Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Phục dựng Lễ hội đèn Quảng Chiếu ở Thành cổ Hà Nội
Thứ năm: 01:28 ngày 22/12/2011

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Lễ hội đèn Quảng Chiếu là một lễ hội cung đình có từ thời Lý và tiếp tục kéo dài tới thời Trần; có ý nghĩa đặc biệt lớn là cầu trường thọ, cầu quốc thái dân an, thường tổ chức tại Hoàng Thành Thăng Long.

Lễ hội đèn Quảng Chiếu là một lễ hội cung đình có từ thời Lý và tiếp tục kéo dài tới thời Trần; có ý nghĩa đặc biệt lớn là cầu trường thọ, cầu quốc thái dân an, thường tổ chức tại Hoàng Thành Thăng Long.

Qua sự biến động của lịch sử, lễ hội đèn Quảng Chiếu đã bị mai một và tới nay tư liệu lưu truyền lại rất hiếm hoi. Sau khi Hoàng thành Thăng Long được công nhận là Di sản văn hoá thế giới, việc phục dựng lễ hội đèn Quảng Chiếu tại Hoàng thành Thăng Long là vấn đề cần thiết để đề cao giá trị văn hoá di sản. Nhưng việc phục dựng như thế nào để mang đậm nét truyền thống, hài hòa với tính thời đại đang được các nhà quản lý, nhà nghiên cứu văn hoá dày công sưu tầm.

Hội thảo khoa học Lễ hội đèn Quảng Chiếu được Trung tâm bảo tồn khu di tích Cổ Loa-Thành cổ Hà Nội, tổ chức ngày 20.12 vừa qua đã đề cập vấn đề này.

Lễ hội kết hợp giữa truyền thống và hiện đại

Các nhà nghiên cứu cho rằng, triều đại nhà Lý, Trần rất sùng đạo Phật nên mục đích mở Hội đèn Quảng Chiếu của nhà vua là để “quảng chiếu” ánh sáng từ bi, bác ái của đạo Phật không chỉ cho nhà vua, triều đình mà còn cho muôn dân, kể cả các nước láng giềng, mong cho quốc thái dân an, thái bình thịnh trị (đem lại hòa bình, hạnh phúc cho mọi người).

Lễ hội đèn Quảng Chiếu là lễ hội gắn với Kinh dược sư. Đặc biệt, trong 12 lời nguyện của Đức Phật Dược Sư, điều nguyện thứ hai có mối liên quan tới đèn Quảng Chiếu. Ngay cả hình dáng của cây đèn cũng được nhắc tới trong Kinh Dược Sư.

Tiến sĩ Nguyễn Quốc Tuấn, Viện Nghiên cứu Tôn giáo thuộc Viện Khoa học Xã hội Việt Nam cho rằng: “Khi phục dựng lại lễ hội phải có sự kết hợp giữa truyền thống và hiện đại có nghĩa phải gần gũi nhất với lịch sử đồng thời thỏa mãn nhu cầu hiện đại.”

Tại hội thảo, các nhà nghiên cứu cho rằng, lễ hội đèn Quảng Chiếu nên tổ chức vào mùa Xuân. Nơi diễn ra lễ hội được thống nhất tại Đoan Môn. Giáo sư Phan Khanh cho rằng: “Việc chuẩn bị đèn là quan trọng nhất, cần đầu tư một cách công phu. Đèn cần dựng lại một cách quy mô, bài trí theo kiểu dáng sử sách đã ghi lại.” Vì vậy, tại hội thảo, các nhà nghiên cứu cũng đề cập đến nhiều cách phục dựng đèn Quảng Chiếu từ quy mô tới cách bài trí đảm bảo gần với giá trị gốc.

Theo kịch bản, lễ hội đèn Quảng Chiếu chia làm hai phần, phần lễ và phần hội trong đó quan trọng nhất là phần lễ. Khai lễ là phần dâng hương, thắp đèn Quảng Chiếu, Thỉnh Phật, cúng triệu thỉnh Bác bộ Kim cương, dâng lục cúng. Tại lễ hội sẽ tụng kinh Dược Sư và mọi người đều có thể thắp nến xung quanh cây đèn chủ cầu mong trí tuệ.

Nâng lễ hội lên tầm quốc gia

Lễ hội đèn Quảng Chiếu chính là lễ hội cung đình. Vì vậy, khi phục dựng lại lễ hội này, các nhà nghiên cứu văn hoá, tôn giáo cho rằng cần nâng lễ hội lên tầm quốc gia để xứng đáng với vị trí của nó. Tại đây, hình ảnh quốc gia, dân tộc gắn liền với lễ hội.

Một mặt, ý nghĩa của lễ hội chính là cầu nguyện, ước muốn cho đất nước được thanh bình, hạnh phúc và thịnh vượng nên lễ hội đèn Quảng Chiếu sau này còn được gọi là đèn Diên Mệnh hoặc đèn Trường Thọ hay lễ hội Trường Thọ cũng đã phản ánh được điều đó.

Thành cổ Hà Nội xưa

Giáo sư Phan Khanh tâm huyết rằng: “Lễ hội đèn Quảng Chiếu có giá trị văn hoá tâm linh sâu sắc, tạo ra sự hòa nhập thiêng liêng giữa đạo và đời, vì vậy ngày nay cần nâng tầm lễ hội lên thành lễ hội quốc gia.”

Đồng tình với quan điểm này, tiến sĩ Phạm Văn Thắng, Viện Hán Nôm cũng cho rằng: “ Lễ hội này có ý nghĩa lớn, mang tầm quốc gia và quốc tế.” Còn Đại đức Thích Minh Trí, trụ trì chùa Quang Ân, xã Thanh Liệt, huyện Thanh Trì cũng nhất trí: “Nên đưa lễ hội lên tầm quốc gia.”

Mặc dù gặp nhiều khó khăn trong việc phục dựng để đảm bảo tính chân thực của lịch sử nhưng Trung tâm bảo tồn Khu di tích Cổ Loa-Thành cổ Hà Nội đang nhận được sự ủng hộ tâm huyết của các nhà nghiên cứu văn hoá, nghiên cứu tôn giáo và đông đảo mọi người. Đó là mấu chốt quan trọng để một lễ hội giàu tính nhân văn này sớm được hồi phục, làm sống lại không gian di sản Hoàng thành Thăng Long.

Theo TTXVN

 
Từ khóa:
data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục