Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Ông Tạ Kỳ Trung-Phó trưởng Phòng GD-ĐT huyện Trảng Bàng cho biết: Huyện Trảng Bàng “nợ” giáo viên tiền phụ cấp thu hút trong năm 2008 và năm 2009 là do ngân sách tỉnh rót xuống không đủ chi.

![]() |
Giáo viên vùng sâu, vùng biên giới hiện còn nhiều thiếu thốn và vất vả nên cần được quan tâm hơn (Ảnh minh hoạ) |
Một số giáo viên ở xã Bình Thạnh và Phước Chỉ, huyện Trảng Bàng thắc mắc: Nghị định số 61/2006/NĐ-CP của Chính phủ quy định giáo viên công tác tại vùng đặc biệt khó khăn, biên giới được hưởng chế độ thu hút bằng 70% lương, thời gian được hưởng không quá 5 năm. Tuy nhiên, Nghị định này có hiệu lực đã hơn 3 năm nhưng nhiều giáo viên ở hai xã cánh Tây huyện Trảng Bàng chỉ nhận được 17 tháng rưỡi tiền thu hút (tính đến cuối năm 2007) rồi ngưng luôn đến nay. Một số giáo viên liên hệ với Phòng Giáo dục-Đào tạo huyện Trảng Bàng để tìm hiểu nguyên nhân, nhưng không được trả lời thoả đáng. Còn khi họ thắc mắc với lãnh đạo UBND huyện Trảng Bàng thì được trả lời “sẽ giải quyết” rồi… chờ cho đến nay.
Những giáo viên này còn bức xúc về việc khoảng 10 năm nay, họ bị “mất” khá nhiều tiền phụ cấp do cách làm “khó hiểu” của Phòng Giáo dục huyện. Theo quy định, giáo viên bậc tiểu học được xét nâng bậc lương theo định kỳ 2 năm một lần, giáo viên THCS là 3 năm một lần. Dù đã được xét nâng bậc và lĩnh lương mới, nhưng nhiều giáo viên ở huyện Trảng Bàng vẫn lĩnh phụ cấp ưu đãi và phụ cấp thu hút của bậc lương cũ. Cụ thể như trường hợp của giáo viên A: Tháng 4.2005, cô A được nâng bậc lương mới nhưng Phòng GD-ĐT vẫn cấp phụ cấp ưu đãi cho cô ở bậc cũ cho đến tháng 9.2005 (cô A bị mất 5 tháng phần chênh lệch phụ cấp giữa bậc lương cũ và mới). Đồng thời, đến tháng 1.2006, cô A mới được hưởng phụ cấp thu hút theo bậc lương mới (cô A bị mất 9 tháng phần chênh lệch phụ cấp giữa bậc lương cũ và mới). Và cho đến nay, cứ mỗi hai năm một lần, cô A lại bị “mất” một số tiền chênh lệch giữa mức lương cũ và mức lương mới (5 tháng phụ cấp ưu đãi, 9 tháng phụ cấp thu hút) do Phòng GD-ĐT không truy cấp. Nhiều giáo viên khác có thâm niên hơn cô A, cho biết số tiền họ bị “mất” nhiều hơn do mức lương cao hơn và bị “mất” trước cô A nhiều năm (!?).
Trao đổi với phóng viên về những thắc mắc của giáo viên, ông Tạ Kỳ Trung-Phó trưởng Phòng GD-ĐT huyện Trảng Bàng cho biết: Huyện Trảng Bàng “nợ” giáo viên tiền phụ cấp thu hút trong năm 2008 và năm 2009 là do ngân sách tỉnh rót xuống không đủ chi, hiện “còn thiếu” huyện trên 7 tỷ đồng. Khi nào tỉnh rót kinh phí, huyện sẽ chi trả giáo viên.
Về việc Phòng GD-ĐT “quên” truy phát phụ cấp cho giáo viên theo mức lương mới, sau khi trao đổi với cán bộ tổ chức và kế toán của Phòng, ông Trung thừa nhận là “việc này đúng như giáo viên phản ánh”. Tuy nhiên, ông cho rằng “từ trước giờ Phòng vẫn làm vậy”. Phóng viên thắc mắc: “Làm vậy liệu có trái với quy định của Nhà nước trong việc thực hiện chế độ, chính sách ưu đãi đối với giáo viên?”, ông Trung cho biết sẽ báo cáo UBND huyện Trảng Bàng để xem xét, giải quyết.
Cách lý giải nguyên nhân không truy cấp phụ cấp theo mức lương mới cho giáo viên của Phòng GD-ĐT huyện Trảng Bàng quả là không thuyết phục và thiếu cơ sở. Vì sao trong nhiều năm qua Phòng GD-ĐT vẫn “vô tư” trước thiệt thòi của giáo viên vốn sống nhờ vào đồng lương eo hẹp? Liệu có điều gì khuất tất đằng sau việc Phòng GD-ĐT huyện Trảng Bàng “quên” truy cấp phụ cấp theo mức lương mới cho giáo viên? Chúng tôi rất mong nhận được thông tin phản hồi từ Sở Giáo dục và Đào tạo, UBND huyện Trảng Bàng về việc này.
BẢO TÂM