BAOTAYNINH.VN trên Google News

Phước Chỉ: Nỗi lo điện nước

Cập nhật ngày: 11/03/2011 - 12:16

Phước Chỉ là xã thuần nông vùng biên giới của huyện Trảng Bàng. Nhờ chuyên canh lúa, nên nông dân xã này không lo đói, nhưng luôn phải lo khát vì thiếu nước sạch. Từ sau Tết Tân Mão đến nay, trên địa bàn xã này có được hai cơn mưa trái mùa. Nhờ vậy bầu không khí có phần dịu hơn mọi năm. Có điều, trong khi ở ngoài trời, bầu không khí có phần dịu mát, thì trong lòng người dân Phước Chỉ lại đang “nóng như hơ”, vì lúa được mùa, nhưng lại rớt giá nhanh, thậm chí bán không được.

* Cắt giảm điện, nông dân...  chưa bán được lúa 

Chuyện thiếu điện tưởng chừng chỉ ảnh hưởng nhiều đến các cơ sở sản xuất công nghiệp, ngờ đâu cũng ảnh hưởng nặng nề đến nông dân đang sản xuất lúa ở xã Phước Chỉ. Ông Nguyễn Văn Việt, nhà ở ấp Phước Đông cho biết, vụ đông xuân này nhà ông làm 3 ha lúa, năng suất đạt trên 6,5 tấn/ha, đã thu hoạch xong được gần 20 tấn lúa. Mấy ngày qua ông kêu hoài mà không lái lúa nào chịu đến mua. Lý do lái lúa đưa ra là nhà máy xay không hết lúa, và cũng không còn chỗ chất lúa nữa. Bà con nông dân ở đây cho biết, vào đầu vụ (trước tháng 3.2011) giá lúa thơm ở xã Phước Chỉ bán được gần 7.000 đồng/kg, còn lúa thường bán 5.800 đồng/kg. Sau đó giá lúa giảm dần, đến nay (9.3.2011) giá lúa thơm chỉ còn chưa đầy 6.000 đồng/kg, lúa thường chỉ khoảng 5.000 đồng/kg. Giảm như vậy, mà lái cũng không thèm đến mua.

Lúa tồn đọng chưa kịp xay rất nhiều, nhưng lái lúa vẫn tiếp tục đưa lúa đến nhà máy

Chị Huỳnh Thị Bướm nhà ở xã Phước Chỉ, đang có mặt tại nhà máy xay lúa Thái Văn Quang (ấp Bình Hoà, xã Bình Thạnh) cho biết, chị làm nghề mua lúa bán gạo đã 20 năm, chưa bao giờ gặp tình trạng như từ đầu tháng 3 đến nay. Hiện nay chị còn tới 8.000 bao lúa (mỗi bao khoảng 50 kg) đang chất ở các nhà máy chưa xay được. Mấy ngày qua chị không đi mua lúa nữa, dù có nhiều nông dân kêu bán lúa. Anh Nguyễn Văn Tuấn cho biết, anh cũng đã có hơn 20 năm trong nghề mua lúa bán gạo. Ngoài việc xay lúa ở nhà máy này, anh còn xay lúa ở một nhà máy khác cũng ở xã Phước Chỉ. Hiện nay anh còn tới hơn 15.000 bao lúa chưa xay được. Chưa xay được lúa, chưa bán được gạo, nên anh Tuấn còn nợ khá nhiều tiền của nông dân. Không riêng gì chị Bướm, anh Tuấn mà các lái lúa khác ở các nhà máy trên địa bàn 3 xã cánh Tây Trảng Bàng (gồm các xã Phước Chỉ, Bình Thạnh, Phước Lưu) cũng đang gặp hoàn cảnh tương tự. Họ rất lo lắng vì lúa để lâu bị ảnh hưởng đến chất lượng gạo, và giá gạo cũng lên xuống thất thường, sợ đến khi xay lúa được thì giá gạo giảm xuống sẽ bị lỗ vốn. Hiện nay giá gạo loại thường tại các nhà máy ở các xã cánh Tây Trảng Bàng là 9.000 đồng/kg. Nghịch lý xảy ra là hiện nay lái lúa không có đủ gạo để sang bán cho lái gạo, trong khi đó lúa chất đống ở nhà máy không xay được.

Chị Lê Thị Thuý Hằng, chủ nhà máy xay lúa Thái Văn Quang cho biết, trước đây ngành điện định mức tiêu thụ điện cho nhà máy của chị  mỗi ngày đêm là 2.600 kWh. Với định mức này xay được khoảng 1.500 bao lúa. Từ đầu tháng 3.2011 đến nay, ngành điện lực đã giảm định mức tiêu thụ điện của nhà máy xuống còn 1.400 kWh/1 ngày đêm, nên mỗi ngày đêm chỉ xay được khoảng 700 bao lúa. Do phải giảm hơn một nửa công suất hoạt động, nên hiện nay nhà máy của chị Hằng còn tồn đọng khoảng hơn 10.000 bao lúa chưa xay. 

 Một cán bộ lãnh đạo xã Phước Chỉ cho biết, vụ đông xuân năm nay toàn xã xuống giống được 3.422 ha. Năng suất lúa bình quân 5 tấn/ha. Cách tiêu thụ lúa ở xã Phước Chỉ từ trước đến nay là lái đến nhà nông dân mua lúa và trả trước một ít tiền. Sau đó lái chở lúa đến nhà máy xay gạo và sang gạo cho lái gạo rồi mới trả đủ tiền mua lúa cho nông dân. Ở 3 xã cánh Tây Trảng Bàng hiện có 3 nhà máy xay lúa công suất lớn, vận hành bằng điện (một nhà máy ở xã Phước Chỉ và hai nhà máy ở xã Bình Thạnh), bình quân một ngày đêm ba nhà máy xay được khoảng 6.000 bao lúa. Từ đầu tháng 3.2011 đến nay, do thiếu điện sản xuất, nên các nhà máy chỉ còn hoạt động chưa được một nửa công suất khiến cho lượng lúa tại các nhà máy còn tồn đọng rất nhiều; từ đó giá lúa tại địa phương giảm mạnh, mà nông dân vẫn chưa bán được lúa. Hiện nay (9.3.2011), còn ở giai đoạn đầu vụ, toàn xã Phước Chỉ mới thu hoạch được khoảng 25% diện tích lúa, mà việc tiêu thụ lúa gặp rất nhiều khó khăn. Nếu tiếp tục kéo dài tình trạng cắt giảm điện ở các nhà máy xay lúa như hiện nay, đến khi thu hoạch đại trà chắc chắn nông dân càng gặp nhiều khó khăn hơn nữa trong khâu tiêu thụ lúa. Trước tình hình trên, lãnh đạo và bà con xã Phước Chỉ rất mong các cấp lãnh đạo, cùng ngành chức năng đặc biệt quan tâm ưu tiên nguồn điện cho các nhà máy xay lúa ở đây. Để các nhà máy nâng cao công suất, đáp ứng nhu cầu xay lúa của địa phương. Từ đó giúp cho nông dân vùng lúa của huyện Trảng Bàng tiêu thụ nông sản phẩm thuận lợi hơn.

* Vẫn còn nhiều hộ dân thiếu nước sạch

Mùa nắng năm nay có hơn 200 hộ dân ở xã Phước Chỉ vui mừng đón nguồn nước sạch từ trạm cấp nước, nhưng vẫn còn rất nhiều hộ dân ở các ấp chưa có trạm cấp nước đang hết sức khao khát.  

Anh Nguyễn Hữu Phước nhà ở ấp Phước Hoà, phụ trách quản lý, vận hành trạm cấp nước sạch Phước Hưng cho biết, từ trước Tết Tân Mão (ngày 27.1.2011) đến nay, gia đình anh và hơn 200 hộ dân nằm cặp theo đường nhựa thuộc các ấp Phước Hưng, Phước Hoà và Phước Thuận rất vui mừng đón nhận nguồn nước sạch từ trạm cấp nước Phước Hưng mới xây dựng trong năm 2010 với kinh phí hơn 2 tỷ đồng, khai thác nước giếng khoan có độ sâu khoảng 250 mét. 

Tuy nhiên, hiện nay ở xã Phước Chỉ vẫn còn rất nhiều hộ dân đang thiếu nước sạch. Anh Lê Văn Trạng, nhà ở ấp Phước Thuận cho biết, trước đây trên địa bàn ấp có một trạm cấp nước sạch. Nhưng vài năm gần đây, trạm cấp nước này bị hư không còn cung cấp nước nữa, bà con ấp Phước Thuận phải sinh hoạt bằng nước ao. Còn nước uống thì mua nước lọc trong bình. Người dân ấp biên giới này nói: “Bà con ấp Phước Thuận chúng tôi rất mong Nhà nước sớm xây dựng cho một trạm cấp nước sạch, để bà con “rửa ruột” nước phèn”. Mà đâu chỉ có bà con ở ấp Phước Thuận phải xài nước ao nhiễm phèn, bà con các ấp Phước Dân và ấp Phước Mỹ cũng đang thiếu nước sạch nghiêm trọng.

Ao nước nhà anh Tuấn đục ngầu và cũng sắp cạn, vậy mà hằng ngày có khoảng 30 hộ dân đến đây lấy nước về xài

Trao đổi với chúng tôi, một cán bộ lãnh đạo xã Phước Chỉ cho biết, xã có 2.532 hộ dân, phân bố trên 12 ấp. Trong đó có 5 ấp ven sông, 7 ấp trong giồng. Do đặc điểm địa hình ở đây, mạch nước ngầm bị nhiễm phèn nặng, nên hầu hết nước các giếng đào, giếng khoan đều bị nhiễm phèn. Tính từ trước đến nay Nhà nước đã đầu tư xây dựng trên địa bàn xã 9 trạm cấp nước sạch. Trong đó có 4 trạm cấp nước nhỏ ở các ấp ven sông. Các trạm cấp nước này ít phát huy hiệu quả, nên người dân chủ yếu xài nước giếng khoan của cá nhân gia đình. Còn 7 ấp trong giồng có 5 trạm cấp nước lớn hơn. Hiện nay chỉ có 3 trạm cấp nước được xây dựng gần đây là hoạt động tốt. Đó là các trạm cấp nước Phước Hưng, Phước Hoà và Phước Bình. Ba trạm này, cung cấp nước sạch được khoảng 450 hộ dân. Trạm cấp nước Phước Đông, do xây dựng lâu, nên  nay đã xuống cấp. Trạm này vẫn còn hoạt động, nhưng chất lượng nước kém. Còn trạm cấp nước Phước Hưng cũ (gần ngã tư Truông Dầu) đã bị hư hỏng không còn hoạt động được nữa. Hiện nay trên địa bàn xã còn 3 ấp chưa được đầu tư xây dựng trạm cấp nước sạch là Phước Thuận, Phước Dân và Phước Mỹ (với tổng số hộ dân trên 770 hộ). Lãnh đạo xã đã có kiến nghị và chờ cấp trên phân khai vốn sửa chữa nâng cấp trạm cấp nước ấp Phước Đông, với kinh phí dự trù khoảng 1,5 tỷ đồng; đầu tư xây dựng một trạm cấp nước sạch mới trên địa bàn ấp Phước Dân để cung cấp nước sạch cho dân hai ấp Phước Dân và Phước Thuận, với kinh phí dự trù khoảng 3 tỷ đồng. Riêng ấp Phước Mỹ, lãnh đạo xã cũng đang cố gắng tìm hướng hỗ trợ, tạo điều kiện cho nhân dân có nguồn nước sạch.

D.H