BAOTAYNINH.VN trên Google News

Phục hồi kinh tế: Nhiều người được hỗ trợ, dù mức thu giảm

Cập nhật ngày: 26/01/2024 - 10:10

BTN - Trong hai ngày 23 và 24.1, Đoàn ĐBQH đơn vị tỉnh Tây Ninh giám sát việc thực hiện Nghị quyết 43 của Quốc hội về chính sách tài khoá, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội tại Cục Thuế tỉnh, Sở LĐ-TB&XH.

 

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Võ Đức Trong tặng quà cho người lao động khó khăn. Ảnh: Ngọc Diêu

Phối hợp tốt

Ông Dương Quốc Sinh- Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH cho biết, lãnh đạo Sở đã tham mưu UBND tỉnh ban hành nhiều văn bản thực hiện Nghị quyết 43 của Quốc hội. Cụ thể, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch 1271/KH-UBND ngày 18.4.2022 thực hiện chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động trên địa bàn tỉnh Tây Ninh và giao nhiệm vụ cho các sở, ngành tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố thực hiện.

UBND tỉnh ban hành Quyết định số 1147/QĐ-UBND ngày 23.5.2022 về việc uỷ quyền cho UBND cấp huyện, thị xã, thành phố phê duyệt danh sách và kinh phí hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động theo Quyết định số 08/2022/QĐ-TTg, ngày 28.3.2022, của Thủ tướng Chính phủ quy định về việc thực hiện chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động trên địa bàn tỉnh Tây Ninh.

Sở LĐ-TB&XH là cơ quan chủ trì ban hành Hướng dẫn số 1365/HD-SLĐTBXH ngày 21.4.2022 về việc triển khai, thực hiện chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động. Các văn bản tham mưu và triển khai kịp thời đến các huyện, thị xã, thành phố, doanh nghiệp và người dân trên địa bàn tỉnh Tây Ninh để người dân được hỗ trợ đầy đủ theo quy định.

Lãnh đạo Sở LĐ-TB&XH nhìn nhận, vốn tín dụng chính sách cho vay theo Nghị quyết số 11/NQ-CP góp phần tích cực tạo việc làm, duy trì, mở rộng việc làm cho hơn 6,9 ngàn lao động; tạo điều kiện cho hơn 328 học sinh, sinh viên có điều kiện khó khăn để mua máy tính phục vụ cho việc học tập trong thời gian diễn ra dịch bệnh phức tạp trên địa bàn tỉnh; giúp hơn 40 cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập tiếp cận nguồn vốn tín dụng chính sách, tiếp tục hoạt động sau thời gian ngừng hoạt động do ảnh hưởng của dịch Covid-19; tạo điều kiện cho 182 gia đình có mái ấm để “an cư lạc nghiệp”, hiện thực hoá ước mơ có nhà riêng để ở, ổn định cuộc sống.

Hoạt động tín dụng chính sách xã hội đã góp phần quan trọng thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách, mục tiêu, nhiệm vụ mà Đảng và Nhà nước đã đề ra về giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, tập trung phát triển nguồn nhân lực, bảo đảm an sinh xã hội, ổn định chính trị, an ninh quốc phòng và phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh.

Việc thực hiện cơ chế chính sách uỷ thác thông qua các tổ chức chính trị - xã hội tạo điều kiện cho các tổ chức tập hợp được quần chúng nhân dân, thu hút hội viên, đoàn viên tham gia các tổ chức đoàn thể, giúp các tổ chức đoàn thể ngày càng lớn mạnh; phối hợp hiệu quả các hoạt động khuyến nông, khuyến công, khuyến lâm, khuyến ngư, hỗ trợ kỹ thuật, chuyển giao khoa học công nghệ, tiêu thụ sản phẩm.

Đánh giá khái quát kết quả thực hiện mục tiêu giảm tỷ lệ thất nghiệp, lãnh đạo Sở LĐ-TB&XH cho biết, do ảnh hưởng dịch bệnh kéo dài, tình hình sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh thời gian qua gặp nhiều khó khăn, thiếu đơn hàng vì kinh tế các nước gặp khó khăn, lạm phát cao, chính sách tiền tệ thắt chặt nên sức mua sụt giảm. Điều này khiến nhiều doanh nghiệp trong nước nói chung, doanh nghiệp trong tỉnh nói riêng gặp tình trạng hàng tồn kho nhiều không xuất khẩu được, không có đơn hàng mới nên một số doanh nghiệp thu hẹp sản xuất, giảm giờ làm việc dẫn đến tình trạng lao động mất việc làm.

Thời gian qua, ngành đã tham mưu, đề xuất các giải pháp nhằm hỗ trợ người lao động gặp khó khăn do mất việc làm, thiếu việc làm trong dịp Tết Nguyên đán năm 2023 như hỗ trợ 500.000 đồng/người; hỗ trợ người lao động sớm quay lại thị trường lao động thông qua các ngày hội việc làm, hội chợ việc làm; tổ chức tư vấn giới thiệu việc làm cho lao động nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp để các lao động này có cơ hội tìm kiếm được việc làm nhằm mục tiêu giảm tỷ lệ thất nghiệp.

Tuy nhiên, do triển khai kế hoạch trong thời gian ngắn nên các doanh nghiệp không có đủ thời gian tổng hợp số người lao động có ở thuê, ở trọ. Đồng thời doanh nghiệp chưa nắm rõ đối tượng được hỗ trợ nên báo cáo số liệu khái toán không sát thực tế. Do vậy, khi kết thúc tiếp nhận hồ sơ, tổng số đối tượng đề nghị hỗ trợ chỉ đạt 44,6% (42,3/94,8 tỷ đồng) so với số khái toán ban đầu. Đến ngày 5.9.2022, tỉnh đã giải ngân hết 100% kinh phí hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động theo danh sách được UBND huyện, thành phố phê duyệt hỗ trợ. Qua rà soát báo cáo từ các huyện, thành phố, trên địa bàn tỉnh hiện không còn đối tượng đủ điều kiện hỗ trợ theo Quyết định 08/2022/QĐ-TTg.

Sau khi nghe báo cáo, thành viên đoàn giám sát đề nghị lãnh đạo Sở LĐ-TB&XH đánh giá việc phối hợp giữa cơ quan này với Ngân hàng Chính sách xã hội, hiện nay, đồng bào người tộc thiểu số ít vay vốn ngân hàng, vì sao, nên nhìn nhận như thế nào, có phải cả bên cho vay và người vay đều e ngại vì rủi ro? Chính sách hỗ trợ người dân ở trọ, ở thuê chỉ áp dụng trong thời gian ngắn, Sở LĐ-TB&XH có phối hợp thông tin truyền thông chính sách về việc này không?

Lãnh đạo Sở LĐ-TB&XH lần lượt trả lời từng câu hỏi nêu trên. Bà Hoàng Thị Thanh Thuý- trưởng đoàn giám sát đánh giá “sự phối hợp giữa Sở LĐ-TB&XH và Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh rất tốt”. Về mặt thời gian, bà Hoàng Thị Thanh Thuý nhìn nhận, đợt giám sát về việc thực hiện Nghị quyết 43 của Quốc hội hơi muộn nhưng vẫn giám sát để rút ra bài học kinh nghiệm. Trưởng đoàn giám sát lưu ý lãnh đạo Sở LĐ-TB&XH thường xuyên rà soát chính sách, quy định để chính sách phát huy hiệu quả hơn, trong đó lưu ý về truyền thông chính sách.

Thu thuế vượt chỉ tiêu

Tại Cục Thuế Tây Ninh, báo cáo với đoàn giám sát, lãnh đạo Cục Thuế cho biết, 12 tháng năm 2023, nguồn thu thuế trên địa bàn tỉnh đạt 9.838,76 tỷ đồng, so với dự toán Bộ Tài chính giao đạt 108,72% và đạt 102,5% so với dự toán UBND tỉnh giao, tuy nhiên, mức thu trên giảm 6,48% so với năm 2022.

Quang cảnh làm việc tại Cục Thuế tỉnh

Năm 2023, 8/15 khoản thu không đạt so với dự toán, do thu từ doanh nghiệp trọng điểm của khu vực doanh nghiệp giảm mạnh. Một số doanh nghiệp nộp ngân sách Nhà nước giảm so cùng kỳ năm 2022 như: Công ty Điện lực Tây Ninh giảm 8,6 tỷ đồng, Công ty Viettel Tây Ninh giảm 10,7 tỷ đồng, Công ty Cao su Tây Ninh giảm 8,5 tỷ đồng; Công ty CP chế biến - nhập khẩu Gỗ Tây Ninh giảm 6,8 tỷ đồng...

Nguồn thu từ doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài cũng giảm so với năm trước. Nguyên nhân không đạt dự toán chủ yếu do kinh tế suy thoái, hàng hoá tiêu thụ chậm, nguồn nguyên liệu đầu vào một số ngành hàng như may mặc, giày da thiếu, chi phí sản xuất tăng... dẫn đến ảnh hưởng giảm số tiền thuế phải nộp. Nguồn thu từ đất giảm 22% so với cùng kỳ năm 2022, do thị trường bất động sản trầm lắng và chưa thực hiện được công tác tổ chức đấu giá thu tiền sử dụng đất…

Tại buổi làm việc, thành viên đoàn giám sát đề nghị lãnh đạo Cục Thuế Tây Ninh thông tin thêm, làm rõ thêm một số nội dung liên quan đến chính sách thuế, cách thức thực hiện. Bà Hoàng Thị Thanh Thuý- Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH nêu ví dụ: việc thanh tra, kiểm tra nội bộ ngành Thuế như thế nào, thu thuế hoạt động kinh doanh trên môi trường điện tử như thế nào?

Giải trình sau đó, lãnh đạo Cục Thuế cho biết, cơ quan này đã mời doanh nghiệp đến Cục Thuế để trao đổi, thông báo rõ chủ trương, chính sách quy định trong Nghị quyết 43 của Quốc hội. Ngoài Nghị quyết 43, Cục Thuế còn thực hiện hai nghị quyết khác, cũng liên quan đến chính sách thuế. “Chúng tôi có đường dây nóng, mọi vấn đề thắc mắc về chế độ, chính sách thuế được giải đáp kịp thời, thoả đáng. Còn việc tổ chức gặp gỡ, đối thoại hằng năm, ít ý kiến phát biểu”- lãnh đạo Cục Thuế tỉnh cho biết.

Việt Đông

Kết quả thực hiện các chính sách về an sinh xã hội, lao động, việc làm:

Tổng nhu cầu vốn tín dụng chính sách theo Nghị quyết số 11/NQ-CP cho năm 2022 và năm 2023 là 633,1 tỷ đồng, trong đó, năm 2022 là 374,1 tỷ đồng, năm 2023 là 259 tỷ đồng.

Kết quả thực hiện cho vay đến 31.12.2022, tổng dư nợ cho vay các chương trình tín dụng theo Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30.1.2022 đạt 193,9 tỷ đồng, hoàn thành 100% kế hoạch được giao.

Từ năm 2022 đến 31.12.2023, ngân hàng giải ngân cho 9.129 khách hàng vay vốn, số tiền hơn 487.439 triệu đồng. Đến nay, dư nợ các chương trình cho vay theo Nghị quyết số 11/NQ-CP đạt 486.038 triệu đồng, đạt 100% kế hoạch giao.