Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Qua rạch Vàm Trảng, ghé thăm miếu Bà Thuỷ Long
Thứ năm: 10:55 ngày 18/02/2021

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Sông Vàm Cỏ Đông là một chi lưu của sông Vàm Cỏ, thuộc hệ thống sông Đồng Nai, bắt nguồn từ Vương quốc Campuchia, chảy vào đất Việt Nam qua tỉnh Tây Ninh, đến Long An hợp lưu với sông Vàm Cỏ Tây rồi đổ ra biển Đông. Là “động mạch chủ” trong hệ thống sông rạch ở Tây Ninh, con sông chảy qua các huyện Tân Biên, Châu Thành, Hoà Thành, Bến Cầu, Gò Dầu và Trảng Bàng đã để lại những dấu ấn văn hoá đối với vùng đất này.

Bàn thờ Bà Thuỷ Long.

Sông Vàm Cỏ Đông là một chi lưu của sông Vàm Cỏ, thuộc hệ thống sông Đồng Nai, bắt nguồn từ Vương quốc Campuchia, chảy vào đất Việt Nam qua tỉnh Tây Ninh, đến Long An hợp lưu với sông Vàm Cỏ Tây rồi đổ ra biển Đông. Là “động mạch chủ” trong hệ thống sông rạch ở Tây Ninh, con sông chảy qua các huyện Tân Biên, Châu Thành, Hoà Thành, Bến Cầu, Gò Dầu và Trảng Bàng đã để lại những dấu ấn văn hoá đối với vùng đất này.

Các lưu dân xuôi về vùng đất phương Nam men theo đường sông Vàm Cỏ Đông đặt chân đến Tây Ninh khai hoang mở đất, tạo lập thôn ấp và định cư lập nghiệp, từ những văn hoá làm hành trang trong cuộc Nam tiến hoà cùng văn hoá bản địa đã tạo nên vùng đất đa văn hoá.

Đối với văn hoá sông nước, người dân rất tôn sùng Bà Thuỷ Long. Bà được tôn gọi với nhiều danh hiệu như Bà Thuỷ, Bà Thuỷ Tề, Bà Thuỷ Long, Bà Thuỷ Long Thần Nữ, Bà Thuỷ Long Thánh Nữ, Bà Thuỷ Long Thánh Mẫu hay Bà Thuỷ Đức Thánh Phi... và đã được triều đình nhà Nguyễn phong Trứ Linh Chưởng Ứng Mục Uyên Hoằng Bác Uông Nhuận Trung đẳng thần (tính đến đời Tự Đức).

Bà là vị nữ thần cai quản vùng sông nước, phù hộ cho người làm nghề đánh cá, giới thương hồ. Những người dân hành nghề trên sông rất sùng bái vị thần này. Nhiều nơi xây dựng miếu thờ Bà Thuỷ Long to lớn và được nhân dân tín ngưỡng như thần Thành Hoàng bổn cảnh.

Tại Tây Ninh, ở miếu Bà Bến Ghe, miếu Bà Linh Sơn Thánh Mẫu (cạnh Giếng Mạch) thuộc khu phố Lộc An, phường Trảng Bàng, thị xã Trảng Bàng; một số đình, miếu ven theo sông Vàm Cỏ Đông có thờ Bà Thuỷ Long.

Ở đình Thanh Phước (huyện Gò Dầu), trước đây đình được xây dựng ở ven sông Vàm Cỏ Đông, trước sân đình có lập miếu thờ Bà Thuỷ Long. Do lâu năm, đình bị sụp lở nên được di dời về vị trí trung tâm thị trấn Gò Dầu như ngày nay, mặt chính đình quay về hướng Tây nhìn ra sông Vàm Cỏ Đông, ở sân đình người dân vẫn lập miếu thờ Bà Thuỷ Long, trước là cầu sự phù hộ từ Bà, sau là để nhắc nhớ gốc tích xưa của đình cho hậu thế. Trên miếu Bà Thuỷ Long còn lưu lại câu đối chữ Hán có nội dung: (Thuỷ đức thanh hà dân lạc nghiệp / Long thần phước hải tứ hưng cường). Hai chữ đầu của mỗi câu ghép lại thành Thuỷ Long và hai chữ thứ ba của mỗi câu ghép lại thành tên làng Thanh Phước. Đặc biệt, miếu Bà Thuỷ Long ở đầu rạch Vàm Trảng là ngôi cổ miếu còn lưu giữ nhiều câu chuyện dân gian hằng năm đều diễn ra lễ cúng Bà rất long trọng.

