Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Thời gian qua, tình hình tội phạm xâm hại trẻ em và tội phạm vi phạm pháp luật liên quan đến người dưới 18 tuổi còn diễn biến phức tạp. Ðể hạn chế hành vi vi phạm trên, ngoài nỗ lực của các ngành chức năng, chính quyền địa phương, cần sự chung tay từ phía gia đình, bảo đảm trẻ được sống và phát triển trong môi trường an toàn, lành mạnh.
Học sinh tích cực tham gia các hoạt động tập thể, nâng cao kỹ năng sống.
Tội phạm xâm hại tình dục trẻ em chiếm tỷ lệ cao
Quý III, tội phạm xâm hại trẻ em xảy ra 13 vụ với 15 đối tượng gây án, xâm hại 13 trẻ em; có 8 vụ hiếp dâm người dưới 16 tuổi; 2 vụ giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục với người từ đủ 13 đến dưới 16 tuổi; 1 vụ cưỡng dâm người từ đủ 13 đến dưới 16 tuổi; 1 vụ dâm ô với người dưới 16 tuổi; 1 vụ cố ý gây thương tích hoặc tổn hại sức khoẻ người khác.
Tội phạm xâm hại trẻ em được kiềm chế nhưng số vụ xảy ra vẫn chiếm tỷ lệ khá cao trong tổng số vụ vi phạm pháp luật (6,8%). Ðáng chú ý, tội phạm xâm hại tình dục trẻ em chiếm tỷ lệ đến 92,3% số vụ xâm hại trẻ em, có 9 trường hợp bị xâm hại ở lứa tuổi từ 6 đến dưới 13.
Hành vi xâm hại gây ra hệ luỵ nghiêm trọng, tác động trực tiếp đến sức khoẻ, tính mạng, danh dự và sự phát triển của trẻ. Anh N.V.N vẫn còn ám ảnh về vụ việc không may xảy ra với con gái. Anh N kể, mỗi ngày, vợ chồng đi làm từ sáng sớm đến tối muộn, ít có thời gian gần gũi, trò chuyện với con.
“Trong một lần tình cờ, chúng tôi phát hiện con gái có biểu hiện khác thường, con ít nói, tỏ ra sợ hãi, học hành sa sút. Sau khi dò hỏi, con mới kể lại việc bị người ta xâm hại tình dục. Vợ chồng tôi gác công việc để lo lắng, ổn định tinh thần cho con, hy vọng cháu dần hồi phục”- anh N buồn bã nói.
Trên thực tế, có nhiều vụ xâm hại tình dục trẻ em chưa được đưa ra ánh sáng, gia đình bị hại vì nhiều lý do khác nhau không tố giác tội phạm. Cha mẹ, người chăm sóc thiếu hiểu biết về tâm sinh lý, ngại chia sẻ vấn đề giới tính khiến các em chưa có kiến thức, kỹ năng phòng tránh. Hầu hết các vụ xâm hại tình dục trẻ em xảy ra ở nơi vắng vẻ, huyện biên giới, vùng nông thôn, nơi trình độ dân trí thấp, người thân không có nhiều thời gian chăm sóc trẻ…
Nhiều vụ vi phạm pháp luật liên quan đến người dưới 18 tuổi
6 tháng qua, tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến người dưới 18 tuổi xảy ra 97 vụ. Riêng trong quý III xảy ra 23 vụ (giảm 14 vụ so với cùng kỳ) với 36 đối tượng. Nhóm hành vi vi phạm phổ biến: sử dụng trái phép chất ma tuý và cố ý gây thương tích (chiếm 50%).
Có nhiều nguyên nhân khiến người chưa thành niên dễ đi vào con đường vi phạm pháp luật, như thiếu sự quản lý, giáo dục của gia đình, ảnh hưởng từ môi trường xã hội, tụ tập bạn bè, bỏ học sớm, có xu hướng giải quyết mâu thuẫn bằng bạo lực.
Do khoảng cách về tuổi tác và công việc mưu sinh, chị T.N.H (45 tuổi, ngụ TP.Tây Ninh) không có nhiều thời gian quan tâm, trò chuyện cùng con. Con trai ngày càng bướng bỉnh, chán học, đánh nhau với bạn.
