Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Mỹ sẽ viện trợ cho Pakistan 85 máy bay do thám không người lái tầm ngắn Raven do hãng AeroVironment sản xuất.

Hãng tin Reuters trích dẫn nguồn tin từ Washington cho biết, để hỗ trợ cho Pakistan trong cuộc chiến chống Al-Qaeda và Taliban ở khu vực biên giới giáp Afghanistan, Mỹ sẽ viện trợ cho nước này 85 máy bay do thám không người lái tầm ngắn Raven do hãng AeroVironment sản xuất.
Nguồn tin từ Washington không tiết lộ, tổng trị giá của lô hàng này là bao nhiêu, nhưng đây có thể nằm trong chương trình viện trợ quân sự 3 tỷ USD mà Mỹ dành cho Pakistan.
Máy bay do thám không người lái Raven tuy không được trang bị hệ thống tên lửa tấn công nhưng được một số quốc gia đồng minh của Mỹ như Ý, Tây Ban Nha và Na-uy sử dụng khá phổ biến. Raven có sải cánh dài 1,4 m, nặng 1,9 kg, có chức năng chụp ảnh thực địa chiến trường bằng hồng ngoại hoặc ảnh màu có độ phân giải cao. Lô hàng 85 chiếc Raven được Mỹ đặt hãng AeroVironment làm riêng cho Pakistan, hoàn toàn khác với lô hàng 12 chiếc Shadow mà Pakistan đề nghị mua của Mỹ trong chuyến thăm Islamabad hồi tháng 1.2010 của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates. Máy bay không người lái Shadow do hãng AAI – một công ty con của tập đoàn Textron Systems sản xuất, tuy cũng không được trang bị vũ khí nhưng có tầm hoạt động rộng, đảm nhiệm vai trò do thám và thu thập thông tin tình báo.
![]() |
Tướng Ashfaq Parvez Kayani (trái) và đô đốc Mike Mullen. Ảnh: NATO |
Đề xuất cung cấp máy bay do thám không người lái của Mỹ được xem là động thái “xoa dịu” sự giận dữ của Pakistan. Vài ngày trước đó đô đốc Mike Mullen – Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Mỹ tố cáo tình báo quân đội Pakistan có mối liên hệ với mạng lưới phiến quân Haqqani ngay trong cuộc gặp Tổng tư lệnh quân đội Pakistan, tướng Ashfaq Parvez Kayani tại Islamabad. Lực lượng này đặt căn cứ tại các khu vực bộ tộc ở bắc Waziristan, giáp giới Afghanistan, có dính líu với tổ chức khủng bố Al-Qaeda, được cho là hung bạo hơn cả Taliban, chuyên thực hiện các cuộc tấn công nhằm vào quân đội Mỹ và NATO ở Afghanistan.
Điều trớ trêu là vào thập niên 1980 của thế kỷ 20, chính Mỹ đã cung cấp tài chính cho Cơ quan tình báo quân đội Pakistan ISI hỗ trợ mạng lưới Haqqani trong cuộc chiến chống quân đội Liên Xô cũ tại Afghanistan. Sau sự kiện 11.9.2011, Pakistan khẳng định họ đã cắt đứt quan hệ với mạng lưới Haqqani nhưng các chuyên gia tình báo Mỹ nghi ngờ Pakistan vẫn còn giữ quan hệ nhằm có thể sử dụng mạng lưới này như một công cụ để tiếp tục duy trì ảnh hưởng ở Afghanistan, đặc biệt là sau khi Mỹ rút quân.
Sau cuộc gặp đô đốc Mike Mullen, tướng Parvez Kayani không đề cập gì đến những lời tố cáo liên quan đến mạng lưới Haqqani, ông chỉ tuyên bố, Pakistan cực lực phản đối “những luận điệu tuyên truyền một cách tiêu cực về việc Pakistan đã không làm hết sức mình trong cuộc chiến chống Al-Qaeda và Taliban”.
Nhưng tướng Parvez Kayani không bỏ lỡ dịp để “cạnh khoé” chuyện tình báo Mỹ sử dụng máy bay do thám không người lái bắn phá bừa bãi, sát hại dân thường ở khu vực biên giới giáp Afghanistan của Pakistan.
Thường xuyên hục hặc nhưng “vì ta cần nhau”, nên Mỹ và Pakistan đều phải chấp nhận duy trì mối quan hệ đồng minh. Mỹ cần Pakistan hỗ trợ trong cuộc chiến tại Afghanistan, Pakistan cần nguồn viện trợ khổng lồ về quân sự lẫn tài chính của Mỹ.
Đặng Hoàng Thái
(tổng hợp)