BAOTAYNINH.VN trên Google News

Quản lý về trật tự xây dựng: Còn nhiều bất cập 

Cập nhật ngày: 03/12/2021 - 00:31

BTN - Vừa qua, đoàn giám sát chuyên đề của Thường trực HĐND tỉnh tổ chức các cuộc khảo sát tình hình quản lý nhà nước về trật tự xây dựng trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2015-2020. Qua khảo sát cho thấy, hoạt động quản lý nhà nước về trật tự xây dựng có nhiều nỗ lực, song vẫn còn tồn tại không ít khó khăn, bất cập.

Nhiều nhà dân xây dựng trong khu vực quy hoạch mảng xanh đô thị ở phường Hiệp Ninh (Ảnh chụp ngày 2.12.2021)

Bà Nguyễn Thị Thơm (ngụ hẻm 5, đường Nguyễn Hữu Thọ, phường Hiệp Ninh, TP. Tây Ninh) cho biết, 3 năm trước, vợ chồng bà sang nhượng lại phần đất nông nghiệp có diện tích gần 100m2 với giá 250 triệu đồng, sau đó, vợ chồng cất căn nhà cột xi măng, tường gạch không tô xi măng với chi phí hơn 100 triệu đồng.

Căn nhà được cất theo kiểu tự phát, không có bản vẽ, không xin giấy phép chính quyền địa phương. “Hoàn cảnh kinh tế khó khăn quá, cất đại căn nhà để ở, tới đâu hay tới đó chứ biết sao bây giờ”- chủ nhà này phân trần.

Đó là một trong những trường hợp điển hình người dân cất nhà không đúng quy định trên địa bàn TP. Tây Ninh. Nhiều năm qua, khu vực thuộc khu phố 1, phường 1, thành phố Tây Ninh (đoạn gần rạch Tây Ninh) được quy hoạch làm công viên và mảng xanh đô thị. Toàn bộ đất nông nghiệp ở đây không được phép chuyển mục đích sử dụng.

Tuy nhiên, trên thực tế, người dân đã cất nhà ở, thậm chí có cả quán ăn tại khu vực này. Có phần đất vừa được bơm đầy cát để san lấp mặt bằng; có phần đất được rào kẽm gai để lập vườn cây ăn trái hoặc chia ra thành nhiều phần đất nhỏ như kiểu phân nền cất nhà ở trong khu dân cư.

Ở phân khu 4, khu phố Hiệp Thạnh, phường Hiệp Ninh (TP. Tây Ninh), dọc hai bên bờ suối Vườn Điều, từ cống Lâm Vồ đến cầu Vườn Điều, hàng chục năm nay được quy hoạch mảng xanh, nhưng hiện nay, hai bên con hẻm dẫn xuống dòng suối này, nhiều nhà dân mọc lên, có nơi san sát như một khu phố.

Đề cập đến công tác quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn TP. Tây Ninh, ông Nguyễn Trung Hiếu- Phó Chủ tịch UBND Thành phố cho biết, từ năm 2015 đến thời điểm hiện tại, Thành phố đã thực hiện trên 5.000 cuộc kiểm tra đối với các tổ chức, cá nhân có tham gia vào hoạt động xây dựng.

Kết quả, có gần 200 trường hợp vi phạm, nội dung vi phạm chủ yếu là xây dựng nhà ở chưa có giấy phép hoặc không đúng với giấy phép xây dựng. Lực lượng chức năng đã phạt hành chính với số tiền hơn 1,8 tỷ đồng.

Tuy nhiên, Phó Chủ tịch UBND Thành phố chia sẻ, những năm qua, tốc độ phát triển đô thị ở Thành phố diễn ra khá nhanh, công tác triển khai quy hoạch đô thị chưa theo kịp tốc độ đô thị hoá. Vì thế, có một số vị trí đã được quy hoạch công trình công cộng hoặc mảng xanh, nhưng nguồn lực của Thành phố chưa đủ để đầu tư vào những công trình nêu trên, gây khó khăn cho đời sống sinh hoạt của người dân, khi các diện tích đất này thuộc quy hoạch nhưng chậm thực hiện. Hiện tại, có một số vị trí chưa kịp điều chỉnh quy hoạch, chưa đền bù đất, giải phóng mặt bằng; trong khi đó, người dân lại có nhu cầu xây dựng công trình, nhà ở để đáp ứng nhu cầu sinh hoạt hằng ngày của người dân.

Ông Hiếu khẳng định, thời gian tới, Thành phố sẽ đẩy nhanh tiến độ rà soát các quy hoạch phân khu, xem xét những vị trí đã quy hoạch nhưng không khả thi, không đủ nguồn lực để tham mưu và đề xuất điều chỉnh các quy hoạch ban hành đã lâu nhưng chưa thực hiện cho phù hợp với thực tế, tạo điều kiện cho người dân được sử dụng đất của mình đúng quy định.

Mặt khác, do mỗi phường, xã chỉ bố trí 1 người phụ trách lĩnh vực đô thị nên không thể dành nhiều thời gian cho việc kiểm tra, phát hiện, ngăn chặn kịp thời và tham mưu xử lý vi phạm đúng quy định về phân cấp quản lý theo quy định pháp luật. Theo chủ trương của tỉnh, từ năm 2006, Thành phố đã thành lập Đội Quản lý trật tự đô thị. Tuy nhiên, đến nay, Đội này chưa được giao biên chế nên chưa tổ chức được các hoạt động xuyên suốt, chính quy, bài bản.

Từ năm 2015 đến 2020, thị xã Hoà Thành tổ chức kiểm tra, phát hiện vi phạm và xử lý vi phạm hành chính 57 trường hợp, trong đó xây dựng không phép 25 trường hợp, trái phép 32 trường hợp với số tiền xử phạt trên 400 triệu đồng, 100% trường hợp vi phạm đều chấp hành nộp phạt theo quy định.

Lý giải nguyên nhân này, ông Nguyễn Đức Hảo- Phó Chủ tịch UBND thị xã Hoà Thành cho biết, do một bộ phận người dân có nhu cầu xây dựng nhưng không tuân thủ quy định của pháp luật về xây dựng làm ảnh hưởng đến quy hoạch xây dựng, đô thị.

Bên cạnh đó, nhân sự quản lý trật tự xây dựng, đô thị (xã, phường) còn thiếu, chủ yếu kiêm nhiệm nên công tác quản lý, kiểm tra thực hiện quy hoạch, xây dựng còn hạn chế. Cũng như TP. Tây Ninh, UBND thị xã Hoà Thành kiến nghị UBND tỉnh xem xét cho chủ trương thành lập Đội Quản lý trật tự xây dựng trực thuộc Phòng Quản lý đô thị thị xã Hoà Thành để có lực lượng chuyên trách thực hiện nhiệm vụ quản lý quy hoạch, xây dựng, trật tự đô thị theo mô hình chính quyền đô thị. Vì hiện nay, tình trạng lấn chiếm lòng, lề đường, vỉa hè diễn ra thường xuyên, các lực lượng tăng cường kiểm tra xử lý nhưng nhân sự thực hiện còn thiếu.

Ông Nguyễn Văn Nhu- Chủ tịch UBND huyện Gò Dầu chia sẻ, giai đoạn 2015-2020, UBND Gò Dầu đã cấp tổng cộng 520 giấy phép xây dựng, bao gồm 414 giấy phép xây dựng nhà ở và 106 giấy phép xây dựng công trình. UBND huyện kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm xây dựng, trật tự đô thị và tập trung công tác tuyên truyền đến các tầng lớp nhân dân.

Từ đó, vi phạm trật tự xây dựng giai đoạn 2015-2020 có khiếu kiện, khiếu nại chỉ xảy ra 1 vụ. Tuy nhiên, cơ sở pháp lý để quản lý lĩnh vực xây dựng trên địa bàn huyện gồm quy hoạch ngành giao thông của tỉnh, quy hoạch chung thị trấn Gò Dầu, quy hoạch sử dụng đất của tỉnh, huyện, quy hoạch nông thôn mới các xã trên địa bàn huyện vẫn chưa đủ cơ sở bảo đảm cho quản lý được chặt chẽ.

Một khu đất nằm trong vùng quy hoạch làm công viên ở khu phố 1, phường 1, thành phố Tây Ninh được rào kẽm gai để lập vườn cây ăn trái (Ảnh chụp ngày 2.12.2021)

Trao đổi vấn đề này, ông Trần Tương Quốc- Phó Giám đốc phụ trách Sở Xây dựng cho hay, trong giai đoạn 2015-2020, Thanh tra Sở tổ chức kiểm tra trên 5.000 lượt công trình, UBND cấp huyện, lực lượng trật tự đô thị và UBND các phường, xã, thị trấn kiểm tra hơn 6.000 lượt công trình.

Đối tượng kiểm tra là tổ chức, cá nhân có tham gia vào hoạt động xây dựng. Kết quả, có 562 trường hợp vi phạm, trong đó trên 200 trường hợp không phép, hơn 110 trường hợp sai phép và 150 trường hợp vi phạm khác.

Sở đã ban hành 428 quyết định xử phạt vi phạm và 26 quyết định thi hành cưỡng chế, trong đó có 2 trường hợp khiếu nại liên quan đến lĩnh vực xây dựng tại huyện Gò Dầu và Bến Cầu. Về tình trạng có một số hộ dân cất nhà trên đất nông nghiệp, Phó Giám đốc Sở Xây dựng cho rằng, để giải quyết vấn đề này cần có sự phối hợp của các cơ quan liên quan, như Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Giao thông Vận tải…

Bà Nguyễn Thị Yến Mai- Trường Ban Tổ chức Tỉnh uỷ, Trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh, thay mặt đoàn giám sát chuyên đề của Thường trực HĐND tỉnh đánh giá, trong thời gian qua, các sở, ngành chức năng đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành nhiều văn bản, tạo hành lang pháp lý để quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn.

Nhìn chung, công tác quản lý trật tự xây dựng đã đi vào nề nếp. Tuy nhiên, sự phối hợp giữa các ngành, cơ quan chức năng có liên quan chưa thực sự đồng bộ, dẫn đến tình trạng xây dựng chưa có giấy phép hoặc không đúng giấy phép, sai quy hoạch, xây dựng tăng diện tích, vi phạm lộ giới, xây dựng nhà trên đất chưa chuyển mục đích sử dụng, lấn chiếm vỉa hè, lòng đường buôn bán còn diễn biến phức tạp; hoạt động thanh tra, kiểm tra xử lý vi phạm đã được tăng cường nhưng chưa đáp ứng yêu cầu về công tác quản lý trật tự xây dựng.

Đại Dương

Ông Nguyn Trung Hiếu- Phó Chtch UBND Thành phcho biết, từ năm 2015 đến thời điểm hiện nay, Thành phố thực hiện trên 5.000 cuộc kiểm tra đối với các tổ chức, cá nhân có tham gia vào hoạt động xây dựng. Kết quả, có gn 200 trường hợp vi phạm, nội dung vi phạm chủ yếu là xây dựng nhà ở chưa có giy phép hoặc không đúng giấy phép xây dng. Lc lượng chc năng đã pht hành chính vi stin hơn 1,8 tỷ đồng.