Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Chơi hụi:
Quá nhiều rủi ro
Chủ nhật: 10:14 ngày 19/08/2018

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Chơi hụi là hình thức huy động vốn xuất hiện từ rất lâu, với mục đích giúp đỡ lẫn nhau, kịp thời tiếp cận nguồn vốn làm ăn, phát triển kinh tế gia đình. Tuy nhiên, thời gian qua, việc chơi hụi dần bị biến tướng, nhiều chủ hụi lợi dụng hình thức này để trục lợi, chiếm đoạt tài sản, gây mất trật tự, an ninh xã hội.

Một chủ hụi phải ra toà hình sự.

VỠ HỤI HƠN 4 TỶ ÐỒNG

Vừa qua, TAND tỉnh đưa vụ án “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” đối với bị cáo N.T.N (sinh năm 1967, ngụ xã Gia Lộc, huyện Trảng Bàng) ra xét xử. Qua xét xử, HÐXX làm rõ những thủ đoạn của chủ hụi đã chiếm đoạt tiền người dân như thế nào.

Theo đó, từ năm 2002, N.T.N bắt đầu đứng ra tổ chức góp hụi để hưởng hoa hồng. Sau đó, nắm bắt tâm lý người chơi thường nuôi hụi, ít tham gia khui hụi nên N dùng thủ đoạn chiếm đoạt tiền của người chơi để mua đất và tiêu xài cá nhân.

Ðể chiếm đoạt tiền của người chơi hụi, N.T.N dùng thủ đoạn không đưa tên hụi viên vào danh sách, mà ghi tên hụi viên không có thật (để chiếm phần hụi này), tự ý lấy tên hụi viên nhận hụi khi chưa được sự đồng ý của hụi viên hoặc thu tiền hụi không đúng số tiền khui.

Hoạt động được một thời gian, do không còn khả năng đăng hụi cho người chơi, N tuyên bố vỡ hụi. Tại thời điểm vỡ hụi, còn 42 dây hụi đang hoạt động, trong đó có 2 dây 500.000 đồng/tháng và 40 dây 1 triệu đồng/tháng.

Cơ quan điều tra xác định N đã có hành vi dùng thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt tiền của hụi viên, tổng cộng hơn 4 tỷ đồng. Ngoài ra, để duy trì hoạt động của các dây hụi, N vay tiền của một số người chơi để choàng hụi, chiếm đoạt của 4 hụi viên trên 130 triệu đồng. Toà án tuyên phạt N 15 năm tù về tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

CHƠI HỤI DỰA VÀO LÒNG TIN

Theo một số người thường chơi hụi, hiện nay, việc chơi hụi khá phổ biến, trung bình mỗi dây hụi có từ 10-20 người; tuỳ theo số người tham gia, dây hụi có thể kéo dài từ vài tháng đến cả năm. Ngày đóng hụi thường là giữa hoặc cuối tháng.

Tuỳ vào khả năng tài chính, người chơi có thể tham gia một hay nhiều dây hụi. Người ít tiền chơi hụi nhỏ, từ vài chục ngàn đến vài trăm ngàn đồng/ngày; người khá hơn có thể tham gia dây hụi vài triệu đồng/tháng. Có người cho biết, họ nuôi hụi, “hốt chót”, số tiền có khi lên đến cả trăm triệu đồng.

“Chị đang tham gia 2 dây hụi, 1 dây 12 tháng và 1 dây 14 tháng. Tiền lương hằng tháng, chị dành một phần chi tiêu sinh hoạt, phần còn lại để đóng hụi. Sau này, khi hốt hụi, có một khoản tiền kha khá để sắm sửa những thứ cần thiết. Nếu không chơi hụi, biết bao giờ mới tiết kiệm được số tiền lớn!”- chị Ð, công nhân một xí nghiệp tâm sự.

Bà T, ngụ TP.Tây Ninh chia sẻ, bà đang chơi dây hụi 5 triệu đồng/tháng, gồm 24 phần (kéo dài 2 năm). Thông thường, đến thời điểm kêu hụi, người chơi sẽ tập trung bỏ thăm, ai kêu giá trị cao thì hốt. Khi hốt hụi, chủ hụi sẽ bàn giao tiền, làm giấy tay, thành viên ký tên xác nhận. Nếu “hốt chót”, trừ tiền cò, người chơi có thể nhận được hơn 100 triệu đồng.

Ông N.V.T, ngụ huyện Hoà Thành bày tỏ: “Thời gian gần đây, có khá nhiều người bị giật hụi. Có trường hợp người chơi định “nuôi hụi chót”, nhưng đóng được nửa chặng đường, chủ hụi bỏ trốn, tắt điện thoại, hụi viên chỉ biết khóc ròng. Nhiều gia đình lục đục, vợ chồng đánh nhau, bỏ nhau cũng vì hụi”. 

