Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Đại hội Đảng Báo chí Cách Mạng Việt Nam
Tư tưởng Hồ Chí Minh Đại hội Đảng Báo chí Cách Mạng Việt Nam
Quà tặng
Chủ nhật: 10:22 ngày 09/01/2011

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Hồi ức của nhà thơ Cảnh Trà về tình nghĩa bạn văn chương Quảng Bình thời chống Mỹ.

Tranh sơn mài "Nữ pháo binh Ngư Thủy" (huyện Lệ Thuỷ, tỉnh Quảng Bình) của hoạ sĩ Hoàng Trầm (ảnh minh hoạ).

Hồi đó, trong một chuyến ra Hà Nội dự cuộc họp do Bộ Văn hoá triệu tập, lúc trở lại Vĩnh Linh (một huyện phía Bắc của tỉnh Quảng Trị, giáp với huyện Lệ Thuỷ của tỉnh Quảng Bình) tôi vẫn dùng chiếc xe đạp Junior do Tiệp Khắc viện trợ. Qua thị xã Đồng Hới (Quảng Bình) quang cảnh đúng như trong bài thơ “Thành phố trụi” mà anh Tố Hữu đã viết:

“… Đến làm chi đây

Ta đã biết

Đô thành ta phá hết lâu rồi

Còn nhìn chi nữa giữa thây vôi

Hoang tàn

Đổ nát

Ta đi trên đường đá rát

Đông lạnh ghê người

Chiếc lá vèo rơi

Xuống cỏ…”

Tôi thực sự không nhớ rõ ai là người đã chỉ đường, ai đã dẫn đường để rồi tôi cũng đến được nơi sơ tán của Hội Văn nghệ tỉnh Quảng Bình tại một chỗ xa Thị xã, trên đồi, gần rừng. Cuộc gặp trong chiến tranh đơn giản mà thật vui vẻ. Trong bữa cơm trưa, lúc gần xong, tôi thấy Mỹ Dạ (nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ) nháy tôi ra sân, cô bảo: “Chiều mai anh Trà về lại Vĩnh Linh, thể nào anh Tôn (tên khai sinh của nhà thơ Hải Bằng) cũng tặng một ít phong lan rừng. Tính của anh Tôn thì anh biết đấy, hễ đã tặng mà không nhận thì gay go lắm. Để Dạ sẽ tìm cách…”.

Nghe nói phong lan của anh Tôn là tôi nghĩ ngay tới không chỉ thân, nhánh của nó mà cái chính là các loại cành để nó leo. Ngoài làm thơ hay, vẽ đẹp anh Tôn còn là người có tài đẽo gọt, tỉa tót… biến các rễ cây, gốc cây, cành cây bình thường thành những vật phẩm văn hoá rất tuyệt.

Quả thật, chiều hôm sau lúc tôi ra về, trên lưng, sau xe tôi đã đủ thứ cồng kềnh của một kẻ đi xa trong thời chiến. Anh Tôn hai tay xách hai giò phong lan nặng chất lên ba lô tôi và bảo: “Đây là loại phong lan quý hiếm, tao tìm được. Tao tặng mi để mi đưa vô Vĩnh Linh treo lên trước cửa hầm. Thiêng lắm đó!”. Tôi chưa biết từ chối bằng cách nào thì Mỹ Dạ đã chen vào nói rất ngọt: “Loại phong lan này ngay ở Hội cũng chưa ai có. Nhà thơ Hải Bằng đã tặng thì anh Trà phải nhận thôi”. Anh Tôn có vẻ rất vui tiếp lời: “Con Dạ nói rứa là phải, là đứa biết điều”. Mỹ Dạ nói tiếp: “Nhưng anh Tôn cứ để lại em giữ cho. Sau này có điều kiện…”. Cô chưa nói hết câu thì anh Tôn đã xẵng giọng: “Con Dạ là con… lắm điều! Mỹ Dạ mà bụng không đẹp! Phong lan của tao cho thằng Trà. Tao có cho mi mô mà mi dám chen vô? Dừ không bàn, không nói nữa! Để tao buộc lên ba lô lại cho chắc”.

Trong lúc anh Tôn đang buộc phong lan thì Mỹ Dạ nói nhỏ đủ mình tôi nghe: “Anh Trà cứ đi. Ra đến cuối đường, gặp ngôi nhà hầm đầu tiên thì anh vào đó, anh cứ gởi đám phong lan lại và nói với chủ nhà là của em. Bây giờ chối không được đâu. Gặp lúc nào thuận tiện em sẽ gởi vào cho anh sau”.

Theo kế hoạch, tôi chào anh chị em trong Hội và cảm ơn nhà thơ Hải Bằng đã tặng phong lan. Anh nhìn theo cười rất mãn nguyện và nói: “Mi đi hí! Bữa sau có. Tao cho nữa!”.

Cảnh Trà

 

 

Từ khóa:
data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục