt kinh phí hỗ trợ lực lượng trực phòng, chống dịch Covid-19. Qua điều tra, Công an huyện Tân Biên xác định ông Phạm Đình Lập- Chỉ huy trưởng Ban CHQS xã Tân Bình chiếm đoạt số tiền 79 triệu đồng. Hiện lực lượng chức năng đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can Phạm Đình Lập về tội “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản” và một số người liên quan, trong đó có cả lãnh đạo UBND xã.

Còn tại Trung tâm Y tế huyện Châu Thành, trong năm 2020, với chức vụ Giám đốc Trung tâm, ông Nguyễn Văn Tuấn chỉ đạo Trưởng Phòng Tài chính - Kế hoạch Nguyễn Hoàng Hải kê khống và chiếm đoạt số tiền chế độ của các nhân viên tham gia phòng, chống dịch Covid-19. Hành vi này đã gây thiệt hại ngân sách Nhà nước trên 570 triệu đồng.

Vụ việc được phát hiện thông qua kênh tiếp nhận đơn tố giác tội phạm ngày 5.4.2021. Ngày 21.6, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam ông Tuấn và Hải về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong thi hành công vụ”.

 Đây là một vài vụ án xảy ra trên địa bàn tỉnh đã và đang được các cơ quan chức năng đẩy nhanh tiến độ điều tra, làm rõ hành vi tham nhũng, xử lý theo quy định của pháp luật, góp phần giáo dục, phòng ngừa, răn đe vi phạm, tạo sự đồng thuận xã hội.

Theo báo cáo của UBND tỉnh, trong năm 2021 (số liệu từ 1.11.2020 đến 31.10.2021) đã phát hiện, khởi tố 11 vụ tham nhũng thông qua nhiều kênh như công tác kiểm tra, tự kiểm tra; thanh tra, kiểm toán; giải quyết khiếu nại, tố cáo, phản ánh, kiến nghị; công tác điều tra, tiếp nhận tố giác tội phạm...

Tổng số tiền, tài sản tham nhũng phát hiện trên 4,2 tỷ đồng (tăng gần 2,4 tỷ đồng so cùng kỳ); thu hồi tài sản tham nhũng đạt trên 4,3 tỷ đồng, tăng gần 2,5 tỷ đồng so cùng kỳ. Toàn tỉnh xử lý 1 vụ/1 lãnh đạo về trách nhiệm người đứng đầu để xảy ra tham nhũng; 3 vụ/6 lãnh đạo sau đó tiếp tục bị xử lý hình sự về trách nhiệm để xảy ra tham nhũng tại cơ quan.

Tăng cường các biện pháp phòng ngừa

Thực tế cho thấy, hành vi tham nhũng của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức, đảng viên là quá trình biến đổi từ tư tưởng chính trị, nhân cách, đạo đức, tác phong, lề lối làm việc, nhu cầu hưởng thụ từ tích cực sang tiêu cực.

Những biểu hiện tiêu cực, tham nhũng từ lâu đã được nhận diện rõ trong các quy định, kỷ luật của Đảng và pháp luật của Nhà nước. Đơn cử, Quy định 37-QĐ/TW mới được Trung ương ban hành nêu rất cụ thể về các hành vi, hành động, những việc mà đảng viên không được làm.

Điều 11 - “Vi phạm đạo đức công vụ, bao che, báo cáo sai sự thật khi thực hiện nhiệm vụ; thiếu trách nhiệm để cơ quan, đơn vị, địa phương, cá nhân do mình trực tiếp quản lý xảy ra tình trạng mất đoàn kết, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực và các vi phạm khác.

Không báo cáo, không xử lý các hành vi tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; can thiệp, tác động để vợ (chồng), con, bố, mẹ, anh, chị, em ruột mình, bên vợ (chồng) và người khác lợi dụng chức vụ, vị trí công tác của mình để trục lợi…”; Điều 15- “Tặng, nhận quà dưới mọi hình thức để tác động đến tổ chức, người có trách nhiệm dẫn đến việc quyết định sai, có lợi ích riêng cho bản thân hoặc cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp”; Điều 16- “Không thực hành tiết kiệm, để xảy ra thất thoát, lãng phí trong việc quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công; mua sắm, quản lý, sử dụng tài sản công trái quy định”...

