BAOTAYNINH.VN trên Google News

Phỏng vấn ĐBQH Nguyễn Đình Xuân: Sinh thái môi trường- Đâu chỉ là chuyện gấu (*)

Cập nhật ngày: 18/04/2010 - 05:47

Theo tin từ Đại sứ quán Thuỵ Sĩ tại Hà Nội và Trung tâm Giáo dục thiên nhiên (EVN), ngài  Alexander Tschaeppaet, thị trưởng thành phố Bern (Thuỵ Sĩ) đã quyết định trao giải thưởng vinh danh đại biểu Quốc hội Việt Nam Nguyễn Đình Xuân- Giám đốc Vườn quốc gia Lò Gò - Xa Mát vì những đóng góp của ông trong việc bảo vệ gấu ở Việt Nam. Giải thưởng dự kiến được trao ngày 20.4, thông qua một buổi lễ do Đại sứ quán Thuỵ Sĩ tại Hà Nội tổ chức, nhân chuyến thăm và làm việc của ngài thị trưởng tại Việt Nam.

Đại biểu Nguyễn Đình Xuân trả lời phỏng vấn báo chí

Với tư cách Uỷ viên Uỷ ban Khoa học - Công nghệ và Môi trường Quốc hội, đại biểu Nguyễn Đình Xuân đã có nhiều hoạt động tích cực bảo vệ rừng, bảo vệ động vật hoang dã, trong đó có loài gấu. Ông từng đích thân khảo sát tình trạng nuôi nhốt gấu để hút mật bán cho khách du lịch Hàn Quốc tại TP Hạ Long (Quảng Ninh) hồi tháng 5.2009. Sau đó ông Xuân đã có thư gửi cơ quan chức năng của Việt Nam và Hàn Quốc để thông tin và khuyến cáo du khách Hàn Quốc khi đến Việt Nam không nên tiếp tay cho hoạt động buôn bán mật gấu, vi phạm Công ước quốc tế về buôn bán các loài động vật hoang dã quý hiếm và các quy định của pháp luật Việt Nam.

Được biết, gấu là hình ảnh được chọn làm biểu tượng của thành phố Bern, thủ đô Thuỵ Sĩ.

Chúng tôi đã có cuộc phỏng vấn ngắn ông Nguyễn Đình Xuân tại Vườn quốc gia Lò Gò-Xa Mát.

Thưa ông, vì sao ông có vẻ mặn mà trong việc bảo vệ loài gấu mà không phải là loài động vật hoang dã nào khác, voi chẳng hạn?

Thật ra, không phải chỉ riêng loài gấu mà những con vật khác tôi cũng lưu tâm đấy chứ. Tuy nhiên, vì gấu là một trong những con thú hoang dã bị săn bắt, nuôi nhốt và khai thác dữ dội quá, được dư luận đánh động nhiều quá nên nhiều người quan tâm theo dõi hơn. Vả lại, việc tôi làm, không phải là chỉ bảo vệ loài này hay loài khác một cách riêng rẽ mà phải bảo vệ luôn cả hệ sinh thái, nơi giống loài đó cư trú. Ví dụ như sếu đầu đỏ không thể sống thiếu cánh đồng cỏ năn với một chế độ ngập nước hợp lý. Riêng việc bảo vệ gấu, đó không chỉ là bảo vệ giống nòi loài gấu có nguy cơ tuyệt chủng mà còn là bảo vệ luật pháp và lòng nhân đạo của người dân. Vì lòng tham, một số người đã khai thác cạn kiệt và đe doạ sự tồn tại của loài gấu. Đó là một việc làm phạm pháp. Những người săn bắt, mua bán và khai thác mật gấu đang chiếm đoạt và huỷ hoại tài sản của quốc gia và của cả nhân loại. Nói vậy, bởi những con gấu bị nuôi nhốt này sẽ không thể sinh sản và sẽ chết dần chết mòn vì quên mất bản năng tự kiếm sống, sức khoẻ suy yếu. Một bác sĩ ở trung tâm cứu hộ gấu cho biết, các con gấu nuôi không còn đủ sức để trở về tự nhiên bởi chúng bị hàng loạt các chứng bệnh giống nhau: răng hư, lông rụng, khớp xương thoái hoá, gan hư do bị đâm kim, áp xe ổ bụng… và đã mất đi các bản năng, tập tính cần thiết để sinh tồn trong thiên nhiên.

Nhưng sau vụ nuôi nhốt 80 con gấu trái phép được ông trực tiếp đến nơi thị sát và sau đó các cơ quan truyền thông làm rùm beng một dạo, thì mọi việc xem chừng… vẫn như cũ?

Một phần thôi, tức là số gấu ấy vẫn bị nhốt nhưng hiện đã có khá nhiều người bỏ ý định nuôi gấu, chứ trước kia có lúc đã rộ lên thành phong trào. Vài vụ việc đã bị truy xét, một số các chủ gấu đã đưa gửi các con gấu vào trung tâm cứu hộ động vật hoang dã. Ngay bản thân tôi cũng có người kêu cứu hộ giúp mấy con gấu nhưng điều kiện chỗ chúng tôi chưa cho phép. Bên cạnh đó, số lượng người Hàn Quốc sang Việt Nam du lịch để mua mật gấu cũng giảm hẳn.

Bản thân ông nghĩ gì về giải thưởng vinh danh của thị trưởng TP Bern?

Gấu là biểu tượng của thành phố Bern. Người dân Thuỵ Sĩ coi gấu như một biểu tượng may mắn. Còn tôi thì coi đó là biểu tượng chống lại sự vi phạm pháp luật và lòng tham lam của con người.

Giữa hai xu hướng, một bên là muốn phát triển kinh tế bằng mọi giá, xây dựng nhiều dự án, công trình, nhà máy, bất chấp những hậu quả về mặt môi trường, một bên là cố gắng gìn giữ và bảo tồn những gì mà thiên nhiên đã có sẵn, ban phát cho con người, kiên quyết ngăn chặn những hành vi xâm hại đến môi sinh môi trường như phá rừng, xả nước bẩn bừa bãi làm ô nhiễm môi trường sông nước… thì lực lượng của chúng tôi còn quá mỏng manh. Vì vậy mà bất kỳ hành động nào nhằm bảo vệ thiên nhiên, môi trường… trước sự tàn phá nghiêm trọng của con người đều đáng được khích lệ, động viên.

Kiểm tra thiết bị hút mật gấu

Phần thưởng của thị trưởng Alexander Tschaeppaet, không chỉ là phần thưởng dành cho cá nhân tôi. Nó là lời động viên có giá trị nhất cho tất cả mọi người đang ngày đêm bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường và bảo tồn thiên nhiên, một động tác cổ vũ động viên mạnh mẽ cho phong trào bảo vệ thiên nhiên của cộng đồng trong nước và quốc tế.

Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này. Mong rằng, cuộc chiến đấu của ông và tất cả những người đồng tâm hiệp lực bảo vệ môi trường sẽ thu được nhiều kết quả tốt đẹp.

ĐẶNG MỸ DUYÊN

(*) Tựa do Toà soạn đặt