BAOTAYNINH.VN trên Google News

Phước Lưu - Trảng Bàng: Cây thuốc lá vàng gặp khó khăn, nông dân biết trồng cây gì?

Cập nhật ngày: 22/08/2010 - 11:04

Trao đổi với chúng tôi, lãnh đạo xã Phước Lưu (Trảng Bàng) khẳng định, hơn 10 năm qua, nhờ  trồng cây thuốc lá vàng mà một bộ phận nông dân xã Phước Lưu có cuộc sống ổn định. Và cũng nhờ có các doanh nghiệp (DN) đầu tư sản xuất, sơ chế và kinh doanh thuốc lá vàng trên địa bàn xã mà nhiều năm qua địa phương luôn thu ngân sách đạt và vượt chỉ tiêu. Cụ thể trong năm 2009, xã thu ngân sách đạt tới 300% chỉ tiêu trên giao. Vậy mà năm nay đã gần cuối tháng 8.2010, xã mới thu ngân sách được có 18,23%  chỉ tiêu cả năm. Nguyên nhân là do các DN đầu tư sản xuất, sơ chế và kinh doanh thuốc lá vàng đang gặp khó khăn khâu đầu ra, nên chưa làm nghĩa vụ đối với Nhà nước. Chẳng những thế, các DN còn phải nợ tiền thu mua lá thuốc lá của nông dân. Từ đó làm cho những người trồng thuốc lá hết sức khó khăn.

Cây thuốc lá vàng góp phần cho nông dân xã Phước Lưu ổn định cuộc sống.

Chị Lê Thị Cúc (43 tuổi) ở ấp Phước Thành cho biết, nhà chị có 60 cao ruộng (6.000m2). Đã hơn 10 năm nay, gia đình chị gắn bó với cây thuốc lá vàng. Từ vụ đông xuân 2008-2009 về trước, mỗi vụ gia đình chị Cúc thu nhập được khoảng 20 triệu đồng (sau khi trừ các khoản chi phí). Vụ đông xuân 2009-2010, gia đình chị Cúc ký hợp đồng với một DN ở huyện Bến Cầu, có cơ sở sấy thuốc lá tại ấp Phước Thành, xã Phước Lưu. Do nhiều năm gắn bó với DN, nên trong hợp đồng giữa gia đình chị Cúc và DN không ghi rõ giá thu mua lá thuốc (sau khi sấy khô). Nên đến giờ này, chị cũng không biết được cụ thể là DN thu mua thuốc lá lá của chị giá bao nhiêu một kg cho từng loại. Nếu tính theo giá 25.000 đồng/kg loại I (giảm 3.000 đồng/kg so vụ đông xuân 2008-2009) như những nông dân khác bán cho một DN khác trên địa bàn xã Phước Lưu, thì số thuốc lá gia đình chị Cúc đã giao cho chủ DN trị giá ước tính khoảng 54 triệu đồng. Từ khi giao thuốc lá xong (tháng 3.2010) đến nay (21.8.2010), nhiều lần gia đình chị Cúc tìm chủ DN đòi tiền, nhưng chủ DN cho biết là chưa bán được. Qua nhiều lần đi đòi tiền, chủ DN trả cho chị Cúc được 2 lần, với tổng cộng 10 triệu đồng. Nếu trừ thêm tiền vật tư nông nghiệp mà DN đã đầu tư cho gia đình chị Cúc, thì đến nay chủ DN còn nợ gia đình chị Cúc trên 30 triệu đồng. Không riêng gì chị Cúc, mà những nông dân ở Phước Lưu có ký hợp đồng trồng thuốc lá với DN này cùng chung cảnh ngộ. Khi chúng tôi hỏi, vụ đông xuân 2010-2011 sắp tới gia đình chị có tiếp tục trồng thuốc lá vàng nữa không? Chị Cúc lắc đầu cho biết “vốn đâu mà trồng, chắc là phải trở lại sạ lúa như trước đây thôi !”.

Không chỉ có gia đình chị Cúc, ở Phước Lưu có khá nhiều hộ gặp hoàn cảnh tương tự. Lãnh đạo xã Phước Lưu cho biết, toàn xã chỉ có 980 ha đất nông nghiệp. Trong đó có hơn 2/3 ruộng vùng trũng chỉ độc canh 2 vụ lúa/năm. Số còn lại có khoảng 1/3 diện tích đất trong giồng. Trước khi có cây thuốc lá vàng, vùng đất gò giồng mỗi năm chỉ sản xuất được một vụ lúa vào mùa mưa, năng suất rất thấp (khoảng 1 tấn lúa/ha). Từ khi có cây thuốc lá vàng đến nay, vào vụ đông xuân, hầu hết nông dân có ruộng đất trong giồng đều trồng thuốc lá vàng. Những người không có đất cũng tìm đất để thuê mướn trồng thuốc. Cây thuốc lá đã giải quyết được rất nhiều lao động cho địa phương. Vào vụ thu hoạch thuốc lá, số lao động địa phương làm không hết việc. Một số hộ thuê mướn lao động từ bên kia biên giới sang hái và ôm lá thuốc. So với cây lúa, cây thuốc lá vàng đem lại thu nhập cho nông dân rất cao. Nhờ  trồng thuốc lá vàng, nhiều hộ dân Phước Lưu có cuộc sống ổn định. Cũng nhờ trồng thuốc lá vàng mà độ phì nhiêu của đất được nâng lên, năng suất lúa vụ hè thu và vụ mùa được nâng cao, giá trị đất được nâng lên rất nhiều. Cùng với sự có mặt của cây thuốc lá vàng là các DN đầu tư trồng, sơ chế và kinh doanh sản phẩm thuốc lá vàng cũng đến với xã Phước Lưu. Từ năm 2009 về trước, trên địa bàn xã Phước Lưu có 3 DN đầu tư trên lĩnh vực thuốc lá. Đến năm 2010, một DN chuyển về Bến Cầu, nhưng vẫn còn tiếp tục ký hợp đồng với nông dân Phước Lưu sản xuất thuốc lá. Nhờ các DN này đóng góp, mà nguồn thu ngân sách xã ở những năm trước luôn vượt chỉ tiêu. Từ đó xã có nguồn thu kết dư ngân sách để đầu tư một số hạng mục cơ sở hạ tầng của xã. Ngoài ra các DN còn tích cực tham gia đóng góp xây dựng giao thông nông thôn, đóng góp nhiều cho công tác từ thiện xã hội.

Nếu nông dân không tiếp tục trồng thuốc lá, các lò sấy cũng phải đóng cửa.

Vụ đông xuân năm 2009-2010, ở xã Phước Lưu có khoảng 300 hộ trồng thuốc lá vàng, với diện tích 215 ha (toàn xã Phước Lưu có 1.481 hộ, với 6.653 nhân khẩu). Vụ đông xuân năm nay giá thuốc lá giảm mạnh, thị trường đầu ra gặp nhiều khó khăn. Việc đầu ra sản phẩm thuốc lá vàng khó khăn, không chỉ làm ảnh hưởng rất lớn đối với người trồng thuốc lá vàng mà các cơ sở sấy thuốc lá, các doanh nghiệp cũng gặp rất nhiều khó khăn. Nếu không tiếp tục trồng cây thuốc lá vàng thì vụ đông xuân sắp tới nông dân Phước Lưu sẽ trồng cây gì? Đây là câu hỏi khó không chỉ đối với nông dân mà cả chính quyền địa phương cũng lúng túng. Vì vùng đất xã Phước Lưu khó có thể trồng được cây gì khác ngoài lúa và thuốc lá. Những năm qua nông dân Phước Lưu cũng đã thử trồng bắp, tỉa đậu phộng, nhưng không có hiệu quả. Nông dân cũng như chính quyền xã Phước Lưu mong các cấp lãnh đạo, các ngành chức năng cấp trên có hướng đầu ra cho cây thuốc lá một cách bền vững, giúp nông dân định hướng và tạo điều kiện cho nông dân chuyển đổi loại cây trồng nào đó vừa có hiệu quả kinh tế, vừa đảm bảo tính bền vững để người dân xã Phước Lưu luôn có cuộc sống ổn định.

D.H