Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Thăm dò, khai thác khoáng sản:
Phù hợp quy hoạch, đúng quy định pháp luật
Thứ năm: 23:04 ngày 02/05/2024

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản tại các đơn vị cơ bản bảo đảm an toàn lao động, vệ sinh môi trường, tạo nguồn thu cho ngân sách Nhà nước, giải quyết được công ăn việc làm cho người lao động.

Trong những năm qua, hoạt động thăm dò, khai thác, chế biến khoáng sản trên địa bàn tỉnh đều thực hiện đúng theo các quy định của pháp luật về khoáng sản. Hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản tại các đơn vị cơ bản bảo đảm an toàn lao động, vệ sinh môi trường, tạo nguồn thu cho ngân sách Nhà nước, giải quyết được công ăn việc làm cho người lao động.

Khai thác khoáng sản vật liệu san lấp tại một điểm khai thác ở xã Thạnh Bình, Tân Biên (Ảnh minh hoạ)

Chấp hành đúng quy định

Theo Sở Xây dựng, các hoạt động thăm dò, khai thác, vận chuyển khoáng sản ngày càng được quản lý chặt chẽ, dần đi vào nề nếp. Khai thác và sử dụng hợp lý, tiết kiệm đã góp phần phục vụ các nhu cầu về phát triển kinh tế xã hội của địa phương- nhất là khoáng sản vật liệu xây dựng thông thường, đất san lấp và cát xây dựng.

Tuy nhiên, hoạt động khai thác khoáng sản trong tỉnh diễn ra chủ yếu dưới dạng khai thác quy mô nhỏ lẻ, manh mún; diện tích các khu vực khai thác vật liệu san lấp thường không lớn dưới 10 ha; trong cùng một khu vực liền kề khai thác, theo quy định cấp phép khai thác cũ, các diện tích mỏ khác nhau lại có chiều sâu khai thác khác nhau, trong khi có cùng điều kiện về địa chất, thuỷ văn, gây lãng phí tài nguyên.

Hiện tại, nhiều mỏ đã ngừng khai thác nhưng chưa làm thủ tục đóng cửa mỏ, chưa hoàn thiện cải tạo môi trường sau khai thác. Sở Xây dựng kiến nghị trong giai đoạn tới, các sở, ngành chức năng tăng cường hơn nữa giám sát công tác hoàn thiện cải tạo môi trường của các mỏ đã ngừng khai thác; khi cấp phép các mỏ mới cần thắt chặt yêu cầu về khả năng sử dụng công nghệ cao, đánh giá tác động môi trường và kế hoạch bảo vệ môi trường.

Bên cạnh đó, về việc thực hiện Quyết định số 3172/QĐ-UBND ngày 26.12.2018 phê duyệt quy hoạch thăm dò, khai thác, sử dụng khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường và than bùn tỉnh Tây Ninh đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035, tại các điểm mỏ chuyển tiếp, chủ sử dụng đất không làm thủ tục xin cấp phép thăm dò, khai thác hoặc có làm thủ tục nhưng nằm trong khu vực cấm, tạm thời cấm hoạt động khoáng sản, chưa được xem xét giải quyết, chủ yếu xin chủ trương cấp phép thăm dò các điểm mỏ quy hoạch mới.

Các điểm mỏ vật liệu san lấp có diện tích dưới 10 ha chiếm số lượng lớn, quy hoạch không phân bố liền kề nhau, gây lãng phí tài nguyên. Việc quy định chiều sâu khai thác đối với khoáng sản đất san lấp, sét gạch ngói từ 4 ha trở lên có độ sâu 7m, dưới 4 ha có độ sâu khai thác 5m chưa sử dụng hết hiệu quả tài nguyên khoáng sản khu vực quy hoạch.

Trong năm 2023, công tác cấp phép khai thác khoáng sản, giấy phép về thăm dò, khai thác nước dưới đất, giấy phép xả thải vào nguồn nước bảo đảm theo quy định. Thực hiện tốt các biện pháp bảo vệ môi trường, tài nguyên, khoáng sản chưa khai thác; bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội tại khu vực có quy hoạch khoáng sản theo quy định.

Năm 2023, tỉnh đã cấp, gia hạn, điều chỉnh 58 giấy phép khai thác nước dưới đất, 18 giấy phép thăm dò nước dưới đất. Ban hành 46 quyết định phê duyệt tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước; cấp 19 giấy phép hoạt động khoáng sản gồm: 4 giấy phép thăm dò khoáng sản; 3 quyết định phê duyệt trữ lượng khoáng sản; 9 giấy phép khai thác khoáng sản, trong đó có 3 giấy phép cấp mới, 4 giấy phép khai thác thu hồi đất san lấp từ các dự án đầu tư công trình được phê duyệt, 1 giấy phép gia hạn, 1 giấy phép chuyển nhượng quyền khai thác khoáng sản; 3 quyết định phê duyệt đề án đóng cửa mỏ khoáng sản.

Bảo đảm chất lượng khai thác

Nhằm đánh giá hiện trạng bảo vệ, khai thác và sử dụng tài nguyên khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường trên địa bàn tỉnh, mới đây, Sở Xây dựng xây dựng Đề án thăm dò, khai thác, sử dụng khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường và than bùn tỉnh Tây Ninh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Theo đó, đối tượng khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường được khoanh định đưa vào Đề án gồm: đá xây dựng các loại; cát xây dựng nguồn gốc sông, sông - hồ; đất sét làm gạch ngói; vật liệu san lấp các loại; than bùn và cuội sỏi.

Đến năm 2030, nhu cầu sử dụng khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường cụ thể: đá xây dựng, tổng nhu cầu sử dụng khoảng 16.370.000 m3; cát xây dựng, tổng nhu cầu sử dụng khoảng 15.750.000 m3; sét gạch ngói, tổng nhu cầu sử dụng khoảng 10.700.000 m3; vật liệu san lấp: tổng nhu cầu sử dụng khoảng 232.942.000 m3.

Nhu cầu sử dụng khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường cho các dự án, công trình trọng điểm trên địa bàn tỉnh gồm: đá xây dựng với nhu cầu khoảng 12.200.000 m3; cát xây dựng, nhu cầu khoảng 10.800.000 m3; vật liệu san lấp, nhu cầu khoảng 55.300.000 m3.

Định hướng một số vùng quy hoạch khoáng sản làm vật liệu san lấp tập trung quy mô lớn để phục vụ triển khai các dự án phát triển hạ tầng giao thông trọng điểm của tỉnh như: cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Mộc Bài, cao tốc Mộc Bài - Xa Mát, sân bay và các tuyến đường kết nối với các tỉnh, thành phố trong vùng, khu công nghiệp, đô thị theo quy hoạch tỉnh được duyệt.

Theo Đề án, đơn vị sẽ rà soát các khu vực, điểm mỏ đã được quy hoạch và khảo sát các khu vực tiềm năng đề xuất bổ sung mới bảo đảm đáp ứng nhu cầu sử dụng vật liệu xây dựng cho các dự án, công trình trên địa bàn tỉnh đến năm 2030 và những năm tiếp theo. Đề án khoanh định được 135 khu vực và định hướng công tác cấp phép, thăm dò cho các giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 phù hợp lộ trình đầu tư xây dựng các dự án, công trình trên địa bàn tỉnh.

Cụ thể, đến năm 2030, đá xây dựng 2 khu vực, tổng diện tích quy hoạch 99,22 ha; cát xây dựng 31 khu vực, tổng diện tích quy hoạch 2.821,16 ha; sét gạch ngói 4 khu vực, tổng diện tích quy hoạch 59,77 ha; đất san lấp 84 khu vực, tổng diện tích quy hoạch 1.620,06 ha; than bùn 4 khu vực, tổng diện tích quy hoạch 160,61 ha; cuội sỏi 1 khu vực, tổng diện tích quy hoạch 50 ha.

Đồng thời, các đơn vị kiểm tra, giám sát thường xuyên và đột xuất sau cấp phép khai thác khoáng sản để bảo đảm kịp thời phát hiện, chấn chỉnh những sai sót và xử lý nghiêm tiêu cực, vi phạm trong công tác này; bảo đảm các tổ chức, cá nhân thực hiện đầy đủ nghĩa vụ với Nhà nước, với địa phương và người dân nơi khai thác khoáng sản.

Bảo đảm an toàn trong khai thác, phòng chống sự cố; tuân thủ biện pháp bảo vệ môi trường, ký quỹ cải tạo phục hồi môi trường và thực hiện cải tạo phục hồi môi trường; kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định; thu hồi giấy phép khai thác hoặc không tiếp tục cấp phép khai thác đối với những trường hợp tái phạm, không khắc phục tồn tại theo yêu cầu của cơ quan quản lý Nhà nước.

Để hoạt động thăm dò và khai thác khoáng sản được thực hiện hiệu quả, đúng quy định pháp luật, Sở Xây dựng hướng dẫn, kiểm tra thực hiện các quy chuẩn kỹ thuật, quy định về an toàn, vệ sinh lao động trong hoạt động thăm dò, khai thác, chế biến khoáng sản làm vật liệu xây dựng; thẩm định hoặc cho ý kiến đối với dự án khai thác chế biến khoảng sản làm vật liệu xây dựng thông thường theo quy định phân cấp.

Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp các đơn vị liên quan tham mưu UBND tỉnh trong công tác quản lý và cấp phép hoạt động khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường; thẩm định hồ sơ thăm dò, khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường theo quy định.

Thường xuyên rà soát, đánh giá các tổ chức, cá nhân đã được cấp phép về mức độ tuân thủ pháp luật, khai thác không hiệu quả, không chú trọng công tác bảo vệ giảm thiểu ô nhiễm, phục hồi môi trường, ảnh hưởng đến cảnh quan, danh lam thắng cảnh để chấn chỉnh hoặc thu hồi giấy phép nếu cố tình vi phạm.

Nhi Trần

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục