Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Phòng, chống thiên tai năm 2024: Chủ động để hạn chế thấp nhất thiệt hại
Thứ bảy: 05:15 ngày 15/06/2024

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Hàng năm, bắt đầu vào mùa mưa lũ, các địa phương trên địa bàn tỉnh đều có kế hoạch chủ động ứng phó nhằm hạn chế thấp nhất những thiệt hại do thiên tai gây ra, nhất là những nơi thường xuyên chịu ảnh hưởng của thiên tai.

Bảo đảm lực lượng, phương tiện ứng phó khi xảy ra thiên tai

Ngày 20.3, UBND tỉnh ban hành kế hoạch 834/KH-UBND kế hoạch công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn 2024. Ngoài phân công trách nhiệm cụ thể cho các sở, ngành, UBND tỉnh còn giao UBND cấp huyện phải chủ động trong công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn vào mùa mưa lũ năm nay.

Theo đó, UBND tỉnh giao các huyện, thị xã, thành phố ban hành kế hoạch phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2024; kiện toàn ban chỉ huy phòng thủ dân sự, phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PTDS, PCTT&TKCN); rà soát, điều chỉnh, bổ sung kế hoạch phòng chống thiên tai giai đoạn 2021-2025, phương án ứng phó theo cấp độ rủi ro thiên tai trên địa bàn cấp huyện phù hợp với tình hình thực tế địa phương; chủ động mua sắm trang thiết bị, cơ sở vật chất, nâng cao năng lực Ban chỉ huy, Văn phòng thường trực Ban chỉ huy PTDS, PCTT&TKCN cấp huyện;

Tăng cường kế hoạch chuẩn bị phòng chống thiên tai; kiểm tra an toàn các công trình hạ tầng thuỷ lợi, đê điều… trước mùa mưa bão; thường xuyên kiểm tra, cập nhật kịp thời số hộ, số dân tại các khu vực có nguy cơ ảnh hưởng do thiên tai; tổ chức nạo vét công trình thuỷ lợi, dự trữ hàng hoá, nhu yếu phẩm thiết yếu cho vùng xảy ra thiên tai.

UBND cấp huyện chỉ đạo UBND cấp xã kiện toàn lực lượng xung kích, chuẩn bị phương tiện, trang thiết bị, vật tư sẵn sàng tham gia ứng cứu khi có tình huống thiên tai xảy ra; kiểm tra đánh giá mức độ thiệt hại do thiên tai gây ra, bố trí kinh phí hỗ trợ thiệt hại; báo cáo kết quả trợ giúp xã hội đột xuất, hỗ trợ khắc phục thiệt hại do thiên tai trong sản xuất nông nghiệp về Ban chỉ huy PTDS-PCTT&TKCN tỉnh tổng hợp, báo cáo trung ương theo định kỳ.

Suối Nước Đục khi vào mùa mưa do lượng nước thượng nguồn đổ về gây ngập úng cho nhiều khu dân cư tại xã Tân Đông, huyện Tân Châu.

Kế hoạch của UBND tỉnh cũng yêu cầu UBND cấp huyện chỉ đạo UBND cấp xã thực hiện đề án “Nâng cao nhận thức cộng đồng và quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng đến năm 2030” trên địa bàn tỉnh; thường xuyên thông tin, truyền thông về thiên tai, các biện pháp chằng chống, gia cố nhà cửa, xây dựng nhà an toàn để ứng phó với thiên tai; chủ động kiểm tra, hướng dẫn công tác phòng chống thiên tai gắn với thực hiện tiêu chí đảm bảo yêu cầu chủ động "4 tại chỗ" trong chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.

Theo chu kỳ, vào khoảng tháng 7, tháng 8, nước từ thượng nguồn đổ về gây ngập úng khu vực xã Tân Đông (ấp Đông Tiến và Đông Thành) với khoảng 100 hộ dân bị ảnh hưởng, khoảng 200ha đất nông nghiệp ngập nước. Mùa mưa lũ năm 2023, có khu dân cư tại xã Tân Đông ngập nặng hơn 1m, lực lượng chức năng phải hỗ trợ di dời người dân, tài sản.

Ông Liêu Hồng Phong – Phó Chủ tịch UBND xã Tân Đông kiến nghị cơ quan chức năng sớm triển khai thực hiện dự án nạo vét suối Nước Đục, để người dân không còn lo lắng chuyện ngập cục bộ vào mùa mưa hàng năm.

Vùng hạ lưu ven sông Sài Gòn cần theo dõi thông tin điều tiết lũ hồ Dầu Tiếng

Chi nhánh Dầu Tiếng – Phước Hoà (Công ty TNHH MTV khai thác thuỷ lợi Miền Nam) cho biết, theo Trung tâm dự báo khí tượng thuỷ văn quốc gia, mùa mưa năm nay bắt đầu vào nửa cuối tháng 5, tháng 6, tổng lượng mưa phổ biến xấp xỉ so với trung bình nhiều năm. Tuy nhiên dự báo vào tháng 7 và tháng 8.2024, tổng lượng mưa cao hơn từ 5%-20% so với trung bình nhiều năm. Từ tháng 9 đến tháng 11.2024, tổng lượng mưa phổ biến cao hơn từ 5%-30% trung bình nhiều năm. Trong đó, cần lưu ý thời gian tập trung lũ chính vụ vào tháng 9, tháng 10 và các trường hợp hồ đã tích đầy nước vào khoảng thời gian sau ngày 20.11.

Ngập úng nặng khu dân cư tại xã Tân Đông, huyện Tân Châu vào tháng 8.2023.

Để bảo đảm an toàn công trình, Công ty TNHH MTV khai thác thuỷ lợi Miền Nam đã xây dựng kế hoạch vận hành hồ Dầu Tiếng mùa lũ năm 2024; tổ chức kiểm tra vận hành thử máy móc, thiết bị; phối hợp với Trung tâm Chính sách và kỹ thuật thuỷ lợi (Cục Thuỷ lợi) kiểm tra, đánh giá hiện trạng các hạng mục công trình, đập, hồ chứa nước, hệ thống quan trắc mặt nước, quan trắc mưa, quan trắc thấm trên hệ thống thuỷ lợi Dầu Tiếng – Phước Hoà.

Công ty tiến hành rà soát, đề xuất mua bổ sung vật tư cần thiết phục vụ công tác phòng chống thiên tai, kiện toàn lực lượng xung kích, ban kỹ thuật phòng chống thiên tai của công ty rà soát, trình Bộ NN&PTNT kiện toàn Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn hệ thống thuỷ lợi Dầu Tiếng – Phước Hoà. 

Ông Nguyễn Văn Lanh- Phó Giám đốc chi nhánh Dầu Tiếng – Phước Hoà cho biết, hiện nay bắt đầu bước vào mùa lũ, ngoài công tác vận hành cấp nước phục vụ sản xuất, công ty còn phải làm nhiệm vụ tích nước và điều tiết lũ. Bước vào mùa lũ, diện tích đất trong vùng ngập thường xuyên từ cao trình 24,4m trở xuống sẽ dần bị ngập. Công ty khuyến cáo người dân thường xuyên theo dõi diễn biến mực nước hồ để có kế hoạch sản xuất và thu hoạch sản phẩm cây trồng hợp lý, không để cây trồng bị ngập hoặc chưa kịp thu hoạch khi mực nước hồ tăng cao, hạn chế thấp nhất thiệt hại có thể xảy ra.

Người dân cũng cần có biện pháp chủ động phòng tránh, neo đậu tàu thuyền khi có mưa bão để bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản khi có các hoạt động sản xuất, đánh bắt trong vùng lòng hồ.

Riêng đối với vùng hạ lưu ven sông Sài Gòn, người dân cần có kế hoạch thu hoạch nông sản, bố trí cây trồng, vật nuôi hợp lý, nắm bắt kịp thời thông tin vận hành, điều tiết lũ của công ty để có kế hoạch sản xuất, phòng tránh ảnh hưởng khi gặp tổ hợp bất lợi về thời tiết (mưa lớn, triều cường và xả lũ hồ Dầu Tiếng).

Các địa phương chủ động phòng chống thiên tai theo phương án được duyệt; phối hợp với công ty để triển khai ứng phó thiên tai và phương án khẩn cấp, ứng cứu sự cố giờ đầu theo phương châm “4 tại chỗ, 3 sẵn sàng”.

Tấn Hưng

Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục