Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Đại hội Đảng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Đại hội Đảng
Phước Đông: Trên đường công nghiệp hoá, đô thị hoá
Thứ bảy: 01:14 ngày 05/03/2011

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Những năm gần đây ai có dịp đi lại trên tỉnh lộ 782 đoạn qua xã Phước Đông (Gò Dầu) đều chứng kiến sự đổi thay nhanh chóng của vùng nông thôn này.

Những năm gần đây ai có dịp đi lại trên tỉnh lộ 782 đoạn qua xã Phước Đông (Gò Dầu) đều chứng kiến sự đổi thay nhanh chóng của vùng nông thôn này. Nhà mới ở hai bên đường liên tiếp mọc lên. Các cửa hàng thương mại-dịch vụ thi đua nhau phát triển. Đặc biệt là nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước đã tìm đến địa bàn xã Phước Đông đầu tư xây dựng và phát triển các cơ sở công nghiệp.

Trao đổi với chúng tôi, ông Trương Văn Rưa, Chủ tịch UBND xã Phước Đông cho biết, hiện nay xã có 2.814 hộ dân, với gần 13.000 nhân khẩu, phân bố diện tích đất tự nhiên hơn 2.310 ha. Những năm trước đây, toàn xã có khoảng 1.900 ha đất nông nghiệp, trên 80% hộ dân sống bằng nghề nông. Số còn lại làm nghề tiểu thủ công nghiệp, thương mại dịch vụ. Trước năm 2005, trên địa bàn xã chưa có một cơ sở công nghiệp nào đáng kể. Được sự quan tâm của cấp trên về quy hoạch các tiểu cụm công nghiệp và mời gọi các nhà đầu tư,  từ năm 2005 đã có 4 công ty phục vụ ngành nông nghiệp đến xã Phước Đông đầu tư xây dựng cơ sở phát triển sản xuất kinh doanh. Từ đó đến nay có nhiều nhà đầu tư trong nước và nước ngoài đến xã Phước Đông đầu tư xây dựng cơ sở phát triển sản xuất. Tính đến nay trên địa bàn xã Phước Đông đã có 26 cơ sở công nghiệp, thu hút được khoảng 5.000 lao động. Trong đó có khoảng 1.000 lao động là người dân trong xã, số còn lại từ các nơi khác đến. Ngành nghề sản xuất kinh doanh của các công ty xí nghiệp ở trên địa bàn xã Phước Đông cũng rất đa dạng, như: điện tử, thủ công mỹ nghệ, giày thể thao, vật liệu xây dựng, thức ăn chăn nuôi, sản xuất bao bì, các mặt hàng phục vụ ngành nông nghiệp…

Đường vào Khu liên hợp công nghiệp- đô thị- dịch vụ Phước Đông- Bời Lời đang được thi công

Đặc biệt, trên địa bàn xã Phước Đông còn đang triển khai dự án Khu liên hợp công nghiệp-đô thị-dịch vụ Phước Đông-Bời Lời, với tổng diện tích đất quy hoạch khoảng 3.000 ha, trong đó riêng địa bàn xã Phước Đông, huyện Gò Dầu có 861 ha (phần đất còn lại thuộc về huyện Trảng Bàng -NV). Hiện nay nhà đầu tư đang đẩy nhanh việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, mời gọi các doanh nghiệp đến với khu liên hợp này. Khi Khu liên hợp công nghiệp- đô thị- dịch vụ Phước Đông- Bời Lời đi vào hoạt động sẽ thu hút số lượng lao động rất lớn. Trong đó tất nhiên sẽ có nhiều người ở địa phương. Đồng thời sẽ có nhiều người từ nơi khác đến làm việc, tạm trú trên địa bàn xã.

Cùng với việc phát triển công nghiệp, các ngành nghề thủ công truyền thống cũng được một bộ phận người dân địa phương tiếp tục giữ gìn và phát triển. Đến nay toàn xã Phước Đông có 370 cơ sở tiểu thủ công nghiệp. Công nghiệp phát triển, kéo theo thương mại dịch vụ phát triển, trong đó nhiều loại hình dịch vụ mới được người dân địa phương bắt đầu chú ý đầu tư, tính đến nay trên địa bàn xã đã có 287 cơ sở dịch vụ, trong đó có dịch vụ cho thuê nhà trọ và dịch vụ ăn uống. Chỉ trong vài năm qua, trên địa bàn xã đã phát triển trên 20 điểm nhà trọ cho thuê, giải quyết cho khoảng 1.000 người tạm trú. Nhờ đầu tư phát triển dịch vụ- thương mại mà một bộ phận nhân dân trong xã có thu nhập ổn định. Cũng nhờ phát triển công nghiệp và thương mại dịch vụ mà những năm qua xã có nguồn thu ngân sách mỗi năm đều tăng. Tổng thu ngân sách trong 5 năm qua (2005-2010) của xã Phước Đông được trên 8,8 tỷ đồng, tăng gần gấp 3 lần so với giai đoạn từ năm 2000-2005.

Tuy nhiên, trong quá trình chuyển hoá từ một xã thuần nông sang một xã công nghiệp, bước đầu xã Phước Đông cũng còn gặp một số khó khăn nhất định. Do quy hoạch khu công nghiệp, nên diện tích đất nông nghiệp của xã giảm xuống hơn phân nửa. Từ một xã có diện tích đất nông nghiệp khoảng 1.900 ha, nay giảm xuống còn khoảng 900 ha. Hầu hết diện tích đất nông nghiệp còn lại nằm phân tán trong các khu dân cư. Diện tích đất nông nghiệp nhỏ hẹp phân tán, không còn phù hợp cho việc phát triển các loại cây trồng chủ lực như lúa, đậu phộng như trước đây nữa. Lãnh đạo địa phương đang có phương án quy hoạch lại vùng sản xuất nông nghiệp, khuyến khích, tạo điều kiện cho nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, chủ yếu chuyển từ cây lúa sang sản xuất các loại rau, màu để cung cấp rau xanh cho công nhân ở các cơ sở công nghiệp. Do quy hoạch khu và tiểu cụm công nghiệp, một bộ phận nông dân trong xã không còn đất sản xuất. Đối với những người trẻ tuổi đã, đang và sẽ có việc làm trong các cơ sở công nghiệp. Nhưng đối với một bộ phân nông dân ngoài tuổi lao động đang rất băn khoăn, vì họ chưa biết phải làm nghề gì sinh sống. Do vậy Nhà nước cần có định hướng một cách hợp tình, hợp lý để những người nông dân ngoài tuổi lao động có việc làm phù hợp với độ tuổi, đảm bảo cuộc sống.

Công nghiệp, thương mại-dịch vụ phát triển nhanh, trong khi đó cơ sở hạ tầng phát triển chậm làm ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình kinh tế –xã hội của địa phương. Trên địa bàn xã Phước Đông có hai trục lộ chính chạy qua, đó là đường 782 và hương lộ 1, cùng với các con đường liên xã. Đường 782 đã xuống cấp nghiêm trọng, tỉnh cũng đã có dự án nâng cấp mở rộng con đường này, nhưng đến nay vẫn chưa thấy thi công. Hương lộ 1 nối từ thị trấn Gò Dầu đến xã Phước Đông nhỏ hẹp nay đã trở nên quá tải. Đường liên xã Phước Thạnh- Phước Đông cũng xuống cấp. Chính quyền địa phương đang mong cấp trên tiếp tục quan tâm đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng cho xã. Trước mắt là sớm thi công đường 782, có dự án mở rộng nâng cấp hương lộ 1 và đường liên xã Phước Thạnh- Phước Đông. Xã Phước Đông trên con đường công nghiệp hoá đã đang và sẽ thu hút đông đảo nhiều người từ nơi khác đến tạm trú. Do đó tình hình an ninh trật tự, vệ sinh môi trường cũng là vấn đề chính quyền địa phương đang quan tâm và mong được sự hỗ trợ của cấp trên…

D.H

 

 

Từ khóa:
data:
Liên kết hữu ích
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục