Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Quản lý quy hoạch: Nhiều vấn đề cần quan tâm
Thứ bảy: 09:30 ngày 28/05/2022

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Công tác quản lý quy hoạch đất trên địa bàn tỉnh cần bảo đảm sự đồng bộ, kết nối giữa các quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng, đô thị, giao thông. Các quy hoạch phải được công bố, công khai rộng rãi để người dân biết và thực hiện.

Một tuyến đường đô thị ở thị xã Hoà Thành.

Công tác quản lý quy hoạch đất còn hạn chế

Hiện nay, công tác lập, tổ chức thực hiện và quản lý quy hoạch còn nhiều hạn chế. Một số quy hoạch lập trước đây đã lạc hậu, không đúng với thực tế phát triển của địa phương, gây khó khăn trong việc thu hút đầu tư, ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân nhưng chậm được điều chỉnh.

Hiện nay, các xã chưa có quy hoạch chi tiết điểm xây dựng dân cư nông thôn dẫn đến khó khăn trong quản lý nhà nuớc về xây dựng ở nông thôn. Trong khi đó, quy hoạch chung xây dựng xã nông thôn mới hầu như chỉ đáp ứng được yêu cầu là làm cơ sở cho việc xây dựng các đề án.

Qua khảo sát ở một số địa phương, có các trường hợp như mua đất tại nông thôn có quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất nông nghiệp và không có quy hoạch xây dựng, sau đó họ tự ý cắm cọc phân ra thành nhiều lô đất nhỏ rồi rao bán đất nền; có hộ dân bị xử phạt về hành vi vi phạm sử dụng đất không đúng mục đích.

Trung tâm thương mại Long Hoa (ảnh minh hoạ)

Vướng mắc trong quản lý trật tự xây dựng theo quy hoạch

Việc công bố, công khai quy hoạch đã phê duyệt được các địa phương thực hiện bảo đảm theo quy định với nhiều hình thức như: tổ chức hội nghị; phổ biến trên đài truyền thanh cấp huyện, trạm truyền thanh cấp xã; lắp đặt pa-nô bản đồ quy hoạch nơi công cộng, niêm yết tại bộ phận Một cửa… nhưng nhìn chung hiệu quả mang lại chưa cao. Việc người dân tiếp cận và hiểu các bản đồ quy hoạch chuyên ngành rất ít; nhiều người không biết được những quy hoạch đã phê duyệt trên địa bàn sinh sống.

Một số khu vực quy hoạch chậm triển khai thực hiện trong thời gian dài nhưng chưa được điều chỉnh gây khó khăn cho người dân. Công tác quy hoạch một số khu vực chưa đồng bộ, còn chồng chéo giữa quy hoạch xây dựng và quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, dẫn đến tình trạng người dân có đất phù hợp quy hoạch xây dựng nhưng không thể chuyển mục đích sử dụng đất và ngược lại; một số khu vực được quy hoạch đất lúa nhưng nằm trong đô thị, không có khả năng canh tác, gây ảnh hưởng đến nhu cầu sử dụng đất của người dân và công tác đầu tư phát triển đô thị của địa phương...

Qua khảo sát, UBND thành phố Tây Ninh cho biết những vấn đề trên đều có phát sinh trên địa bàn. Tuy nhiên, giai đoạn 2021-2030 quy hoạch sử dụng đất của Thành phố được lập song song với quy hoạch chung Thành phố tầm nhìn tới năm 2040. Quá trình thực hiện, UBND Thành phố đã đồng bộ giữa các quy hoạch, do đó cơ bản khắc phục được sự chồng chéo giữa quy hoạch sử dụng đất giai đoạn trước với quy hoạch đô thị.

Theo nhu cầu sử dụng đất của các xã, phường và định hướng phát triển của thị xã Trảng Bàng trong thời gian tới, một số khu vực trước đây là đất lúa, nay không còn phù hợp đã được UBND Thị xã quy hoạch thành đất trồng cây lâu năm hoặc đất ở, thương mại dịch vụ… Tuỳ theo vị trí để đưa vào quy hoạch sử dụng đất giai đoạn 2021-2030 bảo đảm phù hợp với nhu cầu và định hướng phát triển.

Ngoài ra, trên địa bàn thị xã Trảng Bàng có một số dự án khu dân cư đã được UBND tỉnh cho chủ trương đầu tư, phù hợp với quy hoạch sử dụng đất giai đoạn 2021-2030 và kế hoạch sử dụng đất năm 2022, nhưng không phù hợp với quy hoạch chung xây dựng đô thị Trảng Bàng. Hiện nay, UBND thị xã Trảng Bàng đã trình UBND tỉnh, Sở Xây dựng xem xét điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung, làm cơ sở triển khai quy hoạch chi tiết 1/500 của dự án. Bên cạnh đó, tiến độ lập đồ án quy hoạch phân khu các phường của thị xã Trảng Bàng còn chậm, phần nào ảnh hưởng đến công tác quản lý quy hoạch, kiến trúc đô thị và trật tự xây dựng.

Nhìn chung “điểm nghẽn” về quy hoạch có hướng giải quyết trong giai đoạn tới. Việc lập quy hoạch sử dụng đất cấp huyện đến năm 2030 đang được tổng hợp theo nhu cầu sử dụng đất của các ngành và địa phương, chỉ tiêu quy hoạch sử dụng đất cấp quốc gia hiện chưa phân bổ cho cấp tỉnh. Vì vậy, khả năng phải điều chỉnh lại quy hoạch sử dụng đất cấp huyện sau khi quy hoạch tỉnh được cấp thẩm quyền phê duyệt.

Chú trọng công tác quy hoạch để thu hút đầu tư

Công tác quy hoạch mang tính tiền đề, có tầm quan trọng trước mắt cũng như lâu dài, có định hướng và mục tiêu rõ ràng để nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước. Trước mắt cần rà soát, điều chỉnh các quy hoạch không còn phù hợp, tạo điều kiện cho các địa phương thu hút đầu tư, phát triển nhưng bảo đảm không phá vỡ định hướng phát triển chung.

Trong quá trình phát triển đô thị thị xã Hoà Thành, theo Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ thị xã Hoà Thành lần thứ XII, nhiệm kỳ 2020-2025, phấn đấu đến năm 2025 đạt tiêu chuẩn đô thị loại III, đủ điều kiện thành lập thành phố thuộc tỉnh. Theo đó, Hoà Thành tập trung thực hiện các tiêu chuẩn lên phường đối với 2 xã để bảo đảm đạt 65% số phường trên tổng số đơn vị hành chính theo Nghị quyết số 1211 của UBTV Quốc hội. Mặt khác, điều chỉnh lại quy hoạch một số khu vực cho phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, làm cơ sở kêu gọi đầu tư thực hiện các dự án phát triển khu đô thị mới, khu thương mại dịch vụ, dự án phát triển du lịch, hạ tầng đô thị, hạ tầng xã hội và nhà ở.

Trên địa bàn thị xã Trảng Bàng, quy hoạch chung xây dựng đô thị Trảng Bàng đến năm 2035 được phê duyệt vào tháng 7.2018, Đồ án Quy hoạch chung xây dựng nông thôn mới 10 xã trên địa bàn được thực hiện năm 2013 và điều chỉnh cục bộ năm 2017, đến nay đã công nhận 7/10 xã đạt tiêu chí xã nông thôn mới giai đoạn 2016-2020. UBND thị xã Trảng Bàng đang trình UBND tỉnh cho chủ trương rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch chung xây dựng đô thị Trảng Bàng để kịp đáp ứng tốc độ phát triển, thu hút đầu tư, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Tại thành phố Tây Ninh, quy hoạch chung và 7/7 quy hoạch phân khu trên địa bàn Thành phố đã được lập và phê duyệt, đề xuất tổ chức lập quy hoạch phân khu 8 và 9 trên địa bàn 3 xã hoàn thành xây dựng nông thôn mới (Bình Minh, Thạnh Tân và Tân Bình).

Các quy hoạch đang được lập cần có sự phối hợp, kết nối giữa các quy hoạch ngành như: quy hoạch sử dụng đất, xây dựng, giao thông… hướng đến việc tích hợp đồng bộ trong quy hoạch tỉnh. Đồng thời, cần đẩy nhanh tỷ lệ phủ kín quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết trên địa bàn tỉnh để đáp ứng yêu cầu quản lý. Đặc biệt, cần quan tâm công tác quy hoạch xây dựng nông thôn (theo quy định tại Thông tư số 02/2017/TT-BXD ngày 1.3.2017 của Bộ Xây dựng hướng dẫn về quy hoạch xây dựng nông thôn), trong đó chú trọng quy hoạch chi tiết điểm xây dựng dân cư nông thôn, phấn đấu đến năm 2025 phủ kín quy hoạch xây dựng nông thôn, làm cơ sở quản lý nhà nước hiệu quả về đất đai và xây dựng.

Nhi Trần

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục