Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Trong những năm gần đây, hầu như huyện nào cũng xảy ra các vụ xâm hại tình dục trẻ em, bức xúc đến nỗi tỉnh phải đưa vào chương trình mục tiêu “4 giảm”.

Ngày 12.2.2004 Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 19/2004/QĐ-TTg về việc phê duyệt Chương trình ngăn ngừa và giải quyết tình trạng trẻ em lang thang, trẻ em bị xâm hại tình dục và trẻ em phải lao động nặng nhọc trong điều kiện độc hại, nguy hiểm giai đoạn 2004-2010. Năm 2005 liên Bộ Tài chính, UBDSGĐ&TE, BLĐ-TB&XH ban hành Thông tư liên tịch số 16/2005/TTLB hướng dẫn quản lý và sử dụng nguồn kinh phí thực hiện Quyết định số 19/2004/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Đến ngày 6.10.2008 Thông tư liên tịch 16 lại được điều chỉnh bổ sung bằng Thông tư số 86/2008/TTLB-BTC-BLĐTBXH. Những văn bản chỉ đạo trên cho thấy quyết tâm của Nhà nước trong việc ngăn chặn nạn xâm hại trẻ em, nhưng quá trình thực hiện vẫn còn nhiều bất cập. Cụ thể trong 3 năm từ năm 2005-2007, Bộ Lao động- Thương binh& Xã hội (LĐ-TB&XH) hỗ trợ có mục tiêu cho tỉnh Tây Ninh số tiền 270 triệu đồng để thực hiện Quyết định số 19/2004/QĐ-TTg. Nhưng trong 3 năm chỉ mới hỗ trợ được 32 em, với số tiền gần 50 triệu đồng, số tiền còn lại trên 220 triệu đồng chưa sử dụng, trong khi số vụ xâm hại tình dục trẻ em huyện nào cũng có xảy ra, bức xúc đến nỗi tỉnh phải đưa vào chương trình mục tiêu “4 giảm”.
![]() |
GĐ Sở LĐ-TB&XH Trần Ngọc Thu phát biểu ý kiến (người thứ nhất bên trái là Phó cục trưởng Cục Phòng chống TNXH Lê Thị Hà). |
Làm thế nào để thực hiện tốt việc phòng chống xâm hại tình dục trẻ em? Đây là vấn đề đặt ra tại buổi toạ đàm sáng ngày 9.9.2009 tại Sở Lao động-TB&XH. Tham dự có bà Lê Thị Hà, Phó cục trưởng Cục Phòng chống tệ nạn xã hội-Bộ LĐ-TB&XH; bà Trần Thị Ngọc Thu, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH; lãnh đạo phòng TBXH các huyện, thị và đại diện UBND một số xã có nhiều trẻ em bị xâm hại tình dục.
Với 11 lượt ý kiến tham gia toạ đàm, cùng Báo cáo đề dẫn của Chi cục Phòng, chống tệ nạn xã hội-Sở LĐ-TB&XH chúng tôi ghi nhận một số nội dung rất đáng chú ý.
Tại huyện Trảng Bàng, trong 3 năm qua xảy ra 23 vụ xâm hại tình dục trẻ em, chỉ giải quyết hỗ trợ 8 trường hợp, còn tồn đọng 15 trường hợp chưa giải quyết. Tại Tân Biên trong 6 tháng đầu năm 2009 xảy ra 2 trường hợp, huyện đang hướng dẫn gia đình nạn nhân làm hồ sơ, chưa nhận tiền hỗ trợ. Năm 2008, xã An Thạnh, huyện Bến Cầu xảy ra 2 vụ trẻ em bị xâm hại tình dục, có làm hồ sơ đề nghị nhưng chưa được hỗ trợ. Tại thị xã Tây Ninh, từ năm 2005 đến nay xảy ra 17 vụ, có 9 trường hợp làm hồ sơ đề nghị hỗ trợ nhưng “không thuộc diện hộ nghèo theo quy định tại điểm c, Thông tư liên tịch số 86” nên chưa được hỗ trợ. Tại huyện Châu Thành, chỉ riêng xã Hảo Đước xảy ra 3 vụ, ngay sau khi sự việc xảy ra, các ban ngành, đoàn thể đến động viên thăm hỏi và cấp tiền hỗ trợ. Riêng tại huyện Hoà Thành, trong năm 2009 xảy ra 1 vụ giao cấu với trẻ em, năm 2008 xảy ra 3 vụ, so với 3 năm trước giảm đến 28 vụ.
