Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Bộ Y tế khuyến cáo người dân cần hạn chế đi vào bệnh viện nếu không cần thiết, khi phải vào bệnh viện, cần đeo khẩu trang y tế.
Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh MERS-CoV tại Hàn Quốc và một số quốc gia trên thế giới, chiều 18/6, GS.TS. Nguyễn Thanh Long, Thứ trưởng Bộ Y tế đã chủ trì cuộc họp với Văn phòng EOC để đánh giá công tác phòng chống dịch MERS-CoV đã triển khai trong thời gian qua và chỉ đạo triển khai các hoạt động thực hiện trong thời gian tới đáp ứng tình huống dịch bệnh. Tham dự cuộc họp còn có sự tham gia của đại diện Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa bệnh tật Hoa Kỳ (CDC Hoa Kỳ).
Tại buổi họp, Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng Đặng Quang Tấn báo cáo diễn biến tình hình dịch bệnh MERS-CoV trên thế giới tính đến sáng ngày 18.6.2015. Theo đó, tính đến thời điểm hiện tại, có 1.332 trường hợp nhiễm MERS-CoV tại 26 nước, trong đó có 470 ca tử vong. Hai quốc gia có số người nhiễm nhiều nhất là Hàn Quốc và Ả Rập Xê Út.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long chủ trì cuộc họp Văn phòng EOC ngày 18/6 triển khai công tác phòng chống dịch MERS-CoV.
Đại diện WHO đưa ra nhận định về một số yếu tố góp phần làm cho dịch bệnh MERS-CoV tại Hàn Quốc lan truyền, khó kiểm soát, như: Đây là một bệnh mới với hầu hết các nhân viên y tế Hàn Quốc; Các biện pháp kiểm soát nhiễm khuẩn tại bệnh viện chưa được thực hiện tốt; Các phòng hồi sức tại bệnh viện quá đông và có nhiều giường bệnh trong một phòng nên dễ dàng bị lây truyền bệnh đường hô hấp;
Người dân có thói quen đi khám tại các cơ sở y tế khi có bệnh; Một số bệnh nhân nhiễm MERS-CoV đi khám nhiều cơ sở y tế khác nhau để kiểm chứng kết quả chẩn đoán và điều trị; Phong tục khi đau ốm có nhiều người thân, bạn bè, các thành viên gia đình đến thăm, chăm sóc người bệnh tại bệnh viện làm tăng nguy cơ lây nhiễm thế hệ hai giữa những người tiếp xúc…
WHO cũng nhận định đây là dịch lớn và phức tạp nhưng hoàn toàn có thể kiểm soát được bằng các biện pháp y tế thông thường như phòng chống lây nhiễm trong bệnh viện. Các chuyên gia cũng cho biết vi rút MERS-CoV tại Hàn Quốc chưa có sự biến đổi về gen và cách lan truyền.
Chỉ đạo tại cuộc họp, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh tầm quan trọng của công tác truyền thông thông tin nhằm ngăn chặn dịch bệnh hiệu quả, rút kinh nghiệm từ bài học của y tế Hàn Quốc. Song song với việc cập nhật thông tin tình hình dịch bệnh tới người dân, Thứ trưởng đề nghị các đơn vị liên quan đưa ra những khuyến cáo rõ ràng, cụ thể, thiết thực để nhân viên y tế và cộng đồng hiểu rõ hơn về dịch bệnh và thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch MERS-CoV.
Cán bộ y tế cần được biết những thông tin hướng dẫn cụ thể về điều trị, chăm sóc và xử lý rác thải sinh hoạt của bệnh nhân nghi nhiễm MERS-CoV để tránh trường hợp lây nhiễm bệnh. Các biện pháp phòng chống lây nhiễm trong bệnh viện và các cơ sở y tế cũng phải được thông tin, tập huấn đầy đủ, chi tiết.
Trong thời gian qua, Việt Nam đã triển khai nhanh chóng và thực hiện đồng bộ các biện pháp phòng chống dịch MERS-CoV trên các phương diện: Kiểm tra, giám sát; Tập huấn, diễn tập; Điều trị; Xét nghiệm; Công tác truyền thông; Công tác hậu cần.
Bộ Y tế sẽ tiếp tục phối hợp liên ngành với các Bộ, Ban, Ngành nhằm tăng cường thực hiện hiệu quả công tác phòng chống dịch MERS-CoV. Bên cạnh đó, công tác truyền thông, thông tin sẽ được đẩy mạnh hơn thông qua hệ thống Website chính thức, Fanpage của Bộ Y tế và Cục Y tế dự phòng.
Đồng thời, Bộ Y tế xây dựng sổ tay về phòng chống dịch MERS-CoV, các tờ rơi, poster bằng tiếng Việt, tiếng Anh, tiếng Hàn Quốc, tiếng Ả Rập hướng dẫn cho khách nhập cảnh và người dân chủ động phòng chống dịch bệnh.
Vì MERS-CoV lây truyền theo đường hô hấp nhưng có thể thông qua tiếp xúc gần, dùng chung vật dụng với người bệnh… nên chúng ta có thể phòng bệnh bằng cách để môi trường thông thoáng, đeo khẩu trang khi đi đến nơi đông người, đặc biệt là các cơ sở y tế. Bộ Y tế cũng khuyến cáo người dân cần hạn chế đi vào bệnh viện nếu không cần thiết, khi phải vào bệnh viện, cần đeo khẩu trang y tế.
Theo Minh Trí (SKĐS)