BAOTAYNINH.VN trên Google News

Phước Hội thôn và những ngôi mộ cổ 

Cập nhật ngày: 29/03/2017 - 09:28

BTNO - Xin bắt đầu từ kết quả những nghiên cứu ban đầu của tác giả trẻ Vương Công Đức trong sách “Trảng Bàng phương chí” (Nxb Trí Thức, 2016). Tại chương 4, mục: “Xác định lại các làng Việt đầu tiên của xứ Tây Ninh”, tác giả đã viết về làng Phước Hội như sau: “Trên con đường cống sứ giữa Gia Định và Nam Vang (nay là tỉnh lộ 785 và 784) một số quan lại, lính trạm và thân gia quyến thuộc được phái lên giữ các chốt canh, nhà trạm dọc theo con đường sứ (đường Thiên lý Đông Tây).

Mộ cụ Đào Văn Chử.

Chính họ đã hình thành nên lớp cư dân thứ ba sau hai lớp di dân men theo đường sông. Đây là lớp người đã đặt nền móng hình thành thôn Phước Hội, kéo dài từ vùng xã Suối Đá xuống tận bàu Hai Năm của xã Gia Lộc ngày nay…”. Tác giả cũng cho rằng ấp Phước Hiệp, nay thuộc xã Gia Bình cũng là “phần đuôi của thôn này, do đến năm 1891 thì cắt về thôn Gia Lộc”. Trong khi đó, cuốn sách “Tổng kết địa bạ triều Nguyễn” của tác giả Nguyễn Đình Đầu có kể đến diện tích khai khẩn, định cư và nộp thuế cho triều đình của một số thôn có từ rất sớm ở Tây Ninh; theo đó, đáng ngạc nhiên là thôn Phước Hội lại có diện tích đất nộp thuế ít nhất, vẻn vẹn chỉ 2 mẫu ruộng trong khi Gia Lộc là 39,1 mẫu và Bình Tịnh (An Tịnh ngày nay) là 25,4 mẫu.

Về nghịch lý này, Vương Công Đức lý giải: “Những cư dân đầu tiên (của thôn Phước Hội- TV) phần lớn là lính trạm, có lương bổng triều đình nên không đặt nặng chuyện khai khẩn đất để canh tác, do vậy đất khai khẩn để ở và canh tác của họ ít hơn”.

Chúng ta cũng đã biết con đường sứ hình thành từ xa xưa là đường cho các sứ thần Chân Lạp dẫn ngựa, voi sang triều cống thời các chúa và vua Nguyễn. Đến năm Gia Long thứ 14 (1815) thì con đường được tu sửa, mở rộng thành đường thiên lý Đông Tây. Miền đất Tây Ninh lúc ấy mới chỉ là các đạo Quang Phong, Quang Hoá. Vậy thì Phước Hội thôn cũng đã được hình thành từ rất sớm, dù có thể chưa được “ghi danh” trong các đơn vị hành chính chính thức của triều đình nhà Nguyễn.

Xem xét trên bản đồ Tây Ninh hiện nay, có thể thấy thôn Phước Hội xưa như một rẻo đất thật dài cặp theo đường thiên lý, qua khỏi đất thôn Gia Lộc tới tận Lòng Hồ, Dương Minh Châu hiện tại. Một loạt các địa phương dọc theo tỉnh lộ 782 và 784 hiện nay như Phước Đông, Bàu Đồn, Truông Mít, Cầu Khởi, Chà Là, Suối Đá… từng thuộc về thôn Phước Hội này chăng? Trong các địa điểm trên, thì có xã Chà Là. Sách truyền thống cách mạng xã có ghi nhận: “Khi xóm Chà Là hình thành, chính quyền phong kiến đặt tên là ấp Phước Tiền ở Đông lộ thuộc làng Phước Hội, còn ở phía Tây lộ thuộc làng Hiệp Ninh, quận Châu Thành…”.

Chú ý rằng cái tên Phước Hội vẫn còn tới tận năm 1975, trước khi đổi tên thành xã Suối Đá. Mà xã Suối Đá còn kéo dài theo tỉnh lộ 13 (đường 781 ngày nay) sang tận các ấp Tà Dơ, Đồng Kèn và Suối Bà Chiêm bên kia Lòng Hồ. Đến năm 2004, Nghị định 21 của Chính phủ mới tách 3 ấp trên về các xã Tân Thành và Tân Hoà thuộc huyện Tân Châu. Như vậy, chiều dài của thôn Phước Hội xưa có lẽ đã tới gần 50km. Cho đến năm 1836 thì thôn Phước Hội chính thức được ghi danh trong đội hình hành chính đầu tiên của Tây Ninh sau khi phủ Tây Ninh chính thức được khai sinh. Sách “Từ điển địa danh hành chính Nam Bộ” của Nguyễn Đình Tư, trang 857 ghi: “Phước Hội- thôn thuộc tổng Hàm Ninh, huyện Tân Ninh, phủ Tây Ninh, tỉnh Gia Định từ năm Minh Mạng thứ 17 (1836). Trải qua triều Thiệu Trị, Tự Đức đến đầu Pháp thuộc vẫn tổng cũ đặt thuộc hạt thanh tra Tây Ninh. Ngày 17.2.1863 đổi thuộc hạt tham biện Tây Ninh. Từ năm 1920 thuộc quận Thái Bình cùng tỉnh. Từ năm 1942 đổi thuộc quận Châu Thành, cùng tỉnh. Từ năm 1956 gọi là xã, vẫn thuộc như cũ. Từ 1959 đổi thuộc quận Phú Khương, cùng tỉnh. Sau 30.4.1975 giải thể”.

Hơn 20 năm đã trôi qua từ khi con đường sứ mở rộng thành đường thiên lý. Để cho, thoạt đầu là Phước Hội và sau này là các thôn xã trải dài theo con đường đã được hình thành và phát triển tới ngày nay. Biết bao thế hệ người đã hy sinh để xây dựng và bảo vệ quê hương. Để có hôm nay một tuyến đường nhộn nhịp người xe đi giữa những vườn ruộng bát ngát xanh, cùng phố rộng nhà cao. Ba, bốn khu công nghiệp hiện đại đã mọc lên liền kề với con đường. Đấy là các khu công nghiệp Phước Đông, Lộc Ninh và Chà Là công nhân tấp nập đi về mỗi chiều, mỗi sớm. Thật khó tìm ra những dấu tích của người xưa. Đình Phước Hội nay thuộc về xã Suối Đá cũng đã qua 3 lần bị giặc tàn phá. Rồi đình lại được mọc lên trên gạch vỡ với tro tàn. Theo đường 781 từ Suối Đá về thành phố Tây Ninh, cách đình khoảng 500 mét ta sẽ thấy ở bên phải một con hẻm nhỏ có chiếc cổng ghi Dinh thần Phước Hội. Đi thêm 400 mét nữa là tới khu dinh thờ có rào lưới và cổng ngõ. Dinh là nơi thờ tự cụ Đào Văn Chử, người được coi là một trong hai vị thành hoàng của đình Phước Hội. Trước dinh, qua một khoảng sân lát gạch tàu là ngôi mộ cổ. Được xây trên nền đất rộng khoảng 4 và dài hơn 9 mét, mộ chia làm 2 lớp với bờ tường bằng đá ong tô vữa. Lớp trước có bức bình phong chính giữa với phù điêu đắp nổi hình rồng. Lớp sau được quây quanh bởi bốn trụ búp sen, giới hạn một ô vuông, mặt trước có cổng và mặt sau là tường chắn có hoa văn đắp nổi. Giữa ô vuông ấy là hai nấm mộ, được xây tô vữa kiểu thông thường. Dân gian kể rằng ông Đào Văn Chử vừa là tuỳ tướng, vừa là em trai người thiếp của vị đại quan triều Nguyễn tên Phạm Văn Điển. Ông từng được triều đình cử đến Tây Ninh dẹp giặc, sau bị bệnh và mất vào năm 1842. Sách “Đại Nam liệt truyện” của Quốc sử quán triều Nguyễn, do Viện Sử học và Nxb Thuận Hoá in năm 2013 có truyện về ông. Sau khi mất, ông được vua Thiệu Trị: “gia tăng đặc tiến Tráng Vũ tướng quân Tả quân đô thống chưởng phủ sự”. Phạm Văn Điển cũng được người dân Phước Hội tôn thờ làm thành hoàng đình Phước Hội. Như vậy, đây là ngôi đình thờ song song hai vị thành hoàng.

Bên ngoài, rất gần khu dinh còn 3 ngôi mộ cổ nữa. Hai ngôi là của ông Cai tổng Phạm Ngọc Ẩn (1849- 1924) và vợ là bà Bùi Thị Âm (1847- 1899). Sau nữa là mộ của “ông Cả” Phạm Tấn Sỹ- con của ông bà Cai tổng. Những ngôi này đều được xây với diện tích và hình thức giống như ngôi mộ trong dinh của cụ Đào Văn Chử. Hiện nhiều mảng vữa tô đã long lở, để lộ ra lớp khối xây bằng đá ong nứt nẻ nhiều nơi. Phía sau là rừng cao su đang lốm đốm vàng mùa thay lá, nổi bật trên nền cao xanh lồng lộng của núi Bà, càng làm cho khu mộ cổ trở nên hoang vu tiều tuỵ. Có người cho rằng đây chính là mộ những “hậu duệ” đại quan Phạm Văn Điển từng chinh Nam, dẹp Bắc lẫy lừng danh tiếng một thời xưa.

TRẦN VŨ