Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Phượng buồn
Chủ nhật: 10:15 ngày 15/11/2020

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Trời chuyển dần về sáng. Màn đêm như chiếc áo choàng đen thẫm phủ trên bầu trời đang nhạt dần...

Gã không nhìn thấy điều đó nhưng gã cảm nhận được rõ ràng và cũng biết được rất rõ bây giờ đã gần năm giờ sáng. Tiếng chim! Tiếng chim gọi bình minh véo von bên ngoài làm gã thức giấc.

Sáng nào gã cũng thức giấc nằm lặng nghe tiếng hót véo von của con CHIM - GỌI - BÌNH - MINH (gã đặt tên như thế) như là thói quen không thể thiếu được cho một ngày.

Ôi! Con chim có màu sắc đen tuyền ẩn những lông cánh trắng muốt bên trong như bộ áo choàng đen của các vị nữ tu, thân thiết với gã biết bao. Tuổi thơ ở quê nội, gã đã có biết bao buổi sáng ngồi lặng bên khung cửa sổ để theo dõi từng bóng chim chìa vôi chao lượn nhẹ nhàng và tâm hồn chìm lắng trong tiếng chim...

Còn bây giờ, ở đây cũng có khung cửa sổ nhưng chỉ lớn hơn bàn tay với những chấn song sắt to kềnh, lạnh tanh, làm sao gã có thể theo dõi được bóng chim chao lượn.

Gã chỉ có thể nhìn ra được khoảng sân mờ sáng với thảm đỏ xác phượng. Ô hay! Mới mấy hôm trước đây thôi, khoảng sân trong tầm nhìn của gã còn khô cằn, rải đầy xác phượng đỏ, thế mà chỉ qua một trận mưa đầu mùa vào cuối tháng năm, bây giờ nơi đó đã vươn lên những mầm xanh cỏ non chen chúc với xác phượng đỏ.

Một đang tàn rũ và một mới bắt đầu trên cùng mảnh đất. Còn gã, gã đang tàn rũ như những cánh phượng hay mới bắt đầu như những mầm cỏ xanh non (?!)...

Cái bắt đầu của gã là từ ngày gã chuyển trường từ quê lên thành phố và làm quen với đám bạn mới, những con nhà đại gia, những cô chiêu cậu ấm. Mỗi ngày đi học, chúng chễm chệ trên những chiếc xe đời mới với túi tiền rủng rỉnh. Còn gã, gã vẫn ì ạch với chiếc cúp cánh én cũ mèm thời bao cấp và trong túi chỉ có vài ngàn để phòng khi xe hư. Thằng Hùng, thằng Nghĩa bạn hắn thẽ thọt:

- Mày về xin với ông già một chiếc “xế nổ xịn” mà chạy. Thời buổi này ai còn chạy chiếc xe tiêu “thời bao cấp” như thế. Ông già mày có mấy chục mẫu cao su, thiếu gì tiền. Này nhé, con Hằng Nga ở lớp “mết” mày lắm nhưng nó còn ngại ngồi lên chiếc xe nay hư mai hỏng của mày đó...

Gã im lặng và trong lòng dậy lên một nỗi niềm. Có lẽ, cái bắt đầu của gã chính là từ ngày cô bé Hằng Nga từ một trường trung học ở tỉnh nào đó chuyển về. Cô bé có mái tóc đen tuyền thả lửng lơ ở bờ vai làm cho gã xúc động. Không hiểu sao gã lại có ý nghĩ so sánh mái tóc của cô bé với chiếc áo choàng đen của các vị nữ tu.

Còn đôi mắt tròn xoe hình cánh cung của cô bé thì gã chưa từng thấy ở người con gái nào. Gã gọi là “đôi mắt hình cánh cung” vì mỗi lần đôi mắt ấy ngước lên nhìn thì gã cảm thấy như có một mũi tên xuyên vào tim.

Gã nghĩ thầm, thật ra mấy thằng bạn nhận xét không đúng, vì đã có đôi lần gã chở cô bé bằng chiếc xe cà tàng nhưng cô bé có nói gì đâu. Chẳng những thế, gã còn có mấy lần ngồi uống nước và nói chuyện gió mưa, chuyện trên trời dưới đất với cô bé mà đám bạn đâu hay biết.

Có lần cô bé ấy viết mấy dòng chữ kẹp vào quyển sách nhờ gã giải giùm một bài toán với những lời vu vơ, bóng gió... Gã nhớ có lần nắn nót chép trọn bài thơ “Phượng hồng” của Đỗ Trung Quân, bên dưới có câu ghi chú “Hằng Nga nghĩ thế nào về bài thơ này? Nó đúng như tâm trạng của mình hiện giờ đó! Mình mong rằng thời gian sẽ không trôi qua nhanh để mình mãi mãi còn những ngày tháng đẹp đẽ này...” kẹp vào quyển sách, run run trao cho cô bé và chờ đợi. Hôm sau gặp lại, cô bé không nói gì mà chỉ nhìn gã thật lâu, thật đằm thắm.

Tim gã như rung lên. Chỉ cần có thế mà gã đã thấy cuộc sống này đáng yêu biết bao! Có hôm vào lớp không thấy Hằng Nga- chắc là cô bé bị bệnh- gã cảm thấy bồn chồn như thiếu thốn một cái gì đó và giờ học trôi qua tẻ nhạt. Có phải đó là tình yêu đầu đời của tuổi học trò hay không thì gã không hiểu, nhưng cứ mỗi lần Hằng Nga nhìn gã mỉm cười thì tim gã lại xao xuyến...

* * *

Lá thư của ba:

“... Cuộc đời của ba bắt đầu từ những ngày ấu thơ nghèo khổ. Mười ba tuổi, ba đã rời khỏi ghế nhà trường để lăn lộn kiếm sống. Ông nội mất, bà nội bệnh hoạn, không thể cho ba tiếp tục đi học được. Ba đi làm thuê, nhổ mì, lặt đậu mướn, thậm chí đi moi từng bọc ni-lông, lon bia, chai nước ngọt, hộp thịt... ở đống rác hôi thối. Ba xây dựng sự nghiệp từ đôi bàn tay trắng...

Khi con ra đời, ba lại tiếp tục nhịn ăn, nhịn mặc và làm việc quần quật bất kể ngày đêm. Ba hiểu thế nào là sự thiệt thòi của người không có mảnh bằng. Ba chỉ có một niềm ao ước tột cùng là lo cho con đầy đủ để con ăn học đến nơi đến chốn.

Đôi khi thèm một tô hủ tíu ba không dám ăn, thèm một ly cà phê ba không dám uống. Ba muốn dành cho con tất cả. Ba mẹ chỉ có một mình con và tài sản này là tài sản của con... Thế nhưng, Đông, ba thất vọng biết bao khi biết con đã mấy lần bỏ học, đã từ hạng nhất nhì rơi xuống năm bảy bậc, đã lêu lổng chơi bời với những đứa bạn không ra gì...”.

Ôi! Từ cái thời cấp hai, đã nhiều lần gã đọc đi đọc lại lá thư của ba mà nước mắt chảy đẫm gối. Gã cảm thấy thương ba vô cùng, muốn kêu thật lớn tiếng gọi thiêng liêng “ba ơi!” và đến quỳ dưới chân ba để hứa chuộc lại lỗi lầm. Chỉ mấy năm trước đây thôi, lá thư của ba là một sự bắt đầu cho gã. Gã quyết tâm từ bỏ tất cả và trở thành một học sinh giỏi nhất lớp, nhất trường.

Còn bây giờ, gã cũng lấy lá thư của ba ra đọc nhưng lòng gã sao dửng dưng và còn cảm thấy có điều gì đó chưa đúng. Dường như gã đã đọc ở đâu đó một ý tưởng “Con người sinh ra để sống chứ không phải để chuẩn bị sống...”.

Tại sao ba cứ bắt gã phải chuẩn bị sống mà không cho gã sống ngay từ bây giờ? Trong lòng gã đã nhen lên mầm mống hưởng thụ vật chất và muốn chống đối lại những điều mà ba đòi hỏi gã phải tuân theo.

Tại sao ba cứ đem cái quá khứ của ba để bắt gã phải theo? Có đẹp đẽ gì cái quá khứ nghèo khổ đó trong khi bây giờ ba đã có hàng chục tỷ bạc? Cái thời của ba và cái thời của gã đã khác nhau quá xa rồi. Bây giờ là thế kỷ thứ 21, một thế kỷ mà con người cần phải được sống với những điều kiện vật chất, những phương tiện hiện đại...

* * *

Rồi cái mầm mống trong lòng gã đã vươn lên thành “cái bắt đầu” khi gã cùng thằng bạn ngồi trong quán nước buổi chiều tối, chợt bắt gặp Hằng Nga, cô bạn gái của gã, ngồi sau chiếc xe máy mới toanh của một gã thanh niên trông già dặn hơn gã nhiều.

Cô bé mặt rạng rỡ, nói cười với gã thanh niên như một đôi tình nhân tràn đầy hạnh phúc. Trái tim gã như có ai bóp chặt làm gã thấy một vùng tối sầm trước mặt. Tiếng thằng bạn như đùa bỡn bên tai:

- Con Hằng Nga với thằng “Phúc nhố” đấy! Thằng Phúc nhố là con của “đại gia” giàu nhất nhì xứ này, cũng học trường mình mấy năm trước nhưng đến năm 12 thì bỏ học. Nó mà học hành gì, suốt ngày chỉ nhí nhố đi chơi, vào lớp thì ngủ gà ngủ gật. Mà như nó thì học hành làm gì! Ngay từ năm lớp 11, ba nó đã cho nó mấy chiếc xe tải để làm của riêng rồi mặc sức xài phá, con một mà. Mấy tháng nay nó cặp bồ với con Hằng Nga. Tối nào tao cũng thấy chúng nó lượn lờ trên các đường phố. Con Hằng Nga rồi sẽ hư hỏng và bỏ học thôi...

Gã không kiềm chế được cơn giận uất nghẹn trong lòng. Gã không biết mình giận ai, giận điều gì, nhưng có một ngọn lửa đang bốc lên đốt cháy gã. Gã bật dậy, nhảy phốc lên chiếc xe, đạp máy, rồ ga chạy thẳng, bỏ thằng bạn một mình ở quán nước.

Và cái bắt đầu lại nối tiếp khi những buổi học trôi qua trong buồn tẻ. Gã thẫn thờ ngồi trong lớp học mà không hiểu nổi thầy cô giáo giảng dạy điều gì. Những buổi tối gã cố gắng học bài nhưng đầu óc gã cứ lởn vởn hình bóng của Hằng Nga và Phúc nhố trên chiếc AirBlack như đùa bỡn gã. Gã hận.

Với điều kiện của gã, với gia tài của ba gã, gã thừa sức để có cả chục chiếc AirBlack như thế nhưng có khi nào ba gã để ý đến điều đó. Ba chỉ muốn gã học và học, học ngày học đêm mà không bao giờ nghĩ đến ước mơ của gã, không bao giờ tìm hiểu xem gã muốn gì.

Ba gã muốn gã “chuẩn bị sống” cho đến ngày chui xuống mồ. Việc học của gã sa sút dần và gã muốn bỏ học để tự mình đi kiếm tiền, để được “sống ngay bây giờ”...

Và cái rũ tàn là một buổi tối đối mặt với ba khi tờ phiếu liên lạc của nhà trường gửi về gia đình, một buổi phán xét mà mỗi người đều là một quan toà...

Ba gã quăng xoạch tờ phiếu liên lạc trước mặt gã, gằn giọng:

- Con học hành thế này, phải không Đông? Ba đã hy sinh tất cả, nhịn ăn, nhịn mặc, làm quần quật chỉ vì con. Thế mà con đã làm ba quá thất vọng...

Trong lòng gã nổi lên câu chống đối âm thầm: “Ba có thật đã hy sinh tất cả vì con không? Tại sao ba cứ mãi lôi kéo cái quá khứ khổ cực của ba ra để làm bài học cho con. Bây giờ con đâu có sống trong cái quá khứ đó. Con phải được học những bài học khác, những bài học hiện thực kia! Những bài học ở chính những người cha của bạn bè con đã lo cho con cái của họ”.

Gã cố gắng ghìm lại và im lặng.

- Đã bao lần ba viết cho con những dòng chữ đầy nước mắt nhưng cũng không làm lay chuyển được lòng con chút nào. Ba thật không ngờ...

Gã muốn nói: Vâng, thật không ngờ có một đứa con mà ba cũng chỉ muốn lo cho bản thân của ba mà thôi. Ba chỉ muốn con học giỏi, thi đỗ bằng cấp này nọ để ba có thể hãnh diện, khoe khoang với bạn bè rằng ba vừa giàu vừa có con thành đạt. Thật ra, con cũng chỉ là tài sản của ba, cũng chỉ là một tài khoản ở ngân hàng của ba mà thôi. Ba có biết con đang nghĩ gì không và con đang sống như thế nào không? Nhưng gã vẫn im lặng.

- Bây giờ con muốn gì đây? Tiếp tục ăn học hay bước ra khỏi nhà này để đi bụi đời? Gia đình này thà xem con như đã chết rồi chứ không chấp nhận một đứa con mất hết cảm xúc, vô nghĩa, vô tình như thế.

Trong lòng gã lại nổi lên câu nói:

- Có phải là ba đã thất vọng, đã đau đớn vì vừa bị mất mát một tài sản lớn rồi không? Con không thể là một đống vàng của ba được. Con là con người, con có cuộc sống của riêng con và có những suy nghĩ của riêng con.

Ba gã thét lên:

- Nói, nói đi. Ðừng làm bộ câm lặng rồi cứ chứng nào tật nấy. Hoặc chịu sửa đổi tính hư, tật xấu để chuẩn bị cho một tương lai tốt đẹp, hoặc rời khỏi ngôi nhà này để đi ăn mày...

Và cơn tức uất đã làm cho gã không kiềm chế nổi. Gã cũng thét lên:

- Tôi đi, đi khỏi cái nơi địa ngục này. Tôi không thể chấp nhận một người cha đạo đức giả chỉ biết lo cho bản thân mình. Tôi không chấp nhận một gia đình háo của, háo danh...

Ba gã chồm tới và gã lãnh một cái tát tai nảy lửa: cái tát tai đầu tiên và có lẽ là cuối cùng trong đời gã...

* * *

Nhưng không. Gã còn nhận những cái tát đau đớn hơn nữa trong những ngày tháng đi hoang với những thằng bạn bụi đời. Tuổi trẻ của gã được đốt cháy trong những “tổ quỷ” với mức độ kích thích tăng dần: cà phê, thuốc lá, bồ đà, thuốc phiện, ma tuý, karaoke, phim bạo lực, phim sex, bài bạc, rượu, gái...

Gã muốn tìm hiểu hết mọi thứ trên đời, những thứ mà ba gã cấm đoán. Và cuối cùng, khi gã nhận một dây xích sắt vào ngực thì đối thủ của gã cũng quằn quại trên vũng máu. Gã kinh hoàng! Thật không ngờ, người ta có thể trở thành kẻ sát nhân dễ dàng như thế.

* * *

Còn một điều này nữa, không hiểu là cuối cùng hay bắt đầu. Thời gian lẩn trốn của gã kết thúc bằng những cơn đói rã người và cơn sốt cao. Gã ngã quỵ. Và gã cũng không hiểu sao khi tỉnh dậy thì gã đang nằm ở nhà cô giáo.

Người cô mà gã mến yêu và đã bao lần thập thò trước cửa, muốn vào tâm sự với cô. Cô giáo đã thuốc thang và chăm bón cho gã từng muỗng cháo nóng. Phải hơn nửa tháng gã mới qua cơn bạo bệnh. Gã khóc sướt mướt khi nghe cô giáo nói:

- Ðông này! Em không thể cứ mãi trốn tránh pháp luật và ngày càng lún sâu vào tội lỗi được. Em hãy quay về thú tội và làm lại cuộc đời. Em cần chịu hình phạt để xa lánh và từ bỏ thói quen xấu đi, để đền tội cho được nhẹ lòng.

Ðời em còn rất dài và mọi ước mơ cũng đang còn ở phía trước. Con người, ai không có những lúc lầm lỗi nhưng mọi việc rồi sẽ tốt đẹp thôi. Hãy quay về đi, chưa muộn đâu! Cô tin rằng cuộc đời em sẽ còn được nhiều khoảng thời gian hạnh phúc.

* * *

Thế là gã ra đầu thú, chịu án mấy năm tù!

Mỗi buổi sáng, khi nghe tiếng CHIM-GỌI-BÌNH-MINH, gã ngồi suy tư triền miên và đăm đắm nhìn ra góc sân đầy xác phượng trên thảm cỏ xanh qua ô cửa sổ nhà tù. Gã thầm nhủ với mình bao câu trả lời với hình ảnh của cô giáo như con chiên ngoan đạo đang xưng tội.

Gã không còn cảm thấy oán hận ba mẹ nữa mà chỉ hối tiếc đã đốt mất một thời tuổi trẻ của mình. Gã quyết định là sẽ làm lại cuộc đời, không phải đợi đến ngày mãn hạn tù mà ngay bây giờ.

Gã đã xin lỗi và nhờ ba mang vào cho gã những sách vở mà gã cần. Ba gã khóc như mưa và trông thân hình đã gầy sộp đi. Ôi! Sao nước mắt của người già lại thương tâm đến thế? Gã không làm sao kiềm được nước mắt nhưng cố mỉm cười để làm yên lòng ba...

* * *

Sáng nay, chiếc loa truyền thanh truyền đi bản tin thí sinh đến trường dự kỳ thi tốt nghiệp phổ thông trung học làm gã cảm thấy nao nao. Gã nhớ trường lớp, nhớ thầy cô, bạn bè và những ngày tháng ngồi ở ghế nhà trường.

Phải chi cuộc đời gã đừng có những bước ngoặt, những cái bắt đầu thì bây giờ... Gã thở dài nhìn những cánh hoa phượng đỏ chao đi và đáp xuống khoảng sân đã đầy xác phượng và cỏ non. Phượng ơi! Thôi đừng rơi nữa.

T.H

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục