Kinh tế   Công nghiệp – Dịch vụ

BAOTAYNINH.VN trên Google News

Phục hồi kinh tế - phụ thuộc thị trường 

Cập nhật ngày: 24/01/2024 - 05:25

BTN - Đại diện Ngân hàng Đầu tư và Phát triển cũng nêu băn khoăn về việc đánh giá khả năng phục hồi không đơn giản, vì doanh nghiệp có phục hồi được không, phục hồi ở mức nào, còn phụ thuộc thị trường.

Quang cảnh buổi làm việc.

Ngày 23.1, Đoàn đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Tây Ninh có buổi giám sát chuyên đề việc thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH2015 của Quốc hội tại Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Tây Ninh về chính sách tài khoá, tiền tệ hỗ trợ chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội.

Giảm lãi suất, tăng ưu đãi

Báo cáo với đoàn giám sát, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Tây Ninh cho biết, thực hiện chính sách hỗ trợ lãi suất 2%/năm trong 2 năm 2022-2023 theo Nghị định số 31/2022/NĐ-CP của Chính phủ về việc hỗ trợ lãi suất từ ngân sách Nhà nước đối với khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh, ngành ngân hàng đã triển khai quyết liệt, thông báo kịp thời, đầy đủ, rõ ràng chính sách để khách hàng biết và tiếp cận.

Dư nợ cho vay theo Nghị định số 31/2022/NĐ-CP của Chính phủ và Thông tư số 03/2022/TT-NHNN của NHNN Việt Nam đến 31.12.2023 đạt 182 tỷ đồng với 13 khách hàng. Doanh số cho vay được hỗ trợ đạt 1.420 tỷ đồng với 17 khách hàng và số tiền lãi được hỗ trợ luỹ kế từ đầu chương trình là 6,6 tỷ đồng.

Hoàng Thị Thanh Thuý phát biểu kết luận buổi giám sát.

Để ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam đã 2 lần điều chỉnh tăng lãi suất điều hành, nâng trần lãi suất huy động dưới 6 tháng, trần lãi suất cho vay ngắn hạn 5 lĩnh vực ưu tiên đã đưa mặt bằng lãi suất thị trường tăng khoảng 1,5% - 2% so năm 2021. Năm 2023, NHNN Việt Nam điều chỉnh liên tục giảm 4 lần lãi suất điều hành với mức giảm 0,5%-2%/năm, 3 lần điều chỉnh giảm lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa đối với các lĩnh vực ưu tiên.

Năm 2022, 2023, các chi nhánh ngân hàng thương mại (NHTM) trên địa bàn tỉnh có nhiều chương trình giảm lãi suất cho một số cá nhân, doanh nghiệp nhằm giảm áp lực lãi suất cho vay. Năm 2022, các NHTM tự nguyện giảm lãi suất hỗ trợ người dân và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh với số tiền lãi hỗ trợ là 18,2 tỷ đồng và năm 2023 là 118 tỷ đồng.

Như vậy, mặt bằng lãi suất cho vay của các tổ chức tín dụng (TCTD) trên địa bàn hiện nay đã giảm khá mạnh so đầu năm theo xu hướng chung của cả nước.

Trong đó, lãi suất cho vay ngắn hạn đối với 5 lĩnh vực ưu tiên tối đa tại NHTM là 4%/năm và tại các quỹ TDND là 5% năm; lãi suất cho vay ngắn hạn lĩnh vực sản xuất, kinh doanh khác phổ biến ở mức 8% - 9%/năm; lãi suất cho vay trung, dài hạn lĩnh vực sản xuất, kinh doanh phổ biến ở mức 10% -11%/năm. Lãi suất cho vay trên địa bàn giảm khoảng 2%-3% so với đầu năm.

Tiếp tục thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi vay và giữ nguyên nhóm nợ đối với khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, năm 2022, ngành Ngân hàng trên địa bàn tiếp tục thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi vay và giữ nguyên nhóm nợ đối với khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 với 66 khách hàng, dư nợ 234,7 tỷ đồng.

Luỹ kế từ đầu chương trình, các TCTD trên địa bàn đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi vay và giữ nguyên nhóm nợ cho 2.978 khách hàng với dư nợ gốc được cơ cấu lại là 3.145 tỷ đồng (chính sách kết thúc 30.6.2022).

Ông Đặng Xuân Lãnh (UBMTTQ tỉnh) phát biểu.

Năm 2023, các TCTD trên địa bàn đã triển khai quyết liệt, thông báo, hướng dẫn, hỗ trợ khách hàng tiếp cận, kết quả đến cuối năm 2023, các TCTD trên địa bàn cơ cấu lại thời hạn trả nợ giữ nguyên nhóm nợ 370,6 tỷ đồng cho 135 lượt khách hàng, trong đó dư nợ gốc là 353,7 tỷ đồng, dư nợ lãi là 16,9 tỷ đồng; tất cả khách hàng có nhu cầu, đủ điều kiện đều được tiếp cận chính sách…

Tình hình cho vay cải tạo chung cư cũ, xây dựng nhà ở xã hội, nhà cho công nhân mua, thuê và thuê mua, trên địa bàn tỉnh hiện nay có 1 dự án nhà ở xã hội là “Dự án chung cư nhà ở xã hội Thành phố Vàng” do Công ty cổ phần đầu tư Thành phố Vàng làm chủ đầu tư, đã được thông báo nhà ở đủ điều kiện được đưa vào kinh doanh với 822 căn nhà ở xã hội.

Dự án này được công bố trên cổng thông tin điện tử theo quy định tại Nghị quyết số 33/NQ-CP của Chính phủ và Công văn số 1551/BXD-QLN ngày 20.4.2023 của Bộ Xây dựng (Thông báo số 1750/TB-UBND ngày 12.6.2023).

Chủ đầu tư “Dự án chung cư nhà ở xã hội Thành phố Vàng” đã liên hệ với các chi nhánh NHTM về việc vay vốn theo Chương trình tín dụng 120.000 tỷ đồng; tuy nhiên chưa tiếp cận được do chưa đủ điều kiện theo thẩm định của các ngân hàng.

Về khách hàng mua nhà ở xã hội của gói tín dụng 120.000 tỷ đồng, trên địa bàn tỉnh chưa phát sinh cho vay thực hiện Chương trình tín dụng 120.000 tỷ đồng liên quan đến phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo xây dựng lại chung cư. Tuy nhiên, NHCSXH thực hiện cho vay nhà ở xã hội đối với khách hàng mua nhà ở “Dự án chung cư nhà ở xã hội Thành phố Vàng” với dư nợ là 22,3 tỷ đồng cho 48 khách hàng.

Kiến nghị, giải trình

Sau khi phân tích hạn chế, khó khăn, lãnh đạo ngành ngân hàng kiến nghị, hoạt động của các TCTD trên địa bàn tỉnh thời gian qua phát sinh trường hợp toà án tuyên hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất vô hiệu (do việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất có vi phạm pháp luật) và yêu cầu TCTD hoàn trả giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã nhận thế chấp (mặc dù việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất đã hoàn thành, người mua đã thực hiện thủ tục ra giấy chứng nhận mới và thế chấp cho TCTD để bảo đảm cho khoản vay).

Trường hợp này tạo rủi ro rất lớn cho hoạt động của các TCTD. Đề nghị Đoàn ĐBQH đề xuất các cơ quan chức năng có hướng dẫn xử lý, tháo gỡ xem TCTD là bên thứ 3 ngay tình và được tiếp tục nhận, xử lý tài sản thế chấp.

Bà Huỳnh Vương Hiếu phát biểu ý kiến.

Sau khi nghe báo cáo, thành viên đoàn giám sát nêu một số vấn đề liên quan việc thực hiện Nghị quyết 43. Bà Huỳnh Vương Hiếu, Phó trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách của HĐND tỉnh đề nghị ngành ngân hàng thông tin thêm về việc vì sao nhiều người chỉ chờ vay vốn chính sách nhưng ngần ngại vay vốn tín dụng.