Tại hội nghị tổng kết năm 2021 và triển khai nhiệm vụ công tác Nội chính năm 2022 vừa qua, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ Phạm Hùng Thái nhấn mạnh chủ trương của Đảng, Nhà nước là PCTN,TC từ gốc, gắn với phòng, chống các biểu hiện suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống.

Trong công tác PCTN,TC thì phòng ngừa là hết sức quan trọng. Mỗi cơ quan, đơn vị phải tăng cường công tác tự kiểm tra, giám sát nội bộ một cách thường xuyên- hằng tháng, hằng quý, nhất là trong công tác quản lý tài chính; nâng cao trách nhiệm người đứng đầu.

Trên thực tế đã có những bài học “xương máu” do người đứng đầu buông lỏng quản lý, không tự kiểm tra, giám sát nội bộ thường xuyên dẫn đến xảy ra những vi phạm, tham nhũng trong cơ quan, đơn vị và bị liên đới trách nhiệm, thậm chí bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Một trong những giải pháp phòng ngừa được Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ Phạm Hùng Thái lưu ý đó là thực hiện đúng quy định của pháp luật về chuyển đổi vị trí việc làm, nhất là những vị trí dễ phát sinh tiêu cực, tham nhũng; đẩy mạnh cải cách hành chính (CCHC), ứng dụng công nghệ thông tin nhằm minh bạch, công khai các quy trình, thủ tục giúp ngăn chặn các điều kiện để tham nhũng, tiêu cực.

Ảnh minh hoạ

Kế hoạch PCTN,TC năm 2022 của UBND tỉnh xác định việc công khai, minh bạch trong tổ chức và hoạt động là khâu quan trọng nhất trong công tác phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực nói riêng, công tác PCTN,TC nói chung.

UBND tỉnh yêu cầu các cơ quan, địa phương thực hiện công khai, minh bạch về tổ chức và hoạt động theo đúng nguyên tắc, nội dung, hình thức theo Điều 10 Luật Phòng, chống tham nhũng và các văn bản hướng dẫn công khai theo ngành, lĩnh vực của các sở, ban, ngành; cung cấp thông tin, giải trình khi có yêu cầu theo quy định.

Về tiêu chuẩn, định mức, chế độ các cơ quan, đơn vị, địa phương rà soát, xây dựng hoặc sửa đổi, bổ sung đúng quy định, sát thực tế, nhất là các lĩnh vực xây dựng, tài chính, mua sắm trang thiết bị chuyên ngành; kịp thời kiểm tra, thanh tra và xử lý vi phạm pháp luật về định mức, tiêu chuẩn, chế độ.

Tỉnh cũng xây dựng kế hoạch chuyển đổi vị trí công tác năm 2022 ngay từ đầu năm, trong đó, cụ thể hoá các trường hợp dự kiến chuyển đổi trong năm và tổ chức thực hiện đúng quy định. Công tác CCHC, ứng dụng khoa học công nghệ vào quản lý, thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt và trả lương, thu nhập qua tài khoản đã đạt được những kết quả khá nổi bật trong những năm gần đây, năm 2022 sẽ tiếp tục đẩy mạnh.

Tỉnh tiếp tục duy trì các kênh hỏi - đáp, phản ánh trực tuyến qua tổng đài 1022, app Tây Ninh Smart, đường dây nóng, hộp thư điện tử, đặc biệt phát huy hiệu quả Trung tâm Giám sát, điều hành kinh tế - xã hội tập trung tỉnh. Ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin sẽ từng bước làm cho hoạt động của các cơ quan Nhà nước càng ngày càng công khai, minh bạch, góp phần tích cực trong việc phòng ngừa và hạn chế tham nhũng, tiêu cực.

Phương Thuý

Một trong những giải pháp phòng ngừa được Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ Phạm Hùng Thái lưu ý đó là thực hiện đúng quy định của pháp luật về chuyển đổi vị trí việc làm, nhất là những vị trí dễ phát sinh tiêu cực, tham nhũng; đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin nhằm minh bạch, công khai các quy trình, thủ tục giúp ngăn chặn các điều kiện để tham nhũng, tiêu cực.

Tin cùng chuyên mục
Ý kiến bạn đọc
Báo Tây Ninh