BAOTAYNINH.VN trên Google News

Quản lý Nhà nước về làng nghề còn chồng chéo, bất cập

Cập nhật ngày: 10/04/2013 - 05:14
HTML clipboard

Các chính sách hỗ trợ cho phát triển nghề và làng nghề còn bất cập, chưa hoàn chỉnh, chưa đi sâu và tác động mạnh mẽ đến các cơ sở sản xuất trong làng nghề…

Nghề bó chổi bông cỏ ở Ninh Sơn. (Ảnh: Hoàng Anh)

(BTN) - Vừa qua, Báo Tây Ninh có loạt bài “Băn khoăn làng nghề truyền thống”. Sau loạt bài này, Báo nhận được bài viết phân tích thêm những thuận lợi, khó khăn trong việc thực hiện quy hoạch về phát triển nghề, làng nghề ở địa phương của bà Nguyễn Kiêm Phượng- Phó Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Tây Ninh. 

VẪn còn nhiỀu khó khăn

Trong những năm qua, việc phát triển nghề, làng nghề của tỉnh đã có sự chuyển biến tích cực. Nhiều nghề, làng nghề được khôi phục, phát triển mạnh như: bánh tráng, muối ớt - muối tôm, sản xuất đũa tre, đan lát, mộc gia dụng, sấy thuốc lá, chế biến bánh canh, hủ tiếu, bún, trồng hoa lan và các ngành nghề khác như: bảo quản, chế biến nông sản thực phẩm, nuôi trồng sinh vật cảnh… Điều này đã góp phần đem lại bộ mặt mới cho khu vực nông thôn, đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hoá nông nghiệp nông thôn trên địa bàn tỉnh, nâng cao đời sống của người lao động, tạo việc làm ổn định, kéo giảm sự khác biệt giữa thành thị và nông thôn, giữ vững trật tự an ninh xã hội...

Tuy nhiên, phát triển nghề, làng nghề vẫn mang tính tự phát. Gần 80% các cơ sở không đủ vốn để đầu tư đổi mới kỹ thuật, mở rộng quy mô sản xuất, sử dụng công nghệ, thiết bị lạc hậu, thiếu nguyên liệu tại chỗ, vẫn phải phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu từ nơi khác, chưa có chợ đầu mối cung cấp nguyên liệu, phụ liệu. Sự liên kết giữa các làng nghề, nghệ nhân, thợ thủ công và các doanh nghiệp trong các lĩnh vực đào tạo nghề, cung cấp thông tin thị trường, tiêu thụ sản phẩm chưa được chặt chẽ. Thị trường tiêu thụ sản phẩm chưa được mở rộng, một mặt do các sản phẩm thủ công còn đơn điệu về mẫu mã, chất lượng chưa cao, hầu hết sản phẩm chưa có thương hiệu, nhãn mác hàng hoá nên sức cạnh tranh kém và thị trường xuất khẩu đang bị thu hẹp, chưa khai thác được thế mạnh của thị trường trong nước. Việc giữ gìn, tôn vinh và tuyên truyền bản sắc văn hoá dân tộc kết tinh trong các sản phẩm truyền thống chưa được coi trọng. Môi trường bị ô nhiễm, cơ sở hạ tầng và dịch vụ phục vụ sản xuất không đồng bộ.

Hầu hết các cơ sở sản xuất với quy mô hộ gia đình, đặt tại nhà và nằm trong khu dân cư nên việc thu gom và xử lý chất thải rất khó khăn. Đại đa số các làng nghề chưa đầu tư bất kỳ giải pháp nào để giảm thiểu ô nhiễm không khí, tiếng ồn, nước thải, bụi, chất thải rắn, nước thải sản xuất được thải chung với nước thải sinh hoạt của làng vào hệ thống thoát nước mặt. Công tác quản lý và những giải pháp bảo vệ môi trường chưa được xử lý đúng mức. Chưa có cán bộ chuyên môn về môi trường tại cơ sở, nên việc quản lý bảo vệ môi trường hạn chế.

Bên cạnh đó, ý thức bảo vệ môi trường của người dân và các đơn vị sản xuất tại làng nghề còn kém. Người lao động chưa tự bảo vệ mình trong quá trình sản xuất như chưa có trang bị bảo hộ lao động nên dễ xảy ra tai nạn lao động. Sự nâng cấp cơ sở hạ tầng làng nghề như: giao thông, hệ thống điện, cấp thoát nước... chưa được quy hoạch nên chưa đáp ứng với nhu cầu phát triển làng nghề đã ảnh hưởng đến sự an toàn và chất lượng cuộc sống, sức khoẻ cộng đồng.

Những đặc thù trên đã làm cho môi trường tại một số làng nghề ô nhiễm nghiêm trọng như: ô nhiễm về nguồn nước ở các làng nghề chế biến nông sản thực phẩm, cơ kim khí, chế biến lâm sản...; ô nhiễm không khí tại các làng nghề sắt thép và gạch, ô nhiễm tiếng ồn tại các làng nghề cơ khí... Các chất thải rắn chưa được quản lý, thu gom để xử lý vừa gây ô nhiễm môi trường, vừa làm xấu cảnh quan làng nghề.

Trong những năm qua, các cấp, các ngành, các tổ chức đã có các giải pháp giúp đỡ khắc phục ô nhiễm ở các làng nghề. Tuy nhiên, việc đầu tư cho làng nghề khắc phục ô nhiễm trong những năm qua còn hạn chế, thiếu đồng bộ. Việc phát triển nghề và làng nghề còn mang tính tự phát, phân tán, thiếu tính bền vững, quy mô sản xuất còn nhỏ lẻ, chủ yếu là hộ gia đình nên đầu tư, cải tiến và áp dụng công nghệ còn khó khăn. Chất lượng sản phẩm và trình độ thẩm mỹ chưa cao, khả năng cạnh tranh thấp.

Hầu hết các làng nghề đều chưa có hệ thống hạ tầng đạt yêu cầu như giao thông đã xuống cấp, hệ thống cấp thoát nước còn chưa đồng bộ… Mặt bằng sản xuất chật hẹp, nhiều cơ sở sản xuất trong làng nghề có nhu cầu về mặt bằng để xây dựng nhà xưởng mở rộng sản xuất nhưng gặp khó khăn. Tình trạng ô nhiễm môi trường ngày càng tăng từ nguồn nước, không khí, tiếng ồn do hầu hết sản xuất tại nhà xen lẫn với sinh hoạt hằng ngày, đến ý thức bảo vệ môi trường của người dân chưa tốt đã ảnh hưởng đến đời sống nhân dân. Các thiết bị phòng, chống cháy nổ, trang thiết bị an toàn lao động chưa được chú trọng.

Song song đó, việc bảo tồn văn hoá truyền thống của sản phẩm làng nghề chưa được chú trọng và quan tâm. Phần lớn các cơ sở sản xuất còn chạy theo lợi nhuận ngắn hạn, mang tính thị trường mà ít chú trọng tới nâng cao trình độ tinh xảo và phát huy giá trị truyền thống của sản phẩm. Mặt khác, nhiều hộ gia đình trong làng nghề còn làm những mặt hàng kém chất lượng, hàng giả, hàng nhái nên đã ảnh hưởng không nhỏ đến uy tín của sản phẩm làng nghề.

HẠn chẾ Ở khâu quẢn lý

Nguyên nhân cơ bản của các tồn tại trên một mặt do tác động của kinh tế thị trường, mặt khác do chưa có chương trình, kế hoạch cụ thể về việc bảo tồn và phát triển nghề, làng nghề.

Để nghề và làng nghề phát huy thế mạnh, mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội phát triển bền vững, thân thiện với môi trường, mang những sản phẩm có nét văn hoá độc đáo riêng của từng địa phương, sử dụng nguồn lao động tại chỗ, gắn với phát triển du lịch, gắn với xây dựng nông thôn mới, việc thực hiện “bảo tồn và phát triển nghề, làng nghề Tây Ninh” là một yêu cầu bức thiết hiện nay của mỗi làng, mỗi cơ sở và của từng người dân cũng như tâm huyết của các nghệ nhân. Đồng thời, các cấp, các ngành, các địa phương cần thực hiện đầy đủ các kế hoạch, giải pháp, hành động cụ thể; triển khai các cơ chế chính sách phù hợp khuyến khích nghề, làng nghề phát triển sâu rộng, bền vững, góp phần phát triển kinh tế - xã hội trong thời kỳ đổi mới và hội nhập.

Một trong những hạn chế hiện nay là cơ quan quản lý Nhà nước về làng nghề còn chồng chéo, các chính sách hỗ trợ cho phát triển nghề và làng nghề còn bất cập, chưa hoàn chỉnh, chưa đi sâu và tác động mạnh mẽ đến các cơ sở sản xuất trong làng nghề, chỉ tập trung vào các nghĩa vụ của làng nghề, của các cơ sở sản xuất trong làng nghề mà chưa chú trọng nhiều đến các quyền lợi.

Bên cạnh đó, vẫn còn thiếu một số chính sách như: dự báo năng lực và nhu cầu thị trường, chính sách bảo vệ tài nguyên, bảo vệ môi trường, tổ chức phối hợp liên kết chặt chẽ giữa các cơ sở sản xuất… Dù các chính sách này không mang tính bắt buộc nhưng cũng sẽ tác động mạnh mẽ đến việc phát triển nghề và làng nghề trên địa bàn tỉnh.

Những hạn chế của các cơ chế chính sách sau khi ban hành phần nào đã được thể hiện qua việc triển khai chậm trễ và kết quả đạt thấp ở các khâu: phát triển làng nghề không theo định hướng, ô nhiễm môi trường ngày càng trầm trọng, khó khăn trong việc cấp quyền sử dụng đất, cho thuê đất lâu dài, chuyển giao kỹ thuật khoa học công nghệ, đào tạo cán bộ kỹ thuật và cán bộ quản lý, miễn giảm thuế, cho vay lãi xuất ưu đãi…

Nguyễn Kiêm Phượng