BAOTAYNINH.VN trên Google News

Quán cà phê cho người mê đờn ca tài tử

Cập nhật ngày: 02/05/2011 - 08:33

Mười chín giờ ở quán cà phê “Chợt Nhớ”. Ánh đèn điện được bắt lên, sáng bừng sân khấu nhỏ. Tiếng đờn phách rộn rã vang lên, ngọt ngào quyến rũ khách qua đường. Một ông khách tướng người mập mạp chạy xe máy qua, ghé vô quán nói mình ở dưới Cẩm Long nhân lên Trường Hoà có việc ngang đây, nghe tiếng đờn đã quá, liền xin ca vài câu xàng xê rồi sẽ đi tiếp.

Cứ chiều thứ tư và thứ sáu, bà chủ quán cà phê “Chợt Nhớ” ở ấp Trường Lưu, xã Trường Đông, huyện Hoà Thành lại bận rộn chuẩn bị bàn ghế cho câu lạc bộ của mình. Không biết trước lượng khán giả, diễn viên là bao nhiêu, nhưng vẫn cứ phải chuẩn bị cho đàng hoàng. Tới đầu tháng 5 này, Câu lạc bộ Đờn ca tài tử (CLB ĐCTT) “Vầng trăng cổ nguyệt” của quán cà phê “Chợt Nhớ” tròn một năm tuổi. CLB ĐCTT là ý tưởng của bà chủ quán tên Ngọc Hoà và một số người mê đờn ca tài tử xã Trường Đông như Phước Sang, Phạm Đông… Từ ngày có CLB ĐCTT “Vầng trăng cổ nguyệt”, các “tài tử” tập trung về sinh hoạt khá đông. Khách tới uống cà phê đã quen với các giọng ca khá mùi mẫn của Quốc Thạnh, Minh Tuấn, Phước Sang, Sáu Xuân… Bà chủ quán Ngọc Hoà kiêm phó chủ nhiệm CLB là một phụ nữ duyên dáng, đồng thời là một giọng ca rất khá. Có bữa cả hai vợ chồng chị làm thành cặp đào, kép lên “chơi” hẳn một trích đoạn vở cải lương, y như trên sân khấu thiệt.

Một buổi sinh hoạt thường kỳ ở cà phê Chợt Nhớ

Ở đây, các bản ca vọng cổ được dìu dắt, nâng lên nhờ hai cây đờn chủ đạo. Ông Tư Công (Dương Chí Công) Chủ nhiệm CLB, một cây ghi ta cự phách hoà nhịp với cây đờn kìm của Bảy Thành làm cho người nghe mê mẩn. Ai có “máu” đăng ký lên ca liền, dù giọng ca còn chưa hay, chưa đúng nhịp phách. Sáu Xuân, một trung niên đang làm nghề lái xe, anh nói đã đi học ca, học đờn với thầy Tư Công từ năm 16-17 tuổi. Giờ mắc chạy xe nhưng cứ đến ngày CLB sinh hoạt là anh ráng về, ghé quán “mần” vài bản cho đỡ nhớ. Một số bạn ca từ bên Long Hải thường ghé qua, từ trên Châu Thành, Tân Châu xuống, góp mặt với “Chợt Nhớ”, cùng chung câu hát nhịp đàn.

Chị Ngọc Hoà cho biết, chị mở CLB ĐCTT là muốn cùng mọi người ca hát cho vui, cũng là một cách góp phần gìn giữ bản sắc văn hoá dân tộc, chứ để kinh doanh thì chẳng ăn thua. Hôm khách đông vui, coi như có thêm thu nhập để trả thù lao cho hai nhạc công. Bữa nào ít khách do trời mưa hay bị cúp điện, chủ quán ráng móc hầu bao ra chi phí. Vậy mà CLB đã duy trì được một năm và còn phát triển hơn nữa vì số người yêu đờn ca tài tử tìm đến ngày một tăng. Nghe phong phanh Nhà nước đang chuẩn bị đề nghị UNESCO công nhận Đờn ca tài tử là di sản văn hoá phi vật thể của nhân loại, anh chị em trong CLB vui mừng lắm, càng thêm yêu mến.

Phương Quý