Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Quân đội nhân dân Việt Nam đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam là tất yếu, bất biến
Thứ bảy: 01:00 ngày 21/12/2024

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Nhiều năm qua, nhất là vào dịp kỷ niệm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12), một số phần tử thù địch, cơ hội chính trị lại tăng cường xuyên tạc, cho rằng Quân đội nhân dân Việt Nam từ Nhân dân mà ra, chỉ cần trung thành với Tổ quốc, với Nhân dân, bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ Nhân dân, không cần đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng, không phải trung thành với Đảng.

Đây là những luận điệu xuyên tạc hết sức nguy hiểm, bởi quân đội là vũ khí trọng yếu để bảo vệ Đảng cầm quyền, nếu Quân đội không đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng, điều đó cũng đồng nghĩa với người cầm quyền bị tước mất vũ khí, thì sớm muộn, tất yếu sẽ bị mất quyền lãnh đạo.

Bài học từ sự sụp đổ của chính quyền Xô Viết

Trong thời gian Gorbachev làm Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô, Liên Xô đã từ bỏ nguyên tắc xây dựng Quân đội về chính trị của chủ nghĩa Mác – Lênin, xóa bỏ cơ chế lãnh đạo của đảng đối với Quân đội, làm cho Quân đội Liên Xô bị “phi chính trị hóa”, mất niềm tin vào chế độ, suy giảm sức mạnh, ý chí chiến đấu và cuối cùng bị vô hiệu hóa.

Cao trào là đến năm 1991, trong Quân đội và lực lượng an ninh Liên Xô dấy lên phong trào rời bỏ Đảng. Đứng đầu là Bộ trưởng Quốc phòng Yevgeny Shaposhnikov ngày 23.8.1991, đã tuyên bố ra khỏi Đảng Cộng sản Liên Xô và buộc mọi quân nhân là đảng viên Đảng Cộng sản Liên Xô phải trả lại thẻ đảng.

Sau đó Chủ tịch Uỷ ban An ninh quốc gia Liên Xô Đại tướng V.Kryuchkov và Bộ trưởng Nội vụ Liên Xô Thượng tướng B. Pugo cũng tuyên bố ra khỏi Đảng và ra lệnh mọi tướng lĩnh, sỹ quan, hạ sỹ quan An ninh và Cảnh sát Xô viết phải trả thẻ đảng, thực hiện “phi chính trị hóa” cơ quan An ninh và Cảnh sát.

Hàng loạt hành động này đã khiến cương lĩnh, mục tiêu bảo vệ chuyên chính vô sản của Quân đội Liên Xô bị tiêu tan, chính đảng cầm quyền bị tước mất vũ khí tự vệ. Đây là một trong những lý do quan trọng dẫn tới sự tan rã, mất vai trò cầm quyền của Đảng Cộng sản Liên Xô, dẫn tới sự sụp đổ hoàn toàn của chính quyền Xô Viết.

Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo Quân đội và Nhân dân Việt Nam thực hiện thắng lợi cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc

Rút ra bài học sâu sắc từ sự sụp đổ của Liên bang Xô Viết, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn xem trọng và thực hiện nhất quán vai trò lãnh đạo của Đảng đối với Quân đội nhân dân Việt Nam.

Ngay từ khi ra đời (3.2.1930), trong Cương lĩnh chính trị đầu tiên, Đảng đã khẳng định con đường đấu tranh giải phóng giai cấp, giải phóng dân tộc là dùng bạo lực cách mạng để giành chính quyền và yêu cầu phải “Tổ chức ra quân đội công nông” để làm nòng cốt cho toàn dân tiến hành đấu tranh cách mạng. Luận cương chính trị của Đảng (tháng 10.1930) xác định nhiệm vụ cốt yếu của cách mạng tư sản dân quyền, trong đó chỉ rõ phải: “Lập quân đội công nông”.

Ngày 22.12.1944, tại khu rừng giữa hai tổng Hoàng Hoa Thám và Trần Hưng Đạo thuộc châu Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng (nay là xóm Nà Sang, xã Tam Kim, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng), Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân - tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam được thành lập theo Chỉ thị của Lãnh tụ Hồ Chí Minh.

Đồng chí Võ Nguyên Giáp được Trung ương Đảng và Lãnh tụ Hồ Chí Minh uỷ nhiệm tổ chức, lãnh đạo, chỉ huy, tuyên bố thành lập Đội, gồm 34 người, biên chế thành 3 tiểu đội do đồng chí Hoàng Sâm làm Đội trưởng, đồng chí Xích Thắng làm Chính trị viên, có chi bộ Đảng lãnh đạo. Ngày 22.12.1944 được lấy làm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam.

Quân đội nhân dân Việt Nam được thành lập và trưởng thành dưới sự lãnh đạo trực tiếp, toàn diện của Đảng Cộng sản Việt Nam, cùng với Nhân dân, đã làm nên nhiều chiến công hiển hách, đi vào lịch sử, chấn động địa cầu như: Chiến thắng Điện Biên Phủ (13.3 - 7.5.1954), Đánh bại cuộc chiến tranh phá loại lần 2 của đế quốc Mỹ (6.4.1972 - 15.1.1973), Đại thắng mùa Xuân năm 1975 giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Có thể khẳng định vững chắc rằng Quân đội nhân dân Việt Nam đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam là yếu tố quyết định đến mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam trong các cuộc kháng chiến chống ngoại xâm, cũng như trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay.

Lực lượng vũ trang tỉnh Tây Ninh tập trung huấn luyện, xây dựng lực lượng chính quy, tinh nhuệ.

Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo đối với Quân đội nhân dân Việt Nam là tất yếu, khách quan, không thể xuyên tạc

Về lý luận và cả về thực tiễn cách mạng cho thấy, Quân đội không phải là một tổ chức độc lập mà là công cụ bạo lực của một giai cấp, ở Việt Nam, Quân đội nhân dân Việt Nam là công cụ của giai cấp công nhân, đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Quân đội không chỉ làm nhiệm vụ chiến đấu mà còn phải thực hiện nhiệm vụ chính trị, góp phần xây dựng và bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa.

Quân đội nhân dân Việt Nam được thành lập để bảo vệ lợi ích của Nhân dân, bảo vệ lý tưởng xã hội chủ nghĩa, nếu Quân đội không đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng, sẽ dẫn đến nguy cơ chia rẽ quyền lực, bị chi phối bởi các tư tưởng trái chiều, làm suy yếu sự thống nhất của chế độ.

Trong thời kỳ hòa bình, Quân đội tiếp tục là lực lượng nòng cốt trong công cuộc bảo vệ độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ. Đồng thời, quân đội còn tham gia tích cực vào xây dựng kinh tế, giúp đỡ nhân dân trong thiên tai, dịch bệnh, gắn bó mật thiết với Nhân dân, xứng danh "Bộ đội Cụ Hồ".

Quân đội chủ động, tích cực tham gia các hoạt động an sinh xã hội, dân vận, gắn bó mật thiết với Nhân dân.

Việc đặt quân đội dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam không chỉ là nguyên tắc bất biến mà còn là yếu tố quyết định thành công của sự nghiệp cách mạng. Bài học từ lịch sử và thực tiễn, nhất là bài học từ sự sụp đổ của chính quyền Xô Viết đã khẳng định, nếu tách rời vai trò lãnh đạo của Đảng, Quân đội sẽ mất phương hướng, trở thành một lực lượng dễ bị lợi dụng bởi các thế lực thù địch, đe dọa an ninh quốc gia và chế độ xã hội chủ nghĩa.

Trải qua 80 năm xây dựng, chiến đấu, chiến thắng và trưởng thành, Quân đội nhân dân Việt Nam đã xây đắp nên truyền thống rất vẻ vang, được khái quát cô đọng trong lời khen ngợi của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Quân đội ta trung với Đảng, hiếu với dân, sẵn sàng chiến đấu, hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội. Nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng”.

Kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam là dịp để chúng ta ôn lại lịch sử hào hùng của dân tộc, bản chất, truyền thống tốt đẹp, những chiến công oanh liệt của Quân đội và nhân dân ta; qua đó, khơi dậy niềm tự hào, tự tôn dân tộc, phát huy chủ nghĩa anh hùng cách mạng, nâng cao lòng yêu nước, yêu chủ nghĩa xã hội, ý chí tự lực, tự cường, vượt qua mọi khó khăn, thử thách; ra sức xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh, xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân vững chắc.

Mọi luận điệu xuyên tạc, đòi hỏi tách vai trò Quân đội ra khỏi sự lãnh đạo của Đảng chỉ là sự ảo tưởng, đòi hỏi huyễn hoặc của các phần tử thù địch, chống phá chế độ. Những đòi hỏi vô lý đó sẽ không bao giờ được đáp ứng, thực hiện.

Đăng Anh

Tin cùng chuyên mục
Ý kiến bạn đọc
Báo Tây Ninh