BAOTAYNINH.VN trên Google News

Quà xuân 

Cập nhật ngày: 11/02/2022 - 07:45

BTN - Vâng, đấy là cây cầu bê tông hiện đại, vẽ một đường cong nhẹ khoáng đạt lên “Bát ngát chân trời miền hạ” mà bên kia là Phước Chỉ, Phước Bình. Chưa lâu trước kia, Phước Bình còn là 2 xã Phước Lưu và Bình Thạnh.

Cầu An Phước

Báo Tây Ninh số trước tết, ngày 28.1.2022 có bản tin loan báo chuyện vui. Rằng, đã thông xe kỹ thuật cầu An Phước - “Quà xuân” cho người dân 2 xã cánh Tây của thị xã Trảng Bàng. Đây là cây cầu thứ 7 bắc qua sông Vàm Cỏ Đông trên đất Tây Ninh. “Cậu em thứ tám” rõ ràng là “hậu sinh khả uý”. Sinh sau, nhưng lại có thân thể cường tráng nhất.

Sông ở đoạn này đã gần giáp với tỉnh Long An, có thể được coi là “miền hạ”. Sông mở rộng ra nên cầu và cả hai đường dẫn dài tới 6.220m. Bến phà trước có tên là Lái Mai đã dừng hoạt động. Cây cầu mới được mang tên là An Phước.

Trước đó, Báo Tây Ninh ngày 22.1 cũng đã đưa tin, đường Trần Phú trong đô thị Hoà Thành cũng sẽ được hoàn thành trước tết. Con đường này nối từ cửa số 7 (cũ) của nội ô Toà thánh ra quốc lộ 22B, dài cũng gần 7km.

Những tin vui náo nức kể trên đã gọi tôi đi đến cả hai nơi, trước là đường Trần Phú và sau là cây cầu bê tông lớn nhất, nối đôi bờ Vàm Cỏ Đông của thị xã Trảng Bàng. Chọn một ngày cuối năm con trâu, là ngày 29 tết (năm nay lịch âm tháng Chạp không có ngày 30).

Quả nhiên, những ngày tết này thì đường Trần Phú thật xứng đáng là con đường của mùa xuân. Lộ giới tới 40m. Giữa có dải phân cách, mỗi bên là đường bê tông nhựa rộng 2 làn xe, cộng với dải lề. Tất cả rộng tới gần 18m. Trên dải phân cách là hàng cột đèn đường với những cần đèn như một cánh chim dang rộng về 2 phía.

Tại tất cả các nút giao lộ, đều có hệ thống đèn tín hiệu bảo đảm an toàn giao thông. Nhiều nhà dân đã tự xây thêm trước nhà mình một phần vỉa hè rộng thoáng, quy chuẩn như vỉa hè đô thị. Đường phố xuân nên nơi nọ nơi kia còn rực rỡ những mai vàng, bông kiểng mùa xuân. Nhà cửa hai bên còn chưa kịp tu sửa, chỉnh trang cho xứng với con đường. Nhưng nhờ thế mà vẫn còn bát ngát những khu vườn mướt xanh cây trái.

Còn món quà trị giá tới 326 tỷ đồng- cây cầu nối liền xã An Hoà với 2 xã cánh Tây thị xã Trảng Bàng?

Vâng, đấy là cây cầu bê tông hiện đại, vẽ một đường cong nhẹ khoáng đạt lên “Bát ngát chân trời miền hạ” mà bên kia là Phước Chỉ, Phước Bình. Chưa lâu trước kia, Phước Bình còn là 2 xã Phước Lưu và Bình Thạnh.

Chính ở đây còn lưu giữ trong lòng đất những di sản vô giá của thời kỳ văn hoá Óc-eo; nền văn hoá từng có bước phát triển rực rỡ nhất trong suốt 2 thiên niên kỷ trước. Dấu vết còn lại được ghi đậm ở di tích tháp cổ Bình Thạnh- một trong 3 ngôi tháp cổ còn đứng được trên mặt đất miền Nam Bộ.

Trên đất xã Phước Lưu (cũ) cũng có tới 12 di chỉ tháp cổ. Phước Chỉ cũng có nhiều di chỉ quý giá còn tới ngày nay như gò Cây Dương, gò Miếu Bà, gò đình Phước Chỉ… Đấy chính là biểu lộ của sự giàu có về tài nguyên du lịch lịch sử trên miền đất bên kia sông mà cây cầu mới bắc qua. Vậy, cây cầu không chỉ là quà xuân cho người dân sở tại; mà còn là đường dẫn cho rất nhiều cơ hội của rất nhiều người ở phía tương lai.

Cũng nhờ cây cầu này mà tôi đã dễ dàng đến được trại cà cuống Phong Lan ở vùng biên A8. Nay đấy là ấp Phước Mỹ, xã Phước Chỉ, thị xã Trảng Bàng. Chẳng mấy ai ngờ được chính ở nơi đây đã có người gây, nuôi được loài cà cuống, loài cho thứ tinh dầu thơm ngon đặc biệt, có thể làm vinh danh bất cứ loại món ăn nào.

Ví dụ như bánh cuốn Thanh Trì, hay chả cá Lã Vọng của thủ đô Hà Nội… Từ đây, trang trại đã cung cấp cho thị trường những nước mắm, tinh dầu và cả rượu nhân sâm - cà cuống. Trang trại cũng đang mở ra những hướng đi mới, như nuôi trồng nấm mối đen và các loại sản phẩm từ đồng đất của chính quê hương còn tràn ngập những giống loài của thiên nhiên hoang dại.

Thật may cho tôi là “cô chủ nhỏ” Nguyễn Thị Lan cũng đang ở nhà chuẩn bị cho bữa cơm tất niên ngày 29 tết. Cô đang tự tay chế biến món nấm chân dài, sản phẩm mới của trang trại. Trên bàn trước hiên nhà đã bày sẵn một mâm với vài món ăn giản dị. Hương xuân đậm đà đã toả thơm trên bình hoa phong lan cùng những cây mai vàng bừng nở trước sân.

Món quà cô tặng cho “khách không mời”, ngẫu hứng ngày xuân là một hộp nấm chân dài, một lọ mắm cá tép chính hiệu A8 và một hũ dưa mốp. Ôi chao! Chẳng thể ngờ những món quà giản dị của vùng biên A8 xa xôi ấy lại là những món tôi ăn để phải nhớ đời những ngày sau tết.

Còn gì hơn là sau những món cao lương mỹ vị ngày xuân, ta lại được trở lại nhâm nhi mắm cá tép ăn với đậu rồng và thịt heo luộc. Thỉnh thoảng điểm xuyết thêm một cọng dưa mốp giòn tan, thầm thì chua ngọt. Kiểu này là phải quay trở lại A8 thôi, cũng là nhờ đã có cây cầu- quà tặng của mùa xuân.

Nguyễn