“Tôi đã 3 lần bị giật hụi, số tiền hơn mấy chục triệu đồng. Vợ chồng tôi đã lớn tuổi, chắt chiu, dành dụm từng đồng chơi hụi, với mong muốn có tiền dưỡng già, nhưng không ngờ mất hết. Giờ đây, thay vì mỗi tháng phải đóng hụi, tôi lại gửi ngân hàng, dù lãi suất thấp hơn nhưng bảo đảm an toàn”- bà Là, ngụ xã An Cơ, huyện Châu Thành ngậm ngùi chia sẻ.

Với hơn 10 năm kinh nghiệm chơi hụi, bà N, ngụ xã Hoà Hội, huyện Châu Thành kể, thông thường, hụi viên và chủ hụi chỉ thoả thuận bằng lời nói mà không ghi chép, đối chiếu, xác nhận rõ ràng. Khi xảy ra vỡ hụi, bị hại thường không có giấy tờ, sổ sách chứng minh số tiền bị chủ hụi chiếm đoạt…

Những dây hụi đầu tiên, chủ hụi thường gây dựng niềm tin, lập đầy đủ tên người tham gia, lâu dần, chủ hụi được người chơi tin tưởng. “Nhiều khi chơi hụi, chỉ dám hốt gần giữa, không dám nuôi đến cuối, vì khả năng bị giật khá cao. Nhiều người chọn cách chơi “hai đầu” trong cùng 1 dây, nuôi kha khá thì hốt trước một “đầu”, “đầu” còn lại để dành”- bà N đúc kết kinh nghiệm giảm rủi ro khi chơi hụi.

CẦN NẮM VỮNG LUẬT   

Hiện nay, số người nắm rõ quy định của pháp luật về hụi, chỉ có thể “đếm trên đầu ngón tay”.

Ðiều 471, Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định, họ, hụi, biêu, phường (gọi chung là họ) là hình thức giao dịch về tài sản theo tập quán trên cơ sở thoả thuận của một nhóm người tập hợp lại cùng định ra số người, thời gian, số tiền hoặc tài sản khác, thể thức góp, lĩnh họ và quyền, nghĩa vụ của các thành viên.

Việc tổ chức họ nhằm tương trợ trong nhân dân được thực hiện theo quy định của pháp luật. Trường hợp việc tổ chức họ có lãi thì mức lãi suất phải tuân theo quy định của Bộ luật Dân sự. Nghiêm cấm việc tổ chức họ dưới hình thức cho vay nặng lãi.

Nghị định số 144/2006/NÐ-CP, ngày 27.11.2006 của Chính phủ quy định rõ trong trường hợp có tranh chấp về hụi hoặc phát sinh từ hụi. Tranh chấp được giải quyết bằng thương lượng, hoà giải hoặc theo yêu cầu của một hoặc nhiều người tham gia hụi sẽ được giải quyết tại Toà án theo quy định của pháp luật tố tụng dân sự. Do vậy, những vụ vỡ hụi không đủ yếu tố để xử lý hình sự sẽ được chuyển sang toà án xử lý dân sự.

Mặc dù hụi được pháp luật thừa nhận và quy định rõ hình thức, nội dung, quyền cũng như trách nhiệm của các bên tham gia, nhưng trong quá trình giao dịch, thoả thuận còn mang nặng yếu tố niềm tin, giấy tờ sổ sách không rõ ràng, chặt chẽ nên tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Việc thu hồi tài sản trả lại cho hụi viên rất khó thực hiện. Mặt khác, nhiều chủ hụi đã tẩu tán hết tài sản hoặc tuyên bố vỡ hụi nên người tham gia thường phải chấp nhận mất tiền khi xảy ra vỡ hụi.

Ðể hạn chế tình trạng vỡ hụi trên địa bàn, trong thời gian tới, cơ quan chức năng và chính quyền địa phương cần chú trọng tuyên truyền, phổ biến quy định pháp luật về hụi, giúp người dân nâng cao ý thức cảnh giác, tránh bị chủ hụi lợi dụng, dùng thủ đoạn để chiếm đoạt tài sản.

Các đối tượng có hành vi sai phạm, cần xử lý nghiêm để răn đe giáo dục. Ðặc biệt, mỗi người dân cần nâng cao kiến thức tự bảo vệ mình, không nên đem số tiền quá lớn đầu tư vào hụi, tránh tổn thất không đáng có. Khi có nhu cầu vay hay tích luỹ vốn, người dân nên lựa chọn các biện pháp an toàn như vay vốn ưu đãi của ngân hàng, gửi tiền tiết kiệm.

PHƯƠNG THẢO - THIÊN DI

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục