Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Quan tâm hơn vai trò giáo viên chủ nhiệm
Thứ tư: 21:21 ngày 25/04/2018

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Giáo viên chủ nhiệm phải trở thành những người dẫn đường để học sinh không lạc lối. Các cấp quản lý giáo dục cần coi trọng vai trò, trách nhiệm của người giáo viên chủ nhiệm lớp, không ngừng bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng, giúp đỡ, tạo điều kiện để họ hoàn thành nhiệm vụ.

Buổi sinh hoạt ngoại khoá của học sinh huyện Hoà Thành.

Trong bữa tiệc tiễn đồng nghiệp sau 39 năm gắn bó với nghề “gõ đầu trẻ” về hưu, tôi có hỏi anh một câu: “Trong nghề dạy học, anh thích công việc gì nhất?”. Anh trả lời: “Làm giáo viên chủ nhiệm lớp!”. Câu trả lời của anh gây ra một cuộc tranh luận sôi nổi, người đồng tình thì ít, người phản đối thì nhiều.

 

Trong các nhiệm vụ của giáo viên, công tác chủ nhiệm lớp được xem là nặng nề nhất, phức tạp nhất, hao tâm tổn trí nhiều nhất. Thế nhưng, có người lại cho rằng làm chủ nhiệm sẽ có nhiều điều thú vị, nhiều niềm vui, nhất là thể hiện được năng lực, nhân cách, bản lĩnh sư phạm của người giáo viên.

Có người cho rằng làm nghề giáo mà chưa từng làm giáo viên chủ nhiệm lớp thì chưa phải là “thầy”. Công việc này nhận được “tưởng thưởng xứng đáng” bởi khi ra trường, người mà học sinh nhớ nhất, biết ơn (hay ghét) nhất... thường là giáo viên chủ nhiệm.

Trong nhà trường, lớp là đơn vị cơ sở, ở đó, những chủ trương, đường lối giáo dục của Ðảng, Nhà nước và nhiệm vụ chính trị của nhà trường hướng đến được triển khai, thực hiện.

Giáo viên chủ nhiệm là người chịu trách nhiệm trước hội đồng sư phạm, hiệu trưởng nhà trường về việc triển khai, thực hiện nội dung giáo dục. Họ là cầu nối giữa lãnh đạo với học sinh, là trung tâm kết nối giữa tất cả giáo viên tham gia giảng dạy tại lớp, là nhịp cầu giữa tập thể, từng cá nhân của lớp với các tổ chức đoàn thể trong trường; là người tổ chức, thực hiện nguyên lý giáo dục “nhà trường - gia đình - xã hội” nên phải thường xuyên giữ mối liên hệ với gia đình học sinh.

Giáo viên chủ nhiệm là người vạch kế hoạch, tổ chức cho lớp thực hiện các kế hoạch, theo dõi, đánh giá việc thực hiện của học sinh, theo dõi việc học tập, tu dưỡng rèn luyện đạo đức của học sinh, trực tiếp giải quyết tất cả những vấn đề liên quan đến lớp...

Ðó là một khối lượng công việc “khổng lồ”, phức tạp cần có sự hiểu biết, kỹ năng, sự khéo léo, tinh tế...

Thời gian vừa qua, ngành Giáo dục đã xảy ra nhiều chuyện buồn liên quan đến cách xử sự của giáo viên chủ nhiệm, ảnh hưởng đến vai trò, vị thế người thầy, uy tín của ngành.

Nguyên nhân của các vụ việc rất khác nhau, nhưng tôi đồng cảm với lời nhận xét của nhà giáo Trịnh Thị Thu Tuyết (nguyên giáo viên Trường THPT Chu Văn An, Hà Nội): “Thật buồn khi phải thừa nhận đó là sự kém cỏi cả về năng lực và nhân cách của người thầy!”.

Có thể nói rằng, trong nghề giáo công việc chủ nhiệm lớp là khó nhất. Giáo viên giỏi là giáo viên vừa giỏi về chuyên môn vừa thành công trong việc giáo dục học sinh, thể hiện rõ nhất trong công tác chủ nhiệm lớp.

Khi học trong trường sư phạm, sinh viên đã được trang bị lý thuyết về vai trò, nhiệm vụ, phương pháp, biện pháp giáo dục. Khi ra trường, các bạn có vận dụng được hay không đòi hỏi sự nỗ lực tu dưỡng, rèn luyện rất lớn của mỗi người. Thực trạng của ngành Giáo dục thời gian qua đã chứng minh điều đó.

Năm học 2016-2017, Sở GD&ÐT Tây Ninh tổ chức cho 82 giáo viên tham gia Hội thi giáo viên chủ nhiệm lớp lần thứ nhất để trao đổi kinh nghiệm và tôn vinh những giáo viên chủ nhiệm thành công.

Nhiều giáo viên kể lại những việc đã làm, rút ra những kinh nghiệm, bài học cho mình trong công tác chủ nhiệm. Có người chia sẻ rằng, dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào, tình yêu thương, sự chia sẻ, cảm thông và tinh thần trách nhiệm mãi mãi là chìa khoá vạn năng giúp chúng ta mở cửa những tâm hồn học sinh.

Thông điệp chung của những thầy cô giáo tham gia hội thi là muốn thành công trong công tác chủ nhiệm, trước hết giáo viên phải có lòng yêu thương, bao dung với học trò, phải biết tự kiềm chế cảm xúc, kiên trì, nhẫn nại, phải có “trái tim nóng và cái đầu lạnh”.

Công việc của người giáo viên chủ nhiệm lớp vốn đã khó khăn, thử thách, trong thời đại công nghiệp 4.0 lại càng nhiều khó khăn, thử thách hơn.

Giáo viên chủ nhiệm phải trở thành những người dẫn đường để học sinh không lạc lối. Các cấp quản lý giáo dục cần coi trọng vai trò, trách nhiệm của người giáo viên chủ nhiệm lớp, không ngừng bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng, giúp đỡ, tạo điều kiện để họ hoàn thành nhiệm vụ.

Giáo sư, tiến sĩ Ðinh Quang Báo, nguyên Hiệu trưởng ÐHSP Hà Nội cho rằng: “Dù xã hội bên ngoài có thế nào thì giáo dục vẫn phải là nơi sạch nhất, an toàn nhất”.

Tôi thiết nghĩ, nơi sạch nhất, an toàn nhất của học sinh trước hết là lớp học. Nơi đó, giáo viên chủ nhiệm là người có vai trò rất quan trọng.

DIỆU MAI

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục