Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Thực chất trong phân, nước tiểu hay nước bọt… của vật nuôi có chứa nhiều loại vi khuẩn, trứng ký sinh trùng có thể gây nguy cơ mắc các bệnh dại rất nguy hiểm cho người. Ðặc biệt, khi chúng ta vô tình bị vật nuôi cắn hay cào xướt sẽ dễ mắc bệnh.
Bác sĩ thú y Lương Thanh Nhường khám bệnh cho một chú chó.
Hầu hết gia đình ở Việt Nam đều có sở thích nuôi chó, mèo trong nhà. Không ít gia đình còn yêu thương, chăm sóc vật nuôi như một thành viên; có người còn thích ôm hôn, vuốt ve và ngủ chung với vật nuôi. Thông qua việc tiếp xúc trực tiếp này, người chủ hoàn toàn có thể lây nhiễm các bệnh nguy hiểm từ vật nuôi trong nhà nếu không biết cách phòng tránh.
Thực chất trong phân, nước tiểu hay nước bọt… của vật nuôi có chứa nhiều loại vi khuẩn, trứng ký sinh trùng có thể gây nguy cơ mắc các bệnh dại rất nguy hiểm cho người. Ðặc biệt, khi chúng ta vô tình bị vật nuôi cắn hay cào xướt sẽ dễ mắc bệnh.
Trường hợp vật nuôi bị nhiễm bệnh dại và cắn người thì vi rút trong nước bọt của chúng sẽ lây sang con người. Nếu không được tiêm phòng cẩn thận, các triệu chứng của bệnh dại phát triển thì tỷ lệ sống sót của người bệnh là rất thấp.
Người nuôi cần có sổ theo dõi sức khoẻ thú cưng để chăm sóc vật nuôi tốt hơn.
Theo số liệu từ Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh, từ đầu năm đến tháng 11.2017, toàn tỉnh có 10.342 người tiêm phòng dại và huyết thanh chống dại do bị động vật cắn. Trong đó, số ca bị chó, mèo cắn là 9.864 ca, còn lại là do dơi (28 ca) và các loài động vật khác (449 ca). Ðến nay, Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh đã ghi nhận 2 ca tử vong vì bệnh dại tại huyện Tân Biên và huyện Bến Cầu. Nguyên nhân tử vong là do phát hiện bệnh trễ.
Bên cạnh bệnh dại, bệnh giun, sán động vật ký sinh ở người cũng ngày càng trở nên phổ biến hơn. Người mắc giun, sán từ vật nuôi thường bị ngứa, đau bụng, tiêu chảy, sút cân. Bệnh đặc biệt nguy hiểm khi ấu trùng ký sinh ở mắt, gan, tim, phổi, não...
Như trường hợp của chị Lê Thị Thanh Vân (37 tuổi) ngụ phường Ninh Sơn (TP. Tây Ninh). Khoảng cuối năm 2016, chị Vân và con gái 14 tuổi thường xuyên bị các cơn ngứa hoành hành. Sau mỗi lần gãi, trên da thường xuất hiện những mẫn đỏ như mề đai.
Ðến khi thăm khám tại Bệnh viện đa khoa Xuyên Á (TP. Hồ Chí Minh), chị Vân không khỏi hoảng hốt khi hai mẹ con được chẩn đoán mắc bệnh sán chó ở người. Sau đó, chị Vân và con gái phải kiên trì tái khám và uống thuốc đến hơn nửa năm mới khỏi. Chị Vân không biết bị nhiễm bệnh khi nào vì nhiều năm nay chị đã không còn nuôi chó nữa, dù trước đó có nuôi vài con. Kể từ sau khi khỏi bệnh, chị Vân đã cảnh giác hơn nhiều đối với những động vật như chó, mèo...
Thực tế, việc nuôi chó, mèo trong nhà đã trở thành thói quen của các gia đình. Do đó, để phòng tránh nguy cơ nhiễm bệnh từ vật nuôi, các gia đình cần chủ động phòng tránh bệnh cho chó mèo cũng là tự phòng tránh bệnh cho bản thân mình.
Theo bác sĩ thú y Lương Thanh Nhường- Phòng khám Thú y Bảo Toàn (phường 3, TP. Tây Ninh), để tránh nguy cơ nhiễm bệnh từ vật nuôi trong nhà, ngay từ khi vật nuôi còn nhỏ, người nuôi phải chăm sóc, tiêm ngừa vắc xin phòng bệnh, xổ giun định kỳ cho vật nuôi. Bởi vật nuôi không mắc bệnh sẽ không thể lây truyền cho con người. Hiện tại, hầu hết các phòng khám thú y trên địa bàn tỉnh đều có vắc xin tiêm ngừa cho vật nuôi, chủ yếu là chó, mèo. Người nuôi phải có trách nhiệm chăm sóc, phòng bệnh cho chính vật nuôi của mình, bất kể là chó mèo thường hay thú cưng mắc tiền.
Tất cả chó, mèo khi đến tiêm ngừa bệnh tại Phòng khám Thú y Bảo Toàn đều được phát sổ theo dõi sức khoẻ thú cưng. Trong sổ có cung cấp một số kiến thức về tiêm phòng và tẩy giun cho chó, mèo. Phòng khám cũng bán nhiều sản phẩm vệ sinh cho chó như sữa tắm, thuốc trị ve, rận. Ngày càng nhiều phòng khám thú y phát triển, cho thấy nhu cầu chăm sóc vật nuôi của người dân cũng ngày nhiều hơn.
Chia sẻ kiến thức phòng bệnh cho vật nuôi, bác sĩ Nhường cho biết thêm, ngay từ khi chó, mèo còn nhỏ, người nuôi phải quan tâm đến việc tiêm ngừa bệnh và tẩy giun đúng quy trình thì vật nuôi mới có đủ kháng thể phòng bệnh.
Ở chó, mèo, mũi tiêm ngừa bệnh Carré (bệnh đường ruột) đầu tiên thường được tiêm khi chó, mèo con được khoảng 1,5 tháng tuổi. Một tháng sau tiêm nhắc lại 1 lần, sau đó cứ định kỳ mỗi năm tiêm nhắc lại 1 lần theo quy trình của bác sĩ. Mũi ngừa bệnh dại được tiêm khi chó, mèo được từ 3 tháng tuổi trở lên và phải khoẻ mạnh.
Sau đó, mỗi năm tiêm nhắc ngừa dại lại một lần. Ðối với chó, mèo, người nuôi phải thực hiện xổ giun từ 1 tháng tuổi và lặp lại mỗi tháng 1 lần cho đến khi chó, mèo được 6 tháng tuổi. Sau 6 tháng tuổi, mỗi năm nên xổ giun cho chó mèo từ 2 - 3 lần. Hiện tại, nhiều phòng khám thú y đã có vắc xin tiêm ngừa 7 bệnh thường gặp của chó và 3 bệnh thường gặp ở mèo.
Ðể chó, mèo không bị ve rận, người nuôi phải chịu khó vệ sinh tắm rửa cho chúng, đồng thời thường xuyên vệ sinh nhà bằng thuốc sát khuẩn để diệt những mầm bệnh tiềm ẩn trong nhà. Khi chó, mèo còn nhỏ cần tập cho chúng thói quen đi vệ sinh đúng chỗ. Người nuôi phải rửa tay sạch sẽ sau khi tiếp xúc với vật nuôi, nhất là đối với trẻ nhỏ.
Ðể phòng tránh nguy cơ nhiễm bệnh từ vật nuôi, trước hết người nuôi chó, mèo phải là những người chủ nuôi có trách nhiệm. Người nuôi phải thường xuyên quan sát những dấu hiệu bệnh và khám chữa bệnh cho vật nuôi kịp thời; không nên để vật nuôi ủ bệnh sẽ gây ra nhiều bệnh nguy hiểm cho cả vật nuôi lẫn người nuôi nếu không cẩn thận trong tiếp xúc.
Lê Thuỳ