Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Quản lý mã số vùng trồng- Tiêu chuẩn để nông sản xuất khẩu chính ngạch
Chủ nhật: 23:35 ngày 09/10/2022

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Từ năm 2021 đến nay, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật là cơ quan thực hiện công tác thiết lập, quản lý mã số vùng trồng và mã số cơ sở đóng gói xuất khẩu trái cây tươi trên địa bàn tỉnh.

Nông dân trao đổi kinh nghiệm trồng bưởi da xanh trên địa bàn xã Truông Mít, huyện Dương Minh Châu.

Nhiều quốc gia trên thế giới như Mỹ, Úc, Nhật Bản, Hàn Quốc... có quy định bắt buộc trái cây tươi và các sản phẩm nông sản từ các nước khác nhập khẩu vào nước họ phải được cấp mã số vùng trồng và mã số cơ sở đóng gói. Ðặc biệt, một số thị trường xuất khẩu trái cây “dễ tính” như thị trường Trung Quốc cũng đã đặt ra yêu cầu trên.

Từ năm 2019, Trung Quốc yêu cầu trái cây xuất khẩu chính ngạch phải có mã số vùng trồng và mã số cơ sở đóng gói. Hiện nay, trái cây và nhiều loại nông sản muốn đưa vào bán tại siêu thị và nhiều kênh bán hàng khác như trung tâm thương mại, cửa hàng tiện ích, sàn thương mại điện tử… đòi hỏi phải an toàn, đạt các tiêu chuẩn thực hành nông nghiệp tốt như: VietGAP, Global GAP... và có mã số vùng trồng để truy xuất nguồn gốc.

Nhiều mã số vùng trồng ngưng hoạt động

Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), thời gian qua, công tác quản lý mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói xuất khẩu trên địa bàn tỉnh còn nhiều khó khăn như: chưa có văn bản quy định, hướng dẫn chính thức của ngành cấp trên về việc nêu rõ yêu cầu cụ thể của mỗi thị trường nhập khẩu đối với mỗi loại mặt hàng trái cây tươi của Việt Nam được phép xuất khẩu chính ngạch.

Công tác kiểm tra, giám sát định kỳ theo quy định tại TCCS 774:2020/BVTV, TCCS 775:2020/BVTV đối với các vùng trồng, cơ sở đóng gói đã được cấp mã số xuất khẩu từ năm 2018 đến trước 21.5.2021 gặp nhiều khó khăn trong việc liên hệ đầu mối, xác định danh sách hộ dân tham gia vùng trồng, xác định vị trí vùng trồng.

Từ năm 2021 đến nay, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật là cơ quan thực hiện công tác thiết lập, quản lý mã số vùng trồng và mã số cơ sở đóng gói xuất khẩu trái cây tươi trên địa bàn tỉnh.

Tính đến ngày 3.10.2022, trên địa bàn tỉnh có 103 vùng trồng được cấp mã số xuất khẩu đến các thị trường như: Trung Quốc có 97 mã số, gồm 21 vùng trồng chuối, 25 vùng trồng nhãn, 15 vùng trồng mít, 12 vùng trồng thanh long, 14 vùng trồng chôm chôm, 3 vùng trồng dưa hấu, 6 vùng trồng xoài và 1 vùng trồng sầu riêng; Hoa Kỳ có 4 mã số, gồm 2 vùng trồng thanh long, 1 vùng trồng nhãn và 1 vùng trồng xoài Thái; Úc, Newzealand có 1 mã số vùng trồng nhãn; EU 1 mã số vùng trồng chanh.

Tính đến ngày 3.10.2022, trên địa bàn tỉnh có 23 cơ sở đóng gói được cấp mã số xuất khẩu đến các thị trường: Trung Quốc có 22 mã số; Úc 1 mã số và Newzealand 1 mã số.

Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật cho biết, trên địa bàn tỉnh có 74 vùng trồng đã được cấp mã số ngưng hoạt động, nguyên nhân chủ yếu là các đơn vị trồng trọt đã chuyển đổi cây trồng khác so với cây trồng đăng ký cấp mã số, không có nhu cầu sử dụng mã số đã cấp để phục vụ xuất khẩu.

Có 29 vùng trồng đang hoạt động, chưa sử dụng mã số đã cấp, gồm thị trường Hoa Kỳ có 1 vùng trồng xoài Thái; thị trường Trung Quốc có 28 vùng trồng, cụ thể có 2 vùng trồng chuối; 8 vùng trồng chôm chôm; 2 vùng trồng mít; 3 vùng trồng xoài; 11 vùng trồng nhãn; 1 vùng trồng thanh long và 1 vùng trồng sầu riêng.

Hiện nay Chi cục đề nghị Cục Bảo vệ thực vật xem xét duy trì 29 mã số vùng trồng đang hoạt động và thu hồi 74 mã số vùng trồng ngưng hoạt động.

Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, đối với các cơ sở đóng gói đã được cấp mã số xuất khẩu, qua rà soát, giám sát định kỳ năm 2022, trên địa bàn tỉnh có 19 cơ sở đóng gói ngưng hoạt động, nguyên nhân chủ yếu là không có nhu cầu sử dụng mã số đã cấp để phục vụ xuất khẩu; 3 cơ sở đóng gói đang hoạt động, chưa sử dụng mã số đã cấp để phục vụ xuất khẩu; 1 cơ sở đóng gói giai đoạn xây dựng.

Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật đề nghị Cục Bảo vệ thực vật xem xét duy trì 4 mã số cơ sở đóng gói, trong đó có 3 mã số đang hoạt động và 1 mã số đang xây dựng; thu hồi 19 mã số cơ sở đóng gói ngưng hoạt động.

Để việc cấp mã số vùng trồng phát huy hiệu quả, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Cục Bảo vệ thực vật có văn bản hướng dẫn quy định cụ thể yêu cầu của mỗi thị trường nhập khẩu đối với mỗi loại trái cây tươi của Việt Nam được phép xuất khẩu chính ngạch.

Tầm quan trọng của việc cấp mã số vùng trồng

Mới đây, tại hội nghị hướng dẫn thủ tục cấp mã vùng trồng trên địa bàn xã Bàu Đồn (huyện Gò Dầu), đại diện Công ty TNHH đầu tư phát triển Vạn Hoa, TP. Hồ Chí Minh- đơn vị hướng dẫn thủ tục trong quá trình lập hồ sơ mã vùng trồng cho người dân trồng sầu riêng trên địa bàn xã cho biết, sầu riêng có mặt ở mọi miền đất nước. Theo số liệu của Cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đến năm 2021, cả nước có 84.800 ha trồng sầu riêng, sản lượng 700 ngàn tấn/năm, tập trung chủ yếu ở các tỉnh Tây Ninh, Tiền Giang, Long An, Đăk Lăk, Bình Phước, Gia Lai, Lâm Đồng. Việt Nam chủ yếu xuất khẩu sầu riêng dưới dạng trái, múi đã tách vỏ và được cấp đông. Trung Quốc là thị trường tiêu thụ sầu riêng tươi nhiều nhất của Việt Nam.

Tuy nhiên, đa số người dân đang sản xuất sầu riêng manh mún, nhỏ lẻ và thiếu liên kết. Đầu ra bấp bênh phải dựa vào cung cầu của thị trường; sản xuất theo tính tự phát, chưa theo quy trình kỹ thuật, tiêu chuẩn ngành hàng.

Để trái sầu riêng thật sự trở thành đặc sản của địa phương và được xuất khẩu chính ngạch, công ty hỗ trợ vùng trồng 500 tỷ đồng đầu tư từ đầu vụ. Chính sách cụ thể được gửi tới người dân và các tổ chức nông dân sau khi đã ký hợp đồng nguyên tắc và làm hồ sơ cấp mã vùng trồng. Ngoài ra, công ty còn hỗ trợ người dân thiết lập hồ sơ mã số vùng trồng; hỗ trợ kỹ thuật về trồng và chăm sóc cây sầu riêng. Sau đó, công ty tổ chức thu mua những sản phẩm trong chuỗi liên kết sản xuất; bảo đảm đầu ra ổn định, giúp người dân trồng sầu riêng trong chuỗi liên kết an tâm sản xuất theo đúng quy trình kỹ thuật.

Việc xây dựng vùng trồng gắn liền với cấp mã số vùng là xu hướng tất yếu của các thị trường nhập khẩu. Đây cũng là quy định quan trọng để được hưởng những ưu đãi về thuế suất từ các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới.

Chi cục Bảo vệ Thực vật cho biết, để thiết lập được mã số vùng trồng, diện tích cây ăn trái tối thiểu là 10 ha, sử dụng thống nhất một quy trình sản xuất và quản lý sinh vật gây hại theo yêu cầu kiểm dịch thực vật của các nước nhập khẩu và nhà tiêu thụ.

Kiểm soát vi sinh vật gây hại ở mức độ phổ biến thấp và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật theo quy định của các nước nhập khẩu. Có nhật ký canh tác ghi chép chi tiết các hoạt động tác động lên cây trồng và áp dụng thực hành sản xuất nông nghiệp tốt trong trồng trọt.

Tăng cường cấp và quản lý vùng trồng lĩnh vực trồng trọt

Ngày 3.10, UBND tỉnh ban hành Văn bản số 3352/UBND-KT về cấp và quản lý vùng trồng lĩnh vực trồng trọt.

Để công tác cấp, quản lý mã số vùng trồng lĩnh vực trồng trọt đúng quy định; nâng cao trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân liên quan nhằm theo dõi và kiểm soát tình hình sản xuất; kiểm soát chất lượng sản phẩm; phục vụ truy xuất nguồn gốc sản phẩm cây trồng, UBND tỉnh đề nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tuyên truyền, hướng dẫn quy trình cấp mã số vùng trồng lĩnh vực trồng trọt trên địa bàn tỉnh.

Trong đó, chú trọng giao đơn vị trực thuộc chủ trì thực hiện cấp và quản lý mã số vùng trồng lĩnh vực trồng trọt; tiếp nhận hồ sơ, kiểm tra thực tế mức độ đáp ứng các yêu cầu của vùng trồng theo đề nghị cấp mã số của các tổ chức, cá nhân có nhu cầu.

UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, phòng kinh tế thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về quản lý mã số vùng trồng lĩnh vực trồng trọt tại địa phương; phân công đầu mối thực hiện hướng dẫn cho các tổ chức, cá nhân có nhu cầu cấp mã số vùng trồng; theo dõi, tổng hợp, báo cáo các nội dung liên quan về mã số vùng trồng lĩnh vực trồng trọt và có phương án chuyển giao khi có sự thay đổi vị trí công tác để luôn bảo đảm duy trì ổn định hoạt động quản lý mã số vùng trồng tại địa phương.

Hội Nông dân tỉnh, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh tuyên truyền đến hội viên về mục đích, ý nghĩa của mã số vùng trồng; các quy định, nội dung liên quan đến cấp, quản lý mã số vùng trồng; hỗ trợ kỹ thuật giúp hội viên tích cực tham gia phát triển mã số vùng trồng lĩnh vực trồng trọt.

Nhi Trần

Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục