Văn hóa - Giải trí   Đất nước mến yêu

BAOTAYNINH.VN trên Google News

Phước Đức cổ miếu

Cập nhật ngày: 04/03/2015 - 12:00

Phước Đức cổ miếu.

Người dân gọi miếu Ông Ba Thắc hoặc miếu Ba Thắc, còn người Tiều gọi "Lào Bửu Tháo" (Lão Đầu công). Khoảng năm 1810, miếu Ba Thắc được dỡ xây lại bằng gạch ngói. Tuy nhỏ nhưng đây là công trình xây dựng khá kiên cố đầu tiên của Bạc Liêu. Năm 1823, những người có uy tín họp thống nhất giữ miếu Ba Thắc, xây miếu mới cách miếu cũ khoảng 200 mét, hoàn tất cuối năm 1824. Đây là một kiến trúc khá đồ sộ thời bấy giờ, theo hình chữ Quốc – một lối kiến trúc cung đình triều Minh (Trung Hoa). Miếu có diện tích 20 x 20 mét, tuy nhỏ nhưng bên trong đầy đủ các chi tiết như ngôi miếu lớn, thờ Bổn Đầu công, tức Phước Đức chánh thần - vị thần bảo vệ đất đai và con người – ngay đại đường. Vì vậy, miếu có tên Phước Đức cổ miếu, thường gọi chùa Ông Bổn. Cũng như các ngôi miếu khác của người Hoa trên đất Việt, Phước Đức cổ miếu còn thờ Quan thánh Đế quân (Quan công), Bà Mã Châu (Thiên hậu thánh nương), ông bà Quế Công Mẫu, Thanh Long, Bạch Hổ. Bên cạnh đó, theo phong tục tập quán tín ngưỡng người Việt, miếu còn thờ Thần Nông, Thổ công, Thổ địa… Năm 1903, bang Triều Châu được thành lập, đặt trụ sở tại Phước Đức cổ miếu, trong căn phòng rộng cạnh Tây lang, nên còn gọi là chùa Bang.

Theo thời gian, đời sống người dân phát triển, để từng bước tăng thêm vẻ tôn nghiêm cho ngôi miếu, đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng của người dân, Phước Đức cổ miếu được trùng tu nhiều lần. Lần đại trùng tu từ đầu năm 1993 đến tháng 4-1995 thì hoàn tất, vẫn xây theo hình chữ Quốc. Miếu có chánh điện, thiên tỉnh, Đông lang, Tây lang, cổng và sân miếu.

Toàn bộ công trình có khung bằng gỗ, tường gạch. Nội thất miếu toát vẻ đẹp uy nghi, cổ kính. Cột, đầu kèo, đầu xiên, con đội, án thờ… bằng đá và gỗ quý đều được chạm khắc tỉ mỉ, công phu, mỹ thuật bằng chữ Hán được mạ vàng, theo lối Hành thư và Khải thư. Tất cả thể hiện các chủ đề: Tứ linh (long, lân, quy, phụng), cỏ cây, hoa lá, hình nhân và linh thú. Ngoài ra còn trang trí các hoành phi, câu đối được sơn son, thếp vàng lộng lẫy, có giá trị như những tác phẩm nghệ thuật… Trên nóc miếu gắn cặp rồng chầu mặt trời (lưỡng long triều dương), hình ảnh phổ thông nhất được trang trí trên các đình miếu người Hoa, tượng trưng hạnh phúc vĩnh hằng. Mái lợp ngói ống, diềm mái bằng gốm tráng men xanh, cuối mái trang trí hoa văn hình long vĩ, hai bên là hai pho tượng gốm nhỏ, tượng nam cầm chữ "nhật", tượng nữ cầm chữ "nguyệt", biểu tượng của âm dương, nguồn gốc của mọi sự hòa hợp, kỷ cương của vạn vật… Mỗi bộ phận trong miếu đều được xem như một cổ vật có giá trị nghệ thuật cao. Với các chất liệu có tính bền vững nên Phước Đức cổ miếu tồn tại kiên cố đến ngày nay.

Hằng năm, Phước Đức cổ miếu diễn ra các lễ hội lớn như: Vía Ông Bổn (29-3 âm lịch), là lễ chính của miếu. Lễ diễn ra vào lúc 8 giờ sáng, với các nghi lễ: hiến đăng, hiến hương, dâng hoa, dâng trà, dâng rượu, hiến vật tế (thường là heo)… Sau lễ tế Bổn Đầu công là lễ Đấu đèn. Lễ diễn trong không khí vui nhộn. Ban tổ chức lễ sẽ định số đèn theo từng năm (thường thì chọn 3 cây đèn, dạng đèn kéo quân), sau đó đem từng cây ra đấu giá, ai trả giá cao được thỉnh đèn về nhà. Số tiền thu được từ cuộc đấu đèn sử dụng cho công tác cứu tế hay những hoạt động xã hội khác. Tiếp đó là các lễ Vu lan (rằm tháng 7 âm lịch), lễ Kỳ yên (từ 11 – 13 tháng Chạp âm lịch), Tết Nguyên đán, Tết Nguyên tiêu (rằm tháng Giêng âm lịch)… Những dịp lễ này là nơi duy trì các sinh hoạt văn hóa của người Hoa và người Việt như nghi lễ cổ truyền, hát bội… nhằm gắn kết cộng đồng.

Miếu còn là nơi hoạt động của các tổ chức ái hữu, hội tương tế như các đội: truyền bá quốc ngữ, âm nhạc, nhà giàn, đạo tỳ, bóng đá, nhạc lễ… với mục đích làm phước, nâng cao dân trí, sức khỏe cộng đồng. Đặc biệt, trong khoảng thời gian từ 1930 đến 1954, Phước Đức cổ miếu còn là nơi hoạt động của chi bộ Đảng làng Long Thạnh, quận Vĩnh Lợi, tỉnh Bạc Liêu, do đồng chí Nguyễn Văn Đàng làm bí thư. Với bề dầy ấy, Phước Đức cổ miếu đã được Bộ Văn hóa – Thông tin công nhận Di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia.

Phước Đức cổ miếu là ngôi miếu xưa nhất của người Hoa ở Bạc Liêu tọa lạc tại số 74 Điện Biên Phủ, phường 3, thành phố Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu.

Theo baocantho