Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Phức tạp việc khai thác cát ở thượng nguồn sông Vàm Cỏ Ðông
Thứ tư: 12:37 ngày 19/04/2017

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Thời gian gần đây, một số người dân làm ăn sinh sống ở thượng nguồn sông Vàm Cỏ Ðông phàn nàn về việc khai thác cát, gây sạt lở bờ sông và cản trở dòng chảy.

Một đoạn ruộng của gia đình bà Luận bị sạt lở chưa rõ nguyên nhân.

Theo phản ánh của người dân, một ngày giữa tháng 4.2017, chúng tôi đến thượng nguồn sông Vàm Cỏ Ðông, đoạn ngang qua địa bàn xã Phước Vinh, huyện Châu Thành để “mục sở thị”. Dọc theo bờ, có 4 chiếc sà lan buông neo chờ lấy cát. Khi đã hút đầy, những chiếc ghe này lần lượt đến bơm cát vào sà lan. Chiếc nào “no” thì chở đi bán hoặc chở về bãi đất trống của doanh nghiệp và bơm lên bờ, chờ xe tải đến lấy.

Một nông dân địa phương (xin không nêu tên) cho biết, gia đình ông có ruộng lúa ở ven sông Vàm Cỏ Ðông, sắp đến ngày thu hoạch. Sà lan đậu san sát dọc theo bờ sông khiến lục bình không trôi xuống hạ lưu được, ngăn cản xuồng ghe qua lại, gây khó khăn cho việc vận chuyển thóc lúa. Người dân này cho biết thêm, những chiếc ghe hút cát này là của Doanh nghiệp tư nhân (DNTN) Trường Thắng. Ông đã nhiều lần đến gặp doanh nghiệp đề nghị hạn chế việc gây ách tắc dòng sông. Ðại diện doanh nghiệp hứa sẽ khắc phục nhưng đâu vẫn hoàn đấy.

Người đàn ông chỉ cho xem đoạn bờ sông bị sạt lở và cho rằng do khai thác cát gây nên. Hiện trường cho thấy, một phần đất ruộng bị sạt lở ở đoạn dọc theo bờ sông dài hơn 20 mét, sâu vào bên trong khoảng 3-4 mét. Ðối diện phần đất này, phía bên kia bờ sông Vàm, thuộc địa bàn ấp Rạch Tre, xã Biên Giới, huyện Châu Thành có một vườn tràm cũng bị lở xuống sông. Hiện nay, mực nước trên sông còn khá cao nhưng vẫn dễ dàng nhìn thấy bờ bị lở thẳng đứng.

Chủ phần đất ruộng bị sạt lở là bà Trần Thị Lý Luận- ngụ ấp Phước Lộc, xã Phước Vinh cho biết, năm 2016, DNTN Trường Thắng đến khai thác cát, đoạn ngang qua phần đất của vợ chồng bà. Sau một thời gian ghe cát hoạt động, bờ ruộng của bà bị nứt. Thấy có dấu hiệu sạt lở, bà đã vội vàng đến doanh nghiệp phản ánh và đề nghị ngưng hút cát ở đoạn sông này. Sau khi ghe cát rút đi, bờ ruộng của bà bị “tuột” xuống sông. Tiếp theo là phần diện tích kế cận bờ đê cũng lần lượt “ra đi”. Cuối cùng, DNTN Trường Thắng chấp nhận bồi thường cho bà với mức giá 500 ngàn đồng/mét chiều dài. Bà Luận cho xem biên bản thoả thuận giữa hai bên và nói: “Lúc đó, nhân viên của doanh nghiệp tới đo đạc đất của tôi, thấy bị lở 23 mét. Họ bồi thường cho tôi 12,5 triệu đồng”.

Trao đổi với chúng tôi qua điện thoại về vấn đề này, ông Nguyễn Huỳnh Thái- chủ DNTN Trường Thắng cho biết, trong số những người làm đơn thưa kiện, có một người từng là công nhân của DN. Sau đó, vì lý do tế nhị, công nhân này nghỉ làm việc, cùng với một số người khác kích động người dân không cho DN khai thác cát.

Nhóm người này buộc DNTN Trường Thắng phải chi từ 10.000- 15.000 đồng/khối mới cho khai thác. Tính đến nay, DN đã chi cho họ tổng cộng 3 lần. Nếu không chi, những người này dùng ná bắn xuống ghe- nơi những công nhân đang khai thác cát.

Về việc người dân cho rằng vì sà lan khai thác cát làm ứ đọng lục bình trên mặt sông, dẫn đến ùn tắc giao thông đường thuỷ, ông Thái cho rằng, việc lục bình xuất hiện đầy trên mặt sông, gây cản trở dòng chảy là hiện tượng tự nhiên. Ông khẳng định, DN chỉ có một sà lan hút loại cát nhuyễn để cung cấp riêng cho nhà máy, chứ không hút cát dùng để xây tô như những doanh nghiệp khác. Sà lan này hoạt động đều có bảng báo cáo gửi lên chính quyền địa phương.

Các sà lan còn lại là của một DN khác, đã hết giấy phép hoạt động nhưng vẫn lén lút “ăn cắp” cát. Mỗi tháng, DNTN Trường Thắng có một hai hợp đồng, lúc đó mới thuê sà lan hút cát thêm, nhưng cát hút xong cũng tập trung về bãi.

Về việc ruộng đất của bà Luận bị sạt lở, ông Thái cho hay, trước đây rất lâu, DN có khai thác cát ở đoạn sông này, nhưng không phải do khai thác cát làm lở bờ sông, mà do dòng xoáy tự nhiên… Không muốn tranh cãi, DN bồi thường cho bà Luận. Từ tháng 8.2016 đến nay, DN không còn khai thác cát ở đoạn sông ngang qua phần đất của bà Luận nữa.

Theo ghi nhận từ thực tế và sự phản ánh của những người liên quan ở cả hai phía cho thấy, tình hình khai thác cát ở thượng nguồn sông Vàm Cỏ Ðông khá phức tạp. Có hay không một nhóm côn đồ đòi “bảo kê” việc khai thác cát hay một doanh nghiệp đã hết giấy phép hoạt động nhưng vẫn lén lút khai thác…? Tất cả những vấn đề nêu trên đang rất cần ngành chức năng và chính quyền địa phương sớm vào cuộc điều tra, xử lý.

Thảo Nguyên

Tin cùng chuyên mục
Ý kiến bạn đọc
Báo Tây Ninh