Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Quản lý hoạt động khai thác khoáng sản: Cần nâng cao trách nhiệm của chính quyền cơ sở
Thứ sáu: 07:06 ngày 24/05/2019

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Để công tác quản lý nhà nước trong hoạt động này ngày càng hiệu quả hơn, cần phải nâng cao trách nhiệm của chính quyền cấp huyện, xã. Đó là một trong những vấn đề mà Thường trực HĐND tỉnh đặt ra trong đợt khảo sát và giám sát hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh vừa qua.

Description: khai that khoang san.png

Hoạt động khai thác khoáng sản tại một mỏ đất khai thác đất san lấp.

Từ năm 2016 đến nay, hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh cơ bản đã đi vào nề nếp. Nhìn chung, các doanh nghiệp chấp hành tốt các chính sách, pháp luật của Nhà nước trong việc lập các thủ tục xin giấy phép, thăm dò, cũng như hoạt động khai thác sau khi được cấp phép. Tuy nhiên để công tác quản lý nhà nước trong hoạt động này ngày càng hiệu quả hơn, cần phải nâng cao trách nhiệm của chính quyền cấp huyện, xã. Đó là một trong những vấn đề mà Thường trực HĐND tỉnh đặt ra trong đợt khảo sát và giám sát hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh vừa qua.

VẪN CÒN NHIỀU TỒN TẠI

Qua khảo sát thực tế của HĐND tỉnh tại các điểm khai thác khoáng sản trên địa bàn các huyện Tân Biên, Bến Cầu và Gò Dầu, phần lớn các tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản không bảo đảm việc theo dõi, thống kê và lưu trữ chứng từ tài liệu về sản lượng khoáng sản khai thác theo quy định (không lắp đặt trạm cân, camera giám sát, không lưu giữ hồ sơ tại khu vực khai thác, không có báo cáo định kỳ hằng năm...).

Một số điểm khai thác không có thiết kế mỏ, giám đốc mỏ hoặc giám đốc mỏ không đủ điều kiện theo quy định; có trường hợp khai thác vượt độ sâu theo giấy phép; có trường hợp gia hạn giấy phép nhiều lần. Một số điểm mỏ qua khảo sát cho thấy khoáng sản khai thác được có sỏi hoặc đất sét làm gạch nhưng giấy phép khai thác khoáng sản là đất san lấp và giá tính thuế tài nguyên áp dụng cũng là đất san lấp (hơn 60.000 đồng/m3).

Từ năm 2010, khi Luật Khoáng sản được ban hành mới có quy định về đóng cửa mỏ, do đó, một số mỏ ngừng hoạt động trước năm 2010 và tồn tại đến nay không có đề án đóng cửa mỏ, rào chắn sơ sài. Một số trường hợp mỏ ngừng hoạt động sau năm 2010 cũng không có đề án đóng cửa mỏ do chủ doanh nghiệp phá sản, không có khả năng thực hiện. Tuy nhiên, địa phương không đề nghị sử dụng tiền ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường của tổ chức, cá nhân được phép khai thác để thực hiện.

Đối với nghĩa vụ tài chính, hầu hết các huyện không nắm được nguồn thu thuế, phí tài nguyên trên địa bàn; không đánh giá tác động môi trường toàn diện trên tổng diện tích có ảnh hưởng từ hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn để có kiến nghị phù hợp về quy định: Địa phương nơi có khoáng sản được khai thác được Nhà nước điều tiết khoản thu từ hoạt động khai thác khoáng sản để hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội theo quy định của pháp luật về ngân sách Nhà nước.

Tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản có trách nhiệm phải hỗ trợ chi phí đầu tư nâng cấp, duy tu, xây dựng hạ tầng kỹ thuật sử dụng trong khai thác khoáng sản và xây dựng công trình phúc lợi cho địa phương nơi có khoáng sản được khai thác theo quy định của pháp luật.

Bên cạnh đó, công tác quy hoạch hoạt động khoáng sản chủ yếu xuất phát từ nhu cầu kinh doanh của các tổ chức, cá nhân hoạt động khoáng sản, được xã đề xuất, huyện sẽ tiến hành khảo sát có phù hợp với quy hoạch, kế hoạch phát triển của huyện hay không và lấy ý kiến của các hộ xung quanh để đề nghị tỉnh đưa vào quy hoạch, để bảo đảm cho quy hoạch mang tính khả thi. Vấn đề ở đây là quy hoạch không xuất phát từ nhu cầu phát triển hạ tầng KT-XH thực tế.

Kết quả khảo sát thực tế của Thường trực HĐND tỉnh tại các huyện cho thấy, việc lắp đặt camera và trạm cân ở các mỏ khai thác khoáng sản chưa đầy đủ, lắp đặt nhưng không vận hành nhưng cơ quan quản lý nhà nước không kiểm soát được, việc kết nối theo dõi hoạt động của camera ở các mỏ cũng chưa triển khai.

Phần lớn các huyện không đánh giá tác động môi trường toàn diện trên tổng diện tích có ảnh hưởng từ hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn (chỉ đánh giá tác động môi trường theo từng dự án) để có kiến nghị phù hợp về cơ chế đầu tư hạ tầng công cộng cho địa phương. Bên cạnh đó, một số địa phương, doanh nghiệp khai thác khoáng sản nhận thức chưa đầy đủ về trách nhiệm xây dựng, duy tu, sửa chữa các công trình công cộng, chủ yếu là hạ tầng giao thông trên địa bàn nơi có khoáng sản được khai thác.

Tình trạng khai thác vượt độ sâu, vượt trữ lượng vẫn xảy ra ở nhiều điểm mỏ nhưng chưa được kiểm soát chặt chẽ. Đáng quan tâm là hiện nay các cơ quan chức năng không kiểm soát được trữ lượng cát khai thác, tình trạng khai thác trái phép trong khu vực hồ Dầu Tiếng; công tác khắc phục vi phạm vượt độ sâu khai thác khó quản lý.

NHIỀU NGUYÊN NHÂN KHÁCH QUAN

Theo đoàn khảo sát của Thường trực HĐND tỉnh, những hạn chế, bất cập trên có nguyên nhân do điều kiện thực thi nhiệm vụ kiểm tra, giám sát của cấp huyện, xã về hoạt động khoáng sản không bảo đảm: nguồn nhân lực cho công tác quản lý còn thiếu và yếu về trình độ chuyên môn; không được tập huấn, không tiếp cận được đầy đủ hồ sơ của doanh nghiệp do cấp tỉnh cấp phép; thiếu các trang thiết bị, phương tiện hỗ trợ cho công tác kiểm tra, đánh giá trữ lượng khai thác. Trong khi đó, hoạt động khai thác khoáng sản rất phức tạp, các đối tượng khai thác trái phép nhiều thủ đoạn tinh vi, hoạt động trên địa bàn rộng, khó kiểm soát.

Bên cạnh đó, khu vực hồ Dầu Tiếng liên quan đến nhiều địa phương gây khó khăn cho công tác quản lý hoạt động khai thác khoáng sản. Việc kết hợp, trao đổi, cung cấp thông tin giữa các ngành, các cấp trong tỉnh và các tỉnh giáp ranh với Tây Ninh về hoạt động khai thác khoáng sản còn chưa thông suốt; công tác phối hợp kiểm tra, xử lý giữa các ngành, các cấp còn chưa kịp thời. Đồng thời do ý thức chấp hành các quy định pháp luật của một số tổ chức, cá nhân hoạt động khoáng sản chưa cao.

Từ đó, đoàn khảo sát của thường trực HĐND tỉnh đưa ra một số vấn đề cần quan tâm đối với công tác quản lý nhà nước về khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh, trong đó có nội dung về quy định phân cấp, phân quyền quản lý hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn đối với UBND các cấp, các sở, ngành liên quan; việc bảo đảm các điều kiện để cấp huyện, xã thực thi nhiệm vụ kiểm tra, giám sát và xử lý vi phạm trong hoạt động khoáng sản trên địa bàn.

SẼ NÂNG CAO TRÁCH NHIỆM CỦA CHÍNH QUYỀN CẤP HUYỆN, XÃ

Tại buổi giám sát của Thường trực HĐND tỉnh đối với UBND tỉnh về công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thanh Ngọc cho biết, UBND tỉnh đã tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm vi phạm trong khai thác khoáng sản, cũng như công tác giám sát việc đóng cửa mỏ bảo đảm đúng quy định, môi trường…

Trên cơ sở giám sát của Thường trực HĐND tỉnh, UBND sẽ làm việc với các ngành, đánh giá lại những vấn đề bất cập, thiếu sót, yếu kém trong quản lý và sẽ có những giải pháp chấn chỉnh để hạn chế đến mức tối đa các vi phạm trong lĩnh vực này.

Đồng thời, UBND tỉnh cũng sẽ xác định trách nhiệm cụ thể của từng ngành, từng địa phương để tăng cường xử lý trách nhiệm trong công tác quản lý nhà nước về hoạt động khai thác khoáng sản, trong đó, nâng cao trách nhiệm của chính quyền cơ sở đối với hoạt động này; cũng như tăng cường công tác kiểm tra sau cấp phép.

THẾ NHÂN - TRÚC LY

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục
Ý kiến bạn đọc
Báo Tây Ninh