BAOTAYNINH.VN trên Google News

Phước Trạch: Thoát nghèo bằng mô hình nông thôn mới

Cập nhật ngày: 28/05/2011 - 03:02

Chương trình hành động của Chính phủ nhằm thực hiện Nghị quyết TW7 khoá X về tam nông (nông nghiệp, nông dân và nông thôn) là một chương trình tổng hợp hướng đến xây dựng nông thôn mới phát triển toàn diện.

Với ý nghĩa đó, từ năm 2009- ngay sau khi Nghị quyết TW7 về tam nông ra đời, lãnh đạo huyện Gò Dầu đã triển khai thực hiện, chọn xã Phước Trạch làm điểm, trên cơ sở đó đánh giá đúc kết kinh nghiệm triển khai ra diện rộng trên tất cả các xã còn lại trong huyện. Ban chỉ đạo thực hiện NQ TW7 cấp huyện cùng BCĐ xã Phước Trạch được thành lập song song và tiến hành tổ chức triển khai, huy động toàn lực từ các ban ngành chuyên môn, các tổ chức chính trị, đoàn thể trong huyện. Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì xây dựng đề án về nông nghiệp, nông dân, nông thôn ở xã điểm Phước Trạch, thông qua các ban, ngành, đoàn thể, lãnh đạo các cấp đóng góp ý kiến. Nội dung triển khai mang tính tổng thể nhiều lĩnh vực trên cơ sở công việc hoạt động thường xuyên của từng ngành ưu tiên cho xã điểm, bao gồm các vấn đề chính như: phát triển nông nghiệp và cơ sở hạ tầng nông thôn, hỗ trợ dạy nghề, giải quyết việc làm và giảm nghèo, phát triển giáo dục đào tạo, củng cố và phát triển y tế, phát triển hoạt động tín dụng ở nông thôn, phát triển văn hoá thông tin, củng cố tổ chức bộ máy hành chính xã, công tác môi trường, công tác đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn xã.

Vùng tập trung nhân giống lúa của xã, tại ấp Bàu Vừng có khả năng cung cấp số lượng lớn lúa giống cho nông dân địa phương

Qua 2 năm tập trung vào các chỉ tiêu, tiêu chí quốc gia về nông thôn mới để triển khai thực hiện, ưu tiên đầu tư hạ tầng đã làm thay đổi rõ nét bộ mặt của xã Phước Trạch. Kết cấu hạ tầng bước đầu được đầu tư tập trung. Đường trục chính của xã được láng  nhựa, kênh mương thuỷ lợi được bê tông hoá để đảm bảo nguồn nước cung cấp cho sản xuất. 29 tuyến đường thôn ấp được giặm vá, hai trường học được xây mới và đầu tư cơ sở vật chất đáp ứng tiêu chí trường đạt chuẩn quốc gia. Bên cạnh đó là trạm y tế, trụ sở làm việc của UBND xã cũng được xây mới và đưa vào sử dụng trong năm 2010.

Trong lĩnh vực nông nghiệp, Phước Trạch đã hình thành vùng nhân giống lúa tập trung 10 ha, trong 2 năm đã cung ứng gần 100 tấn giống cho sản xuất đại trà vụ đông xuân. Song song đó, 2 tổ nhân giống lúa và tập huấn chuyển giao kỹ thuật quy trình nhân giống được hình thành. Mô hình liên kết 4 nhà thâm canh sản xuất lúa bền vững, hiệu quả theo hướng VietGap đã được triển khai, có 49 hộ tham gia với diện tích 85,5 ha, đồng thời còn có các hoạt động tập huấn, chuyển giao kỹ thuật phòng trừ rầy nâu, bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá, kỹ thuật 3 giảm 3 tăng trên lúa, giới thiệu chế phẩm xử lý mùi hôi chất thải chăn nuôi trong khu dân cư, chăn nuôi heo hướng nạc, nuôi vịt an toàn sinh học… Việc xây dựng hoàn chỉnh giếng nước tập trung tại xã đảm bảo cho khoảng trên 300 hộ dân có nước sạch sử dụng từ công trình này. Các tổ chức đoàn thể đã mở các lớp dạy nghề ngắn hạn, tập huấn cho nông dân về kỹ thuật nuôi gà thả vườn, trồng rau an toàn, trồng rau mầm, chăn nuôi heo hướng nạc, tư vấn sử dụng phân bón cho cây trồng, đồng thời tổ chức thực hiện các  dự án nuôi trâu bò, dự án chăn nuôi heo… cùng với Ngân hàng Chính sách xã hội huyện cho vay trong các dự án giải quyết việc làm, cho vay hộ nghèo, cho vay công trình nước sạch vệ sinh môi trường. Ngân hàng Nông nghiệp& Phát triển nông thôn đầu tư vốn cho nông dân vay phục vụ nông nghiệp và nông thôn với tỷ trọng cao, đáp ứng đủ và kịp thời vốn cho sản xuất, kinh doanh trên địa bàn xã, góp phần phát triển kinh tế địa phương.

Từ các dự án, chương trình kể trên đã giúp kéo giảm bớt số hộ nghèo trong xã Phước Trạch một cách đáng kể. Đến nay, số hộ nghèo theo chuẩn Trung ương chỉ còn 0,53% và hộ nghèo liền kề là 0,77%. Các chương trình y tế quốc gia cũng được duy trì và giữ vững, công tác khám và điều trị đạt chỉ tiêu kế hoạch đề ra trên địa bàn. Giáo dục được đầu tư cơ bản về cơ sở vật chất, chất lượng dạy và học được nâng cao, hướng đến chuẩn quốc gia ở các cấp. Xã Phước Trạch đang từng bước chuẩn hoá đội ngũ cán bộ, bước đầu đáp ứng được nhu cầu nhiệm vụ. Công tác môi trường được quan tâm nhiều hơn, Phước Trạch đã thực hiện quy hoạch sử dụng đất phù hợp nhu cầu sử dụng, trong đó có quy hoạch đất nghĩa địa để việc chôn cất người chết được thực hiện đúng quy định, không xảy ra trường hợp chôn cất người chết trong khu dân cư gây ô nhiễm môi trường.

Từ một xã được xem là xã nghèo của huyện Gò Dầu, đến nay Phước Trạch đã thoát nghèo và đang phát triển khá, đã đạt 8/19 tiêu chí quốc gia về nông thôn mới.

Sự đổi thay từng ngày ở Phước Trạch đang được đông đảo nhân dân trong xã nhìn nhận và ủng hộ tích cực. Đó cũng là sự khẳng định mạnh mẽ chủ trương xây dựng nông thôn mới của Đảng, Nhà nước là đúng hướng, hợp với lòng dân.

Kim Nhung