Kinh tế   Nông - lâm - thủy sản

BAOTAYNINH.VN trên Google News

Phòng trừ sâu, bệnh vụ lúa Hè Thu, chủ động sản xuất vụ Mùa 2023 

Cập nhật ngày: 23/08/2023 - 16:05

BTN - Vụ lúa Hè Thu 2023, toàn tỉnh xuống giống 46.669 ha, bằng 103,7% so kế hoạch và bằng 99% so cùng kỳ.

Thu hoạch lúa vụ Hè Thu 2023.

Lúa được gieo, trồng nhiều tại các địa phương: Châu Thành (13.032 ha); Trảng Bàng (12.512 ha), Bến Cầu (10.126 ha), Gò Dầu (6.652 ha). Tính đến giữa tháng 8.2023, trên địa bàn tỉnh có khoảng 70% diện tích lúa được thu hoạch, ước năng suất trung bình đạt 55,2 tạ/ha, dự kiến thu hoạch dứt điểm trong tháng 8.2023 với tổng sản lượng ước đạt 257.613 tấn. Đủ cung cấp lương thực cho dân số toàn tỉnh trong 6 tháng và còn dư khoảng 50% để tiêu thụ ngoài tỉnh và xuất khẩu.

Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Tây Ninh, sản xuất lúa vụ Hè Thu 2023 gặp một số bất lợi dẫn đến chi phí sản xuất tăng so với vụ Đông Xuân 2022-2023, cụ thể: Giai đoạn nửa đầu vụ có nắng hạn, một số diện tích sạ sớm phải tăng thêm lượng phân bón khoảng 10%; giai đoạn giữa vụ xuất hiện một số đối tượng gây hại phổ biến trên lúa, trong đó nổi bật là bọ phấn nên nông dân phải tăng cường sử dụng thuốc BVTV; giai đoạn cuối vụ gặp mưa, dông, gây ảnh hưởng đến chất lượng và quá trình thu hoạch lúa.

Tuy nhiên, hiện nay, giá thu mua lúa tươi tại ruộng (từ 6.800 đồng/kg - 7.200 đồng/kg, tuỳ theo giống lúa và vị trí vận chuyển) cao hơn vụ Đông Xuân 2022-2023 và vụ Hè Thu 2022 nên nông dân vẫn thu được lợi nhuận khoảng 9-15 triệu đồng/ha.

Ông Lê Văn Tuốt, ấp Long An, xã Long Thuận (huyện Bến Cầu) chia sẻ, bọ phấn (rầy phấn trắng) gây hại nhiều chủ yếu ở vụ Hè Thu, khi lúa chuẩn bị làm đòng. Diện tích sản xuất của gia đình ông khoảng 7 công, năm nay bị bọ phấn gây hại khá nặng, lúa không thể trổ nổi, từ từ rụi dần, gây ảnh hưởng lớn đến năng suất, sản lượng.

Hội Nông dân xã Long Thuận thăm ruộng lúa cùng với nông dân.

Bà Nguyễn Thị Lý- Chủ tịch Hội Nông dân xã Long Thuận cho biết, tình trạng bọ phấn gây thiệt hại trên cây lúa xảy ra nhiều ở ấp Long An và Long Hưng. Nguyên nhân do nắng nóng, mật độ bọ phấn tăng cao, Hội Nông dân xã đã khuyến cáo bà con nên xịt thuốc đồng loạt cùng một số biện pháp phòng trừ đối với bọ phấn.

Bà Nguyễn Thị Kiều Hạnh- Chủ tịch Hội Nông dân xã Long Chữ (huyện Bến Cầu) cho biết, trên địa bàn xã Long Chữ, nông dân sản xuất 2 vụ lúa/năm gồm vụ Đông Xuân và Hè Thu. Bọ phấn gây hại trên cây lúa xuất hiện đã nhiều năm, nhưng mật độ nhiều và dày từ năm 2022. Nông dân chưa có phương thức phòng trừ, vụ sản xuất năm 2022, lúa bị bọ phấn gây hại khá nhiều.

Đến vụ sản xuất năm 2023, theo khuyến cáo của ngành chức năng, Hội Nông dân xã đã nhắc nhở nông dân thường xuyên thăm đồng để phát hiện sớm bọ phấn, kịp thời phòng trừ cho cây lúa, nhờ thực hiện phòng trừ tốt nên năng suất lúa Hè Thu năm 2023 trên địa bàn đạt khá cao.

Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, bọ phấn phát sinh phổ biến vào giai đoạn giữa vụ Hè Thu. Vụ Hè Thu năm nay gây hại khoảng 35% diện tích lúa trên địa bàn tỉnh, trong đó, nhiễm trung bình là 2.320 ha, nhiễm nặng là 300 ha. Số diện tích lúa nhiễm ở mức trung bình - nặng chủ yếu là trà lúa sạ muộn hơn ruộng khác/cùng cánh đồng, ruộng sạ dày; bón thừa phân đạm; chưa phòng trừ đồng loạt trên cùng một cánh đồng, nông dân phát hiện muộn khi mật số bọ phấn cao (bọ phấn di chuyển từ trà lúa trổ - chín sang); thời tiết nắng nóng xen những đợt mưa dông lớn đã tạo điều kiện thuận lợi cho bọ phấn kết hợp với nhóm bệnh hại do nấm (đạo ôn), bệnh do vi khuẩn phát sinh gây hại (cháy bìa lá, vàng lá). Nông dân phải xử lý 2-3 lần thuốc BVTV.

Bọ phấn gây hại chủ yếu ở giai đoạn ấu trùng và xuất hiện ở tất cả các giai đoạn sinh trưởng của cây lúa. Có 2 triệu chứng gây hại: Lá bị biến màu, bọ phấn chích hút nhựa lá, làm cho lá lúa bị úa vàng và héo dần. Bên cạnh đó, trên lá cũng xuất hiện nhiều nấm bồ hóng gây cản trở sự phát triển của cây lúa, làm cây còi cọc, chết sớm. Triệu chứng thứ hai là lá bị biến dạng, cụ thể, lá lúa bị xoắn (gần giống với triệu chứng lùn xoắn lá), triệu chứng này chỉ xuất hiện khi cây lúa bị bọ phấn tấn công khoảng 2 tuần trở đi.

Biện pháp phòng trừ đối với bọ phấn là sau khi thu hoạch lúa, phải diệt sạch cỏ lồng vực, cỏ chỉ xung quanh ruộng lúa để hạn chế nơi cư trú của bọ phấn, tránh lây lan sang vụ sau. Gieo sạ tập trung, đồng loạt, áp dụng kỹ thuật 3 giảm 3 tăng, 1 phải 5 giảm để giảm áp lực gây hại của bọ phấn.

Khuyến khích trồng hoa trên bờ ruộng và hoa nở khi cây lúa khép tán trên ruộng (giai đoạn cuối đẻ nhánh), trước 40 ngày sau sạ không phun thuốc trừ sâu- nhất là nhóm trừ sâu phổ rộng để giúp thu hút, duy trì thiên địch, cân bằng hệ sinh thái đồng ruộng.

Khi bọ phấn xuất hiện gây hại với mật số cao (khoảng 15-20 con/dảnh hoặc 5 ấu trùng/lá), nên sử dụng các loại thuốc trừ rầy để quản lý nhanh mật số bọ phấn trên đồng ruộng. Chi cục Trồng trọt và BVTV lưu ý cần phun thuốc đồng loạt trên cùng một cánh đồng; phun thuốc vào lúc chiều mát (vì bọ phấn thường vũ hoá vào lúc xế chiều); hạ vòi phun xuống dưới tán lá để bảo đảm thuốc tiếp xúc được với bọ phấn và bám dính vào mặt dưới lá nhằm tăng hiệu quả của thuốc đối với ấu trùng; giữ mực nước trên ruộng ổn định để giúp cây lúa nhanh phục hồi.

Hiện diện tích lúa Hè Thu 2023 còn lại trên đồng chủ yếu đang giai đoạn chín (khoảng 18.200 ha), một số diện tích xuống giống muộn đang giai đoạn trổ, do đó nông dân cần lưu ý nhóm đối tượng gây hại như: bệnh đạo ôn, bệnh cháy bìa lá, bệnh đen lép hạt.

Đối với sản xuất lúa vụ Mùa 2023, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật khuyến cáo nông dân cách ly giãn vụ ít nhất từ 2-3 tuần sau thu hoạch. Mặt khác, thu dọn vệ sinh đồng ruộng, làm đất kỹ trước khi gieo sạ để hạn chế ngộ độc hữu cơ do cày vùi tàn dư rơm rạ ở những chân ruộng sâu, ngập nước, gây ảnh hưởng sinh trưởng cây lúa.

Trong đó lưu ý: Trong trường hợp cày vùi rơm rạ tươi vào đất, bà con nông dân nên xuống giống sau khi phơi ruộng ít nhất 3-4 tuần để rơm rạ có đủ thời gian phân huỷ; đồng thời, kết hợp phun thêm nấm Trichoderma để đẩy nhanh quá trình phân huỷ rơm rạ trên đồng ruộng; làm đất bằng phẳng, có hệ thống rãnh thoát nước tốt trước khi gieo sạ để quản lý cỏ dại.

Áp dụng lịch thời vụ theo khuyến cáo của ngành Nông nghiệp, xuống giống đồng loạt, tập trung, né rầy trên từng vùng, từng cánh đồng; sử dụng giống lúa cấp xác nhận trở lên, có nguồn gốc rõ ràng, có năng suất và chất lượng khá, có khả năng chống chịu tốt sâu bệnh hại.

Ngoài ra, quan tâm sử dụng các loại phân bón có chứa canxi và silic để giúp lúa cứng cây, giảm đổ ngã trong điều kiện mưa bão. Lưu ý các đối tượng gây hại phổ biến trong vụ Mùa như: ốc bươu vàng, sâu phao, sâu cuốn lá nhỏ, bệnh vi khuẩn (cháy bìa lá, vàng lá), bệnh đạo ôn.

Trúc Ly - Nhật Quang