Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Những di tích thầm thì kể câu chuyện của riêng mình, cũng là chuyện của miền đất được định danh từ 180 năm trước, khi phủ thành Tây Ninh đầu tiên được thiết lập trên vùng đất phường 1 ngày nay.
Cách đây đã hơn 20 năm, nhà bạn tôi ở ngay mặt tiền đường Lê Lợi. Cũng đến vài trăm mét vuông đấy! Nhưng nhà bạn đông anh em nên người cứ lớn lên, thêm ra mà đất thì ngày thêm chật chội. Vậy là bán đi để mua một phần đất to hơn ở phường 1, đoạn gần ngã tư xã Bình Minh.
Lên xem, ban đầu chỉ nhà cột cây, mái tôn tạm bợ. Được mỗi một cái là đất cát cây vườn còn hoang vu rộng rãi. Phía sau nhà là ruộng lúa cùng những bờ cỏ lau ngút dài như chạy tới chân núi Bà Đen. Và núi, cũng là một điểm nhấn duy nhất, lồng lộng, sừng sững giữa nền trời bao la…
Thế là cả nhà bạn chăm chỉ xới đất, lật cỏ trồng vườn và cả chăn nuôi- hết gà vịt lại tới trâu bò, khi đã có thêm vốn liếng. Rồi người ta mách nhau đến đây “mua cây trái, hoa màu trên đất”. Để rồi nay có cả một phố hẻm nhỏ mọc lên, rất gần con đường quốc lộ 22B nối Thành phố với Tân Biên.
Gọi hẻm nhưng kỳ thực có khác nào phố nhỏ. Nhà nào nhà nấy đều đã xây kiên cố cấp 3 hay cấp 4. Cũng đường bê tông xi măng ô tô chạy được vào tận từng nhà. Cũng đèn cao áp rực sáng mỗi đêm. Nhà nào nhà nấy vẫn đủ cả vườn cây, giếng khoan bơm nước, chuồng trâu bò. Thậm chí đã có cả mấy ngôi biệt thự của vài chủ doanh nghiệp làm ăn khá giả. Hẻm phố này là hẻm số 22 thuộc khu phố 2, phường 1.
Một trường hợp khác. Lần này là một ông bạn còn “oai” hơn nữa. Ở cuối phường 1, giáp đường lên huyện Châu Thành còn một khu nghĩa địa cũ. Chẳng hiểu ra làm sao mà ông lại mua được cả mấy công đất mãi tít sâu phía bên trong nghĩa địa. Rồi nghĩa địa được giải toả.
Khu chung cư mới ở mặt đường mọc lên, buộc phải hình thành con đường hẻm chạy vào một loạt nhà mới xây dựng ở phía trong. Nay thì hẻm ấy có vẻ còn “sung” hơn cả một vài phố nhỏ ở khu phố cũ phường 1. Cà phê, quán ăn, nhà nghỉ mọc lên, có cả quán có hồ bơi cho người lớn tập bơi cho trẻ. Cái nhà nghỉ có tên Diễm Hương treo quảng cáo khắp nơi cũng ở trong phố hẻm này đây. Đấy là hẻm số 1 đường Cách Mạng Tháng Tám, thuộc về khu phố 2, phường 1.
Bên kia con hẻm đã là khu đô thị Bình Phong của huyện Châu Thành. Ở phường 1, có lẽ khái niệm hẻm hay đường phố cũng chỉ là tương đối. Thì so sánh đường hẻm số 1 này với đường Nguyễn Văn Tốt mà coi. Đường này rõ ràng nhỏ hơn, lại quanh co vắt từ đường Cách Mạng Tháng Tám sang Tua Hai, rồi chạy vào xóm Chăm. Xưa có lẽ chỉ là một hẻm nhỏ nhưng nay đã trở thành một con phố đẹp. Mặt đường trải thảm bê tông nhựa êm bánh xe lăn, dù chỉ rộng chừng 5 mét.
Khác biệt duy nhất giữa phố và hẻm cũng là đây, vì hẻm số 1 bên kia dù rộng dài, phong quang thoáng đãng hơn nhưng chỉ có mặt đường trải nhựa đá dăm “thấm nhập”, mưa lớn là xói ra ngay vài cái ổ gà. Từ hẻm đã lên đường tự khi nào chẳng rõ. Có phải vì lý do ấy mà chùa Linh Bửu bên con đường này cũng đang hối hả lên tầng. Một trệt, hai lầu đàng hoàng. Nhưng vẫn còn bề bộn vôi vữa cùng sắt thép xi măng dang dở. Còn đa số nhà dân đã tự làm đẹp từ lâu. Đây đó những chùm hoa giấy la đà ngay trước ngõ. Xe hơi, xe máy và cả các em đạp xe đi học về đạp thảnh thơi đi trong phố. Lần đầu đi qua mà đã thấy yêu rồi!
Nhưng dù sao, vài hẻm, phố kể trên mới chỉ là “vi mô”, là “trực quan sinh động”. Còn muốn nhìn nhận một cách tổng quan về đô thị phường 1, xin hãy lên cao. Giờ đã có tới vài ba điểm cao trên 40 mét, là những ngôi nhà cao 9- 10 tầng ở ngay địa bàn phường 1.
Lên cao, sẽ thấy một phần trung tâm đô thị ở ngay dưới chân mình, trên hai con đường 30.4 và Trần Hưng Đạo toàn những ngôi nhà công cộng lớn cao, đường bệ, cùng một rặng dài hàng trăm cây xà cừ lực lưỡng. Nhưng về cơ bản, phường 1 vẫn là phần đô thị ngời xanh.
Có lẽ, chỉ trừ phần trung tâm và các con đường Cách Mạng Tháng Tám, đường Trương Quyền kế cận phường 1 là nhà cửa xây dựng mật độ cao, lô nhô những tường mái của kiến trúc các công trình lấn át màu xanh cây cối. Đa số phần còn lại vẫn là các nhà vườn rợp bóng cây xanh.
Rồi màu xanh càng lúc càng đậm đà hơn trải rộng dài theo hướng Bắc, hướng Tây lên phía Ninh Sơn, Bình Minh và xã Thái Bình. Nơi là bát ngát rừng tràm, nơi miên man màu xanh mạ, lúa. Và ngay sau vài căn mặt tiền đường Trần Hưng Đạo đoạn từ cầu Quan lên tới Mũi Tàu, lại là những vườn cau, vườn dừa lắc lư trong gió. Có phải những chiếc am tre nho nhỏ của tịnh xá Ngọc Thạnh đang im lìm, mơ ngủ trong xênh xang bóng rợp dừa, cau?
Có phải vì hiện trạng “phố trong vườn”, và “vườn trong phố” đẹp như mơ mộng này không? Mà các nhà quy hoạch đã xây dựng bản quy hoạch tuyệt vời cho tương lai phường 1. Đấy là quy hoạch “khu nhà vườn sinh thái TP. Tây Ninh”, được triển lãm lấy ý kiến người dân hồi cuối năm 2016 tại trụ sở UBND Thành phố. Xem bản đồ này, ta sẽ thấy những mảng, những ô màu cam, màu vàng hay đỏ. Màu cam là những khu nhà liên kế, màu vàng là các khu nhà ở xã hội, nhà ở hiện trạng được cải tạo lại. Đất biệt thự là những ô màu cứt ngựa…
Còn các ô từ đỏ đến hồng kia là thuộc về công trình công cộng, cơ quan, y tế, học đường… Nhưng, phần có màu xanh lá cây vẫn là cơ bản. Đấy là các ô dành cho đất cây xanh đô thị, đất ở sinh thái mật độ thấp… và đất cây xanh cho từng “đơn vị ở”. Mảng xanh lớn nhất là ở phía Bắc, hai bên con rạch Tây Ninh thuộc về khu phố 1 ngày nay. Mảng nhỏ hơn là thuộc khu phố 5, nơi người phường 1 vẫn gọi là xóm Hố.
Còn nữa, ở giữa cái mảng xanh rất rộng dài màu lá thuộc khu phố 1 mà trong quy hoạch tổng thể sẽ là công viên của Thành phố kia, còn có những mảng màu xanh dương khá to và rất đậm tô vào. Thấy bảo đây là những hồ điều tiết cho rạch Tây Ninh. Nó phải lớn gấp hơn chục lần công viên 30.4 của TP, hiện thuộc phường 2.
Dù sao, những hình ảnh đẹp trên bức tranh quy hoạch này vẫn còn ở phía tương lai. Còn trước mắt tôi bây giờ vẫn là hiện thực của đô thị phường 1. Mà có lẽ chỉ cần giữ được thế này đã là điều đáng mơ ước lắm rồi!
Chằn chặn trước khuôn hình này là con đường Yết Kiêu rất nhiều mái ngói. Cả mái thâm nâu của ngôi nhà cổ 123 năm tuổi, lẫn mái ngói đỏ tươi của mấy toà công sở mới xây, óng ả bên đường. Phía sau là con đường phố Cách Mạng Tháng Tám thẳng tắp chạy lên thị trấn Châu Thành, bên phía phường 1 cũng rất nhiều mảng màu đỏ au mái ngói.
Xa hơn nữa là mảng màu xanh da trời mát rượi của dãy chung cư thuộc khu đô thị mới Bình Phong. Từ đây lên đã là đất xã Thái Bình, mà phần tinh tuý nhất là ngôi đình cổ Thái Bình- di sản lịch sử văn hoá cấp quốc gia vẫn nằm lại trên địa bàn phường 1. Một ngả đường quan trọng khác của phường 1 là đường Tua Hai nhằm hướng Tân Biên thẳng tới. Phía đường này cây xanh còn nhiều hơn, làm khuất lấp phố phường khi ta nhìn từ độ cao 45 mét trên đường 30.4. Nhưng, vẫn không thể lẫn vào đâu, cây dầu cổ thụ một mình một cõi bơ vơ giữa bầu trời.
Dưới bóng cây, là ngôi miếu Ngũ Hành, là tịnh xá Ngọc Ninh. Và còn rất nhiều nữa, những di tích từ xưa để lại… Những di tích thầm thì kể câu chuyện của riêng mình, cũng là chuyện của miền đất được định danh từ 180 năm trước, khi phủ thành Tây Ninh đầu tiên được thiết lập trên vùng đất phường 1 ngày nay.
TRẦN VŨ