Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Phong tục đất phương Nam
Thứ sáu: 12:47 ngày 03/05/2019

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Hiện nay, sách viết về phong tục, tập quán dân gian được tái bản khá nhiều. Ðiển hình là sách của các tác giả tiền bối như Phan Kế Bính với quyển Việt Nam phong tục, Toan Ánh với quyển Nếp cũ, Nhất Thanh với Ðất lề quê thói, Sơn Nam với Thuần phong mỹ tục Việt Nam…

Hầu hết các tác phẩm đã xuất bản đều viết nhiều về phong tục, tập quán ở miền Bắc, còn ở miền Nam rất ít sách đề cập đến một cách sâu rộng. Cuốn sách “Phong tục đất phương Nam” của nhà nghiên cứu Từ Xuân Lãnh do NXB Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh xuất bản vào quý I năm 2019 là một công trình nghiên cứu mới nhất, tập trung vào việc khai thác khá chi tiết phong tục tập quán của người Kinh từ miền Trung đến miền đất tận cùng của Tổ quốc.

TS. Phan Văn Hoàng, nguyên Tổng Thư ký Hội Khoa học Lịch sử TP. Hồ Chí Minh, giảng viên Trường đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh nhận định: “Khi nhà nghiên cứu Từ Xuân Lãnh giới thiệu bản thảo Phong tục đất phương Nam, tôi thoáng nghĩ có gì mới hơn chăng? Nhưng sau khi đọc xong bản thảo, băn khoăn nói trên không còn nữa.

Vì để hoàn thành công trình này song song với nghiên cứu các tác phẩm đã hình thành từ hàng chục năm trước của tác giả tiên phong, Từ Xuân Lãnh còn dành thời gian để tìm hiểu thực tế cuộc sống người dân khắp các miền mà ông đã đi qua. Phong tục đất phương Nam chính là một đóng góp lớn với nhiều nét mới mẻ về phong tục tập quán của người Việt (người Kinh) phục vụ cho nhiệm vụ giữ gìn và phát huy bản sắc văn hoá của dân tộc trong thời kỳ hội nhập hiện nay”.

Sách gồm 6 chương, trải dài suốt 472 trang phân tích cụ thể về các vấn đề nếp sống văn hoá từ trong phạm vi gia đình đến gia tộc; các vấn đề tín ngưỡng, thuần phong mỹ tục trong các việc quan, hôn, tang, tế.

Theo tác giả, “phong tục tập quán là nếp sống của người dân được tích luỹ từ nhiều đời. Nó không thể tồn tại vĩnh viễn mà phải thay đổi qua quá trình phát triển của cuộc sống. Tức là những điều tốt đẹp cần phải bảo tồn, những cái không còn phù hợp nữa thì sẽ bị dần dần bị đào thải”. Nói chung, đây là một tác phẩm cần đọc, nhất là với các độc giả trẻ tuổi, để hiểu hơn về bản sắc văn hoá của dân tộc.

PHAN KỶ SỬU

Tin cùng chuyên mục