Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Qua tết nửa năm
Thứ sáu: 13:00 ngày 22/06/2018

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Ngẫu nhiên mà năm nay, tôi được ăn vài cái tết cùng vào dịp tết mùng 5. Thoạt đầu là lên Tân Châu ăn tết xả chay Ramadan của người Chăm. Kế là đến Tết Ðoan Ngọ. Sau lại được mời ăn tết với các nhà báo nhân kỷ niệm 93 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam.

Hôm sáng mùng 4.5 âm lịch, ở miếu Bà Linh Sơn Thánh mẫu (xã Hiệp Tân, huyện Hoà Thành), mấy bà đã bày biện bánh trái, hương hoa cúng tết.

Các bà bảo nhau:- Gớm, chợ Long Hoa hôm nay còn đông hơn chợ ngày 30 tết. Bà khác nói:- Thì hôm nay đã mùng 4, tết ta đi chợ lúc nào cũng được, nhưng tết mùng 5 chỉ có một ngày mua sắm.

Gì mà chẳng đông. Lại bà khác nhấc chùm vải thiều chín đỏ kể:- Mới hôm trước chỉ mười tám, hai mươi ngàn mà nay đã 30 ngàn một ký. Giá cũng đội lên, mà người vẫn xúm xít mua…

 

Theo lời các bà, hôm ấy tôi cũng xuống chợ Long Hoa. Mới 9 giờ hơn mà chợ đông khác thường. Hàng hoá, mà nhiều nhất là bông, trái cây bày tràn ra lề phố. Bên cửa 7, cửa 8 tắc đường. Cả con đường dài trước cửa số 7 ngập tràn hoa. Ðông thì vui, còn chịu được.

Nhưng khổ cho những người bán và mua ở chợ bởi cái mùi hôi nồng nặc. Nó bốc lên từ rác, từ các vùng nước đọng trên đường. Chợ đang xây dựng mà, nên tránh sao khỏi sự nhếch nhác, nhất là giữa ngày mưa gió.

Ai ngại dơ thì đi chợ khác, chợ thành phố hay chợ phường 3. Mà ngôi chợ nào ngày này cũng đông và chất ngất những bánh trái, hương, hoa. Ngay cả chợ phường IV là chợ chiều, nhưng sáng mùng 4 cũng đông đúc người mua kẻ bán.

Chợ nào cũng trái cây, nhiều nhất là sầu riêng. Sầu xanh, sầu đỏ màu đồng, gai mẩy và đều tăm tắp. Ngào ngạt thơm những “hột lép cơm vàng”. Sau nữa là chôm chôm tươi tắn đỏ, xanh, vàng.

Ổi bổ đôi, phô ruột lòng đào. Bơ sáp, bơ xanh bóng loáng áo xanh, áo tím. Trái cây miền Bắc cũng ngập tràn. Vải thì đỏ thắm, mận thì đỏ nâu… Nhưng tôi thích nhất là những chùm bánh ú lá tre buộc túm vào nhau. Gói khéo thì lá vẫn biếc xanh lành lặn.

Bánh gói vội thì lá hơi xùm xoà, xơ xác… Nhưng bánh nào bóc ra cũng là một thứ bánh bột màu mật ong trong suốt. Cắn vào mới thấy vị ngọt ngào thơm mát toả lan.

Còn một món không thể thiếu nữa là cơm rượu. Món này bán ở chợ đã văn minh hơn, được nắn thành những viên bột trắng như viên bánh trôi. Nước cơm rượu cũng màu trắng đục.

Ðể tôi nhớ những rá cơm rượu quê tôi, được cha ủ khéo chừng trước tết 3 ngày. Giở những tấm lá sen ủ cơm rượu ra là sực nức một mùi thơm say nồng nàn ấm áp.

Rồi mẹ chia cho đàn con của mình, mỗi đứa chỉ nửa chén ăn cơm nhỏ. Ðể rồi đứa nào cũng luôn luôn nhớ và… thèm suốt cả năm sau.

Tết giữa năm nay rơi vào trung tuần tháng 6 dương lịch. Ðáng để cho người ta tự kiểm lại mình, đã làm được những việc gì mà gần nửa năm đã trôi mất hút. Trong những công việc ấy, có nhiều việc tốt hay không?

Ngẫu nhiên mà năm nay, tôi được ăn vài cái tết cùng vào dịp tết mùng 5. Thoạt đầu là lên Tân Châu ăn tết xả chay Ramadan của người Chăm. Kế là đến Tết Ðoan Ngọ. Sau lại được mời ăn tết với các nhà báo nhân kỷ niệm 93 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam. Vậy mà vẫn còn canh cánh trong lòng, bởi tết năm nay không được lên núi hội làng.

Bởi tết này cũng trùng với lễ Vía bà Linh Sơn Thánh mẫu. Năm nay, tỉnh vừa công bố quy hoạch chung Khu du lịch quốc gia núi Bà Ðen, nên chắc là lễ lớn.

Tôi gọi hội làng, vì đấy là lễ hội của làng xưa Ninh Thạnh. Chưa ai biết lễ hội này có tự năm nào. Nhưng rõ ràng đây là lễ hội cổ xưa nhất trên đất Tây Ninh.

Lễ hội có từ thời sư tổ Ðạo Trung trụ trì ở núi, trước năm 1794. Sau đấy ngài về lập chùa Long Hưng ở Thủ Dầu Một. Vậy là ít ra, lễ hội này cũng đã có hơn 200 năm lịch sử…

Và cũng hơi tiếc nữa là năm nay không đến được các nhà vườn ở phía Trường Lưu, Trường Phú, xã Trường Hoà. Nơi có những vườn trái cây thơm nức nở. Những vườn trái để các bạn trẻ vừa vào chơi, vừa ăn bao nhiêu thì tự hái.

Không đi được vì phân vân chẳng biết chọn hướng nào. Bởi ở đâu trên khắp Tây Ninh cũng đang rộ những vườn cây trái. Nhớ dâu Trảng Bàng không? Hay nhãn Dương Minh Châu, hay xoài tứ quý Tân Biên…

Thôi thì chạy về xã Tân Bình, ngoại vi thành phố mua ký mãng cầu. Mãng cầu Bà Ðen giờ đã là thương hiệu nổi danh trên cả nước.

NGUYỄN

Tin cùng chuyên mục