Theo dõi Báo Tây Ninh trên
Tôi năm nay 30 tuổi, bị đau lưng không cúi được, vận động nhẹ nhàng cũng rất khó khăn. Tôi đã đi chụp cộng hưởng từ với kết quả thoái hóa L1, 2 và phồng nhẹ đĩa đệm. Xin bác sĩ cho biết bệnh phồng đĩa đệm có nguy hiểm không?
Phạm Nga (Quảng Ninh)
Giữa hai đốt sống có một đĩa đệm có hình giống thấu kính lồi, cấu tạo bởi lớp vỏ sợi bên ngoài bọc một nhân nhầy ở trung tâm. Đĩa đệm bình thường được giữ ở vị trí giữa hai đốt sống trên và dưới bởi các dây chằng nối giữa hai đốt sống.
Nhờ tính chất đàn hồi nên đĩa đệm làm nhiệm vụ như một bộ phận giảm xóc, giúp cho cột sống thực hiện chức năng vận động một cách mềm dẻo.
Phồng đĩa đệm là thể nhẹ của thoát vị đĩa đệm, khi đĩa đệm chỉ mới phồng (lồi) ra sau, nhân nhầy vẫn còn nằm trong bao xơ và thường không gây chèn ép thần kinh.
Do đó, trong đa số trường hợp phồng đĩa đệm không phải là nguyên nhân trực tiếp gây đau cột sống thắt lưng và thường không nguy hiểm. Tuy nhiên, từ phồng đĩa đệm có thể trở thành thoát vị thực sự với các triệu chứng chèn ép thần kinh nặng nề hơn.
Thực chất phồng đĩa đệm chỉ là hình ảnh nhìn thấy trên phim cộng hưởng từ chứ không phải căn nguyên gây đau lưng. Bạn bị đau lưng cấp có thể do thực hiện các động tác sinh hoạt, lao động gắng sức, sai tư thế, hoặc ngồi lâu... dẫn đến khối cơ cạnh cột sống thắt lưng co cứng gây đau.
Vì vậy, chỉ cần nghỉ ngơi, thư giãn, tránh gắng sức, kết hợp vật lý trị liệu, kéo giãn cột sống, có thể phối hợp thuốc giảm đau, giãn cơ trong vài ngày là hết đau.
Còn bản chất phồng đĩa đệm thì nhìn chung không có thuốc điều trị khỏi, chỉ dựa vào chế độ lao động, sinh hoạt hợp lý để tránh đau tái phát hoặc tiến triển sang thoát vị đĩa đệm.
BS. Bùi Hải Bình
Nguồn SKĐS