Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tuỳ bút
Quán cà phê xưa
Thứ hai: 09:28 ngày 11/03/2019

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Đi một vòng trung tâm thị trấn Tân Châu bây giờ, cái đập vào mắt chúng ta đầu tiên là quán xá, nhất là quán cà phê. Quán cà phê ở đây đủ loại, không sao đếm xuể, từ ngoài đường lớn cho đến trong các con hẻm, để phục vụ cho nhu cầu giải khát.

Ấy vậy, nếu lùi lại khoảng trên dưới ba mươi lăm năm trước thì xã Tân Thạnh lúc bấy giờ (thị trấn Tân Châu bây giờ) chỉ có hai cái quán, đó là quán cà phê của ông Tư lô 7 và quán Lan Phương lô 10 mà thôi. Hai cái quán này ảnh hưởng khá nhiều đến đời sống cũng như nếp sinh hoạt của bà con lúc bấy giờ.

Xã Tân Thạnh ngày trước chia làm bốn ấp, hai mươi ba lô theo đồ hình xương cá, lấy đường Lê Duẩn bây giờ làm trục chính. Tức lô đầu tiên là lô 1 giáp ranh xứ Đồng Pal, còn lô cuối cùng là lô 23 giáp suối Tha La. Dân cư ở tập trung trong 23 lô ấy, phía ngoài là đất rẫy. Dân ở xã Tân Thạnh xưa hầu hết là dân kinh tế mới từ Bình Thạnh - Sài Gòn lên đây lập nghiệp. Mấy năm đầu, đời sống của người dân nơi đây vô cùng khó khăn, từ người lớn cho tới con nít đều chia nhau làm đủ mọi chuyện. Đàn ông khai thác rẫy và làm rừng, lợi dụng sức nước của con suối Tha La mà cù gỗ, củi đem về cưa bán. Phụ nữ thì làm lúa, trồng đậu mè; đám con nít thì lượm ve chai, đào sắt, xắn măng… Nói chung tất cả mọi người làm gì miễn sao để có cái ăn, không bị nạn đói hoành hành là được.

Làm lụng vất vả thì cần phải có nơi giải trí. Đó chính là hai tụ điểm, hai cái quán cà phê ở lô 7 và lô 10. Quán cà phê lô 7 của ông Tư, người ta quen gọi là ông Tư đầu lô, vì nhà của ông ở ngay đầu lô 7. Nhà cũng là quán và quán cũng là nhà. Quán cà phê của ông Tư khá thoáng, trang hoàng theo kiểu mái tranh vách đất. Bên ngoài có giàn bông giấy trổ quanh năm rất đẹp, bên trong là những bộ bàn ghế gỗ cũ kỹ sẫm màu đen bóng. Quán của ông bà Tư chủ yếu bán cho những ông già bà cả, chứ thanh niên thì ít bao giờ ghé đây…

Những tháng năm ấy, hiếm nhà nào có đồng hồ lắm, đêm thì canh tiếng gà gáy mà đoán, còn ngày thì nhìn bóng mặt trời mà suy. Chính vì vậy, ông Tư xin phép với uỷ ban xã là cho ông đánh kẻng vào lúc bốn giờ khuya, coi như kẻng báo thức. Được chính quyền đồng ý, vậy là cứ đến bốn giờ khuya là tiếng kẻng từ quán ông Tư lại vang lên. Tiếng kẻng kêu mọi người thức dậy đi làm và luôn tiện đi uống cà phê một thể !

Lúc bấy giờ chưa có điện thì làm gì có đèn đường, còn đèn pin thì cũng hiếm lắm nên các ông, các bà đi uống cà phê khuya phải xách theo một cây đèn hột vịt hay cây đèn bão để soi đường. Đến tới quán thì mọi người tắt đèn, vừa uống cà phê vừa bàn tán đủ thứ chuyện trên trời dưới đất, từ chuyện xưa tích cũ cho đến chuyện nóng xảy ra trong xã. Tất cả như là một trung tâm thời sự vậy...

Trời hừng sáng thì mới ai về nhà nấy. Lâu dần trở thành cái nếp, thành thói quen của bà con trong xã. Nhưng có điều phải công nhận rằng, cái trung tâm thời sự này không phải bao giờ cũng kể lể những chuyện trong hồi ức quá khứ, mà còn cập nhật nhiều thông tin từ đời sống thực tế, thường ngày của bà con nữa. Gia đình ai có hữu sự như bị bệnh nặng, có tang ma, hay bị hoả hoạn hoặc có cưới hỏi gì thì các cụ đều báo cho nhau biết. Và họ về huy động con cháu trong xóm đến giúp đỡ. Tình làng nghĩa xóm thuở ấy trong sáng lắm. Tất cả như biết thu mình mà vui trong nghèo khó, vui trong cả miếng cơm manh áo gian nan…

So với quán của ông Tư, quán Lan Phương ở lô 10 đông vui hơn nhiều. Vì lô 10 vừa là trung tâm xã Tân Thạnh lại vừa có cái chợ nhỏ gần đó, nên mọi thứ có phần thuận tiện hơn. Quán lô 10 không bán từ khuya như quán lô 7, hừng sáng thì mới có khách. Cạnh quán cà phê Lan Phương là tiệm sửa xe đạp của ông Sáu Vôi và tiệm hớt tóc của bác Hai Thuận, phía sau quán là một dãy trường học, cặp bên hông là Hợp tác xã Nông nghiệp… Tất cả hợp thành một “ quần thể kiến trúc ” đông vui nhất xã Tân Thạnh lúc bấy giờ.

Thuở ấy, cô Lan và cô Phương còn rất trẻ và đẹp nên cánh đàn ông, thanh niên tụ tập về đây cũng là chuyện hiển nhiên! Họ đến đây uống cà phê, đánh cờ tướng, bàn chuyện làm ăn…với đủ thứ thành phần, dân làm cây, làm củi cũng có, dân xe ôm, bốc vác, làm thuê mướn cũng có. Nói chung là quán lúc nào cũng có khách, không nhiều thì ít. Lô 10 lúc nào cũng vui hơn các lô khác là nhờ vậy. Tuy mọi người đến đây uống cà phê thuộc nhiều giới, nhiều thành phần khác nhau nhưng họ lại có một điểm chung là luôn bênh vực lẫn nhau và sống hết tình hết nghĩa với nhau. Có lần, bác Năm tôi vừa kêu ly cà phê ra chưa kịp uống, bà nội tôi ra tới quán gọi “ Năm ơi, em mày nó chết rồi”… Bác Năm lật đật chạy về nhà, cô Sáu tôi đã tắt thở vì chứng đau tim đột ngột… Trong đám tang cô Sáu, tôi thấy hầu như mọi người ở quán Lan Phương đều có mặt. Họ đến phụ từ việc cưa ván đóng quan tài, cho đến việc tẩn liệm, đưa cô Sáu tôi ra nghĩa địa lô 2 an nghỉ. Người dân kinh tế mới thuở ấy sống hết lòng với nhau là như vậy đó.

Ít lâu sau, ba tôi làm củi dành dụm mua được một chiếc xe đạp. Chiếc xe đạp lúc ấy là cả một gia tài chứ không phải chuyện chơi. Ba tôi bàn với má tôi sẽ không làm củi nữa, mà chuyển qua nghề chạy xe đạp ôm, vì cả Đồng Pal lúc bấy giờ chỉ có vài ba chiếc xe đạp, chạy xe ôm kiếm sống sẽ khỏe hơn. Thế là ba tôi bỏ nghề củi, chuyển qua nghề chạy xe đạp ôm được hơn tuần lễ.

Tôi còn nhớ vào buổi sáng chủ nhật, ba tôi ra quán Lan Phương uống ly cà phê, dự định uống xong sẽ ra chợ Đồng Pal chạy. Đang ngồi thì có một người quen đến mượn chiếc xe đạp của ba tôi đi mua thuốc. Ba tôi nghĩ đó là người quen biết trong xã nào giờ nên ba không nghĩ ngợi gì mà cho ông ta mượn xe ngay. Có ai ngờ… ông ta lấy chiếc xe của ba tôi một đi không trở lại. Đâu hơn ba năm sau, ông ta quay trở lại xã Tân Thạnh tìm gặp xin lỗi ba tôi.

Ông ấy cầm tay ba tôi, vừa khóc vừa nói: “Lúc ấy vợ em mới sanh con, lại bệnh quá nặng nằm dưới bệnh viện Tây Ninh, nhà em không còn gì để bán nữa nên em làm liều… Em biết em có lỗi với anh lắm… Anh hãy tha thứ cho em, coi như anh cứu mạng của vợ và con em…”. Xin lỗi ba tôi xong, ông ta gửi lại tiền cho ba tôi mua một chiếc xe đạp mới khác. Chuyện đã qua, ba tôi cũng không giận nữa…

 Mới đó mà mấy mươi năm đã trôi qua, hai cái quán cà phê ngày ấy đã không còn nữa. Ông Tư đã về với đất, linh hồn ông theo tiếng kẻng nhớ thương xưa bay đến tận cõi xa nào. Cô Lan, cô Phương giờ cũng đã bước ra ngoài cái tuổi sáu mươi và cũng bỏ đi làm ăn xứ khác. Thị trấn Tân Châu giờ thì muôn màu hiện đại, quán xá mọc lên nhiều nhưng biết tìm đâu cái không khí của những ngày xa xưa ấy. Cái không khí của lớp người đi khai phá vùng đất mới, họ cưu mang lẫn nhau trong làng xóm nghĩa tình. Ly cà phê bên quán dọc đường nhưng thấm đẫm rất nhiều câu chuyện. Vui đó, buồn đây, như dấu thời gian mãi loang trong đám bụi mù.

Đào Thái Sơn

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục