Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Trong những năm qua, công tác chăm lo cho đối tượng chính sách, người có công với Cách mạng trên địa bàn tỉnh luôn được quan tâm thực hiện tốt.
Mẹ Việt Nam anh hùng (VNAH) Nguyễn Thị Thùa, 85 tuổi, hiện ngụ khu phố 4, thị trấn Tân Biên, huyện Tân Biên là một trường hợp điển hình. Bà có người con trai duy nhất tên Nguyễn Văn Be hy sinh trong kháng chiến chống Mỹ. Chồng của bà cũng đã qua đời. Từ đó đến nay, bà không đi thêm bước nữa, ở một mình thờ chồng, thờ con.
Mẹ Thùa phơi chiếc áo dài chuẩn bị đi dự họp mặt truyền thống Ngày Thương binh - Liệt sĩ .
Sau ngày đất nước thống nhất, chính quyền địa phương quan tâm, cho bà được hưởng đầy đủ các chế độ theo quy định, vận động Tổng cục Hải quan xây tặng cho bà căn nhà tình nghĩa khang trang, rộng đẹp; nhiều đơn vị, cá nhân nhận phụng dưỡng Mẹ suốt đời. Các dịp các dịp lễ, tết, nhiều ban ngành, hội, đoàn thể đến thăm và tặng quà cho Mẹ. Hằng năm, Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) huyện tham mưu UBND huyện tổ chức sinh nhật, tặng quà cho Mẹ.
Hôm 22.7, khi chúng tôi đến thăm, thấy Mẹ Thùa đang phơi chiếc áo dài màu đỏ khá đẹp. Mẹ khoe: “Giặt chiếc áo này để chuẩn bị đi dự họp mặt truyền thống Ngày Thương binh liệt sĩ sắp tới ở huyện”. Chuyện trò về cuộc sống hiện nay, Mẹ Thùa chia sẻ, bà vẫn ăn uống bình thường, từ đầu năm đến nay có hai lần bị bệnh. Nỗi nhớ chồng, nhớ con Mẹ không thể nào quên, nhưng Mẹ tự hào vì mình đã hy sinh hạnh phúc riêng tư vì hoà bình chung của cả dân tộc.
Thương binh ¾ Đỗ Văn Đoàn ngụ ở xã Thạnh Tây, huyện Tân Biên cũng được chăm sóc tốt khi tuổi về già. Ông Đoàn quê ở Hà Tây, 17 tuổi đi bộ đội, tham gia kháng chiến chống Mỹ ở nhiều mặt trận khác nhau. Trong một trận chống càn, ông bị thương, đến nay mảnh bom còn nằm trong cổ tay phải của ông và thường xuyên gây đau nhức.
Sau khi xuất ngũ, ông Đoàn học sư phạm rồi trở thành giáo viên, dạy học ở huyện Minh Hải (tỉnh Cà Mau), sau về dạy ở huyện Tân Biên. Năm 2006, ông Đoàn nghỉ hưu; về địa phương tiếp tục tham gia công tác ở Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin của xã Thạnh Tây, giữ chức Chủ tịch Hội. Cách đây 6 năm, ông được huyện Tân Biên xây tặng 1 căn nhà tình nghĩa khang trang.
Đến nay, các con của ông Đoàn đều đã trưởng thành, vợ chồng ông sống thoải mái với lương hưu, chế độ thương binh và phụ cấp từ Hội NNCĐDC/dioxin. “Hiện giờ, vợ chồng tôi sống vui vẻ, hạnh phúc bên những đứa con gái và đàn cháu ngoại”, ông Đoàn vui vẻ kể.
Ông Nguyễn Chí Sang- Phó Trưởng Phòng LĐTB&XH huyện Tân Biên cho biết, những năm qua, Phòng thường xuyên rà soát các hộ người có công với cách mạng còn khó khăn về nhà ở cần được hỗ trợ. Qua rà soát, đầu năm 2020, Phòng ghi nhận có 6 trường hợp cần hỗ trợ và đã tham mưu với UBND huyện.
Huyện phối hợp với Sở LĐTB&XH triển khai xây dựng và sửa chữa nhà ở cho những trường hợp này. Đến nay, đã hoàn thành việc xây dựng và sửa chữa nhà ở cho các hộ chính sách và kịp bàn giao trong dịp 27.7.2020. Tính đến nay, huyện Tân Biên không còn hộ gia đình người có công thuộc diện hộ nghèo.
Công an huyện Tân Biên thăm, tặng quà Mẹ VNAH Nguyễn Thị Thùa.