Thực trạng trên cho thấy huyện Hoà Thành tình trạng xâm hại trẻ em giảm mạnh là do Ban chỉ đạo phòng, chống tội phạm của huyện tăng cường chỉ đạo thực hiện các giải pháp thực hiện chương trình mục tiêu “4 giảm” của tỉnh nên kéo giảm các loại tội phạm, trong đó kéo giảm đáng kể số vụ trẻ em bị xâm hại tình dục. Tại buổi toạ đàm, đại biểu Phòng LĐ-TB&XH Hoà Thành cho rằng công tác tuyên truyền giáo dục, ngăn chặn phòng ngừa nạn xâm hại tình dục mới là biện pháp chủ yếu. Còn việc hỗ trợ thì… cả xã hội, chính quyền và gia đình không ai muốn sự việc xảy ra, và càng không ai muốn… phải làm nhiều thủ tục nhiêu khê để nhận khoản tiền hỗ trợ cho việc con em mình bị xâm hại, mất danh dự, nhân phẩm, ảnh hưởng đến cuộc sống tương lai lâu dài.
Nhận định về nguyên nhân thực trạng, nhiều ý kiến tham gia toạ đàm cho rằng, các vụ xâm hại tình dục trẻ em thường xảy ra ở vùng nông thôn, trình độ dân trí còn thấp, cha mẹ đi làm ăn xa, ít quan tâm giáo dục, quản lý con em mình. Khi sự việc xảy ra, gia đình chỉ trình báo với ngành Công an, chứ đâu có ai báo cho phòng LĐ-TB&XH, do đó cần phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa hai ngành để kịp thời phát hiện xử lý cũng như hướng dẫn gia đình lập hồ sơ để được hỗ trợ đúng lúc. Nguyên nhân của những vụ việc còn tồn đọng là do thiếu sự phối hợp liên tịch, cho đến khi phòng LĐ-TBXH nắm được và tiếp nhận thì gia đình nạn nhân “không còn hồ sơ theo quy định” nên không được hỗ trợ. Mặt khác, đây là vấn đề tế nhị, thuộc về tâm lý xã hội liên quan đến danh dự, nhân phẩm con em và gia đình, không muốn cho nhiều người biết sự việc không may của con em mình nên nhiều phụ huynh không chịu làm hồ sơ. Vì vậy số tiền hỗ trợ còn tồn đọng mấy năm qua chưa giải ngân hết.
Phát biểu tại buổi toạ đàm, Cục phó Cục Phòng chống TNXH- Bộ LĐ-TB&XH Lê Thị Hà đề nghị các địa phương cố gắng rà soát nắm lại còn bao nhiêu trường hợp trẻ em bị xâm hại tình dục, nhưng phải hết sức chú ý không được khơi lại nỗi đau của gia đình nạn nhân. Cục sẽ tiến hành điều tra thực trạng bằng phiếu và xem xét ngẫu nhiên khoảng 20 hồ sơ để xác định nguyên nhân, lý do, hoàn cảnh từng trường hợp cụ thể. Đề nghị các địa phương phối hợp tuyên truyền phòng chống xâm hại tình dục trẻ em lồng ghép với các chương trình khác, tuyên truyền đến tận tổ dân cư tự quản, đồng thời chú trọng xây dựng xã, phường, thị trấn lành mạnh, không có tệ nạn ma tuý, mại dâm, xây dựng xã, phường phù hợp trẻ em để tác động kéo giảm trẻ em bị xâm hại tình dục. Xác định đây là trách nhiệm của gia đình, dòng họ, các ngành, đoàn thể và cộng đồng xã hội tham gia, tỉnh nên thực hiện mô hình thí điểm kéo giảm tệ nạn này để nhân rộng.
Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Tây Ninh- Trần Ngọc Thu tiếp thu ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo Cục Phòng chống TNXH, nhất là về những việc phải làm theo Quyết định 19 của Thủ tướng Chính phủ, các Đề án của Bộ. Trong thời gian tới, Sở cùng với các huyện, thị tiếp tục quán triệt các văn bản, bàn bạc tìm giải pháp tháo gỡ. Từng huyện phải xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện, chú trọng công tác tuyên truyền, phối hợp các ngành liên quan và xây dựng các mô hình tư vấn pháp luật, y tế và tâm lý xã hội ở cộng đồng để nhân dân biết thực hiện, phục vụ cho việc tổng kết đề án trong phạm vi cả nước trong thời gian tới.
TM