Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Quan tâm hơn đến trẻ em gái vị thành niên
Thứ năm: 19:58 ngày 12/10/2017

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Hãy để trẻ em gái vị thành niên được học tập, chăm sóc sức khoẻ và không bị bạo hành, được hưởng các quyền của mình. Các nhà lãnh đạo và cộng đồng phải tập trung và bảo vệ quyền của trẻ em gái VTN, đặc biệt là trẻ em nghèo, thất học, bị bóc lột hoặc bị áp đặt bởi những hủ tục, trong đó có nạn tảo hôn.

Mang đến cuộc sống tốt hơn cho trẻ em gái cũng là cách bạn mang tới cuộc sống tốt đẹp hơn cho tất cả mọi người.

Thông điệp chính của chủ đề này là trẻ em gái vị thành niên (VTN) cần phải được quan tâm, tạo điều kiện, cơ hội để có thể bước vào giai đoạn trưởng thành một cách an toàn, khoẻ mạnh và có được tương lai tươi sáng.

Hãy để trẻ em gái vị thành niên được học tập, chăm sóc sức khoẻ và không bị bạo hành, được hưởng các quyền của mình. Các nhà lãnh đạo và cộng đồng phải tập trung và bảo vệ quyền của trẻ em gái VTN, đặc biệt là trẻ em nghèo, thất học, bị bóc lột hoặc bị áp đặt bởi những hủ tục, trong đó có nạn tảo hôn. 

Chủ đề do Tổng cục Dân số- KHHGÐ đưa ra trong đợt truyền thông về giảm thiểu MCBGTKS và hưởng ứng Ngày quốc tế trẻ em gái 11.10 năm nay là nhằm nhấn mạnh đến một thực tế cuộc sống của các bé gái trên toàn cầu và những thách thức mà trẻ em gái phải đối mặt, liên quan đến giáo dục, y tế, tảo hôn, cơ hội bình đẳng và bạo lực tình dục...

Theo Liên Hiệp quốc, từ ngày 11.10.2011, cộng đồng quốc tế quyết định chọn ngày 11.10 hằng năm là Ngày quốc tế trẻ em gái, nhằm đề cập đến vấn đề cơ bản cần giải quyết đó là trao quyền và đầu tư vào các bé gái, qua đó các quốc gia mới có giải pháp để phá vỡ cái vòng luẩn quẩn về việc phân biệt đối xử, cũng như bạo lực với phụ nữ.

Việc mang đến cuộc sống tốt hơn cho trẻ em gái cũng là cách bạn mang tới cuộc sống tốt đẹp hơn cho tất cả mọi người. Trên thực tế, mỗi năm, thu nhập của phụ nữ lại tăng từ 15 - 25%.  Phụ nữ đầu tư nhiều thu nhập cho gia đình hơn nam giới. Một phụ nữ được giáo dục đầy đủ sẽ kết hôn muộn hơn, sinh ít con, con khỏe mạnh và nuôi dạy con cái tốt hơn…

Ở Việt Nam, tổng dân số hiện nay đạt khoảng 92 triệu người, là nước đông dân thứ 14 trên thế giới, thứ 8 ở Châu Á và thứ 3 ở khu vực Ðông Nam Á. Tình trạng MCBGTKS của Việt Nam tuy xuất hiện muộn nhưng tốc độ gia tăng nhanh hơn, diễn ra ở cả thành thị và nông thôn. Tỷ số giới tính khi sinh (số trẻ em trai/ 100 trẻ em gái khi sinh) có hiện tượng tăng bất thường.

Ðến cuối năm 2014, tỷ số giới tính khi sinh (TSGTKS) của Việt Nam là 113,8 trẻ em trai/ 100 trẻ em gái, và đang tiếp tục tăng. Tính đến năm 2016, đã có 58/63 tỉnh, thành phố (bao gồm cả tỉnh Tây Ninh) rơi vào tình trạng MCBGTKS. Bình thường, TSGTKS dao động trong khoảng 103- 107 trẻ em trai/ 100 trẻ em gái.

Như vậy, Việt Nam đang bị MCBGTKS cao, hậu quả nam giới sẽ bị dư thừa so với nữ giới trong cùng một thế hệ. Họ có thể đối mặt với những khó khăn nghiêm trọng khi tìm bạn đời, sẽ diễn ra tình trạng trì hoãn hôn nhân trong nam giới hoặc gia tăng tỷ lệ sống độc thân.

Một tỷ lệ nam giới độc thân sẽ không thể duy trì gia đình phụ hệ như trước đây. Nếu không có can thiệp hiệu quả để giảm MCBGTKS thì sau 20 năm nữa Việt Nam có 4,3 triệu nam thanh niên ít có cơ hội lấy được vợ trong nước. Dù làm tốt can thiệp để giảm MCBGTKS thì con số đó cũng còn tới 2,3 triệu.

Thực trạng này có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng đối với phát triển kinh tế- xã hội và ảnh hưởng đến cuộc sống của gia đình, cộng đồng. Việc thiếu hụt phụ nữ, “sức ép kết hôn” sẽ tạo ra những hậu quả về mặt xã hội và nhân khẩu học như gia tăng áp lực buộc các em gái phải kết hôn sớm, gia tăng tình trạng buôn bán phụ nữ và các hình thức bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái.

Kết hôn sớm làm giảm cơ hội học tập, ảnh hưởng đến tương lai của nữ VTN/ TN. Các em chưa đủ sức khoẻ, cơ thể chưa phát triển hoàn thiện, thiếu kiến thức, kinh nghiệm, khả năng kinh tế. Nên khi kết hôn, các em sẽ gặp nhiều khó khăn và rủi ro cho cả mẹ và con, đặc biệt khi mang thai, sinh con.

Việc mang thai và sinh con sớm sẽ làm tăng tỷ lệ tai biến trong mang thai và sinh con, không đảm bảo sức khoẻ bà mẹ và trẻ em, ảnh hưởng tới tương lai nòi giống. Bên cạnh đó, di cư trong nước và quốc tế với mục đích kết hôn cũng có thể gia tăng, dẫn đến bất ổn xã hội.

Như vậy, MCBGTKS ở nước ta không chỉ là một trong các thước đo bất bình đẳng giới, không chỉ là việc thực hiện quyền được sinh ra của các bé gái, mà còn là vấn nạn ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững của nòi giống Việt, của dân tộc và đất nước.

Nguyên nhân MCBGTKS chủ yếu là do việc lựa chọn giới tính thai nhi. Tuy nhiên, nguyên nhân cốt lõi của việc MCBGTKS chính là sự bất bình đẳng giữa nam và nữ, định kiến về giới, ưa thích con trai, thái độ xem thường giá trị phụ nữ đã ăn sâu, bám rễ vào các quan niệm văn hoá, tư tưởng truyền thống lâu đời, tạo nên áp lực nặng nề đối với phụ nữ về việc phải có con trai.

Theo Tổng cục Dân số- KHHGÐ, có 3 lĩnh vực cần chú ý để tăng cường đầu tư cho giới trẻ ở Việt Nam: Một là đầu tư cho y tế, để thanh niên có cơ hội tiếp cận đầy đủ với các dịch vụ chăm sóc sức khoẻ - trong đó có chăm sóc sức khoẻ sinh sản, sức khoẻ tình dục, KHHGÐ. Hiện nay có khoảng 30% dân số trong độ tuổi thanh niên chưa đáp ứng nhu cầu về KHHGÐ.

Ở một số vùng dân tộc ít người, tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết còn khá phổ biến. Thứ hai là đầu tư cho giáo dục, đất nước ta muốn cất cánh bay lên, muốn đi tắt đón đầu thì không có cách nào khác phải nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Muốn vậy, ngay từ bây giờ phải đầu tư thật tốt cho giáo dục. Thứ ba, phải tăng cường đầu tư cho việc làm, để tất cả thanh niên khi đến tuổi lao động đều có công ăn việc làm, giảm thiểu tình trạng thất nghiệp.

Cùng với các địa phương trên cả nước, dù nguồn kinh phí chương trình mục tiêu y tế - dân số năm 2017 chưa được Trung ương phân bổ, nhưng tỉnh Tây Ninh đã chi ngân sách cho các hoạt động Ðề án Kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh hơn 600 triệu đồng tổ chức các hoạt động tại các cấp trong tỉnh, trong đó dành riêng 100 triệu đồng để tặng “học bổng” cho trẻ em gái học giỏi là con những gia đình có 2 con một bề là gái.

Vừa qua, Chi cục Dân số- KHHGÐ tỉnh Tây Ninh đã phối hợp với Hội Khuyến học tỉnh trao tặng 192 suất học bổng cho 192 trẻ em gái có thành tích học giỏi, theo đó mỗi em gái học từ bậc THCS đến THPT được nhận 500.000 đồng và bậc Ðại học là 1 triệu đồng.

Ông Ðặng Tấn Thành, Chi cục Trưởng Chi cục Dân số - Kế hoạch hoá gia đình tỉnh Tây Ninh cho biết, trẻ em gái VTN là đối tượng dễ bị tổn thương. Do vậy, cộng đồng cần tạo điều kiện để các em bước vào giai đoạn trưởng thành một cách an toàn và khoẻ mạnh. Khi các em được trao quyền, có phương tiện và thông tin để tự quyết định cuộc sống của mình thì các em sẽ có nhiều cơ hội phát huy tiềm năng, trở thành nhân tố tích cực tạo ra sự thay đổi trong gia đình, cộng đồng và đất nước. 

TRÚC HUỲNH

Báo Tây Ninh
Liên kết hữu ích
Tin cùng chuyên mục