Tương tự, công tác chăm sóc người có công ở huyện Châu Thành cũng được chú trọng. Ông Phan Huy Hoàng, thương binh ¼, hiện ngụ ở xã Thái Bình, huyện Châu Thành cho biết ông rất hài lòng về cuộc sống hiện tại. Trong chiến tranh, ông Hoàng từng bị thương tích nghiêm trọng, bị nhiễm chất độc da cam nên sức khỏe bị ảnh hưởng.
Trước tình hình đó, Hội Cựu chiến binh và Mặt trận xã Thái Bình luôn quan tâm thăm hỏi, động viên. Sự quan tâm này đã cho ông Hoàng một chỗ dựa tinh thần vững chắc để vươn lên và tích cực tham gia công tác đoàn thể ở địa phương. Hiện nay, ông Hoàng còn là Chủ nhiệm của một câu lạc bộ dưỡng sinh, tham gia nhiều cuộc thi, đạt được nhiều thành tích.
Trao đổi với chúng tôi về công tác chăm sóc người có công trên địa bàn huyện, bà Trương Thị Tuyết- Trưởng Phòng LĐTB&XH huyện Châu Thành cho biết, ngoài chính sách những người có công được hưởng theo quy định, từ đầu năm đến nay, huyện Châu Thành đã phối hợp với các xã, thị trấn trao tặng 6 căn nhà tình nghĩa và sửa chữa 40 căn nhà khác với tổng kinh phí hơn 1,5 tỷ đồng.
Châu Thành cũng đang triển khai xây mới và sửa chữa nhiều căn nhà khác, và đã hoàn thành mục tiêu không để gia đình người có công thuộc diện hộ nghèo. Nhiều trường hợp làm thủ tục để xác nhận là gia đình có công cũng đã được huyện lập hồ sơ gửi Sở LĐTB&XH xem xét, giải quyết.
Bà Nguyễn Thị Nhiền- Phó Giám đốc Sở LĐTB&XH cho biết, hiện nay toàn tỉnh có hơn 43.000 đối tượng chính sách; trong đó có hơn 9.000 đối tượng đang hưởng chế độ trợ cấp thường xuyên. Nhìn chung, công tác đền ơn đáp nghĩa, chăm lo cho người có công luôn được đảm bảo thực hiện đầy đủ, kịp thời các chế độ chính sách.
Trong 5 năm qua, tỉnh đã giải quyết 579 trường hợp được hưởng chính sách ưu đãi người có công; công nhận 125 Bà mẹ VNAH (tổng số là 1.464 mẹ); hiện 38 mẹ còn sống và đều được các đơn vị nhận phụng dưỡng hằng tháng với mức hỗ trợ từ 500 ngàn đồng đến 2 triệu đồng; hỗ trợ nhà ở cho 1.154 người có công (xây mới 464 căn, sửa chữa 690 căn với tổng kinh phí hơn 56,6 tỷ đồng). Đến cuối năm 2019, trên địa bàn tỉnh Tây Ninh cơ bản không còn hộ chính sách, người có công thuộc hộ nghèo.
Bà Nhiền cũng cho biết thêm, trên địa bàn tỉnh có một số trường hợp về hồ sơ còn vướng mắc, khó khăn. Phần lớn các trường hợp này là không còn giấy tờ gốc, giấy tờ liên quan, thiếu nhân chứng xác nhận, lý lịch tự khai không trùng khớp về thời gian tham gia cách mạng…
Để có cơ sở xem xét, giải quyết phải thực hiện theo quy định là tổ chức xác minh, họp xét của Hội đồng chính sách cấp xã. Đến nay đã giải quyết được một số trường hợp; một số trường hợp đang xem xét, chờ kết quả xác minh của cơ quan liên quan, nơi cư trú trước khi nhập ngũ; riêng một số trường hợp không đủ điều kiện giải quyết đã hoàn trả hồ sơ và thông báo đến đối tượng.
Đại Dương
Nhân dịp kỷ niệm 73 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ, Sở LĐTB&XH phối hợp các ngành liên quan tham mưu UBND tỉnh tổ chức các hoạt động đền ơn đáp nghĩa, như: Thăm và tặng quà cho gia đình chính sách người có công tiêu biểu; khám bệnh, cấp thuốc miễn phí cho đối tượng chính sách; đưa 3 mẹ VNAH tham dự gặp mặt đại biểu Bà mẹ VNAH toàn quốc tại Hà Nội; tổ chức viếng nghĩa trang liệt sĩ; tổ chức Lễ truy điệu và an táng 148 hài cốt liệt sĩ tại Nghĩa trang liệt sĩ Tân Biên; trao 37 căn nhà tình nghĩa cho người có công; tu sửa, nâng cấp các công trình ghi công liệt sĩ, nhà bia, đài tưởng niệm; rà soát, thực hiện điều chỉnh tên gọi các bia mộ liệt sĩ chưa biết thông tin...