Nhà trường mời phụ huynh vào làm việc khiến chị H rất khổ tâm. Không thể ngồi nhìn con trai đánh mất tương lai, bị bạn bè lôi kéo vi phạm pháp luật, huỷ hoại cuộc đời, chị H quyết tâm giảm bớt việc, đưa đón con đi học, nỗ lực động viên, tâm sự với con mỗi ngày. Ðến nay, chị vô cùng vui mừng vì con trai ngày càng thay đổi, chăm chỉ học hành, không còn tụ tập ăn chơi.
“Trẻ chưa thành niên chưa hoàn thiện về thể chất và tinh thần, thường hướng đến sự mới lạ, hiếu động, muốn thể hiện bản thân. Cha mẹ phải gần gũi, dành thời gian trò chuyện, tìm hiểu lý do và giúp con điều chỉnh. Theo dõi, trò chuyện giúp chúng hiểu và phòng tránh những nguy cơ trên mạng xã hội”- chị H chia sẻ.
Nỗ lực từ nhiều phía
Trước tình hình tội phạm xâm hại trẻ em và vi phạm pháp luật liên quan đến người dưới 18 tuổi diễn biến phức tạp, các cấp, ngành, chính quyền địa phương quyết liệt vào cuộc, chung tay bảo vệ trẻ em. Việc điều tra, xử lý tội phạm bảo đảm kịp thời, không xảy ra oan sai.
Bà Phan Nhị Linh- Chủ tịch Hội LHPN phường Hiệp Tân (thị xã Hoà Thành) cho biết, công tác tuyên truyền pháp luật, xây dựng môi trường lành mạnh cho phụ nữ và trẻ em trên địa bàn phường được Hội chú trọng thực hiện.
Ðơn vị phối hợp tổ chức các buổi tập huấn kiến thức cho học sinh về phòng, chống bạo lực học đường, kỹ năng bảo vệ sức khoẻ bản thân; giúp đỡ học sinh có hoàn cảnh khó khăn, tặng quà động viên tinh thần các em phấn đấu vươn lên, không bị đối tượng xấu lôi kéo vi phạm pháp luật.
Ðể góp phần xây dựng môi trường lành mạnh và an toàn cho trẻ em địa phương, Ban Thường vụ Huyện đoàn Châu Thành chú trọng việc triển khai Luật Trẻ em năm 2016 và các văn bản quy phạm pháp luật liên quan. Ðơn vị nắm bắt tình hình trẻ em và phổ biến số tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em (111); hướng dẫn các em lên tiếng khi gặp phải hành vi xâm hại.
Ðại diện Huyện đoàn Châu Thành cho biết, hằng năm, đơn vị tổ chức tập huấn kỹ năng công tác Ðội và triển khai Luật Trẻ em cho ban chỉ huy liên đội; phát huy vai trò của tổng phụ trách Ðội trong nắm bắt, phản ánh tâm tư, nguyện vọng, ý kiến của thiếu nhi.
Từ năm 2019 đến nay, thông qua diễn đàn trẻ em, hộp thư “Ðiều em muốn nói”, đơn vị tiếp nhận 20 ý kiến khác nhau, hơn 9.000 lượt thiếu nhi tham gia đóng góp xoay quanh việc trang bị cụm trò chơi miễn phí, xây dựng hồ bơi di động, tuyên truyền nâng cao ý thức trong phòng, chống Covid-19, bảo vệ các em trước hành vi xâm hại, bạo hành, tai nạn thương tích.
Huyện đoàn chỉ đạo tổ chức chăm sóc, giáo dục trẻ với nhiều hoạt động thiết thực như trao tặng hàng ngàn học bổng, xe đạp, dụng cụ học tập cho thiếu nhi nghèo vượt khó đến trường; vận động trao 7 căn nhà khăn quàng đỏ; xây mới 9 khu vui chơi miễn phí.
Việc bảo vệ trẻ em được triển khai bằng nhiều hình thức, như tăng cường giáo dục giới tính, trang bị kiến thức thông qua các chương trình ngoại khoá trong trường… với mong muốn, trẻ em được chăm lo đầy đủ, có môi trường phát triển toàn diện, trở thành người có ích cho xã hội, chung tay xây dựng địa phương giàu đẹp.
Phương Thảo