Kinh tế   Công nghiệp – Dịch vụ

BAOTAYNINH.VN trên Google News

Quản lý thị trường gắn với gắn với công tác phòng chống dịch 

Cập nhật ngày: 18/07/2021 - 10:05

BTNO - Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, để ổn định thị trường, bảo đảm hàng hóa cung ứng tốt trên thị trường, nhất là các mặt hàng thiết yếu, Cục Quản lý thị trường (QLTT) tỉnh tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát, xử lý các hành vi đầu cơ, găm hàng, tăng giá bán.

Lực lượng quản lý thị trường kiểm tra tại một kho trữ hàng hóa trên địa bàn thị xã Hòa Thành.

Hiện tại, thị trường hàng hóa, giá cả nhìn chung bình ổn, không có hiện tượng khan hiếm hàng hóa hay đột biến về cung - cầu, hàng hóa và giá cả; đáp ứng kịp thời nhu cầu thiết yếu của người tiêu dùng. Các cơ sở kinh doanh hàng hoá là trang thiết bị y tế, bảo vệ sức khoẻ dùng để phòng, chữa bệnh trên địa bàn tỉnh bảo đảm cung ứng đủ hàng hóa phục vụ cho người tiêu dùng, không có hiện tượng đầu cơ, găm hàng, lợi dụng dịch bệnh để tăng giá bán bất hợp lý.

Mặc dù dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp nhưng việc mua sắm hàng hóa của người dân trên địa bàn tỉnh vẫn diễn ra bình thường. Hiện nay các mặt hàng lương thực, thực phẩm đang được cung cấp, bày bán trong hệ thống siêu thị, các chợ khá dồi dào, không có hiện tượng người dân mua gom hàng hóa để tích trữ.

Theo siêu thị Co.opmat TP. Tây Ninh, toàn bộ kho hàng của hệ thống đã chuẩn bị hàng hóa, sẵn sàng đáp ứng nhu cầu của người dân, nhất là các mặt hàng thiết yếu. Hiện nguồn cung các mặt hàng rau, củ, quả, gạo, mì gói, thịt, gia vị… đang được cung cấp bày bán trong hệ thống với số lượng khá nhiều, giá được niêm yết rõ ràng, đầy đủ và ổn định, không có tình trạng thiếu hàng, sốt giá.

Nhân viên siêu thị Co.opmart thanh toán cho người tiêu dùng.

Tại các cửa hàng Bách hóa xanh, ngoài các mặt hàng phục vụ phòng chống dịch như khẩu trang, nước rửa tay sát khuẩn, hệ thống đang tăng cường nguồn hàng lương thực, thực phẩm, đặc biệt là các mặt hàng nhu yếu phẩm thiết yếu để phục vụ nhu cầu của người dân, không để xảy ra tình trạng khan hàng, sốt giá. Hiện kho hàng của hệ thống đã dự trữ tăng từ 30 - 50% so với trước đây.

Đến thời điểm hiện tại nhu cầu mua sắm một số hàng thiết yếu như lương thực, thực phẩm của người dân tăng cao, để góp phần ổn định cung - cầu trên thị trường, bảo đảm quyền lợi của người tiêu dùng, Cục QLTT đã triển khai kế hoạch vừa kiểm tra, kiểm soát, giám sát đối với một số mặt hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu mua sắm, vừa tập trung phòng dịch.

Theo đó, Cục QLTT chỉ đạo các Đội QLTT tăng cường công tác quản lý địa bàn, giám sát chặt chẽ, kiểm tra việc niêm yết giá và bán theo giá niêm yết; kiểm tra và xử lý nghiêm các hành vi lợi dụng tình hình dịch bệnh để đầu cơ, găm hàng đối với các loại hàng hóa thiết yếu nhất là trang thiết bị vật tư y tế, lương thực thực phẩm.

Để bảo đảm quyền lợi của người tiêu dùng trong tình hình dịch bệnh, Đội Quản lý thị trường số 2 cũng đã lên kế hoạch phối hợp với các lực lượng chức năng trong công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn, phối hợp nắm chắc diễn biến tình hình trên thị trường để tiếp tục góp phần bình ổn thị trường hàng hóa trên địa bàn nhất là trong mùa dịch đang có diễn biến phức tạp. 

Theo Cục QLTT, dịch Covid-19 tiếp tục có diễn biến phức tạp, việc kiểm soát thị trường, giá cả hàng hóa, lương thực, thực phẩm ... đang được nhiều người dân quan tâm. Chính vì vậy, trong thời gian tới lực lượng QLTT tỉnh sẽ tiếp tục phối hợp với các ngành liên quan tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát các cơ sở sản xuất, kinh doanh các mặt hàng vật tư y tế, các mặt hàng thiết yếu phục vụ đời sống người dân.

Qua đó, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi găm hàng, tăng giá bán quá mức, bán không đúng giá niêm yết và kinh doanh hàng không chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ, nếu phát hiện vi phạm sẽ xử lý theo quy định.

Hàng hóa kém chất lượng bị tịch thu và tạm giữ tại đội quản lý thị trường.

Đồng thời, tổ chức tuyên truyền, cho các cơ sở kinh doanh ký cam kết không kinh doanh hàng hóa nhập lậu, không sản xuất, tàng trữ, buôn bán hàng cấm, hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng hóa không bảo đảm chất lượng và hàng hóa không bảo đảm an toàn thực phẩm.

Đối với các cơ sở, doanh nghiệp làm ăn chân chính, Cục QLTT tỉnh tạo điều kiện tốt nhất để hàng hóa lưu thông thông suốt, không để việc kiểm tra, kiểm soát ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp, người dân. Trong điều kiện này, đơn vị cũng khuyến cáo người dân thể hiện trách nhiệm với người tiêu dùng, không nên bán hàng gian dối, thực phẩm mất an toàn... thể hiện tinh thần quyết liệt cao trong việc chung tay phòng, chống, đẩy lùi dịch bệnh.

Trong 6 tháng đầu năm 2021, Cục QLTT đã tiến hành kiểm tra hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu tại các doanh nghiệp, hộ kinh doanh, các chợ, trung tâm thương mại, các điểm sản xuất, kinh doanh, tập trung vào các địa bàn nổi cộm và xử lý khi phát hiện vi phạm, góp phần tích cực trong giáo dục, răn đe và phòng ngừa vi phạm.

Kết quả, Cục QLTT đã kiểm tra 519 vụ, phát hiện và xử lý 171 vụ vi phạm về sản xuất, buôn bán hàng giả, kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, vi phạm về niêm yết giá, vi phạm về vệ sinh an toàn thực phẩm… Trị giá hàng hóa vi phạm các loại hơn 600 triệu, tổng tiền thu nộp ngân sách hơn 3 tỷ đồng.

Nhi Trần