Ông Nguyễn Việt Cường- Phó Ban Văn hoá - Xã hội HĐND tỉnh đề nghị lãnh đạo ngành ngân hàng cho biết giải pháp nào để người có nhu cầu vay vốn dễ tiếp cận hơn, mặt khác cần phối hợp hơn với cơ quan báo chí, truyền thông để khách hàng hiểu rõ hơn chính sách, quy định cho vay vốn.

Ông Đặng Xuân Lãnh (UBMTTQ tỉnh) đặt vấn đề làm thế nào để đồng bào dân tộc thiểu số dễ tiếp cận hơn với chính sách vay vốn, “thực tế giá nhà ở xã hội như hiện nay, người lao động, thu nhập trung bình không dễ mua”.

Chia sẻ với ngành ngân hàng, ĐBQH Trần Hữu Hậu nêu, chủ trương giảm lãi suất cho vay là đúng nhưng NHTM không thể giảm lãi suất cho vay ngay được, vì vốn huy động tại thời điểm trước đó lãi suất cao, nếu giờ giảm lãi suất lập tức, không thực hiện được.

Bà Hoàng Thị Thanh Thuý- Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH, trưởng đoàn giám sát hỏi: phần hạn chế trong báo cáo của ngân hàng nêu nhiều nguyên nhân khách quan, vậy còn nguyên nhân chủ quan là gì, có không?

Khó dự báo

Đại diện Ngân hàng Chính sách xã hội cho biết, việc cho vay xây nhà, mua nhà ở xã hội đạt kết quả không cao, nguồn vốn cho vay theo quy định chỉ thực hiện trong hai năm 2022 - 2023, nhiều người có nhu cầu vay vốn nhưng phải chờ năm 2024 mới “được tuổi” làm nhà.

Đồng bào dân tộc thiểu số khó tiếp cận vốn vay ngân hàng, một phần nguyên nhân do những hộ đồng bào này định cư ở một số xã đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, không còn được ưu tiên, ưu đãi. Để tháo gỡ, lãnh đạo ngân hàng đề xuất Chính phủ xem xét xây dựng chính sách cho vay đối với đồng bào định cư ở khu vực biên giới, thay cho xã nông thôn mới.

Khách hàng giao dịch tại Ngân hàng Bản Việt Tân Biên. (Ảnh minh hoạ: Vũ Nguyệt)

Lãnh đạo Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, ngoài việc giảm lãi suất, ngân hàng này thực hiện nhiều ưu đãi đối với khách hàng vay vốn. “Hỗ trợ vay vốn để tạo ra tương lai (đối với doanh nghiệp) nhưng yêu cầu ngành ngân hàng đánh giá khả năng phục hồi của doanh nghiệp, điều này rất khó. Thế nào là phục hồi, tiêu chí nào để làm cơ sở đánh giá khả năng phục hồi, chưa thật sự rõ ràng.

Thật sự anh em cũng nhiều tâm tư”- đại diện Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phát biểu với đoàn giám sát. Tương tự, đại diện Ngân hàng Đầu tư và Phát triển cũng nêu băn khoăn về việc đánh giá khả năng phục hồi không đơn giản, vì doanh nghiệp có phục hồi được không, phục hồi ở mức nào, còn phụ thuộc thị trường.

Kết luận buổi giám sát, bà Hoàng Thị Thanh Thuý nhìn nhận, dù còn nhiều khó khăn, bất cập, hạn chế nhưng kết quả hoạt động của ngành ngân hàng rất đáng ghi nhận. Đoàn giám sát đề nghị, để các chính sách hiệu quả hơn, khâu thông tin, tuyên truyền rất quan trọng. “Chúng ta không chủ quan, thực tế cho thấy, nhiều người có nhu cầu vay vốn nhưng thiếu thông tin”.

Việt Đông