Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Qua cơn đại dịch- đánh giá thấu đáo, rút ra bài học về sau
Thứ ba: 23:21 ngày 20/12/2022

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Ngày 19.12, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Tây Ninh do ông Phạm Hùng Thái- Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh làm trưởng đoàn thực hiện giám sát tại UBND huyện Bến Cầu và thị xã Trảng Bàng về việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng trên địa bàn.

Trưởng đoàn giám sát Phạm Hùng Thái phát biểu tại buổi làm việc ở Trảng Bàng.

Thiếu vật tư y tế

Lãnh đạo UBND huyện Bến Cầu cho biết, để phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh Covid- 19, địa phương huy động từ nguồn ngân sách hơn 114 tỷ đồng, trong đó ngân sách Trung ương hỗ trợ gần 13 tỷ đồng, ngân sách địa phương hơn 101 tỷ đồng. Ngoài nguồn ngân sách, trong phòng, chống dịch, Bến Cầu huy động nguồn xã hội hoá được 998 triệu đồng, huy động hiện vật nhu yếu phẩm quy ra tiền hơn 13 tỷ đồng và 9.000kg gạo.

Nguồn lực phòng, chống dịch được dùng vào việc sửa chữa cơ sở vật chất, mua sắm thuốc, hoá chất, vật tư, trang thiết bị; hỗ trợ người dân, người lao động, người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch; hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động, thực hiện các chính sách đặc thù của địa phương…

Bến Cầu hiện thiếu 28 biên chế ngành Y tế, trong đó cần bổ sung thêm 8 bác sĩ. Vật tư y tế và thuốc còn thiếu rất nhiều, dẫn đến việc không cấp thuốc kịp thời, gây khó khăn cho người dân khi đến khám, chữa bệnh.

Tại buổi làm việc, thành viên đoàn giám sát nêu một số vấn đề, đề nghị địa phương làm rõ hơn, như: nguồn huy động, việc sử dụng cơ sở vật chất sau đại dịch, thiếu bác sĩ ở trạm y tế xã, việc chậm chi trả chế độ cho những người tham gia phòng, chống dịch bệnh; kết quả thanh tra, kiểm tra sử dụng nguồn lực huy động cho chống dịch bệnh.

Việc thiếu 28 biên chế nhân viên y tế có ảnh hưởng đến chăm sóc sức khoẻ nhân dân? Thiếu nhiều nhân viên y tế nhưng trong báo cáo đánh giá chất lượng chăm sóc sức khoẻ rất tốt, địa phương đã làm điều đó như nào? Nguồn vaccine được phân bổ sử dụng ra sao? Việc chi cho lực lượng tuyến đầu chống dịch có đúng, đủ, kịp thời? Việc hỗ trợ cho người dân có nhiều chế độ, mức độ khác nhau, người dân có nhận được không?

Đại diện Trung tâm Y tế Bến Cầu giải trình, địa phương đang thiếu hụt đội ngũ nhân lực, trong cơn đại dịch, một bác sĩ chuyên khoa mắt tử vong, đến nay chưa tuyển được người thay thế. Bến Cầu hiện chỉ có 3/9 trạm y tế có bác sĩ, phải luân phiên nhau về xã.

Trung tâm Y tế Bến Cầu được cấp một máy thở nhưng không sử dụng vì không có nhân lực; ngay cả trong đợt cao điểm phòng, chống dịch cũng không dùng đến, Trung tâm đã nhiều lần đề nghị trả cho Sở Y tế. Nguồn vaccine đã sử dụng hết. Đến nay, huyện đã hoàn thành việc chi hỗ trợ cho nhân viên y tế phòng, chống dịch.

Đại diện Phòng Tài chính - Kế hoạch huyện khẳng định, địa phương này chi đúng và đủ cho tất cả nhóm đối tượng tham gia phòng chống dịch. Một số ý kiến khác thông tin bổ sung về việc huy động các nguồn lực để phòng chống dịch; đại diện Huyện đoàn khẳng định chính sách, chế độ dành cho phòng, chống dịch được thực hiện đúng, đủ, đã chi trả đầy đủ chế độ cho tình nguyện viên.

Phát biểu kết luận, ông Phạm Hùng Thái- Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh yêu cầu lãnh đạo UBND huyện, các phòng chuyên môn của Bến Cầu xây dựng lại báo cáo nội dung giám sát theo đúng hướng dẫn.

Ông Phạm Hùng Thái lưu ý thêm, thời gian dịch bệnh kéo dài ba năm, vì thế địa phương cần báo cáo, đánh giá ở mọi phương diện: nguồn lực huy động cho phòng, chống dịch; con người; cơ sở vật chất, tài chính, tài trợ, hỗ trợ, quản lý, sử dụng… qua đó xác định đâu là khâu yếu nhất để rút ra bài học kinh nghiệm, phòng khi xuất hiện trận đại dịch khác.

Các y, bác sĩ Trạm Y tế xã Phước Bình, thị xã Trảng Bàng cùng đoàn viên, thanh niên tình nguyện vượt qua những con đường bờ, băng qua các đám ruộng tận vùng sâu, xa để tiêm vaccine phòng Covid-19 cho những trường hợp không thể đến Trạm y tế. Ảnh: Huỳnh Thanh Liêm

Trảng Bàng: Thiếu nhân lực

Cũng như Bến Cầu, Trảng Bàng thiếu nhân lực từ tuyến huyện đến tuyến xã, trong đó thiếu bác sĩ có kinh nghiệm, bác sĩ chuyên khoa mắt, bác sĩ y tế dự phòng. Chế độ, chính sách cho nhân viên y tế tại cơ sở thấp và còn nhiều bất cập, không bảo đảm cuộc sống. Từ trước đến nay, đối với nhân viên y tế, Tây Ninh chỉ mới có chế độ hỗ trợ cho bác sĩ, chưa có hỗ trợ cho các nhân viên y tế khác.

Sau khi nghe báo cáo, thành viên đoàn giám sát nêu một số câu hỏi liên quan đến đội ngũ nhân viên y tế (thừa, thiếu); tổng nguồn lực huy động của Trảng Bàng rất lớn, hơn 300 tỷ đồng, việc sử dụng, quản lý có vấn đề gì khó khăn không; vaccine có tồn đọng quá hạn sử dụng không? Việc lấy mẫu xét nghiệm; việc chi trả cho lực lượng tham gia phòng chống dịch, chi trả cho người dân thuộc diện được hỗ trợ có đúng quy định? Về sử dụng trang thiết bị y tế; Trạm y tế xã có nên duy trì tất cả phòng chức năng như quy định hiện nay, vì có phòng gần như không hoạt động, không thật cần thiết nhưng vẫn phải bố trí nhân lực?

Trong phần giải trình, đại diện Trung tâm Y tế Trảng Bàng cho biết, đối với nguồn nhân lực, thời gian qua, một số người trong ngành y tế địa phương nghỉ việc, nhưng đó là những người đến tuổi nghỉ hưu, chỉ hai trường hợp nghỉ việc vì hoàn cảnh gia đình. Trung tâm Y tế Trảng Bàng hiện có hai loại máy không sử dụng, gồm máy oxy tự tạo và máy thở (tổng cộng 50 cái) vì đơn vị không có người vận hành; mặt khác, không có nhiều bệnh nhân cần máy thở, máy tự tạo oxy.

Bố trí bác sĩ cho trạm y tế xã không đơn giản, ngoài việc thiếu nhân lực, nếu có cũng không bố trí được ngay, vì sau khi tốt nghiệp gần hai năm bác sĩ mới có chứng chỉ hành nghề. Vật tư y tế đang thiếu nhưng việc đấu thầu khó khăn, tại thời điểm hiện nay, phim chụp X-quang chỉ còn đủ dùng cho hai tuần, ngành Y tế đã mở thầu nhưng không doanh nghiệp nào tham gia.

Lãnh đạo Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội Trảng Bàng thông tin, chính sách hỗ trợ dành cho nhóm đối tượng thuộc diện được hỗ trợ đã chi xong. Việc chi hỗ trợ, lãnh đạo UBND thị xã khẳng định đã chi đầy đủ cho lực lượng tham gia phòng, chống dịch.

Kết luận buổi làm việc, trưởng đoàn giám sát Phạm Hùng Thái lưu ý UBND thị xã Trảng Bàng cần đánh giá việc sử dụng nguồn lực trong phòng chống dịch có lãng phí không, hiệu quả đến đâu, không nên chỉ dừng lại ở việc cung cấp số liệu thuần tuý.

Ông Phạm Hùng Thái đề nghị lãnh đạo thị xã bổ sung thông tin vào báo cáo, phân tích, đánh giá thấu đáo những việc được và chưa được, kể cả thống kê từng lực lượng tham gia phòng, chống dịch trong thời điểm nóng bỏng.

VIỆT ĐÔNG

Tin cùng chuyên mục
Ý kiến bạn đọc
Báo Tây Ninh