Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -

Thông tư quy định về đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe cơ giới đường bộ do Bộ Giao thông Vận tải vừa ban hành đã bổ sung một số nội dung mới, nhằm đáp ứng tốt hơn những vấn đề đang đặt ra của công tác này.
|
Đổi mới quy định về đào tạo và sát hạch cấp GPLX góp phần hạn chế tai nạn giao thông |
Việc quản lý chặt chẽ công tác quản lý đào tạo, sát hạch, cấp đổi giấy phép lái xe (GPLX) góp phần nâng cao chất lượng và tăng cường an toàn giao thông.
Nâng cao tiêu chuẩn cơ sở đào tạo
Thông tư quy định, cơ sở đào tạo lái xe phải có đầy đủ hệ thống phòng học chuyên môn, phòng nghiệp vụ, phòng giảng dạy của giáo viên, xe tập lái, sân tập lái và đường tập lái... bảo đảm các tiêu chuẩn.
Giáo viên dạy môn Luật Giao thông đường bộ và Kỹ thuật lái xe phải có giấy phép lái xe hạng tương ứng hạng xe đào tạo trở lên.
Giáo viên dạy thực hành phải có GPLX hạng tương ứng hoặc cao hơn hạng xe đào tạo. Giáo viên dạy lái xe ô tô phải có tối thiểu GPLX hạng B2; thâm niên lái xe của giáo viên dạy hạng B1, B2 từ 3 năm trở lên, của hạng C, D, E và F là từ 5 năm trở lên.
Về điều kiện sân bãi đối với các hạng đào tạo, hạng C chỉ cần rộng 10.000m2 thay vì 14.000 m2 như hiện nay, còn các hạng A1, A2, A3, A4; B1, B2 và D, E, F vẫn giữ nguyên mức quy định cũ.
Thông tư bổ sung quy định về lưu lượng đào tạo lái xe ô tô. Theo đó, lưu lượng đào tạo lái xe ô tô là số lượng học viên đào tạo lớn nhất tại mỗi thời điểm, được xác định bằng tổng lưu lượng học viên đào tạo các hạng GPLX (gồm cả học lý thuyết và thực hành).
Thành lập trung tâm sát hạch loại 1 phải có ý kiến của Bộ
Các trung tâm xin phép đào tạo lái xe phải lập 3 bộ hồ sơ gửi Sở Giao thông vận tải (GTVT), Cục Đường bộ Việt Nam và lưu tại cơ sở đào tạo.
Thời hạn cấp giấy phép đào tạo là 5 năm. Các cơ sở đào tạo muốn cấp lại giấy phép đào tạo lái xe ô tô hoặc điều chỉnh tăng lưu lượng đào tạo trên 20%, điều chỉnh hạng xe đào tạo thì chỉ cần xin phép và báo cáo Sở GTVT.
Đối với việc thành lập các trung tâm sát hạch lái xe, theo Thông tư, Trung tâm sát hạch loại 1 phải có ý kiến thỏa thuận chủ trương của Bộ GTVT trên cơ sở đề nghị của UBND tỉnh. Việc xây dựng mới trung tâm sát hạch loại 2 hoặc nâng hạng loại 2 lên loại 1 phải có ý kiến thoả thuận chủ trương của Cục Đường bộ Việt Nam. Việc xây mới trung tâm loại 3 do địa phương quyết định.
Khi có những thay đổi về phần mềm sát hạch, thiết bị chấm điểm, chủng loại ô tô sát hạch thì Trung tâm sát hạch và Sở GTVT phải có văn bản báo cáo để Cục Đường bộ Việt Nam xem xét, quyết định.
Để giám sát tốt hơn hoạt động đào tạo, sát hạch, cơ quan chức năng sẽ tổ chức đột xuất các đoàn kiểm tra của cơ quan quản lý thay vì việc kiểm tra theo định kỳ như trước đây.
Quản lý chặt GPLX
Thông tư quy định, người có GPLX hạng B1 muốn hành nghề lái xe và người có nhu cầu nâng hạng GPLX phải dự khóa đào tạo và sát hạch để được cấp GPLX mới.
GPLX hạng D, E do ngành GT-VT cấp trước ngày 1.7.2009 cho người chưa đủ tuổi theo quy định của Luật Giao thông đường bộ năm 2008 được tiếp tục đổi GPLX khi hết hạn.
Người có GPLX hạng C được cấp trước ngày 1.7.2010 đang điều khiển ô tô đầu kéo kéo sơmi rơmoóc được tiếp tục điều khiển loại xe này đến ngày 1.7.2010. Người có GPLX hạng FD, FE được cấp trước ngày 1.7.2010, nếu có nhu cầu điều khiển ô tô tải kéo rơ moóc hoặc ô tô đầu kéo kéo sơmi rơmoóc được đổi bổ sung hạng FC.
Đặc biệt, nhằm ngăn chặn tình trạng làm GPLX giả, Thông tư đã đề ra biện pháp: “Người giả khai báo mất hoặc tẩy xoá, làm sai lệch các thông tin trên GPLX hoặc có hành vi cố tình gian dối khác, trong quá trình làm thủ tục đổi hoặc đề nghị cấp lại GPLX, khi kiểm tra phát hiện, cơ quan quản lý GPLX ra quyết định thu hồi GPLX và hồ sơ gốc”.
Các trường hợp vi phạm nghiêm trọng như sử dụng GPLX giả, thay đổi các thông tin thì chuyển hồ sơ cho cơ quan Công an điều tra, xử lý.
(Theo chinhphu.vn)