Xã hội   Giáo dục

BAOTAYNINH.VN trên Google News

Qua rồi, thời giáo dục thường xuyên 

Cập nhật ngày: 06/12/2017 - 13:13

BTN - Kể từ năm 2008, khi Ðề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn ra đời theo Quyết định 1956, Trung ương có chủ trương mỗi huyện và thành phố trực thuộc tỉnh có một trung tâm hướng nghiệp tổng hợp để thực hiện chức năng đào tạo nghề cho nhiều nhóm đối tượng, trong đó có lao động nông thôn.

Học sinh Trung tâm Giáo dục thường xuyên Hoà Thành làm lễ chào cờ.

Trước ngày khai mạc kỳ họp thứ 6, HÐND tỉnh khoá IX, cử tri và đại biểu nêu vấn đề với Sở GD -ÐT xung quanh hiệu quả hoạt động của trung tâm giáo dục thường xuyên cấp huyện, thành phố. Ðại biểu nêu cụ thể như sau: “Trung tâm giáo dục thường xuyên thực hiện chức năng giáo dục thường xuyên, hướng nghiệp và dạy nghề.

Ðể thực hiện chức năng này, thời gian qua, tỉnh đã quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị cho nhiều trung tâm. Tuy nhiên, hiệu quả hoạt động trên thực tế rất thấp so với nguồn lực đầu tư, gây lãng phí nguồn lực.

Mới đây, thực hiện theo quy định của Trung ương, tỉnh đã chuyển đổi trung tâm giáo dục thường xuyên thành trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên. Do đó, nghề nghị Giám đốc Sở GD-ÐT cho biết vì sao các đơn vị này hoạt động hiệu quả thấp nhưng lại tập trung nhiều nguồn lực để đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị? Giải pháp khắc phục những hạn chế hiện nay để hoạt động của trung tâm đạt hiệu quả cao khi chuyển sang mô hình mới”?

Vấn đề đại biểu nêu sẽ được lãnh đạo ngành Giáo dục trả lời tại kỳ họp này.

Thực ra, và những nghịch lý về hệ giáo dục thường xuyên không phải là điều mới mà đã diễn ra từ lâu, ít nhất là từ gần 10 năm trở lại đây. Sau một thời kỳ dài hoạt động hiệu quả, hầu hết trung tâm giáo dục thường xuyên trong tỉnh (thật ra không riêng gì tỉnh nào) rơi vào cảnh “chợ chiều”.

Những lớp học bổ túc văn hoá giảm dần theo từng năm, có trung tâm một năm học mới chỉ tuyển được… 9 học sinh vào lớp 10. Hiện nay, nếu chỉ tính nhóm đối tượng học bổ túc, mỗi trung tâm chỉ có trên dưới 100 học sinh. Nếu liệt kê cụ thể thì có trung tâm chưa tới 100 học sinh.

Nguyên nhân được xác định, các trường trung học phổ thông đã “vét” gần hết số học sinh hoàn thành chương trình trung học cơ sở. Thậm chí, nhiều trường, nhất là nhóm trường chuyển từ bán công sang công lập luôn rơi vào tình trạng tuyển thiếu chỉ tiêu.

Số lượng học sinh sau trung học cơ sở không tiếp tục học lên lớp 10 thì đi học nghề (nhưng số này cũng không bao nhiêu). Số học sinh còn lại dừng con đường học vấn để lao động sản xuất.

Nguồn tuyển ngày càng hiếm dẫn đến số học sinh trong mỗi trung tâm thường “năm sau thấp hơn năm trước”. Tính theo suất đầu tư, mỗi học sinh ở trung tâm giáo dục thường xuyên còn cao hơn chi phí đào tạo sinh viên sư phạm, tính theo từng năm một.

Trong khi đó, tiếng là trung tâm giáo dục nghề nghiệp nhưng thực ra số người học nghề không nhiều. Kể từ năm 2008, khi Ðề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn ra đời theo Quyết định 1956, Trung ương có chủ trương mỗi huyện và thành phố trực thuộc tỉnh có một trung tâm hướng nghiệp tổng hợp để thực hiện chức năng đào tạo nghề cho nhiều nhóm đối tượng, trong đó có lao động nông thôn.

Tại Tây Ninh, có 2 trung tâm giáo dục thường xuyên được xây dựng theo tinh thần đó- ở Châu Thành và Bến Cầu. Chỉ còn 3 năm nữa, Ðề án 1956 sẽ kết thúc nhưng thực tế diễn ra cho thấy: việc các trung tâm giáo dục thường xuyên tham gia đào tạo nghề cho lao động nông thôn còn ở mức hạn chế.

Lý do chính là chương trình đào tạo nghề cho lao động nông thôn thật ra chỉ là hình thức đào tạo giản đơn, ngắn hạn, gắn với các nghề nông nghiệp. Các nghề này không phải là thế mạnh của các trung tâm giáo dục thường xuyên.

Ðiều này giải thích vì sao nhiều thiết bị cung ứng cho trung tâm giáo dục thường xuyên để đào tạo nghề chưa một lần được sử dụng. Việc cấp cả động cơ xe gắn máy để trung tâm dạy nghề cho lao động nông thôn rõ ràng là không cần thiết. Giả dụ có người học, giáo viên trung tâm cũng không đủ điều kiện, trình độ tay nghề để dạy sửa xe gắn máy.

Theo ý kiến của một số cán bộ có nhiều kinh nghiệm về quản lý, chủ trương đẩy mạnh đào tạo nghề là đúng nhưng không nên áp dụng, triển khai một cách máy móc, rập khuôn trong phạm vi cả nước. Lý do, mỗi tỉnh, thành hay vùng miền có đặc điểm dân cư, địa lý, kinh tế xã hội khác nhau.

Ngay tại Tây Ninh, dù chưa có trường đại học, dân số hơn 1 triệu người nhưng đã có hai trường dạy nghề chính quy và một số trường trung cấp chuyên nghiệp. Nhiều năm trở lại đây, trường dạy nghề chính quy, đào tạo tập trung ở Tây Ninh ngày càng khó tuyển học viên, đặc biệt là Trường trung cấp nghề khu vực Nam Tây Ninh.

Do vậy, lĩnh vực dạy nghề ở trung tâm giáo dục thường xuyên èo uột chẳng có gì khó giải thích. Chuyện đổi trung tâm giáo dục thường xuyên thành trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên thật ra chỉ là thay đổi tên gọi.

Cách nay ít lâu, trong buổi làm việc với đoàn công tác của Ban Tuyên giáo Trung ương, một vị lãnh đạo tỉnh đã bày tỏ sự không hài lòng về tính hiệu quả trong hoạt động của Trung tâm giáo dục thường xuyên Bến Cầu. Vị này cũng nêu vấn đề, có nên tiếp tục tìm đất để xây mới Trung tâm Giáo dục Hoà Thành hay không, vì trung tâm này gần với Trung tâm Giáo dục thường xuyên cấp tỉnh.

Cũng cần nhắc lại, từ tháng 9.2015, lãnh đạo Sở Giáo dục - Ðào tạo đã có báo cáo với HÐND tỉnh rằng sẽ xem xét để tiến hành sáp nhập Trung tâm Giáo dục thường xuyên TP. Tây Ninh với Trung tâm Giáo dục thường xuyên tỉnh. Nếu việc sáp nhập được thực hiện, tỉnh không phải bỏ ra hàng chục tỷ đồng để xây mới Trung tâm Giáo dục thường xuyên TP. Tây Ninh.

Sau khi có thông tin về chủ trương xem xét sáp nhập hai trung tâm nói trên, một số cán bộ quản lý đang làm việc ở Trung tâm Giáo dục thường xuyên cấp huyện bày tỏ thái độ không tán thành. Ðã hơn 2 năm trôi qua, vấn đề vẫn chưa được thực hiện. Ðiều này cho thấy việc thành lập mới dễ hơn so với sáp nhập.

Ð.V.T


 
Liên kết hữu ích