Ngôi miếu được thành lập ở hữu ngạn sông Vàm Cỏ Đông, toạ lạc ở đầu cửa rạch Vàm Trảng, thuộc khu phố An Thới, phường An Hoà, thị xã Trảng Bàng. Miếu được lấy theo tên ấp nên gọi là “miếu Bà An Thới”.

Miếu Bà Thuỷ Long cùng với ngôi miếu Ông - tiền thân của đình An Hoà được xây dựng đối diện với nhau ở đầu cửa rạch Vàm Trảng. Mặt tiền của hai ngôi miếu đều quay ra sông Vàm Cỏ Đông. Theo tài liệu của phường An Hoà thì miếu Bà Thuỷ Long và đình An Hoà là hai cơ sở tín ngưỡng đầu tiên của phường từ thời kỳ mới lập thôn An Hoà.

Miếu Bà An Thới được xây dựng vào đầu thế kỷ XIX, ban đầu là ngôi miếu nhỏ bằng cột gỗ, lợp tranh, sau được sự phù hộ của Bà, người dân địa phương cùng với các thương nhân buôn bán trên sông Vàm Cỏ Đông đóng góp tiền của, công sức xây dựng lại miếu Bà khang trang, rộng lớn như ngôi đình.

Miếu được xây dựng bằng cột gỗ, mái lợp ngói, trên nóc có bài trí tượng ông Nhật, bà Nguyệt, tượng lưỡng long triều nhật, tượng lân… là các tượng gốm thuộc dòng gốm Sài Gòn và Lái Thiêu xưa.

Bên trong miếu được trang trí các lỗ bộ, bát bửu, đôn voi… phía trước miếu có hai tượng Môn thần đứng gác cửa. Cốt tượng Bà Thuỷ Long được chế tác bằng chất liệu đồng đen.

Vào năm 1863, miếu bà An Thới được Hương sư Trịnh Văn Thiện cùng người dân địa phương đứng ra trùng tu xây dựng lại. Do sự tàn phá của chiến tranh, ngôi miếu bị sụp đổ. Năm 1972, miếu được trùng tu và giữ nguyên cho đến ngày nay. Hiện nay, ngôi miếu nhỏ gọn không còn bề thế như xưa. Bên trong miếu có ba ban thờ chính, ở giữa là ban thờ Bà Thuỷ Long có bài vị chữ Hán khắc (Thuỷ Long Thánh Nữ) và cốt tượng bà bằng gốm, hai bên là ban thờ Tả ban và Hữu ban. Bên ngoài miếu có ban thờ Thần Nông, đến các kỳ lễ cúng tại miếu có lập thêm bàn thờ Hội đồng, bàn thờ tổ Bóng rỗi và ban thờ âm binh, chiến sĩ.

Các vị lão niên trong vùng cho biết, Bà rất linh thiêng, được nhiều người kính trọng, mỗi lượt dân chúng đi ghe, xuồng qua miếu thì đều phải ngả nón quay đầu kính cẩn chào Bà. Những người quên không ngả nón thì thường hay bị Bà quở cho chìm xuồng hoặc gặp chuyện không may.

Nghệ nhân bóng rỗi Ngọc Phượng chia sẻ, cô cúng ở miếu đã hơn 30 năm, lúc nhỏ đi theo thầy là nghệ nhân bóng rỗi Nguyễn Thị Tư (bà Tư Móc), sau này cô phụ trách cúng chính ở miếu trong dịp lễ vía Bà.

Lúc nhỏ, khi cô đến miếu cúng thường nghe những người lớn kể, trước đây từng có một người làm nghề thợ lặn, có lần ông lặn xuống ở khu vực trước cửa Vàm (tức đầu cửa rạch Vàm Trảng) thấy cung điện nguy nga, tráng lệ, rực ánh sáng và cho rằng đây là cung của Bà Thuỷ Long, từ đó về sau, người này bỏ nghề, không làm thợ lặn nữa.

Hằng năm, Ban Hội miếu cùng cư dân địa phương long trọng tổ chức lễ vía Bà Thuỷ Long vào ngày 15-16.11 âm lịch.

Sáng ngày 15 là nghi thức mời khách, thỉnh các vị thuỷ quan, binh gia và các vong linh trên sông. Các thuyền đi dọc trên rạch Vàm Trảng quanh hết ấp, dẫn đầu là thuyền chở lân, rồng, trống và chiêng, thuyền chính chở Ban Hội miếu và vị thầy pháp xiên quai thực hiện các nghi thức thỉnh vong, theo sau là nhiều ghe thuyền nhỏ tạo thành đoàn rước dài.

18 giờ, vào đám cúng chay, Ban Hội miếu dâng hương, cô bóng lần lượt thực hiện các nghi thức khai tràng; chầu thỉnh Bà, thỉnh tổ; tiếp đến một cô bóng khác vào rỗi làm vui cho Bà, cầu an cho bá tánh.

Nghi thức dâng mâm vàng trong lễ vía Bà Thuỷ Long.

Đúng 24 giờ, thời khắc chuyển giao qua ngày mới, cúng mặn, các cô bóng thực hiện nghi thức rỗi cúng Bà, cầu an cho cho bá tánh; tiếp đến tuần tự các nghi thức dâng bông, dâng mâm vàng, dâng huệ, biểu diễn tạp kỹ, bán lộc, an vị, đưa tổ… Lễ vật tế Bà Thuỷ Long gồm có hai con heo, xôi, chè, bánh, hoa, quả... cùng nhiều vật phẩm do cư dân mang đến cúng. Khi hành lễ, vị chủ lễ phải lạy Bà 12 lạy, tại các ban thờ khác thì 4 lạy.

Rạng sáng ngày 16 thực hiện nghi thức cúng tống ôn. Trên bàn hương án trước sân bày nhiều vật cúng như hương, hoa, đăng, trà, rượu, quả, trầu cau, gạo muối, cơm canh, đồ ăn, xôi chè…

Đặc biệt là có một cái đầu heo cắt ra từ con heo tế Bà từ lúc khuya. Bên cạnh bàn hương án là thuyền tống ôn, được Ban Hội miếu chuẩn bị từ trước.

Tại bàn này cung thỉnh các vị thuỷ quan, quan ôn, binh gia, cùng các vị khuất mặt khuất mày về dự lễ ở miếu Bà. Ông Hội trưởng thắp hương, dâng lời cầu nguyện quốc thái dân an, cư dân địa phương được ấm no, hạnh phúc, làm ăn hanh thông tấn tới và đẩy lùi đi những điều xấu, tai ương.

Sau đó, các vị thầy pháp làm khoa (các nghi thức cúng của thầy pháp) và ngồi nghinh là sẽ có một vị thầy pháp ngồi trên bàn chông, dùng cây sắt xiên qua miệng, còn được gọi là xiên quai.

Khi xong lễ, chiêng, trống nổi lên, các đồ cúng được đặt vào thuyền tống ôn, rồi đem ra sông thả theo dòng nước cho trôi về phía hạ lưu. Đây là nghi thức đặc sắc trong lễ vía Bà Thuỷ Long khi xưa thu hút nhiều người đến xem.

Hiện nay, không còn nhiều người làm được hoặc không biết thực hiện nghi thức tống ôn như xưa, hơn chục năm về sau này, nghi thức tống ôn không còn thực hiện ở miếu, mà chỉ còn trong ký ức của những người lớn tuổi kể lại cho con cháu.

Khi xưa, những ngày diễn ra lễ vía Bà khách thập phương đến viếng rất đông, ở miếu làm một “con bò cơm” tức mần con bò để đãi khách ăn cơm. Về sau này, ngày vía vẫn cúng đủ lễ nhưng với quy mô nhỏ hơn, bởi Hội miếu chỉ còn hai ông cụ hơn 70, 80 tuổi thường trực, một số cư dân ở gần miếu trước đây đã đi nơi khác ở, nên ai nhớ ngày thì về cúng.

Phải đi đò qua sông để đến miếu Bà, vào hai ngày diễn ra lễ cúng chuyến đò chở khách qua lại liên tục, ghe đậu dài trước miếu, tiếng máy ghe nổ nối dài góp phần tạo nên nét đặc trưng cho lễ cúng miếu ở nơi sông nước. Bà con nhà ở gần miếu, mỗi người một việc cùng chung lo cho lễ cúng, từ đây tạo nên sự gắn kết trong cộng đồng, thêm thắm thiết tình làng nghĩa xóm.

Việc bảo tồn và khôi phục các nghi lễ đặc trưng ở miếu Bà An Thới nhằm góp phần gìn giữ truyền thống tốt đẹp đã có từ lâu đời tại địa phương, hun đúc trong mọi người lòng tự hào và tình yêu quê hương, đất nước.

PHÍ THÀNH PHÁT

Báo Tây Ninh
mua hương nhang Phổ Nghi Hương
Tin liên quan