Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Công tác cán bộ nữ:
Phụ nữ phải tự khẳng định bản thân
Thứ hai: 06:10 ngày 13/11/2017

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - “Bản thân phụ nữ phải cố gắng vươn lên. Đó là cuộc cách mạng đưa đến quyền bình đẳng thực sự cho phụ nữ”, đó là điều Bác Hồ từng nói. Đảng và Nhà nước tạo điều kiện, nhưng bản thân người phụ nữ cũng cần phải tự mình khẳng định vai trò và vị trí của mình trong gia đình và xã hội.

Lãnh đạo Hội LHPN tỉnh Tây Ninh nhiệm kỳ 2016 - 2021. Ảnh: Đại Dương

Trong những năm qua, thực hiện Nghị quyết số 11 của Bộ Chính trị (khoá X) về công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá (CNH-HĐH) đất nước, Tỉnh uỷ Tây Ninh đã tổ chức quán triệt và cụ thể hoá các nghị quyết, chỉ thị, quy định của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, hướng dẫn của các ban Đảng Trung ương về các nội dung liên quan đến công tác cán bộ nữ. Qua đó đã tạo sự chuyển biến nhiều mặt trong công tác phụ nữ.

Chuyển biến từ công tác quy hoạch

Ngày 27.4.2007, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 11-NQ/TW về công tác phụ nữ thời kỳ CNH-HĐH đất nước. Nghị quyết đã chỉ ra mục tiêu: phấn đấu đến năm 2020, phụ nữ được nâng cao trình độ về mọi mặt, có trình độ học vấn, chuyên môn, nghiệp vụ đáp ứng yêu cầu công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập kinh tế quốc tế; có việc làm, được cải thiện rõ rệt về đời sống vật chất, văn hoá, tinh thần; tham gia ngày càng nhiều hơn công tác xã hội, bình đẳng trên mọi lĩnh vực; đóng góp ngày càng lớn cho xã hội và gia đình.

Phấn đấu để nước ta là một trong các quốc gia có thành tựu bình đẳng giới tiến bộ nhất khu vực. Và theo Kết luận số 55-KL/TW ngày 18.1.2013 về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết số 11 “Về công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước” nêu rõ, phấn đấu đến năm 2020, cán bộ nữ tham gia cấp uỷ Đảng các cấp đạt từ 25% trở lên; nữ đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp từ 35% đến 40%. Các cơ quan, đơn vị có tỷ lệ nữ từ 30% trở lên, nhất thiết phải có cán bộ lãnh đạo chủ chốt là nữ… 

Căn cứ vào các nghị quyết, kết luận của Trung ương, Tỉnh uỷ Tây Ninh đã cụ thể hoá công tác cán bộ nữ trong các nghị quyết, chỉ thị trong công tác vận động quần chúng, công tác tổ chức, cán bộ. Cụ thể như Kế hoạch số 86 ngày 20.9.2004 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 37 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khoá VII) về một số vấn đề công tác cán bộ nữ trong tình hình mới; Chương trình hành động số 20-CTr/TU ngày 15.12.2007 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ về công tác phụ nữ thời kỳ CNH, HĐH đất nước; Công văn số 464 ngày 29.3.2013 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ về việc triển khai thực hiện Kết luận số 55 ngày 18.1.2013 của Ban Bí thư (khoá X); các chỉ tiêu quy định trong công tác quy hoạch cán bộ, công tác nhân sự đại hội các cấp.

Để bảo đảm được các chỉ tiêu phấn đấu đã đưa ra, trước hết là công tác tạo nguồn cán bộ. Có thể nói, quy hoạch cán bộ là một nội dung quan trọng nhằm bảo đảm cho công tác cán bộ chủ động, hạn chế tình trạng hụt hẫng đội ngũ cán bộ ở một số lĩnh vực công tác, đặc biệt là quy hoạch cán bộ nữ.

Chính từ nhận thức này, những năm qua, công tác quy hoạch tạo nguồn của Tây Ninh nhiệm kỳ sau luôn cao hơn nhiệm kỳ trước. Cụ thể, sau 3 năm thực hiện Kết luận số 55 của Ban Bí thư Trung ương Đảng, tổng số cán bộ quy hoạch vào Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh giai đoạn 2015-2020, nữ chiếm tỷ lệ 30,12%, tăng 5,12% so với giai đoạn 2010-2015; quy hoạch chức danh diện Ban Thường vụ Tỉnh uỷ quản lý giai đoạn 2015-2020, nữ chiếm 31,15%, tăng 7% so với giai đoạn 2010-2015; quy hoạch Ban chấp hành các Đảng bộ trực thuộc Tỉnh uỷ giai đoạn 2015 - 2020, nữ chiếm 33,91%, tăng 6% so với giai đoạn 2010-2015; quy hoạch Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân cấp huyện, thành phố giai đoạn 2016-2021 có 99 đồng chí, trong đó nữ chiếm 36,36%, tăng 5,88% so với giai đoạn 2011-2016.

Và qua công tác rà soát, bổ sung hằng năm, hiện điều chỉnh tỷ lệ nữ nhiệm kỳ 2015-2020 quy hoạch Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh chiếm 34,09%; quy hoạch chức danh diện Ban Thường vụ Tỉnh uỷ quản lý nữ chiếm 31,93%.

Việc đào tạo, bồi dưỡng cán bộ nữ cũng được thực hiện gắn với công tác quy hoạch, đồng thời có chính sách khuyến khích cán bộ nữ tham gia học tập, nâng cao trình độ. Qua đó, trình độ cán bộ nữ hiện nay được nâng lên so với trước, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu nhiệm vụ, phục vụ cho công tác quy hoạch, luân chuyển, bố trí, sử dụng cán bộ.

Trong 10 năm qua, các cấp uỷ Đảng đã cử cán bộ nữ đi đào tạo chuyên môn nghiệp vụ trên 4.000 người, chiếm tỷ lệ 33,44%; đào tạo lý luận chính trị trung cấp, cao cấp gần 3.000 người, chiếm tỷ lệ 38,9%.

Bí thư Huyện uỷ Châu Thành Nguyễn Thị Yến Mai tặng quà cho bà Huỳnh Thị Thanh- vợ liệt sĩ, ngụ xã Phước Vinh. Ảnh: Duy Thức

Cần xoá bỏ rào cản định kiến về giới

Có thể khẳng định, xây dựng đội ngũ cán bộ nữ là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị từ cơ quan Đảng, chính quyền, Mặt trận, đoàn thể mà trách nhiệm cao nhất của người đứng đầu cấp uỷ, cơ quan, đơn vị. Nơi nào có sự quan tâm của cấp uỷ, nơi đó tỷ lệ cán bộ nữ tham gia vào các vị trí chủ chốt, lãnh đạo cao.

Theo ông Nguyễn Kế Bình- Bí thư Đảng uỷ phường Hiệp Ninh, hiện nay, Ban chấp hành Đảng bộ phường có 15 người, trong đó có 7 nữ. Ban Thường vụ 5 người thì có 1 nữ. Trong công tác quy hoạch giai đoạn 2015-2020, Ban Chấp hành có 13/24 là nữ, Ban Thường vụ có 5/10 là nữ. Và quy hoạch trong giai đoạn 2020-2025, trong Ban Chấp hành có 12/23 là nữ, Ban Thường vụ có 6/10 là nữ.

“Việc bổ nhiệm, quy hoạch chúng tôi luôn căn cứ trên 3 yếu tố cần thiết của một người cán bộ: uy tín, phẩm chất đạo đức và phải là người có năng lực. Ở phường chúng tôi, cán bộ nữ làm việc luôn có tinh thần trách nhiệm cao, hoạt động nhạy bén. Hiện 4/6 trưởng đoàn thể là nữ. Cuối tháng 11 này, Đảng uỷ sẽ sắp xếp lại một số chức danh lãnh đạo chủ chốt, trong đó có chức danh Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân và Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân là nữ”- ông Bình nói.

Tuy nhiên, một thực tế hiện nay vẫn còn đó là định kiến về giới. Theo nghiên cứu thăm dò của Trung tâm Nghiên cứu về giới, có gần 70% phụ nữ được hỏi cho rằng, phụ nữ nên làm những công việc nhẹ nhàng, phù hợp với sức khoẻ của giới nữ hơn là tham gia chính trị. Đây chính là rào cản do chính phụ nữ tạo ra.

Về vấn đề này, theo bà Nguyễn Thị Thanh Thuý, Bí thư Đảng uỷ kiêm Chủ tịch Hội đồng nhân dân phường Ninh Thạnh, thành phố Tây Ninh, ngoài sự quan tâm của cấp uỷ, tạo điều kiện của các cơ quan đơn vị, chính bản thân người phụ nữ phải tự khẳng định mình bằng những nỗ lực vươn lên. “Phụ nữ làm lãnh đạo, tham gia các vị trí chủ chốt chắc chắn sẽ vất vả. Vì ngoài chuyện công tác chuyên môn, gia đình vẫn không thể thiếu bàn tay của người phụ nữ. Do vậy, để có thể làm tốt vai trò của mình, người phụ nữ phải phấn đấu, nỗ lực gấp đôi. Đó cũng là cách để xoá bỏ rào cản, định kiến về giới trong xã hội hiện nay”, bà Thuý chia sẻ.

Cán bộ nữ lực lượng vũ trang thăm hỏi Mẹ VNAH Phạm Thị Chuyền - ngụ ấp Hoà Bình, xã Hoà Hiệp, huyện Tân Biên. Ảnh: Trung Quân

Ông Nguyễn Tiến Sử- Phó Bí thư Thường trực Huyện uỷ - Chủ tịch Hội đồng nhân dân huyện Dương Minh Châu cho biết, hiện nay, ở cấp cơ sở huyện Dương Minh Châu có 3 nữ là Bí thư Đảng uỷ kiêm Chủ tịch Hội đồng nhân dân, và 3 nữ là Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các xã, thị trấn. Và qua từng năm đều thấy sự trưởng thành rõ rệt của những nữ lãnh đạo này.

“Để làm tốt công tác cán bộ nữ, cấp uỷ phải quan tâm trước hết đến công tác quy hoạch, đào tạo bồi dưỡng. Cấp uỷ cũng sẽ hậu thuẫn, hỗ trợ hết mình cho mọi người. Tuy nhiên, khi đi vào thực tế, nhất là xuống cơ sở, môi trường công tác nhiều lĩnh vực, nhiều tình huống buộc người đứng đầu đơn vị phải biết giải quyết, đòi hỏi bản thân người được phân công, bổ nhiệm phải có phương pháp tiếp cận, nỗ lực để thể hiện bản lĩnh của mình”, ông Sử nói.

“Bản thân phụ nữ phải cố gắng vươn lên. Đó là cuộc cách mạng đưa đến quyền bình đẳng thực sự cho phụ nữ”, đó là điều Bác Hồ từng nói. Đảng và Nhà nước tạo điều kiện, nhưng bản thân người phụ nữ cũng cần phải tự mình khẳng định vai trò và vị trí của mình trong gia đình và xã hội.

Ngọc Diêu

 

 

 

 

 

Tin cùng chuyên mục
Ý kiến bạn đọc
Báo Tây Ninh